Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 35): Quán Hoằng Văn trực tiếp chỉ đạo chính trị quốc gia



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nền văn minh rực rỡ của Trinh Quán chi trị có được là nhờ vào việc xem trọng đối với giáo dục Nho học, xem trọng đến mức tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả. Đó là kết quả của việc Thái Tông hiểu rõ thâm sâu các sách kinh – sử của Nho học, đó quả là “Kinh quốc chi đại nghiệp, bất hủ chi thịnh sự” (sự nghiệp vĩ đại của quốc gia, việc làm thịnh sự ngàn đời). Chính vì thế địa vị của Nho học và Khổng Tử đã đạt tới đỉnh cao trong thời kỳ trị vì của hoàng đế Đường Thái Tông. Vì vậy việc chính giải và vận dụng Nho học cũng đạt đến đỉnh cao. Các nho sĩ lúc bấy giờ vì thế mà đều là những người kiến thức thông đạt, cực kì trí huệ, ngay thẳng chính khí mà cởi mở, họ đã cùng với Thái Tông khai sáng ra một cảnh tượng thịnh thế kì quan. Trước tiên chúng ta hãy xem một đoạn văn trong chương “Sùng Nho học” của sách “Trinh Quán Chính Yếu”, đây là đoạn ghi chép lịch sử về việc Đường Thái Tông chấn hưng Nho giáo.

Nho sinh ở quán Hoằng Văn ngày ngày cùng vua lấy kinh điển để luận chính sự

Đường Thái Tông lên ngôi không lâu bèn cho lập quán Hoằng Văn ở bên trái chính điện, tinh tuyển người thông hiểu Nho học khắp nước để họ kiêm nhiệm học sĩ quán Hoằng Văn cùng với chức vụ hiện tại, ban cho họ bổng lộc của quan ngũ phẩm, để họ luân phiên trực trong hoàng cung, khi Hoàng đế rảnh việc triều chính sẽ gọi vào nội điện, thảo luận điển tịch kim cổ, thương nghị chính sự, bàn việc lớn, đôi khi thảo luận đến nửa đêm mới thôi. Thái Tông lại xuống chiếu tuyển chọn con cháu của công khanh quý tộc, hiền thần lương tướng từ tam phẩm trở lên làm học sinh của quán Hoằng Văn.

Giải thích: Hoàng đế đích thân thực hành, đại chấn hưng Nho học

Đoạn văn trên nói đến việc Thái Tông vừa mới lên ngôi, bản thân ông nỗ lực thực hành, xem trọng giáo dục Nho học. Ông không chỉ thành lập quán Hoằng Văn, là trường học cao nhất của giới quý tộc, mà còn đặt trường học ở vị trí quan trọng và trung tâm nhất trong cung, để “Hoàng đế mỗi ngày thượng triều có thể ở bên trái chính điện cùng các quan đại thần nghe luận chính sự, xử lý các việc đại sự quốc gia”. Mục đích chính là nâng cao vị trí của giáo dục Nho học, khiến Nho học được coi trọng, được tôn kính ở mức trước nay chưa từng có.

Không chỉ như vậy, nếu Thái Tông chỉ đơn giản là đặt quán Hoằng Văn ở vị trí trung tâm cũng chỉ là cấp cho Nho học một địa vị hư danh, như vậy sẽ không thực sự hiểu rõ trí huệ và thực chất của Nho học, vậy sẽ không thể học tốt, cũng là không thực sự xem trọng, và càng không thể kiên trì mỗi lúc rảnh việc triều chính thì nghị luận việc chính sự, mời những giáo quan Nho sinh thảo luận về kinh điển văn học và lịch sử, vận dụng Nho học vào thực tế trị quốc.

Có thể thấy Thái Tông thực sự hiểu bản chất của Nho học là kiến thức trị quốc do tổ tiên truyền lại, phi thường quan trọng, không lạc vào hình thức, không để việc coi trọng Nho học như là việc làm để lấy hư danh xem trọng văn hóa giáo dục. Ông thực sự phát tự nội tâm xem trọng giáo dục Nho học, như vậy, việc bản thân ông có thể ngày ngày cùng các học giả thảo luận như vậy, giúp tinh tấn học vấn trị quốc, không ngừng thu được trí huệ từ những bậc đại Nho và Nho sinh có kiến thức này, linh hoạt nắm vững học vấn, trực tiếp có thể áp dụng những kiến thức này vào trong chính sự hàng ngày, để giải quyết vấn đề khó khăn trong việc trị quốc.

Thái Tông càng học càng sử dụng nhiều, thì ông càng hiểu Nho học là kinh quốc đại nghiệp (sự nghiệp vĩ đại của đất nước), vì vậy ông tự nhiên ý thức được rằng càng là bậc hoàng thân quý tộc, con cháu của các quan lớn thì càng cần phải lĩnh ngộ lời giáo huấn của Nho học, bởi vì phần lớn những người đó sẽ nối nghiệp cha anh của mình trở thành người quản lý quốc gia trong tương lai, nếu không có học vấn, không có trí huệ kiến thức và yếu lĩnh làm người thì họ không có cách gánh vác trách nhiệm nặng nề đó, dần dần, sẽ khiến quốc gia bị loạn.

Từ đoạn văn này, chúng ta sẽ hiểu rõ, các quan viên của triều Đường, phần nhiều là qua giáo dục Nho học, đây cũng chính là nguyên nhân vì sao Thái Tông cùng Ngụy Trưng và các quan đại thần hễ thương nghị chuyện triều chính quốc gia, dù là liên quan đến phương diện nào, cũng đều trích dẫn kinh điển để thảo luận rồi đưa ra quyết định. Câu nói trích dẫn kinh điển, không phải là có ý châm biếm, bởi vì người đời sau có một bộ phận dần dần học những giáo điều, không thể lĩnh ngộ được bản chất của kinh điển, vì vậy câu nói ấy mới trở thành lời thành ngữ, đặc biệt là hôm nay, lại biến thành lời châm biếm mỉa mai. Nguyên gốc câu nói ấy không phải nghĩa như vậy.

“Phần Điển” là khởi nguồn của Nho học

“Phần Điển” (坟典) chính là “Tam Phần” và “Ngũ Điển”. Chữ “Phần” (坟) này không phải là nghĩa phần mộ, thời cổ đại từ dùng để chỉ phần mộ là chữ phần phồn thể (墳) này, nguyên văn hai từ này có hai ý nghĩa khác nhau. Trọng điểm của chúng ta không phải là bàn luận và giải thích ý nghĩa của Hán tự các triều đại, không phải là nghiên cứu học thuật, mà tôi muốn nói đến rằng người xưa khi tạo chữ là có nội hàm, chữ này từ đầu đã là như vậy, không phải do giản hóa mà ra. Đối với Nho sinh thời cổ đại thì những cuốn sách được tôn kính nhất và lâu đời nhất chính là “Tam Phần” và “Ngũ Điển”, đây chính là cuốn sách sử ghi chép lại những chuyện xưa thời Tam Hoàng Ngũ Đế, và chính là khởi nguồn của Nho học. Vì vậy “Phần” (坟) là có quan hệ đến văn hóa và văn minh nhân loại, thế nào mà nó lại lẫn lộn với phần mộ được?

Phần (坟), phía bên trái là bộ thổ (土), bên phải là bộ văn (文), vậy đương nhiên đại diện cho nền văn hóa được truyền lại cho nhân loại. Là văn hóa nào? Đó chính là văn hóa tu đạo, làm người và trị quốc. Điều cốt lõi nhất là những giá trị quan mà nhân loại nên có. Thổ (土) đại diện cho thổ địa, đại diện cho cảnh giới nơi nhân loại sinh tồn, đồng thời, thời cổ đại là không có văn tự, chỉ dựa vào truyền thuyết kể lại về khởi nguyên của con người là do Nữ Oa dùng thổ “đất” tạo ra con người, còn Trung Quốc gọi là Thần Châu, cũng gọi là Trung Nguyên, hàm ý là trung tâm và nguồn gốc của văn minh nhân loại, đại biểu cho nhận thức của các học giả cổ đại đối với văn hóa nhân loại bắt nguồn từ Thần truyền và lấy Trung Nguyên là cốt lõi để truyền cấp cho nhân loại xung quanh. Cho nên văn minh (文) thổ địa (土) chính là văn minh của con người, cấu thành nên chữ Phần (坟), đây mới là hàm nghĩa thực sự và nguồn gốc nên có của chữ “phần”. Từ lúc tạo chữ đã định ra như thế. Vì thế “Tam Phần” và “Ngũ Điển” chính là kinh điển của văn minh nhân loại, không hiểu hàm nghĩa chân chính của những cuốn sách này, sẽ không hiểu được bản chất và lai lịch của Nho học, sẽ biến thành giáo điều. Cho nên, những nhà đại Nho thời cổ đại đầu tiên là phải đọc những cuốn sách này. Cho dù rất nhiều nội dung đã thất truyền, nó vẫn được Khổng Tử chỉnh lý và xuất bản rất nhiều.

Ví dụ như cuốn “Thượng thư” (尚书, còn được gọi là Kinh Thư) do Khổng Tử chỉnh lý, đã lưu lại rất nhiều nội dung của “Phần Điển”. Vì vậy cuốn sách này được gọi là sách sử thời thượng cổ, trở thành kinh điển Nho học. Thượng (尚) chính là thượng (上), hai chữ này đồng âm đồng nghĩa, đó là cuốn sách lịch sử ghi chép về các hoàng đế cổ đại, là đạo lý đáng được ngưỡng mộ và tuân theo nhất, vì vậy nó đã trở thành điển phạm về trị quốc và làm người. Ví dụ như “Nghiêu điển” và “Thuấn điển” mà mọi người đều quen thuộc (“Nghiêu điển” và “Thuấn điển” là hai chương trong sách “Thượng thư”), chính là phần ghi chép lại sự tích của Thuấn đế và Nghiêu đế.

Về “Tam Phần”, trong lời nói đầu của sách “Thượng thư” của Khổng An Quốc vào thời nhà Hán có viết lại như sau: “Tam Phần là sách chép những công việc đời Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế, lời lẽ trong đó là đại đạo. Ngũ Điển là sách chép những công việc đời Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân (Đế Khốc), Đường Nghiêu và Ngu Thuấn, lời lẽ trong đó là thường đạo. Bát Tác là sách ghi chép về học thuyết bát quái, phải tìm tòi ý nghĩa của nó. Cửu Khâu là sách ghi chép về Cửu Châu, khâu có nghĩa là tụ họp, ghi chép về Cửu Châu, những sinh vật ở từng nơi, phong tục trong sách đó”.

Kiến giải này xuất phát từ Khổng Tử, đây là nhận thức bản chất đối với Tam Phần Ngũ Điển và các thư tịch cổ xưa. Khổng Tử đã chính lý những cuốn cổ thư này, từ đó khai sáng ra dĩ đức vi chính và nền giáo dục dùng nhân nghĩa để xử thế, tất nhiên những kiến giải đó là đến từ việc ông nghiên cứu những sử liệu cổ xưa trong quá trình ông chỉnh lý sách “Thượng thư”. Từ đó lưu truyền lại cho con cháu các đời sau.

Cũng chính là nói, Tam Phần, giảng ra đạo lý của cảnh giới cao vượt trên sự hiểu biết của người thường, cho nên, rất ít người có thể hiểu nắm bắt được, chỉ người tu luyện chân chính mới có thể hiểu được, chẳng phải Hoàng đế tu đạo mà bạch nhật phi thiên, đắc đạo thành Thần đó sao? Cho nên, học vấn này chính là kiến thức của tu đạo, ở trong không gian giữa Thần và người, những thứ đó thuộc về đại đạo cao nhất gần với Thần nhất. Cũng bởi nguyên nhân này, mà không thể lưu lại những thứ thực chất. Rất nhiều điều đã bị thất truyền. Còn Ngũ Điển thì được lưu lại nhiều hơn, vì điều giảng trong đó là những điều mà con người rất dễ dàng nắm bắt và lý giải, thuộc về thường đạo, đó là văn hóa và giá trị quan chủ yếu để con người noi theo. Ví dụ như đạo hiếu trị quốc, giáo hóa đạo đức nhân luân, nó xuất phát từ thực tiễn của Thuấn Đế.

Tự cổ trên làm dưới theo, Thái Tông nỗ lực thượng tôn Nho học, nắm vững chữ đức để ứng dụng Nho học, đầu tiên là quy chính bản thân, tiếp đó là quy chính tầng lớp quan lại và quý tộc, như vậy tự nhiên bách tính sẽ noi theo, quốc gia sẽ mười phần chính khí. Nhờ đó đã mang đến cho nền giáo dục của Nho học một thời kỳ thịnh vượng trước đó chưa từng có. Ở phần sau chúng ta sẽ đến đoạn tiếp theo: Khổng Tử được Thái Tông tôn làm Thánh nhân, có địa vị cao nhất trong lịch sử.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/251543



Ngày đăng: 02-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.