Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 9)
Tác giả: Lưu Như
Tiếp theo Phần 8
[ChanhKien.org] Chúng ta có thể thấy rằng, từ việc nhà đến việc quốc gia, chỉ cần liên quan đến quản lý con người, thì đều thuộc về phạm trù rộng lớn Đế vương học. Cho dù quy mô, phạm vi khác nhau, nhưng trí tuệ cốt lõi để xử lý vấn đề lại như nhau, then chốt của trị quốc và tề gia chính là ở một chữ “đức”. Khổng Tử nói: “Cầm quyền phải coi trọng đức”, lần đầu tiên đứng từ góc độ xử lý việc quốc sự – việc cụ thể và cũng là quan trọng nhất – để nói rõ vai trò thực sự của “đức”, cũng chính là làm sao vận dụng chữ “đức” để xử lý việc quốc sự. Bởi vì “đức” là tôn chỉ của tất cả các nghề nghiệp, xa rời tôn chỉ này, thì dù bạn là người có kỹ năng chuyên môn cao đến đâu, đều có thể trở thành thứ vũ khí sắc bén bị người khác khống chế, đương nhiên kiến thức, tầm nhìn cũng sẽ hạn hẹp, không thể nắm được toàn cục, rất dễ rơi vào tình huống bị động.
Masahiro Yasuoka, người được xem là thầy của thủ tướng Nhật Bản thời cận đại đã từng chỉ rõ rằng, những người làm chính trị chỉ có năng lực chuyên môn hoặc kỹ năng thì không thể được gọi là chính trị gia được, chỉ có thể được coi là nhà chuyên môn thực hiện công việc cụ thể mà thôi. Sự khác biệt giữa hai loại người này chính là ở sự khác nhau về kiến thức và đức độ. Kỳ thực, nói thẳng ra biểu hiện bề ngoài chính là sự khác nhau về đạo đức. Đức nhiều hay ít thực sự quyết định trí tuệ cao hay thấp.
Chính trị gia không phải là nhà chuyên môn
Masahiro Yasuoka khi nghiên cứu các tể tướng, cũng không tách rời lịch sử Trung Quốc, khi nói về sự khác nhau giữa chính trị gia và nhà chuyên môn, ông đã nêu ra hai ví dụ đều là những danh tướng Trung Quốc cổ đại. Trong đó có câu chuyện Bính Cát hỏi trâu mà mọi người đều quen thuộc.
Câu chuyện này trích trong Hán Thư – Bính Cát truyện, thời Hán Tuyên Đế triều Hán, vào một ngày cuối xuân tể tướng Bính Cát đi ra ngoài, gặp người đi đường đánh lộn nhau, thấy có người chết nằm bên đường, nhưng Bính Cát lại không hỏi han gì mà cho xe đi qua, người hầu cảm thấy rất kỳ lạ. Không ngờ một lúc sau, thấy một con trâu tập tễnh, thở hồng hộc được một lão nông dắt qua, Bính Cát lại vô cùng ngạc nhiên như gặp kẻ địch, lập tức bảo người hầu dừng xe hỏi ông lão nguyên do tại sao.
Thuộc hạ cảm thấy rất khó hiểu, bèn hỏi Bính Cát vì sao lại coi trọng súc vật mà lãnh đạm với con người như thế.
Bính Cát trả lời: “Người đi đường ẩu đả đã có quan địa phương như Kinh Triệu Doãn xử lý rồi, ta chỉ cần lúc nào tiện thì tra lại chính tích (thành tích làm việc trong khi tại chức của quan lại) của ông ta thôi, có công thì thưởng, có tội thì phạt, như thế là được rồi. Tể tướng là chức quan cao cấp trong triều, việc hệ trọng mà ta cần quan tâm là những việc đại sự quốc gia (không phải là những việc ẩu đả nhỏ này). Nhưng việc hỏi trâu lại khác, nếu là mùa xuân, thời tiết vẫn không phải nóng quá, con trâu đó lại thở gấp vì nóng, như vậy chứng tỏ thời tiết hiện tại không được bình thường lắm, việc đồng áng tất sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng. Cho nên, ta qua hỏi thăm về con trâu”.
Masahiro Yasuoka cho rằng đây mới là chính trị gia chân chính, không bị hãm vào những sự việc cụ thể mà biết suy xét vấn đề một cách toàn cục. Cách nói của ông có chỗ đúng, nhưng vẫn chưa chạm đến căn bản.
Bính Cát nhận thức như thế nào về nhiệm vụ trọng yếu của tể tướng
Đọc câu chuyện này, chúng ta thấy Bính Cát không phải không quan tâm gì đến tính mạng con người, ngược lại, đây mới là cách làm của một vị tể tướng thực sự yêu dân. Trong tâm ông rất rõ ràng rằng, nơi xảy ra sự việc ẩu đả tất nhiên sẽ có quan lại và bộ phận quản lý trật tự của địa phương đến xử lý, ông chỉ cần giám sát chính tích về đức hạnh của các quan, ông chỉ cần có mắt nhìn người, tuyển chọn người hiền tài có năng lực gánh vác là được. Đương nhiên người có tội, người tắc trách thì phải bị trừng phạt, cảnh cáo hoặc cách chức. Nếu làm tốt những việc này, thì những quan chức hiền đức sẽ có thể xử lý tốt những việc ẩu đả này, từ đó có thể căn bản chăm sóc tốt cho người dân toàn quốc. Nếu quan lại các nơi đức hạnh kém, đó mới thực sự khiến người dân gặp nguy khốn. Một mình tể tướng dù có bao nhiêu sức lực, có thương xót người dân bao nhiêu đi nữa cũng không thể đích thân đến từng nơi trên toàn quốc để xử lý những sự việc này. Cho nên, có mắt nhìn người, lựa chọn người tài đức cho vua mới là việc lấy đức trị quốc của tể tướng, mới khởi được tác dụng căn bản của tể tướng, mới có thể thực sự giúp người dân được hưởng lợi.
Còn ý nghĩa của việc Bính Cát thấy trâu thở dốc, không phải ông quan tâm đến con trâu mà là quan tâm đến con người, ông lo rằng thời tiết không bình thường sẽ ảnh hưởng đến việc trồng trọt cấy hái, điều này liên quan đến sinh kế của cả quốc gia, là việc lớn liên quan đến sự tồn vong của người dân. Nếu việc trồng trọt cấy hái có vấn đề sẽ xảy ra nạn đói, đó mới là việc đáng sợ nhất, người chết sẽ không phải chỉ có một, hai người nữa.
Cũng chính là nói, tể tướng là người thay cho vua nắm toàn cục, phải hiểu rất rõ đâu là nhiệm vụ trọng yếu của bản thân. Ông không phải là người đi xử lý những vụ việc cụ thể, mà là người biết nhìn người và dùng người, điểm này Masahiro Yasuoka nói rất đúng. Nhưng vấn đề là, người ta cũng có thể nói rằng nhìn người và dùng người chính là nhiệm vụ cụ thể của tể tướng, người ở vị trí này vẫn phải nắm vững những bước làm cụ thể. Thực ra, nên nói ngược lại, tu dưỡng nhiều đến đâu, nhân đức lớn đến đâu thì sẽ có kiến thức và phong thái lớn đến đó, tự nhiên sẽ có thể nắm vững toàn cục. Nếu bản thân không có đức thì sẽ không thể công chính vô tư, lòng dạ tự nhiên sẽ hẹp hòi, sẽ thích nghe lời hay, nhãn quan tự nhiên sẽ thấp, kiến thức tự nhiên sẽ hạn hẹp, nhìn người cũng sẽ không chuẩn xác, thì sẽ càng không thể nắm vững toàn cục.
Tể tướng trị quốc – đức là tiên quyết
Vậy tể tướng nên nhìn người và dùng người như thế nào? Đâu là tiêu chuẩn? Câu trả lời rất đơn giản, lấy đức làm tôn chỉ, làm tiên quyết, sau đó mới là tài năng, nếu không thiên hạ tất sẽ đại loạn, địa vị thậm chí là tính mạng của chính tể tướng cũng khó mà giữ được.
Tể tướng nắm quyền tuyển chọn quan lại, có thể nói là dưới một người mà trên vạn người, rất nhiều lúc vận mệnh quốc gia nằm trong tay tể tướng. Tể tướng nếu kéo bè kết cánh, không yêu thương dân, chỉ nghĩ duy trì quyền lực của mình, thì không thể toàn tâm nghĩ cách chăm lo tốt cho người dân, như vậy những quan lại mà ông tuyển chọn sẽ là những kẻ xu nịnh chỉ biết làm vừa lòng ông, tâng bốc ông, bảo vệ ông. Dùng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, sẽ dẫn đến nền chính trị hủ bại, áp bức bách tính. Ngược lại, bản thân tể tướng cũng sẽ bị người khác lợi dụng và điều khiển. Khổng Tử nói: “Xảo ngôn lệnh sắc, tiên hỹ nhân” (Nghĩa là: Lời nói khéo léo, sắc mặt cười lấy lòng, thì hiếm khi nhân đức). Những người nịnh nọt, tâng bốc này đều chỉ vì tư lợi cho bản thân, không thực tâm đối đãi với người khác. Cuối cùng chẳng qua chỉ là lợi dụng lẫn nhau. Tể tướng nếu vô đức, quan lại bên dưới tất nhiên sẽ vô đức, bản thân cũng không thể thoát khỏi kết cục bị người khác lợi dụng và phản bội.
Cho nên, một người có nhân đức, nói có đạo lý, tất nhiên sẽ đứng ở vị trí của bản thân mà suy nghĩ làm sao cầm quyền phải coi trọng đức, làm tể tướng khi xử lý việc chính sự phải lấy đức làm trung tâm. Cho nên Bính Cát với vai trò là tể tướng thay mặt vua tuyển chọn người hiền tài, giám sát các quan cũng phải lấy đức làm trung tâm. Dùng tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá chính tích của quan lại, từ đó tuyển chọn người tài. Việc ông làm, bản chất chính là công việc chính sự chủ yếu của đế vương. Cũng là nội dung chủ yếu của Đế vương học. Có điều như vậy thì nhãn quan nhìn người của đế vương khi lựa chọn tể tướng lại trở nên rất quan trọng. Nếu nhìn nhận sai thì sẽ bị gian thần làm lại, bị gian thần lợi dụng và điều khiển. Tần Cối chính là một ví dụ mà mọi người đều biết rõ, ông ta đã gây ra những việc làm bán nước, hại chết Nhạc Phi, làm cho cha con Tống Huy Tông phải chịu nhục cùng cực, bị nước Kim giam cầm, không thể trở về triều. Tống Huy Tông có thể coi là vị hoàng đế phải chịu nhục nhã nhất trong lịch sử vì dùng người không đúng mà phản tác dụng.
Lời kết
Câu chuyện này thực chất để nói rõ hai điểm, thứ nhất là người làm chính trị ở vị trí khác nhau sẽ có những nhiệm vụ chủ yếu khác nhau, không thể đánh đồng với nhau. Đây cũng là một cách hiểu cụ thể của câu “Bất tại kỳ vị bất mưu kỳ chính” (Nghĩa là: Không ở vị trí ấy thì không bàn luận mưu tính việc ấy); Thứ hai chính là điều quan trọng nhất, dù ở vị trí nào, xử lý nhiệm vụ nào cũng đều phải lấy đức làm trung tâm, nếu không không những sẽ không có trí tuệ để xử lý công việc, mà còn bị rối loạn. Ví dụ việc chính sự của tể tướng, nếu ông chỉ biết làm việc chính sự của mình mà lại vô đức, tuyển chọn những người ỷ quyền mưu tư lợi, tham ô trái pháp luật, như vậy quốc gia chẳng bao lâu tất sẽ loạn, nhân tâm tất sẽ bại hoại, các nơi liên tục nổi loạn. Đến lúc đó, địa vị của tể tướng cũng không ổn định, những chuyện đánh nhau sứt đầu mẻ trán cũng theo nhau xuất hiện, tất nhiên tể tướng cũng không được yên thân. Những bài học như thế trong lịch sử có rất nhiều.
Vì thế không ở vị trí của họ tuy rằng không bàn luận mưu tính việc của họ, nhưng người ở vị trí đó, tất phải biết lấy đức trị quốc. Nếu không như thế thì sẽ không có tư cách để ngồi ở vị trí đó, cho dù có ngồi ở vị trí đó cũng không ổn định, không tại vị được lâu. Đế vương vô đức sẽ bị lật đổ, tể tướng hay quan lại vô đức sẽ bị kết tội, hoặc sẽ chịu họa tống vào lao ngục. Đạo lý này vẫn đang xảy ra ở Trung Quốc ngày nay, chỉ là thời gian báo ứng sớm muộn khác nhau mà thôi.
Đương nhiên, đây cũng chính là lý do vì sao thời cổ đại các thánh hiền khi cưới vợ lại trọng đức, tuyển chọn người hiền. Việc tề gia cũng cần hiền thê mới có thể quản lý tốt, gia đình mới hòa thuận, hưng thịnh.
Masahiro Yasuoka nêu ra câu chuyện này để nhắc nhở mọi người không nên trở thành người chỉ hiểu nghiệp vụ và kỹ năng mà không hiểu thiện ác, thị phi, đánh mất tôn chỉ làm người. Phân biệt chính trị gia và nhà chuyên môn, nói thẳng ra là phân biệt người có đức và người vô đức. Không có đức định hướng cho tài năng, chỉ đạo cho nghiệp vụ thì tài năng và kỹ năng của người ta sẽ bị dùng vào việc xấu.
Sau khi hiểu được những điều này, quay lại xem tôn chỉ cầm quyền và đạo quân vương trong Trinh Quán Chính Yếu, sẽ thấy vô cùng cảm kích.
Xem tiếp Phần 10
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/247806
Ngày đăng: 12-07-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.