Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu“ (phần 40): Để đức chính được thận chung thì phải khắc chế bản thân theo lễ
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Như đã đề cập ở trên, Đường Thái Tông lập chí muốn triều Đường trở thành điển hình của muôn đời, trở thành niềm tự hào của người đời sau, ông ý thức được các hoàng đế trong lịch sử, có hoài bão cai trị tốt quốc gia, nhưng phần nhiều đều là hễ thấy đất nước có chút thái bình liền mưu cầu hưởng lạc, không cách nào thận chung, từ đó mà dẫn tới suy bại, vì thế quân vương và các quan đại thần đều ý thức được tầm quan trọng của thận chung và độ khó của việc thực hiện điều đó.
Sau khi xuất hiện thái bình thịnh thế, đế vương rất dễ dàng buông lỏng bản thân, ham muốn hưởng thụ an lạc, chỉ cần là con người, thì ai cũng có tâm này, bởi vậy mới cần ghi nhớ khắc kỷ phục lễ (khắc chế bản thân theo lễ), khắc chế dục vọng, không thể phóng túng bản thân. Thái Tông cũng không ngoại lệ, ngài cũng xuất hiện vấn đề ấy, thế nên Ngụy Trưng đã viết một bản tấu chương, liệt kê 10 điều Thái Tông không thể khắc chế tư tâm, bắt đầu có biểu hiện phóng túng tư dục, chúng ta hãy xem vị gián quan nổi tiếng Ngụy Trưng đã thẳng thắn khuyên nhủ Thái Tông thế nào.
Đại ý
Trinh Quán năm thứ 13, Ngụy Trưng lo lắng hoàng đế Đường Thái Tông không kiên trì giữ vững được lấy đức trị quốc khắc chế dục vọng và cần kiệm yêu dân, những năm gần đây rất thích phô trương, bắt đầu phóng túng dục vọng, vì vậy ông đã dâng một bản tấu chương lên Đường Thái Tông.
Thần quan sát các đời hoàng đế của các triều đại trong lịch sử đều là phụng thiên thừa vận (phụng mệnh trời, thuận theo vận), sau khi sáng lập cơ nghiệp, tất cả họ đều hi vọng sẽ kéo dài đế nghiệp cho đến thiên thu vạn đại, cho nên họ đều chiểu theo vô vi nhi trị, lấy đức trị thiên hạ. Họ nói về đạo làm người, tất nhiên phải đặt thật thà chất phác lên hàng đầu, cần loại bỏ các tệ nạn phù phiếm xa hoa của con người; chọn quan luận dân, thì trọng dụng trung thần lương tướng, loại bỏ kẻ gian nịnh tiểu nhân; về chế độ phép tắc chính trị, họ đoạn tuyệt xa xỉ tôn sùng cần kiệm; về sản vật, họ coi trọng các loại ngũ cốc, coi thường kỳ trân dị bảo. Thời đầu họ trị vì đất nước, họ đều chiểu theo những nguyên lý trị quốc này, nhờ thế đạt được thái bình, nhưng khi đất nước bắt đầu được an bình, rất nhiều người lại quay lưng với ý nguyện ban đầu của mình, làm trái lại hoàn toàn với điều ấy, dẫn đến thương phong bại tục. Tại sao lại như thế? Điều này chẳng phải là do cái tôn quý làm quân vương của vạn dân, có cái phú quý của thiên hạ, lời nói của họ không ai dám đối kháng, mong muốn của vua thì mọi người đều phải tuân thủ, chấp hành sao? Cổ nhân nói: “Biết cũng không khó, khó là ở thực hành; hành cũng không khó, khó là ở thiện chung” câu nói này quá chính xác.
Nhớ tới việc bệ hạ 20 tuổi đã có thể xoay chuyển tình thế trong thời loạn, uy phục tứ phương, gây dựng cơ nghiệp đế vương. Những năm đầu Trinh Quán, bệ hạ có thể khắc chế ham mê tư dục của bản thân, cần cù và tiết kiệm, nỗ lực làm việc, khiến cho quốc thái dân an, đạt được đại trị. Về võ công, thì Thương Thang, Chu Võ Vương đều không thể sánh cùng bệ hạ, về nhân đức, bệ hạ không thua kém gì các Thánh vương thời cổ đại như Nghiêu, Thuấn. Thần đã ở bên cạnh bệ hạ hơn 10 năm, thường trong doanh trại tiếp thu ý chỉ thánh minh của bệ hạ. Bệ hạ thường nhắc nhở thần dân phải giữ đạo nhân nghĩa, không thể quên mất điều đó; giữ gìn thói quen tiết kiệm, kiên trì không thay đổi. Một câu nói có thể khiến quốc gia hưng thịnh lên, điều bệ hạ nói chính là đạo lý này. Những lời nói của bệ hạ đến tận hôm nay vẫn văng vẳng bên tai, thần làm sao dám không ghi nhớ? Nhưng mấy năm trở lại đây, bệ hạ đã dần dần quên đi chí hướng thủa đầu ấy, nếp sống đôn hậu thuần phác dần dần phai mờ, không thể kiên trì đến cùng được. Hiện nay thần xin đem những điều mà thần mắt thấy tai nghe liệt kê ra, để bệ hạ tham khảo.
Giải thích: Biết thì dễ mà làm mới khó, khắc chế bản thân theo lễ thì mới có thể thận chung
Nho giáo thường giảng về khắc kỷ phục lễ, rất nhiều người không cách nào lý giải ý nghĩa chân chính của câu nói này, nhưng xem xong tấu chương của Ngụy Trưng, chúng ta đều sẽ minh bạch, khắc kỷ chính là khắc chế, ức chế tư dục của cá nhân, không thể phóng túng quá độ, phục lễ vừa là mục đích bề mặt cũng vừa là phương pháp, chỉ có tuân theo lễ giáo kính trời yêu dân mà các bậc thánh vương xưa đặt ra để tu sửa bản thân, lấy đạo nhân đức làm gương cho thiên hạ, đoạn tuyệt với nếp sống phù hoa phóng dục hưởng lạc, mới có thể ngăn ngừa bại hoại về đạo đức và sự suy đồi của phong tục tập quán. Mục tiêu cuối cùng của việc đó chính là bảo trì cho việc lấy đức trị quốc từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc không thay đổi, thực hiện hồng nguyện đưa nền chính trị của nhà Đường trở thành tấm gương cho các thời đại của Thái Tông. Ngụy Trưng khuyên Thái Tông không thể “khiến lẽ công bị che mờ bởi tình riêng tư, lễ tiết bị chôn vùi trong ham thích dục vọng”, chính là giảng ra đạo lý của việc khắc kỷ phục lễ, là khuyến cáo đế vương nên thực hành đạo lý này. Một câu nói rằng, chỉ có cách khắc chế ham muốn truy cầu hưởng lạc phóng túng dục vọng, mới có thể phù hợp với đạo làm người, mới không bị người trên làm người dưới hùa theo, cuối cùng sẽ băng hoại đạo đức, vương triều tất nhiên không thể trường cửu.
Ngụy Trưng viết bản tấu chương này được mở đầu bằng câu “Thần phát hiện, các đời hoàng đế của các triều đại trong lịch sử đều là phụng thiên thừa vận (phụng mệnh trời, thuận theo vận), sau khi sáng lập cơ nghiệp, tất cả họ đều hi vọng sẽ kéo dài đế nghiệp cho đến thiên thu vạn đại, cho nên họ đều chiểu theo vô vi nhi trị, lấy đức trị thiên hạ”. Chú ý, câu mở đầu này là tôn chỉ cốt lõi để khuyên Thái Tông thận chung, chính là đạo làm vua, nếu muốn thành tựu thái bình thịnh thế đó được lâu dài, thì tất phải thi hành đức chính (lấy đức trị quốc), đức chính là cách làm vô vi nhi trị của các bậc thánh vương thời cổ đại như Tam Hoàng Ngũ Đế: lấy đức cai trị thiên hạ, lấy đức phục người, lấy đức tu chính bản thân, chỉ dạy thần dân.
Ngụy Trưng nhắc nhở Thái Tông, thi hành đức chính, đây là đạo lý mà các đế vương từ xưa đến nay đều minh bạch và kính phục, nhưng để duy trì đến lúc cuối cùng thực sự là quá khó khăn. Cái đức này đến cuối cùng mà bị chìm trong dục vọng, thì sẽ dẫn đến bại hoại của vương triều. Vô luận là Ngụy Trưng nói đến là việc gì, đều là trọng đức khuyến thiện. Đế vương mà không có đức, chính là quay lưng lại với thiên đạo và nhân đạo, khi này điều mất đi đương nhiên là toàn bộ đất nước; cá nhân mà không có đức, điều mất đi đương nhiên là tiền đồ cá nhân hoặc giả là sự suy tàn của gia đình. Bởi vậy mới nói, trị quốc chính là tu thân, tu đức, đế vương có thể làm được điều đó, họ chính là vị vua thánh nhân, như vậy cảnh giới mới đề cao, mới có thể đắc đạo, Hiên Viên Hoàng Đế vị hoàng đế thủy tổ của dân tộc Trung Hoa chính là người tu đạo, bản thân việc trị quốc cũng có thể tu đạo, đầu tiên chính là phải làm được hành thiện trọng đức từ trong ngôn ngữ hành vi của bản thân, vì thế cuốn sách của Lão Tử mới được gọi là “Đạo đức kinh”. Khổng Tử nói, chính giả, chính dã (người tham dự chính trị, phải chính). Chính trị, bản thân nó chính là đi trên con đường chính, quy chính phong tục tập quán của nhân dân, sửa trị những tệ nạn bất chính của xã hội. Việc này cũng tương tự như đạo lý của việc trị bệnh, điều chỉnh cho đúng thân thể con người có thể mang lại cho họ bình an. Quốc thể cũng là như thế, đi theo chính đạo, trọng đức hạnh, thì có điều chỉnh cho đúng xã hội, trị vì tốt quốc gia, tất nhiên sẽ mang đến bình an vô sự cho đất nước và nhân dân, vì thế mới được gọi là chính trị.
Ngụy Trưng thấy Thái Tông bắt đầu lệch khỏi chính đạo, đức hạnh đang có hiện tượng giảm thiểu, bắt đầu phóng túng dục vọng, đã manh nha xuất hiện ham muốn hưởng lạc, vì thế mới nhanh chóng nhắc nhở Thái Tông đừng quên giáo huấn của lịch sử cũng như đạo lý mà Thái Tông sớm đã hiểu rõ, hơn nữa đó lại là đạo lý mà bản thân Thái Tông đã từng chỉ dẫn, cảnh tỉnh cho thần tử của mình. Đó là những lời khắc tâm ghi nhớ, bằng ngôn ngữ chân thành, không né tránh thực chất của vấn đề rằng “đế vương bắt đầu lệch khỏi đức hạnh”. Nhưng tuyệt đối không hề có ngữ khí bất kính. Cho nên trung thần tuyệt đối sẽ không nịnh bợ lấy lòng, bảo sao nghe vậy, họ dám thẳng thắn can gián, nhưng cũng tuyệt đối không kiêu căng ngạo mạn. Họ có căn cứ có lý lẽ, nhưng sẽ không hăm dọa bức bách người khác. Đây là thái độ mà thần tử nên có. Ngụy Trưng làm được việc này rất tốt.
Chúng ta qua những bài văn chương trong lịch sử từ thời cổ đại đến nay, có thể thấy được biểu hiện cụ thể của thánh vương và trung thần, thấy được họ từ đầu đến cuối đều tôn sùng đức chính của Tam Hoàng Ngũ Đế thời cổ đại, tuy rằng đôi lúc có xuất hiện sai lệch, ly khai chính đạo mà không tự biết, nhưng vì có sự chỉ dẫn của tổ tiên, lịch sử và giáo dục, nên đức chính đó vẫn được truyền thừa đời đời, từ việc quân thần làm thế nào chung sống, làm người trọng đức thế nào, cho đến bách tính các giai tầng làm người trung hiếu thế nào, những điều đó mãi mãi sẽ được truyền thừa, cho dù có người có thể xuất hiện sai lệch, đi ngược, nhưng rồi cũng sẽ phát hiện ra và quy chính. Nếu ngay cả giáo dục và lịch sử mà truyền thống cũng bị phủ định, tổ tiên cũng bị chế nhạo bị hoài nghi bị phê phán, như thế tất nhiên sẽ không thể tìm được đường hồi quy, mất đi tôn chỉ và tham chiếu, tất nhiên nhân tâm và đạo đức không ngừng trượt dốc, đạo đức sẽ toàn diện băng hoại. Do đó, khắc kỷ phục lễ, khôi phục lại nền giáo dục làm người lấy đức làm cốt lõi, người đời sau chúng ta sao có thể quên được? Sao có thể phê phán được?
Ngụy Trưng sẽ đưa ra những lời khuyên bảo cụ thể nào tiếp sau? Chúng ta tiếp tục đàm luận tại phần tiếp theo.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/252623
Ngày đăng: 17-09-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.