Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 6)



Tác giả: Lưu Như

 

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 5.

Trong cuộc sống của người Nhật Bản đâu đâu cũng thể hiện văn hóa Nho học, ví dụ cửa hàng Nhật Bản bán sản phẩm giá rẻ thường đề chữ “お德”. Nghĩa là gì? Chính là nói sản phẩm này rất rẻ, rất đáng mua, có thể mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Chữ “đức  – 德” ở đây mang hàm ý “đắc, đạt được”. Đó là dùng lý giải của người Trung Quốc cổ đại đối với chữ đức: người có đức mới có thể đắc được, đạt được, hai chữ đồng âm này mang hàm nghĩa sâu xa. Lấy một ví dụ khác, ở Nhật Bản gọi việc nhà (gia vụ – 家务) là gia chánh (家政), sự xuất hiện các trường đại học gia chánh ở đây cũng không có gì đáng ngạc nhiên (Ghi chú: Trước năm 1949, các trường đại học ở Trung Quốc đại lục còn có khoa gia chánh, sau khi Trung Cộng cướp chính quyền đã bỏ cách gọi gia chánh này). Vì sao vậy? Thực ra tất cả đều bắt nguồn từ giáo dục Nho học. Về bản chất là tư tưởng đế vương học của Nho học sớm đã thâm nhập vào đời sống người dân Nhật Bản, ngay cả người phụ nữ chăm lo việc nhà cũng có thể vận dụng được, đó đều là học vấn về “vi chính”.

“Vi chính dĩ đức” mà Shibusawa Eiichi lĩnh ngộ

Đầu tiên chúng ta hãy xem Shibusawa Eiichi – cha đẻ của kinh tế tư bản Nhật Bản giải thích thế nào về câu nói “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh cộng chi” của Khổng Tử. Hiểu được lý giải của ông, chúng ta sẽ thấy rõ đế vương học không chỉ là học vấn về trị quốc, nó còn bao hàm cả quản lý gia đình, trọng tâm của nó không gì khác ngoài một chữ “đức”.

Shibusawa Eiichi cho rằng, câu nói này của Khổng Tử có nghĩa là: “Thi hành chính trị phải luôn đặt đạo đức ở vị trí trung tâm, nghĩa là sao? Lấy một ví dụ là sao Bắc Đẩu, sao Bắc Đẩu thường ở một vị trí cố định, bất biến bất động, các ngôi sao trên bầu trời đều lấy sao Bắc Đẩu làm trung tâm mà chuyển động quanh nó”. Ý nói là việc triều chính cần phải xoay quanh đạo đức, lấy đạo đức làm trung tâm, dù có quy định và thực thi bất cứ mệnh lệnh hay chính sách pháp luật nào đều không thể thay đổi nguyên tắc và tôn chỉ căn bản này. Hơn nữa, ông còn giải thích rõ ràng và xác đáng về chính trị như sau: “Xem ra chính trị không chỉ giới hạn ở quốc gia, mà việc kinh doanh của một xã hội (công ty), việc quản lý một trường học, việc duy trì một gia đình cũng đều là chính trị”.

Ý nghĩa là gì? Thực ra đây là lĩnh ngộ và lý giải của ông đối với câu nói “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Tăng Tử. Nói thẳng ra, tư tưởng của Tăng Tử là do được Khổng Tử đích thân hướng dẫn, dạy bảo, Khổng Tử từ “nhân” mà giảng đến “hiếu”, từ “hiếu” mà giảng đến “trung nghĩa”,  chính là từ trong gia đình mà giảng đến xã hội, hết thảy đều xoay quanh nhân đức mà giảng. Vì thế Tăng Tử sau khi lĩnh hội đã tổng kết ra câu nói này, mục đích là để từ những người cầm quyền nhớ kỹ rằng việc cầm quyền bắt đầu từ tu thân. Hiển nhiên Shibusawa Eiichi hiểu được ở thời đại Minh Trị làm thế nào căn cứ theo hiện trạng xã hội thời đó để ứng dụng tư tưởng của Tăng Tử.

Từ gia đình đến quốc gia, chỉ khác nhau về quy mô sự việc, về bản chất không có sự khác biệt quá lớn, tất cả việc gia đình, việc quốc gia đều lấy cơ sở là trọng đức tu thân. Ngoại trừ việc một thân một mình sống qua ngày không được coi là chính trị, chỉ cần bạn có gia đình thì cần phải quản lý cả gia đình, chịu trách nhiệm với gia đình, có các mối quan hệ trên dưới, già trẻ, anh em, vợ chồng, chính là có quản lý và nghĩa vụ của con người, thì tức là bắt đầu làm chính sự rồi.

Một gia đình có liên quan đến kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, sức khỏe, gia phong, một quốc gia chẳng phải chủ yếu cũng liên quan đến những vấn đề này sao? Chỉ khác là gia phong thay thế bằng pháp luật, chỉ khác là “gia đình” quốc gia này rất to lớn, cần phải có quan chức chuyên trách quản lý. Lúc này mới xuất hiện việc chọn lựa quan chức. Cho nên gia đình và quốc gia chỉ khác nhau về quy mô mà thôi.

Từ việc quản lý gia đình của Bảo Thoa trong Hồng Lâu Mộng để xem xét “vi chính dĩ đức”

Tôi thường bàn về Hồng Lâu Mộng, nguyên do là cuốn sách này miêu tả cụ thể việc người phụ nữ trong rất nhiều gia tộc lớn đã quản lý gia đình như thế nào, đây là điểm khác biệt của cuốn tiểu thuyết này với các cuốn cổ thư và tiểu thuyết khác, tư tưởng và phương pháp quản lý gia đình thời xưa được miêu tả vô cùng chi tiết. Đặc biệt là phụ nữ quản lý gia đình, sự giáo dục và tính cách khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Hai nhân vật mà tôi ấn tượng nhất là Tiết Bảo Thoa và Vương Hy Phượng, một người tài đức vẹn toàn, một người có tài mà không có đức, vì thế kết cục hoàn toàn khác nhau. Vương Hy Phượng tham tiền tài làm trái pháp luật, đối xử với người dưới vô cùng hà khắc, lúc cô ta mắc bệnh thì người bên dưới giậu đổ bìm leo, ngay cả tang lễ của Giả Mẫu cũng làm qua loa, lúc chết không ai thương tiếc, chỉ có một tấm chiếu cói che thân, thật thê thảm. Nhưng nhìn vào cách quản lý gia đình của Tiết Bảo Thoa thì thấy kết quả hoàn toàn khác.

Có lẽ mọi người đều biết rõ câu chuyện về Tiết Bảo Thoa quản lý gia đình thay cho Vương Hy Phượng bị bệnh nặng. Bảo Thoa được Vương phu nhân mời đến để cùng Thám Xuân quản lý gia đình thay cho Vương Hy Phượng. Bảo Thoa phát hiện rất nhiều khoản chi tiêu lãng phí, để tránh lãnh phí, đồng thời tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, hai người phụ nữ đã thay đổi một số việc. Đáng nói ở đây là để tiết kiệm một khoản chi phí lớn, họ đã quyết định thay đổi phương thức quản lý Đại Quan Viên, trước đây thường phải chi một khoản tiền lớn để thuê người chăm sóc vườn cây ăn quả, nay chuyển thành thành giao khoán cho các bà hầu già giúp việc, phát huy khả năng của những người này, như vậy các bà già giúp việc có thể tự mình quản lý tốt việc trồng trọt cây cối và chăm sóc các loài động thực vật khác trong vườn. Những sản vật thu hoạch được từ việc tự quản lý các khu vườn, ngoài một phần dâng lên các công tử và tiểu thư sống trong Đại Quan Viên, phần còn lại còn có thể đem bán, số tiền bán được còn có thể tính vào thu nhập của gia tộc, vậy là không chỉ không tốn tiền thuê người quản lý khu vườn mà còn có được một khoản thu nhập.

Thám Xuân vì thế mà rất vui, Bảo Thoa lúc này cũng rất tỉnh táo nhắc nhở cô ấy, không nên chỉ vui mừng vì bản thân mình có thu nhập mà quên mất công sức lao động vất vả suốt một năm của những bà hầu già, cũng cần phải cho họ có thu nhập mới được, chúng ta chỉ lấy một phần thu nhập có tính tượng trưng là được rồi, phần còn lại hãy để cho họ, làm như thế họ cũng sẽ tận tâm tận lực với chúng ta. Nếu không chúng ta sẽ trở thành hạng tiểu nhân phố chợ, thấy lợi quên nghĩa, chỉ gây thù chuốc oán. Bảo Thoa đã nhắc nhở Thám Xuân đừng quên lời dạy của Khổng Tử.

Hai người con gái có giáo dục, trong khi quản lý gia đình đã đàm luận đến học vấn của Khổng Tử, mọi người nghe cũng không hiểu, thực ra ý nghĩa chính là trong quản lý gia đình cũng không thể quên tư tưởng cốt lõi là đạo đức, không thể không nghĩ đến cuộc sống của người khác, nếu không sẽ làm suy giảm lòng nhiệt huyết của người dưới. Kết quả các bà hầu già nghe nói vậy đều vô cùng cảm kích và kính phục Bảo Thoa, họ đều chăm chỉ làm việc.

Chỉ cần đọc qua Luận Ngữ thì ai cũng đều biết được câu nói “vi chính dĩ đức” này, nhưng sự khác biệt chính ở chỗ này. Vương Hy Phượng tuy xuất thân từ một gia tộc lớn nhưng không được dạy Tứ Thư, chỉ là trong quá trình lớn lên thấy mẹ và các trưởng bối quản lý gia đình, quan sát nhiều thì tự nhiên học được thôi, nhưng thứ mà cô ấy thiếu chính là đức, vì thế không thu được lòng người. Còn Bảo Thoa đối xử rộng lượng với mọi người, trong nhà người trên kẻ dưới đều phục tùng, mọi người đều tán thưởng, từ đó ta có thể thấy được tầm quan trọng của giáo dục Nho học chính thống. Nhờ được giáo dục nên ngay cả người phụ nữ cũng ứng dụng được vào việc quản lý gia đình và dạy dỗ con cái chỉn chu.

Ứng dụng vào quản lý gia đình thời hiện đại

Có người sẽ nói, những gia tộc thời cổ đại đó mới có cơ hội quản lý nhiều việc lớn trong gia đình như vậy, kẻ dưới người làm cũng nhiều, tất nhiên giống như một xã hội thu nhỏ, còn một gia đình hiện đại bình thường chỉ đơn giản có mấy người, có lẽ không thể áp dụng được “vi chính dĩ đức”. Tôi đơn cử kể một việc mình đã từng làm.

Còn nhớ nhiều năm trước, chồng tôi mở công ty ở Bắc Kinh, bố mẹ chồng tuổi đã già, sức khỏe không được tốt nên muốn sống cùng với con trai. Họ định nhanh chóng bán căn hộ của mình, sau đó bảo con trai bỏ thêm một phần tiền, góp vào để mua một căn hộ ở Bắc Kinh. Vì căn hộ mà chúng tôi đang ở là đi thuê, bố mẹ chồng cảm thấy căn hộ đi thuê không ổn định, không phải nhà của mình, vậy nên đã thúc giục chồng tôi phải mua một căn hộ, để bố mẹ chồng chuyển đến Bắc Kinh sống cùng con cái.

Căn hộ ở Bắc Kinh thời đó rất đắt, chồng tôi cảm thấy mua căn hộ sẽ mất giá rất nhanh, sau này lại hối tiếc, hơn nữa không khí ở Bắc Kinh rất ô nhiễm, nhỡ các cụ đi khỏi nơi ở cũ rồi mà lại không thích nghi được với môi trường ở đây thì lại hối hận, muốn quay về cũng không được, lúc đó lại phải mua căn hộ nữa, vậy sẽ bị chênh lệch giá rất lớn, tổn thất quá lớn thì các cụ lại đau lòng, nói không chừng lại ngã bệnh. Chồng tôi bị thúc giục, nhưng anh lại là người con hiếu thảo, không biết phải khuyên các cụ thế nào, nếu không làm theo lời bố mẹ, sẽ sợ các cụ sẽ đau lòng vì đứa con trai các cụ nuôi lớn mà không biết hiếu kính cha mẹ, nếu làm theo lời bố mẹ lại cảm thấy rất không ổn. Vì thế anh đã chia sẻ nỗi khổ tâm này với tôi.

Lúc đó tôi nghĩ, nếu tôi về già thì có nóng lòng muốn con cái ở bên không, có yên tâm không, tôi phải hiểu được tâm lý người già. Tôi không thể oán trách, nhưng hoàn toàn nghe theo bố mẹ chồng lại thấy thật không ổn. Vậy làm sao để bố mẹ có thể nghe lời khuyên mà không hiểu lầm rằng con cái không nỡ bỏ tiền đây? Tôi đột nhiên nghĩ ra một cách, chuyển phần lớn số tiền gửi ngân hàng của vợ chồng tôi vào tài khoản của các cụ, như thế các cụ sẽ không nghi ngờ rằng chúng tôi tiếc tiến. Sau đó chúng tôi sẽ nói với các cụ là không nên mua nhà, trước tiên hãy thuê một căn hộ, qua đó ở một năm, nếu cảm thấy phù hợp thì lúc đó quyết định mua nhà cũng chưa muộn.

Chồng tôi nghe xong rất kinh ngạc, như cởi được nút thắt trong lòng, vui vẻ cảm ơn tôi đã giải quyết giúp cho anh một vấn đề khó. Kết quả là các cụ hoàn toàn không cần chúng tôi chuyển tiền, cũng nghe theo lời các con, hiểu được tâm tư của các con, liền thôi không mua nhà nữa. Chồng tôi hỏi tôi vì sao có thể nghĩ được một biện pháp hay như vậy, tôi nói con người chỉ cần trong tâm có thiện niệm, biết nghĩ cho người khác, thì tự nhiên sẽ có linh tính mách bảo.

Nên cũng nói, “vi chính dĩ đức” cũng có thể được ứng dụng vào quản lý gia đình thời hiện đại.

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/247450



Ngày đăng: 13-06-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.