Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 23)



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Ở phần trước, để quy chính việc tang lễ vua Thái Tông đã sai lễ quan bàn bạc với các thượng thư để cùng đưa ra một lễ chế chịu tang hợp lý, mục đích là quy chính Đạo của con người. Ngụy Trưng đại diện cho các đại thần dâng tấu lên, đầu tiên trả lời câu hỏi của vua Thái Tông tại sao việc chịu tang giữa cậu và dì lại khác nhau.

Thái Tông còn thắc mắc: Về tình và lý thì những người từng chung sống nay mất đi vẫn phải mặc áo để tang, nhưng chị dâu mất đi thì em trai chồng là người có mối quan hệ gần gũi lại không cần để tang. Ông cho rằng điều này không phù hợp với lễ tiết thời đó. Người xưa có câu: “Coi anh trai như cha, coi chị dâu như mẹ”. Thái Tông chắc chắn cảm thấy rằng lễ tiết này coi nhẹ sự vất vả quán xuyến việc nhà và sự quan tâm chăm sóc em trai chồng của chị dâu. Ông cảm thấy bất công cho họ, cho đó là điều không phù hợp với đạo nghĩa. Vậy Ngụy Trưng và các đại thần giải đáp vấn đề này như thế nào? Chúng ta xem tiếp đoạn văn dưới đây:

Đáp án thuyết phục cho việc em trai chồng không để tang chị dâu

(Đoạn văn này nguyên gốc là một đoạn, nhưng tại đây dựa trên mạch bài viết, chúng tôi phân thành 5 đoạn)

Đại ý và giải nghĩa đoạn văn thứ nhất

Đại ý sách “Lễ Ký” viết: “Con cái của anh em cũng như con cái của mình, đây là vì mối quan hệ thân cận, danh phận hợp lý, cho nên kéo gần lại. Em chồng không cần để tang chị dâu là vì quan hệ huyết thống xa, danh phận nam nữ cũng không hợp lý, cho nên đẩy xa ra”.

Giải nghĩa: Đoạn văn đầu tiên trích dẫn sách “Lễ Ký” để nói với Thái Tông rằng, vì sao lại có lễ chế em chồng không cần chịu tang cho chị dâu. Lý do này đã được ghi trong các sách kinh điển. Nhưng Thái Tông lại cảm thấy bất hợp lý, vậy thì có phải do sách kinh điển sai không? Ngụy Trưng tiếp tục trả lời ở đoạn thứ hai.

Đại ý và giải nghĩa đoạn thứ hai

Đại ý: Dựa theo quy định của lễ, nếu sống cùng với cha dượng thì cần để tang cha dượng một năm, nếu không sống cùng thì không cần để tang. Với chồng của dì và vợ của cậu, thì lễ tiết để tang hai người này giống nhau. Có câu nói rằng: “Nếu sống cùng với cha dượng thì nên để tang cho cha dượng”. Cha dượng không phải là cha đẻ, chịu tang long trọng là vì sống cùng thì có ân tình nặng, không sống cùng thì ân tình nhẹ. Vì thế việc để tang tuy rằng liên quan đến danh phận nhưng cũng là dựa trên ân tình nông sâu mà định ra.

Giải nghĩa: Tuy rằng trong “Lễ Kinh” có nói vì danh phận xa nhau mà em chồng không cần để tang chị dâu, nhưng đây là cách lý giải giáo điều cứng nhắc. Ngoài ra “Lễ Kinh” còn nói đến việc ở chung với cha dượng, đây cũng là mối quan hệ không liên quan đến huyết thống, như vậy phải dựa trên ân nghĩa để quyết định. Sống cùng nhau, tức là chịu ơn dưỡng dục, vì thế phải chịu tang; không sống cùng thì coi như có danh phận cha con nhưng không cần chịu tang. Có thể thấy “Lễ Kinh” cũng nói về việc giữa những người không có chung huyết thống thì phải dùng ân nghĩa, tình nghĩa nông sâu để quyết định có để tang hay không. Khi xem xét “Lễ Kinh” thì cần phải nhìn nhận toàn diện mới có thể lý giải được toàn diện, và có thể ứng dụng linh hoạt trong hiện thực cuộc sống. Nguyên tắc của nó là dựa vào huyết thống gần hay xa, tiếp đến là sự hợp lý của danh phận, cuối cùng là ân nghĩa nông sâu, nếu yếu tố trước không phù hợp thì xét đến yếu tố sau. Cho nên về việc này, “Lễ Kinh” trước nay chưa từng sai sót. Tham chiếu việc để tang cha dượng dựa trên ân nghĩa, có thể thấy việc vua Thái Tông hoài nghi việc em trai chồng không để tang chị dâu là hoàn toàn chính xác. Tiếp đó, để làm rõ thêm việc em chồng để tang chị dâu nên được giải quyết dựa trên ân nghĩa thế nào, Ngụy Trưng tiếp tục bàn luận về ân nghĩa giữa chị dâu và em trai chồng trong đoạn ba.

Đại ý và giải nghĩa đoạn thứ ba

Đại ý: Giả sử một tình huống thế này, người chị dâu đã trưởng thành sống trong gia đình mà em chồng còn nhỏ cần phải nuôi dưỡng, chị dâu coi em chồng như con của mình, hai người đồng cam cộng khổ sống đến già, cũng giống như sống cùng với cha dượng, hay sống cùng với người khác, ân tình sâu nặng sao có thể đo đếm được đây? Lúc sinh thời thì hai người thân thiết với nhau như môi với răng, nhưng sau khi chị dâu mất lại đối đãi bằng lễ tiết người ngoài, vậy quả là khiến người ta khó lý giải. Nếu cho rằng mối quan hệ xa thì làm vậy là đúng, vậy thì lúc sinh thời không nên ở cùng nhau; còn nếu sinh thời đã ở cùng nhau, thì lúc chết không nên đối đãi với chị dâu như người ngoài như vậy. Ân tình lúc sống sâu nặng mà lúc chết lại dùng những lễ tiết đơn sơ đạm bạc, dùng lý do thân phận nam nữ không phù hợp, lẽ nào có đạo lý như vậy được, làm vậy có hợp đạo nghĩa không?

Giải nghĩa: Đoạn văn này đã nói rõ mối quan hệ chị dâu và em chồng tình nghĩa sâu nặng như mẹ với con, có ân dưỡng dục, so với tình nghĩa cha dượng thì không thể cùng đem ra so sánh được, như vậy thì em trai chồng càng phải chịu tang chị dâu. Nếu cũng dùng lễ tiết như người qua đường thì quả là về tình về lý đều không phù hợp, lại càng không hợp với đạo nghĩa.

Ở bài trước, Ngụy Trưng đã định nghĩa về lễ: “Lễ là lý lẽ để phán đoán những nghi hoặc còn chưa rõ ràng, để quyết định những hành vi khó để quyết định, để phân biệt những chỗ khác biệt, để phân minh thị phi, nó không phải là điều từ trên trời rơi xuống, cũng không phải đột nhiên, vô duyên vô cớ từ dưới đất mọc lên, mà là dựa vào lý lẽ, tình hình của con người để đưa ra. Chỗ quan trọng nhất của Đạo của con người là làm cho cửu tộc hòa hợp”, vậy thì với người chị dâu có ân nghĩa sâu nặng với mình mà không chịu tang thì đương nhiên là không hợp tình hợp lý, đó sẽ là hành động bất nghĩa, không hợp với đạo làm người. Quy chính lễ chịu tang giữa em chồng với chị dâu mới có thể khiến cho những người làm chị dâu cảm thấy được sự công chính mà không sinh tâm oán hận, như vậy mới có thể khuyến khích những người làm chị dâu nguyện ý tận tâm chăm sóc cho em trai chồng. Việc này vô cùng có lợi cho giáo hóa dân chúng, quy chính đạo làm người, khiến những người chị dâu có đức hạnh như mẹ, khiến cho cửu tộc hòa hợp. Cho nên cần phải cải chính những điểm bất hợp lý trong đạo làm người.

Tiếp đến đoạn thứ tư, Ngụy Trưng đưa ra những ví dụ thực tế trong lịch sử về việc chịu tang chị dâu

Đại ý và giải nghĩa đoạn thứ tư

Đại ý: Ngoài ra, trong sử sách có không ít ghi chép về lễ tiết phụng dưỡng chị dâu. Thời Hậu Hán, Trịnh Trọng Ngu chăm sóc chị dâu ở góa và con trai, đối đãi với chị bằng lễ tiết và tình nghĩa ngay thẳng nồng hậu. Thời Tấn, chị dâu của Nhan Hoằng Đô hai mắt bị mờ, cần phải dùng mật rắn, ông đã tìm mọi cách để lấy được mật rắn, cuối cùng đã khiến cho mắt của chị dâu sáng lại. Tướng Quân Mã Viện thời Hậu Hán hết mực tôn trọng chị dâu, không đội mũ thì không dám đi vào nhà bái kiến chị dâu. Sách “Lễ Ký” có chép: “Cháu của Khổng Tử là Khổng Cấp khóc thương trước bài vị của chị dâu”. Những ví dụ này đều đến từ quy phạm lễ nghĩa trong thực tế, đó là những người cực kỳ nhân nghĩa, hiếu kính. Họ có thể hiểu rõ đại nghĩa, lẽ nào họ không phải là những bậc trí giả có tầm nhìn sâu rộng hay sao?

Giải nghĩa: Đoạn này nêu ra ví dụ về việc những bậc hiền giả trong các thời kỳ lịch sử khác nhau đối đãi với chị dâu ra sao, cách hành xử của họ đáng để mọi người học hỏi, và cũng rất cảm động lòng người, họ là những bậc thánh hiền đại giác thực sự hiểu được đại nghĩa, hiểu được ý nghĩa và bản chất thực sự của lễ. Cách hành xử của họ là chân chính duy hộ đạo làm người, mang lại sự hài hòa. Đây mới là những người thực sự hiểu được bản chất của Nho học. Những bậc Nho học như Ngụy Trưng biết nhìn vào bản chất luân lý, nhìn vào nhân tình nghĩa lý, họ hiểu sâu sắc về đạo của Khổng Tử, hiểu rằng phải nắm vững bản chất của lễ thì mới thực sự duy hộ đạo làm người, mới có thể phân tích sâu sắc để cửu tộc hòa hợp. Ngụy Trưng không chỉ đưa ra ví dụ thực tế, mà còn đưa ra cách hành xử của con cháu Khổng Tử để lý lẽ thêm thuyết phục và phong phú.

Đại ý và giải nghĩa đoạn thứ năm

Đại ý: Hiện tại không có hiền triết thánh minh, bách tính cũng không hiểu việc lễ nghĩa, dẫn đến các đạo lý bao hàm trong lễ nghĩa không được xem trọng, nếu cứ để như thế thì thực sự sau này sẽ khiến người ta hối tiếc.

Giải nghĩa: Là nhà Nho, Ngụy Trưng cho rằng việc vua Thái Tông nêu ra những chỗ nghi vấn và những chỗ bất hợp lý trong lễ tiết chịu tang là rất đúng; mọi người lâu nay vẫn xem nhẹ nghĩa lý đằng sau lễ, xem xét lễ một cách giáo điều, chỉ để ý vào hình thức. Điều này quả là khiến người ta đau lòng.

Sau khi đưa ra lý do trong năm đoạn này, Ngụy Trưng và các đại thần đã định ra lễ chế chịu tang cụ thể trình lên Đường Thái Tông. Vua xem xong liền tán đồng ý kiến đó. Trong bản tấu còn nói rõ là do Ngụy Trưng viết.

Xem phần hỏi đáp giữa vua tôi Đường Thái Tông về lễ phục tang, chúng ta sẽ hiểu rõ đế vương và các Nho sinh chân chính trong trị quốc đều rất xem trọng việc giáo hóa đạo đức. Dựa vào sách vở kinh điển, lấy nhân nghĩa đạo lý làm gốc, quy chính phong tục của người dân, đây chính là thực thi đạo trị quốc “lấy đức làm gốc” mà Khổng Tử đề xướng. Lễ nghĩa của triều Đường dựa trên đạo nghĩa, thật xứng với danh hiệu “lễ nghĩa chi bang”, lòng người được quy chính là nguyên nhân căn bản cho sự thịnh vượng của nhà Đường.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/250022



Ngày đăng: 22-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.