Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 34): “Nhân bất học bất tri nghĩa”, Thái Tông và quân thần luận về nho học



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Chúng ta đã đề cập ở trên, Đường Thái Tông khuyên bảo đại thần, theo đuổi văn chương trau chuốt hoa lệ không phải nhiệm vụ chính, mà phải đặt trọng tâm vào việc nó có thể khởi tác dụng dạy dỗ con người ta hay không. Quan điểm này, không phải là lãnh ngộ của cá nhân Thái Tông, mà là nhận thức căn bản nền tảng về mục đích của giáo dục trong Kinh Lễ cổ xưa. Đây chính là bản chất của Nho giáo. Trong cuốn Trinh Quán Chính Yếu có chương “Sùng Nho học”, trong đó không chỉ trực tiếp bàn luận đến tác dụng và bản chất của Nho giáo, mà còn đề cập đến quang cảnh nhộn nhịp năm đó khi các nước hướng về Trường An học tập, điều ấy chứng thực cho sự xem trọng của Đường Thái Tông về giáo dục, đó là sự tôn sùng đối với Nho giáo nghìn vạn năm chưa từng có. Trước tiên chúng ta hãy xem đoạn cuối của chương “Sùng Nho học” để trực tiếp hiểu được nhận thức nền tảng của quân thần Thái Tông về mục đích của học tập.

Đoạn này, làm cho chúng ta minh bạch được chân tướng của Nho học là thế nào, nó đến từ đâu, vì sao luận thuật của quần thần Thái Tông lại giống một cách đáng kinh ngạc với cuốn sách giáo khoa cho trẻ em Tam Tự Kinh của đời sau đến như vậy.

Đoạn cuối của chương “Sùng Nho học”

Thái Tông từng nói với Trung thư lệnh Sầm Văn Bản: “Con người mặc dù bản tính vốn có là trời ban cho, bản tính đó là cố định bất biến, nhưng tất phải thông qua học rộng thì ngày mai mới có thể chân chính lãnh ngộ đạo lý trong ấy, mới có thể thành tài. Giống như bản tính ngậm nước của nghiêu sò, phải đợi đến khi trăng lên mới có thể phun nước ra; bản tính của gỗ là dễ cháy, nhưng cần đá lửa đánh mới có thể cháy được. Bản tính của con người là chứa linh khí do trời đất ban cho, vốn là ở trong đạo, nhưng cần phải thông qua học tập, không ngừng thông qua rèn luyện và theo đuổi học tập mới triển hiện ra một cách hoàn mỹ hoàn thiện. Cho nên trong lịch sử ca tụng Tô Tần khắc khổ học tập lấy dùi đâm vào đùi, Đổng Trọng Thư buông kín rèm che khi dạy học. Không siêng năng cầu đạo trong kỹ thuật thực tế, thì sẽ không đạt được công danh thực sự”. Sầm Văn Bản trả lời: “Bản tính của con người là thiên định, là thiện lương, đều giống nhau, nhưng con người là có tình, tình phân ra có thiện có ác, nếu không được dẫn dắt, sẽ dễ dàng bị sa đọa, từ đó mà biến đổi bản tính ấy, vì vậy chúng ta phải dùng hiểu biết qua việc học tập đạo nghĩa để tu dưỡng tính tình, làm cho bản tính hoàn thiện bất biến. Sách Lễ ký viết: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri đạo” (tức là: Ngọc không mài thì sẽ không thành đồ dùng, người mà không học thì không biết đạo). Cho nên người xưa coi việc siêng năng học tập là mỹ đức.

Quân thần Thái Tông gợi mở cho tư tưởng hình thành nên Tam Tự Kinh

Đọc xong đoạn này, nếu đã từng đọc Tam Tự Kinh, hẳn bạn sẽ nhận ra, câu “Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri nghĩa” trong Tam Tự Kinh nguyên lai nguồn gốc là từ sách Lễ ký, ý tứ chủ đạo của nó là bảo cho trẻ nhỏ biết mục đích căn bản của học tập chính là hiểu được đạo nghĩa làm người, nếu không học tập thì sẽ không hiểu được đạo nghĩa này. Như vậy sẽ không thể trở thành nhân tài có ích cho xã hội, đương nhiên sẽ không cách nào kiến lập công danh và thành tựu cho chính mình.

Mở đầu Tam Tự Kinh là: “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn, cẩu bất giáo, tính nãi thiên” (Tức là: Con người khi mới sinh ra, thiên tính vốn thiện lương, lúc này bản tính giống nhau, nhưng do tập quán mà sẽ dần xa khác, nếu chẳng được giáo dục, bản tính thiện lương ban đầu sẽ thay đổi). Câu này, tương tự như câu trả lời của Sầm Văn Bản, đây chính là tôn chỉ của nền giáo dục cổ đại, cho rằng con người từ khi sinh ra chính là trời phú cho bản tính thiện lương, bản tính đó là trời phú cho, mọi người tương tự không khác nhau nhiều, nhưng cái bản tính tuy rằng lương thiện ấy lại tùy theo hoàn cảnh gia đình và môi trường xã hội của mỗi người, do tai nghe mắt thấy hàng ngày trong giao tiếp từ gia đình, làng xóm, bạn bè đồng nghiệp là khác nhau, nên dần dần bản tính ấy sẽ bị ảnh hưởng, có người đã biến đổi thành xấu rồi, giống như câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” vậy. Cho nên, giáo dục trẻ em thời cổ đại đã dạy con người rằng, mục đính của học tập chính là để hiểu được đạo nghĩa làm người.

Tam Tự Kinh giảng về bản chất của Nho học

Mặc dù chúng ta không biết được Đường Thái Tông học như thế nào, học những kinh sách nào, nhưng Tam Tự Kinh được xác định là do nhà đại Nho thời Tống viết, tức là xuất hiện thời nhà Đường, như vậy Thái Tông đương nhiên không có cơ hội đọc Tam Tự Kinh, nhưng có thể thấy tư tưởng của quân thần Thái Tông cũng như nhận thức tư tưởng của quân thần Thái Tông về giáo dục và học tập đã được chứng thực trong quan điểm của Tam Tự Kinh, đã được công nhận bởi kinh điển thời cổ đại. Cốt lõi của kinh sách và giáo dục của học thuyết Nho gia là giáo dục con người hiểu được đạo nghĩa, đây chính là bản chất của Nho giáo, đây là mục đích của việc đọc sách. Loại giáo dục này, có khả năng không ngừng khơi dậy và bảo vệ bản tính thiện lương của con người, khiến cho con người trọng đức ngộ đạo, đó là giá trị bất biến của Trung Quốc trong các triều đại lịch sử quá khứ. Văn hóa là gốc rễ. Nhận thức của quân thần Thái Tông vừa vặn lại là nghiệm chứng của Tam Tự Kinh. Qua đó chúng ta thấy rõ được thực chất căn bản của Nho học.

Cho nên, bất kể mọi người có hiểu những gì quân thần Thái Tông nói hay không, thì đều có thể thông qua cuốn sách Tam Tự Kinh thông tục dễ hiểu thời nhà Tống này để thu được lý giải chính xác rằng: Nguyên lai, nhận thức của Đường Thái Tông về học tập về giáo dục đã chỉ ra cho con người rằng cần phải thông qua tiếp thụ giáo dục, học tập nhiều các loại kinh điển và lịch sử, siêng năng đọc sách học tập, như thế mới có thể hiểu được cách thực hành đạo nghĩa như thế nào. Trong quá trình học tập và đọc sách thì sẽ ngộ ra bản tính, cần phải thông qua đạo để thành tựu đạo, đây là hàm nghĩa chân chính câu nói của Thái Tông: “Phù nhân tùy bẩm định tính, tất tu bác học dĩ thành kì đạo” (Con người tuy được trời ban cho phẩm tính và khí chất tốt, nhưng phải học rộng mới có thành tựu). Thông hiểu đạo nghĩa thì cuối cùng sẽ ngộ đạo. Người như vậy mới có thể đạt được kiến thức thực sự, mới có thể kiến công lập nghiệp cho đất nước, dương danh hậu thế.

Đương nhiên, cũng từ cuộc đối thoại của quân thần Thái Tông, chúng ta mới hiểu được Tam Tự Kinh cao minh như thế nào, và hiểu được vì sao cuốn sách lại trở thành kinh điển vỡ lòng giáo dục trẻ nhỏ. Bộ kinh điển thông tục nhỏ bé đó, cùng với quân thần Thái Tông, đã chứng thực học vấn của giáo dục của Nho gia, đây chính là học vấn làm người đến từ tổ tiên xa xưa và văn hóa tu Đạo của Trung Quốc, hoàn toàn không phải là phát minh của bản thân Nho giáo.

Ở Trung Quốc cổ đại, giáo dục truyền thống trong tầng diện con người này được biểu hiện và lưu truyền dưới diện mạo của Nho học, Nho học thực chất là kế thừa văn hóa viễn cổ, xuất phát từ học vấn trị quốc lấy đức làm gốc của các bậc thánh vương, vì vậy lẽ tất nhiên là cũng kế thừa và phát huy những kinh sách cổ xưa, Đường Thái Tông biết rõ điểm này, vì vậy, ông rất coi trọng giáo dục, tôn sùng Nho học, thực hành “thận trung quy viễn, dân đức quy hậu” để cho thiên hạ bách tính thụ nhận giáo dục đạo đức, được tri thư đạt lý. Đây cũng là đạo trị quốc vô vi nhi trị mà quân thần Thái Tông chứng thực.

Vậy, Thái Tông coi trọng giáo dục Nho giáo đến mức độ nào? Những năm Trinh Quán thịnh thế, các quốc gia trên thế giới đến Trường An xin học là tình huống thế nào? Mời các bạn xem tiếp phần sau để hiểu rõ.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/251542



Ngày đăng: 18-05-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.