Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 39): Từ xưa đến nay đế vương làm việc thiện nhiều, nhưng khó thận chung



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Như đã đề cập ở trên, Đường Thái Tông vào năm thứ 9 Trinh Quán, đã đạt được nền thái bình thịnh thế, vì vậy trước đông đủ quần thần ông đã lập chí hướng sao cho đường trị lý của triều Đường trở thành tấm gương của vạn thế hệ mai sau, vì điều này, ông khích lệ các quan lại kiên trì nên đức trị cho đến cuối cùng, đây chính là thận chung.

Từ xưa đến nay lập chí thì dễ, thực hiện mới khó, thực hiện dễ mà giữ gìn thành quả mới là khó, trong lòng Thái Tông đã lập ra hoài bão lớn như vậy, vậy tất nhiên sẽ không thể buông lỏng, luôn đứng ở vị trí của đế vương mà không ngừng suy xét vấn đề thận chung này. Vậy ông làm như thế nào? Một biện pháp chính là cứ liên tục đọc sử sách không buông tay, từ đó nhận được giáo huấn các hoàng đế trong quá khứ, để không ngừng thức tỉnh bản thân đừng quên thận chung. Tiếp theo chúng ta xem đoạn thứ 4 của chương “luận thận chung” với nội dung “quân thần luận sử”, qua đó ta sẽ cảm thụ sâu sắc độ khó của thận chung và tình huống chân thực về việc hành thiện của các đế vương thời cổ đại.

Đại ý đoạn 4:

Trinh quán năm thứ 12: Hoàng đế Đường Thái Tông nói với các quần thần: “Ta thông qua đọc sách lịch sử, phát hiện các quân vương xưa kia làm việc thiện đều học theo, dùng sức lực của mình làm mà không biết mệt mỏi, Trẫm trọng dụng các khanh, theo lý mà nói cũng đều được tính là rất hiền đức. Nhưng không đạt được thịnh thế như thời đại Tam Hoàng Ngũ Đế, vì sao như vậy?” Ngụy Trưng trả lời: “Hiện tại các dân tộc thiểu số xung quanh đều thần phục, thiên hạ thái bình vô sự, xác thực là tự cổ chí kim đến nay đều chưa từng có việc trọng đại như vậy. Các hoàng đế thời xưa khi vừa mới lên ngôi, họ đều muốn nỗ lực trị quốc, chú trọng chính sự, noi theo gương Ngiêu, Thuấn, nhưng chính là đến lúc thiên hạ thái bình, giàu có an lạc, họ bắt đầu buông lỏng bản thân, xa hoa dâm dật, chưa có ai làm đến thận chung. Còn về các thần tử, lúc mới được bổ nhiệm, đều ngưỡng mộ khí phách của các lương thần cổ đại, ôm trong lòng hoài niệm phụ tá quân vương, hoành nguyện tế thế cứu dân. Đến khi vinh hoa phú quý, họ bắt dầu để tâm vào việc làm thế nào mới có thể giữ được chiếc mũ ô sa, bảo toàn tính mệnh, cũng không có ai có thể tận chung với trách nhiệm của mình, thật sự lo cho nước cho dân. Nếu như quân thần song phương đều có thể không lơ là chểnh mảng, ghi nhớ đạo lý thận chung, như thế có thể vô vi nhi trị, thiên hạ vô ưu, nếu làm được như vậy, tự nhiên có thể vượt qua người xưa”. Đường Thái Tông nói: “đúng như những gì khanh nói”.

Giải thích: Từ xưa đến nay đế vương làm việc thiện nhiều nhưng khó thận chung.

Đoạn này tiết lộ 3 vấn đề: Một là những cuốn sách lịch sử mà Thái Tông đã đọc không chỗ nào đề cập đến đấu tranh giai cấp, mà chủ yếu là ghi chép những bài học giáo huấn về được mất của mỗi vị đế vương khác nhau, những giáo huấn này từ đầu đến cuối xoay quanh việc có chú trọng đạo đức hay không. Tuy rằng trong đoạn thoại này không đề cập đến việc Thái Tông đã đọc sách sử gì, cũng không đề cập đến vị vua cụ thể nào, mà là cảm nhận chung sau khi đọc sách lịch sử. Nhưng như chúng tôi bên trên đã đề cập, những cuốn sách lịch sử sớm nhất là những kinh điển được Khổng Tử chỉnh lý làm tài liệu giáo dục, vô luận là “Thượng Thư” hay là “ Xuân Thu”, đều biểu thị rõ rằng, ngay từ đầu những ghi chép của lịch sử là để chuyên ghi lại những lời nói, hành vi hay sự kiện của một triều đại hoàng đế hoặc các vua của nước chư hầu. Tận đến cuốn “Sử Ký” của triều đại nhà Hán, mới hệ thống địa vị các quan đại thần và lập truyện cho những nhân vật điển hình trong dân gian. Dù vậy, “Đế Vương Liệt Truyện” vẫn được đặt ở vị trí cốt lõi và quan trọng nhất, gọi là bản kỷ, nghĩa là lịch sử căn bản nhất. Bởi vì thế, chúng ta xem chí hướng tư tưởng của người lãnh đạo một đất nước, hay phương pháp điều hành của họ, thì mới có thể hiểu được đầu mối nguyên nhân dẫn đến hưng thịnh hay suy bại của một triều đại, cũng như hiểu được định hướng giá trị văn hóa nghệ thuật và đặc điểm văn hóa của dân tộc. Cho dù là quan chép sử biên soạn lịch sử thế hay là người đọc sách, họ đều minh bạch những đạo lý này, vì vậy nếu như hôm nay người đọc sách sử giải thích sơ sài nông cạn, thì đều không liên quan gì đến họ.

Chúng ta thấy Thái Tông, đọc sách lịch sử mà thấy được quân vương và thần tử thời cổ đại đại đa số không hồ đồ, họ cũng đều đã được học nho học, hiểu biết lịch sử, làm vị vua nhân nghĩa, hiểu và lựa chọn những người hiền đức; còn quan lại, thần tử tất có trí hướng tế thế cứu dân, hiểu và thi hành lấy đức trị quốc, vì thế, mới thu được thái bình. Chẳng qua là, chí hướng của Thái Tông hồng đại to lớn, cho rằng họ nếu đã làm như vậy thì lẽ ra có thể đưa đến xã hội thịnh vượng thời kì Tam Hoàng Ngũ Đế mới đúng, nhưng hiện thực không thể làm được như vậy. Có thể thấy lịch sử nước Trung Quốc, hôn quân không nhiều, dòng chủ lưu đều trong sạch nhân nghĩa, hiểu phép tắc hành thiện. Nhưng dù vậy, người có thể đạt đến trình độ của thánh vương tiên cổ, có thể không bị nguyện vọng của con người thao túng, kiên định đến cuối cùng, cũng là rất hiếm thấy. Mà chí hướng của Thái Tông chính là muốn đạt đến chỗ cao nhất này.

Đoạn thứ 2 cũng nói với chúng ta, từ xưa đến nay đế vương và học giả đều lấy Tam Hoàng Ngũ Đế làm gương, là tôn chỉ làm người và trị quốc, là đạo lý bất biến. Nếu như phỉ báng họ, xuyên tạc bôi nhọ hình tượng của họ, cổ động mọi người hoài nghi tổ tiên, như thế đạo đức tất nhiên sẽ bại hoại. Người xưa chưa từng xem những bậc Thánh vương này là thủ lĩnh các bộ lạc, việc bôi nhọ của ngày nay có thể nói là đang giễu cợt và hạ thấp tổ tiên của chính mình, là sự việc mà các Hoàng Đế trong lịch sử đều không dám làm. Chúng ta làm như vậy, tương đương với nhục mạ chính mình, điều đó xuất phát từ sự bạo ngược, không có nguồn gốc văn hóa cao quý, thật đáng buồn biết bao. Đạo đức vì sao nhanh chóng bại hoại, không cần nói chúng ta cũng tự minh bạch.

Điểm cuối cùng. Chính là Ngụy Trưng hồi đáp nghi vấn của Thái Tông, khẳng định cho Thái Tông về tính đúng đắn của việc lấy đức trị quốc, để Thái Tông không giao động và hoài nghi, chỉ để tâm kiên trì đi tiếp được, có thận chung hay không, đó mới là khảo nghiệm lớn nhất, là điểm mấu chốt để có thể đạt được cảnh giới của thánh vương, mở ra thịnh thế lý tưởng, vượt qua thành tựu của các hoàng đế các triều đại hay không.

Đây là nguyên nhân người xưa đọc sách lịch sử: là vì để tu thân trị quốc. Nếu người hiện đại hiểu được điểm này, họ có thể đắc được trí huệ lớn để quản lý công ty. Những công ty có thể truyền từ đời này qua đời kia, tồn tại mấy trăm năm không sụp đổ, cũng nguyên nhân vì tuân thủ giáo huấn của xã hội, có tôn chỉ nghiêm ngặt, hình thức và phương pháp cụ thể trong kinh doanh có thể biến đổi, thậm chí nghiệp vụ có thể thay đổi, nhưng những tôn chỉ làm người giữ vững nhân nghĩa như thành tín, cống hiến vì xã hội, sẽ không vì thấy lợi mà quên nghĩa, quân tử yêu tiền tài và có được nó một cách có đạo lý v.v. sẽ không thay đổi, ai có thể kiên trì giữ vững nguyện ban sơ, coi sự nghiệp là nguyện ban sơ vì tạo phúc cho đại chúng, ai có thể giữ vững con đường kinh doanh đó, sẽ khiến cho công ty phồn vinh bất bại, đạo lý này cùng với đạo lý trị quốc không có gì khác nhau. Cũng có rất nhiều công ty phồn vinh nhất thời, kinh doanh một đời hai đời, rất nhanh, rất nhanh liền biến mất, nguyên nhân chính là không có tôn chỉ kinh doanh đúng đắn, dù là có đi chăng nữa, cũng không có kế thừa kiên trì. Giống như Ngụy Trưng nói, giàu có an vui rồi, liền bắt đầu buông thả bản thân. Không thể thận chung, tất nhiên sụp đổ và tiêu vong.

Có thể thấy, Thái Tông không chỉ có chí hướng rộng lớn và lâu dài, khiến cho việc trị quốc sớm có mục tiêu, mà còn từ đầu cho đến cuối cùng đều có thể thực hành đức trị do Tam Hoàng Ngũ Đế lưu lại, cũng chính là con đường vô vi trị quốc, như vậy mới hoàn thành mục tiêu. Cũng chính là nói, làm vinh diệu cho người Trung Quốc, văn hóa nhà Đường trong thời đại thịnh vượng đại biểu cho nền văn minh Trung Hoa hoàn toàn không ngẫu nhiên, mà là xuất phát từ mục tiên cả đời của Thái Tông. Không có mục tiêu này, quân thần sẽ không có phương hướng để nỗ lực, nhưng nếu chỉ có mục tiêu mà không kiền trì đức trị đến cùng, cũng sẽ uổng phí công sức. Thái Tông làm được đến thận chung, đây là thành tựu huy hoàng thu hút được sự chú ý của toàn thế giới, nền thái bình đó đã vượt trên nền thái bình thông thường của các hoàng đế bình thường, đó chính là bài học lớn nhất mà thịnh thế Trinh Quán lưu lại cho người đời sau. Đó là trí huệ căn bản nhất, nó hoàn toàn không dựa vào kĩ thuật cao cấp và hệ thống pháp luật nghiêm ngặt hay những thủ đoạn cao minh của con người.

Từ đó về sau, Thái Tông chỉ cần có chỗ nào không đúng, sẽ được Ngụy Trưng chỉ ra, để Thái Tông ghi nhớ nguyện vọng của ông là thận chung, trong chương “Luận thận chung”, ghi lại một tấu chương của Ngụy Trưng viết gửi Thái Tông, đã nhắc nhở Thái Tông trên mười phương diện rằng ông đã bắt đầu có dấu hiệu buông thả, bản tấu này được ghi chép lại đầy đủ, không che đậy cho những sai lầm của Thái Tông, lời nói thẳng thắn, càng thể hiện rõ thêm sự thản đãng quang minh của Thái Tông, ông không phải là không có lỗi, mà điểm hơn người của ông là thái độ dám nhìn thẳng và tiếp nhận sau khi bị chỉ ra sai lầm.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/252622



Ngày đăng: 08-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.