Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 12)



Tác giả: Lưu Như

Tiếp theo Phần 11

[ChanhKien.org]

Đoạn hai trong Trinh Quán Chính yếu bàn luận về “thế nào là minh quân”. Trọng tâm của đoạn này là đạo lý “nghe các ý kiến từ nhiều phương diện mới hiểu rõ được vấn đề”. Nói một cách thông thường là cần nghe ý kiến từ nhiều phương diện rồi mới đưa ra quyết định, không nên nghe ý kiến một chiều đã tin ngay. Đoạn này khiến chúng ta liên tưởng đến đạo trung dung mà Khổng Tử dạy. Hàm nghĩa chính của trung dung chính là “quá do bất cập” (thái quá cũng như bất cập), cũng có nghĩa là không được đi đến cực đoan. Đối nghịch với trung dung là đạo của kẻ tiểu nhân, tất sẽ đi sang cực đoan, đi đến cùng đường mạt lộ. Đạo trung dung này thực chất chính là thể hiện nơi thế gian của đạo lý âm dương cân bằng của Đạo gia, đạo trung dung được Khổng Tử coi là cảnh giới tối cao của nhân đức. Cũng là điều con người khó làm được nhất, dễ lầm lạc nhất, vì lẽ đó mà con người rất dễ đi sang cực đoan, đánh mất trí tuệ, khiến cho không thể đưa ra quyết định sáng suốt.

Nhà Hán học người Nhật Bản Masahiro Yasuoka khi nghiên cứu lịch sử triều Tống đã sắc bén chỉ ra rằng: Triều đại nhà Tống quá chú trọng “văn” còn “võ” thì lại xem nhẹ, chỉ nghe các ý kiến của các văn nhân, dẫn đến trên chính đàn những lý luận sáo rỗng của giới văn nhân nhiều quá, khiến việc giải quyết các công việc thực tế bị sai lệch, các học phái, đảng phái tranh luận không ngớt, thời Tống Nhân Tông có vẻ hoà bình và phồn vinh, nhưng thực chất đã đi đến đường cùng.

Hiện tượng mà Masahiro Yasuoka nói đến kỳ thực là do quá khoan dung (nhu) trong khi chính nghĩa (cương) lại không đủ mạnh, khoan dung một cách vô nguyên tắc, dung túng cho kẻ xấu, cương nhu không hài hòa, khiến cho quốc gia đi đến cùng đường phải chịu khuất nhục. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách làm của Đường Thái Tông văn võ tương xứng, cương nhu cân bằng.

Thế nào là minh quân

Trước tiên chúng ta hãy đọc nguyên văn đoạn thứ hai của Trinh Quán Chính yếu:

Đoạn đối thoại này rất mộc mạc, năm Trinh Quán thứ hai, Đường Thái Tông hỏi đại thần Ngụy Trưng: “Thế nào là minh quân và hôn quân” Ngụy Trưng đáp: “Vua thánh minh là vì biết nghe ý kiến và quan điểm khác nhau ở nhiều phương diện; vua ngu tối là bởi chỉ biết nghe và tin lời một phía. Kinh thi viết: “Tiên nhân hữu ngôn, tuân vu sô nghiêu” (nghĩa là: người xưa có câu rằng hãy hỏi ý kiến của kẻ cắt cỏ và đốn củi). Xưa ông Nghiêu, ông Thuấn mở rộng cửa ngõ bốn phương để nắm tình hình của bốn phương tám hướng trong thiên hạ; mở rộng tai mắt để hiểu tình hình các nơi, lắng nghe các ý kiến khác nhau. Vì thế minh quân không việc gì không biết, cho nên những lời hoa mỹ của những loại người có tài không có đức như Cộng Cung, Cổn không thể bịt mắt được minh quân; lời xu nịnh và gian kế của lũ tiểu nhân gian tà cũng không thể mê hoặc được minh quân. Tần Nhị Thế thì không như vậy, sống trong thâm cung, xa lánh hiền thần, xa rời dân chúng, chỉ tin lời Triệu Cao, đến khi thiên hạ bang hoại, dân chúng phản loạn cũng không biết. Tùy Đạng Đế chỉ tin lời Ngu Thế Cơ, quân khởi nghĩa các lộ đánh lấy thành trì, cướp lấy hương ấp mà vẫn không hay biết. Bởi thế, vua mà biết chắt lọc lắng nghe, thu nạp rộng rãi các ý kiến của quần thần, tiếp thu kiến nghị của bề tôi thì đại thần dù quyền thế cao đến mấy cũng không thể che dấu tình hình bên dưới, bịt mắt vua, một tay che trời, mà tiếng kêu của bá tánh ắt có thể tới tai vua”. Thái Tông rất tán thành ý kiến của Ngụy Trưng.

Luận giải của Ngụy Trưng rất rõ ràng, ông muốn Thái Tông biết lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, nghe nhiều rồi sẽ tự hiểu rõ, chỉ nghe một chiều sẽ phiến diện. Tiếp đó ông đưa ra các tấm gương tích cực trong lịch sử về hai vị hoàng đế thánh minh là Vua Nghiêu và Vua Thuấn, sau đó lại đưa ra các tấm gương xấu trong lịch sử là triều Tần và triều Tùy để chứng minh. Đây chính là tác dụng chủ yếu của việc người xưa đọc sử sách, có thể từ đó mà rút ra các lời giáo huấn tinh thâm. Nhưng đã là một vị đế vương thì những kinh nghiệm và lời giáo huấn thu về việc trị quốc tiếp thu được qua việc đọc sách lại càng quan trọng hơn, bởi vì điều đó liên quan đến vận mệnh của toàn thể quốc gia và dân chúng.

Lời của Ngụy Trưng tuy rằng nhằm mục đích để Thái Tông hiểu được tình hình của người dân, tình hình của quốc gia, từ đó không bị gian thần che mắt bịt tai, ngoài ra những lời này cũng lại phù hợp với đạo lý trung dung. Đạo làm quân vương giảng về đức, cái đạo lý về đức này ở đoạn đầu tiên đã khẳng định rằng Thái Tông phải nhân ái với bá tánh, bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến bá tánh trước tiên. Đã làm một vị quân vương thì bảo vệ và chăm lo tốt cho người dân của mình là trách nhiệm số một, đó cũng là nền tảng cơ sở của những bậc đế vương giảng về đức. Nhưng đoạn thứ hai lại nói với Thái Tông rằng không chỉ cần nhân ái mà còn phải thánh minh, phải có cả hai thứ này thì mới vận dụng tốt nhân nghĩa. Lòng nhân ái thì phải đi cùng chính nghĩa thì mới thể cương nhu hài hòa.

Đạo nhân nghĩa bắt nguồn từ Chu Dịch

Trong Quần thư trị yếu – Chu Dịch có một câu như sau: “Tích giả thánh nhân chi tác dịch dã. Tương dĩ thuận tính mệnh chi lí, thị dĩ lập thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập đích chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa” (Nghĩa là: Ngày xưa thánh nhân sáng tạo ra Chu Dịch, để phù hợp với tính chất của vạn vật và quy luật biến hóa của tự nhiên, nên đã sáng lập ra phương thức biểu đạt của trời gọi là âm và dương, sáng lập ra phương thức biểu đạt của đất gọi là nhu và cương, sáng lập ra phương thức biểu đạt làm người gọi là nhân và nghĩa).

Có thể thấy Khổng Tử cả đời giảng về nhân nghĩa, chính là giảng về đạo lý âm dương cân bằng mà Thánh Hoàng Phục Hy truyền lại, sau đó lại được Chu Văn Vương phát triển thành Chu Dịch, đó là đạo lý cương nhu tương hỗ thể hiện ở con người. “Nhân pháp địa, địa pháp thiên” (nghĩa là người thuận theo đất, đất thuận theo trời) của Lão Tử giảng lại càng rõ hơn. Con người học theo đạo lý cương nhu tương hỗ của đất, đất học theo đạo của trời về âm dương cân bằng. Đây chính là nói rằng đạo trung dung của Khổng Tử xuất phát từ nhân đức, nhưng nhân cần phải có nghĩa mới không đi sang cực đoan. Nghe và tin một chiều chắc chắn sẽ mất cân bằng.

Nhân chủ yếu thể hiện mặt nhu hòa và khoáng đạt, còn Nghĩa lại thể hiện sự cương chính, uy nghiêm không nặng tình cảm. Cho nên, chương mở đầu Học nhi đệ nhất-Luận ngữ của Khổng Tử đã nhắc nhở những nho sinh đời sau rằng: “Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã” (Nghĩa là: tín gần với nghĩa thì lời hứa có thể thực hiện được) nghĩa là chữ tín tuy là thể hiện của nhân đức, nhưng tất phải phù hợp với nghĩa lý thì mới có thể tin cậy được. Những đạo lý này đã được viết rất rõ trong chương mở đầu của Luận ngữ. Đáng tiếc thời nhà Tống có không ít các học giả đã dần dần lệch khỏi những lời dạy bảo của Khổng Tử, đưa ra các loại lý thuyết suông, cũng giống như nền giáo dục ngày nay, các loại lý thuyết và danh từ mới không ngừng xuất hiện, chỉ chú trọng nghiên cứu học thuật, mà quên mất tinh thần thực tiễn, cũng chính là quên mất dùng đạo lý nhân nghĩa để đối chiếu với hành vi của bản thân. Văn nhân thời đó, vì thích tranh luận không ngừng nên đã hình thành các học phái, phản ánh trên chính đàn chính là sự hình thành các đảng phái và nhóm tranh chấp. Điều này đã làm mất đi đại nghĩa cương chính, khẳng khái, bao dung của các nho sinh thời đại Đường Thái Tông. Các nho sinh đời sau cũng vì thế mà dần dần đi lệch khỏi đạo trị quốc mà hai vị vua thánh hiền Nghiêu Thuấn để lại. Hàm nghĩa của đức cũng bắt đầu đi sang cực đoan.

Triều Tống vì lẽ đó mà nhất mực trọng văn khinh võ, nhất mực nói về nhân mà rời xa nghĩa, dẫn đến dương không đủ cứng rắn, nhiều lần nhân nhượng kẻ địch xâm phạm biên giới, đúng là chiều quá sinh hư, tiêu cực, bị động, chịu khuất nhục, đây là bài học giáo huấn sâu sắc. Nhưng nếu quá dựa vào sự cứng rắn của dương, quá coi trọng võ thì lại biến thành chính quyền bạo lực, vậy cũng không được. Cho nên Khổng Tử giảng hàm dưỡng, người quân tử phải hiểu rằng cần có giới hạn, không được thái quá, cần phải hiểu được tính trọng yếu của nhẫn.

Trung dung ghi lại lời nguyên gốc của Khổng Tử, giảng rằng “thái quá cũng như bất cập”

Trong Trung dung, Khổng Tử đã giảng một câu như thế này: Khổng Tử nói “Trung dung kì chí hĩ hồ! Dân tiển năng cửu hĩ” (Nghĩa là: Đạo trung dung là triết lý tối cao của nhân sinh! Đã lâu rồi người ta không còn làm được theo đạo lý này)

Ý nghĩa là gì? “Trung dung đó là đức hạnh tối cao! Mọi người rất khó nắm vững và vận dụng nó, điều này thực ra đã xảy ra rất lâu rồi!” Câu nói này đã nói rõ đức ở cảnh giới tối cao mà Khổng Tử lĩnh ngộ được chính là Trung dung. Nhưng những lĩnh ngộ này của Khổng Tử lại là nhờ nghiên cứu Kinh Dịch. Câu thành ngữ “Vĩ biên tam tuyệt” chính là nói về việc Khổng Tử nghiên cứu Kinh Dịch chuyên chú đến mức nhiều lần làm đứt cả dây da buộc sách trúc, tuổi đã cao mà vẫn than thở rằng nếu có thể sống thêm một chút thì có thể lĩnh hội được nội hàm thâm sâu hơn.

Một đời Khổng Tử chỉ gánh vác trách nhiệm đi giảng giải và truyền thụ, giáo hóa đức hạnh cho các vị thánh vương thời cổ đại, bản thân ông chưa từng viết sách, ông vô cùng khiêm tốn và tôn kính tổ tiên và cho rằng mình còn chưa đến đâu, nên không dám coi những kinh thư mình chỉnh lý Kinh Dịch, Kinh Thi, Thượng Thư là thứ của mình, ông cho rằng bản thân mình lĩnh ngộ vẫn chưa đủ, cũng chính là chỉ dạy các đệ tử đời sau rằng những học vấn học được từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế của nhà Hạ, Thương, Chu thì nhất thiết không được đem ra lập thành môn phái riêng, sáng tạo ra cái mới, để rồi đi đến cùng đường. Một số hiện tượng giáo điều, cổ hủ xuất hiện trong những nho sinh đời sau chính là hậu quả của việc đi lệch khỏi những lời Khổng Tử chỉ dạy. Những hiện tượng xấu này đã bị Trung Cộng lợi dụng để bóp méo và công kích giáo dục truyền thống. Mọi người đều không xem ngọn nguồn nên không biết sự thực của các kinh sách cổ. Đừng nhìn những hành vi và tư tưởng bất hảo cực đoan của một số nho sinh đời sau mà đổ trách nhiệm lên Khổng Tử, bôi nhọ tổ tiên của chính mình.

Trong Trung dung, Khổng Tử còn nói một câu thể hiện rất rõ ràng đạo lý “quá do bất cập”: Khổng Tử nói “Đạo chi bất hành dã, ngã tri chi hĩ: Tri giả quá chi, ngu giả bất cập dã. Đạo chi bất minh dã, Ngã tri chi hĩ: hiền giả quá chi; bất tiếu giả bất cập dã” (Nghĩa là: Đạo không thực hành được thì ta đã biết rồi, ấy là do người trí thì thái quá, kẻ ngu tối thì không theo kịp. Đạo chẳng được người đời hiểu rõ thì ta cũng biết rồi, ấy là do người tài cán thì thái quá, kẻ tầm thường thì lại không theo kịp).

Đại ý của câu này là: Khổng Tử nói “Nguyên nhân không thể thực hành đạo trung dung được thì ta cũng biết rồi: Người thông minh tự cho là đúng, làm việc thái quá; kẻ ngu muội lại không đủ năng lực, làm bất cứ việc gì đều làm không tới nơi tới chốn. Nguyên nhân mọi người không hiểu rõ đạo Trung dung thì ta cũng biết rồi: Người có tài cán thì làm thái quá; kẻ tầm thường lại không làm được”. Tức là nói, mọi người đều đã đi đến cực đoan và không đạt được đến mức thánh minh nữa. Không được làm thái quá, cũng không được làm không đủ”.

Người ta tưởng rằng Trung dung là do Tử Tư viết, kỳ thực phần lớn những điều được ghi chép trong đó đều là lời của Khổng Tử, đều là những điều Khổng Tử truyền dạy. Hiểu cách vận dụng đạo lý này thì có thể bất bại, ngay cả dùng vào việc quản lý gia đình cũng sẽ rất trí tuệ, sáng suốt, con cháu của chúng ta cũng sẽ không vì được nuông chiều quá mà trở thành hư hỏng.

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/248112

 



Ngày đăng: 28-11-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.