Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 24)



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Mọi người đã biết việc quy chính lễ chế là để quy chính đạo của con người, vậy thì tiếp theo đây chúng ta sẽ xem xét việc vua Đường Thái Tông dùng đạo lý trong hôn nhân làm căn cứ để quy chính hôn lễ thế nào. Việc quy chính hôn lễ trước tiên phải quy chính lại đẳng cấp của các gia tộc, khiến cho mọi gia tộc trong thiên hạ đều hiểu được rằng người không có đức tất sẽ ở đẳng cấp thấp, sẽ khiến tổ tiên và gia tộc hổ thẹn, không thể ngẩng đầu trước mọi người. Những danh gia vọng tộc tất phải đặt đức lên hàng đầu, danh hiệu xứng với thực tế thì mới được hưởng đãi ngộ cao, mới xứng được người đời kính trọng. Hôn lễ bại hoại thực ra là biểu hiện của nhân tâm hủ bại. Quá trình quân thần Thái Tông hợp sức quy chính hôn lễ đều lấy việc quy chính nhân tâm, duy hộ đạo đức làm mục đích căn bản.

Dưới đây là đoạn nguyên văn việc vua Thái Tông quy chính hôn lễ, dựa theo mạch văn chúng tôi phân đoạn văn này thành ba đoạn như sau:

Năm Trinh Quán thứ sáu, vua Thái Tông nói với thượng thư tả bộc xạ Phòng Huyền Linh: “Gần đây có bốn họ Thôi, Lư, Lý, Trịnh ở Sơn Đông, tuy mấy đời liên tục suy vi nhưng vẫn dựa vào danh vọng ngày trước, thích khoe khoang tự đại, tự xưng sĩ đại phu. Mỗi lần gả con gái cho họ tộc khác thì đòi sính lễ tài vật, định hôn ước theo số lượng, chẳng khác nào con buôn ngoài chợ, thậm chí làm bại hoại phong tục, gây rối loạn lễ pháp, địa vị của bọn họ không phù hợp, phải cải cách. Vua Thái Tông hạ lệnh cho Thượng thư Bộ lại Cao Sĩ Khiêm, Ngự sử đại phu Vi Đỉnh, Trung thư lang Sầm Văn Bản, Thị lang Bộ lễ Lệ Hồ Đức Phân sửa đổi đính chính các họ, thu thập rộng rãi gia phả thế tộc toàn quốc, đồng thời dựa vào sử sách, kinh truyện, trừ bỏ hư huyễn, đính chính thật giả, người trung hiền thì thêm vào, kẻ gian nghịch thì loại ra, biên soạn thành “Thị tộc chí”. Các ông Cao Sĩ Khiêm trình lên đẳng cấp ước định, để họ Thôi làm cấp thứ nhất”.

Thái Tông bảo bọn họ: “Trẫm và bốn họ Thôi, Lư, Lý, Trịnh ở Sơn Đông trước đây không có ân oán, chỉ vì họ mấy đời suy vi, lại không có người làm quan, còn tự xưng là sĩ đại phu, khi cưới lại đòi rất nhiều tiền tài vật phẩm. Có kẻ tài thấp mà tự cho là môn đệ cao quý mà du nhàn tự đắc, buôn bán danh vọng của tổ tông, nhờ đó mà phát tài, trẫm không hiểu tại sao xã hội lại coi trọng họ như vậy. Vả lại sĩ đại phu có tài năng gây dựng đức nghiệp, công nghiệp, tước vị cao, kính thờ vua và cha mẹ, trung hiếu thì mới đáng khen; hoặc là đạo đức nhân nghĩa luôn cao thượng, học vấn rộng rãi, cũng đủ là dòng dõi tôn quý có thể gọi là sĩ đại phu trong thiên hạ. Nay những người họ Thôi, Lư này chỉ khoe khoang sĩ thân thời xưa, sao có thể xứng là tôn quý? Từ công khanh trở xuống, dựa vào cái gì mà tặng cho họ rất nhiều tài vật, lại trợ giúp cho khí thế của họ, chỉ cầu hư danh, bất chấp thực tế, coi như vậy là vinh quang. Nay trẫm định ra đẳng cấp dòng họ, thực là muốn tôn sùng quan thần đời nay, tại sao Thôi Can được liệt vào đẳng cấp thứ nhất, chỉ là thấy rằng các khanh không quý trọng quan tước của trẫm. Đừng nhìn vào mấy đời trước, chỉ định đẳng cấp theo quan phẩm, nhân tài thời nay, cần phải thống nhất đánh giá quyết định, dùng làm chuẩn mực xác định”. Bèn liệt Thôi Can vào đẳng cấp thứ ba.

Đến năm Trinh Quán thứ 12 thì bộ sách đã hoàn thành, tổng cộng có một trăm quyển, phát hành cả nước. Vua Thái Tông lại chiếu xuống: “Sự tốt đẹp của thế tộc là dựa vào quan tước, Đạo của hôn nhân, trước hết là nhân nghĩa. Từ khi Bắc Ngụy mất nước, Bắc Tề diệt vong, xã hội đã thay đổi, phong tục cũng suy bại, họ của các nước Yên, Triệu ngày trước, đã lâu không có người làm quan, quý tộc các nước Tề, Hàn lại vi phạm phong khí nhân nghĩa, ở châu huyện không có danh tiếng, tự thân lại không tránh được tham lam, tự thổi phồng hậu duệ dòng dõi tôn quý, không coi trọng lễ nghi, chỉ biết đòi tài vậy, gả con gái nhất định phải gả cho nhà giàu. Còn có những người mới làm quan và người có tiền, ngưỡng mộ tổ tông của những người này, tranh nhau kết thân với họ, tặng cho nhiều vàng bạc lụa là, như thể mua bán. Có người thuộc dòng dõi thấp hèn, bị sỉ nhục về quan hệ thông gia; có người khoe khoang dòng dõi ngày xưa, không biết lễ giáo. Những thói xấu này đã tích thành phong tục, đến nay chưa hết, đã loạn nhân luân, lại tổn hại đến danh giáo. Trẫm sớm tối cẩn trọng cảnh giác, suy nghĩ đạo trị nước, những việc hại đời trước đều ngăn cản loại bỏ, chỉ có thứ phong khí xấu này là chưa thể hoàn toàn thay đổi. Từ nay về sau, cáo thị rõ ràng, để mọi người hiểu, nhất định phải hợp với lễ giáo, hợp với tâm ý của trẫm”.

Đoạn thứ nhất: Phát hiện hôn nhân trở thành giao dịch, sửa đổi lại đẳng cấp các dòng họ

Đại ý: Năm Trinh Quán thứ sáu, vua Đường Thái Tông nói với Thượng thư tả bộc xạ Phòng Huyền Linh: “Gần đây, bốn họ Thôi, Lư, Lý, Trịnh ở Sơn Đông, tuy mấy đời liên tục suy vi, nhưng vẫn dựa vào danh vọng ngày trước, thích khoe khoang tự đại, tự xưng sĩ đại phu. Mỗi lần gả con gái cho tộc khác là đòi nhiều sính lễ tài vật, định hôn ước theo số lượng nhiều ít, chẳng khác nào con buôn ngoài chợ, lấy hôn nhân để giao dịch, đã làm bại hoại phong tục, gây rối loạn lễ pháp trong Kinh Lễ. Họ đã không biết điều gì cần coi trọng, hành vi lại không còn phù hợp với gia thế danh vọng của bọn họ, xem ra, cần phải cải cách chế độ lễ nghĩa hiện nay rồi”. Vua Đường Thái Tông bèn hạ lệnh cho Thượng thư Bộ lại Cao Sĩ Khiêm, Ngự sử đại phu Vi Đỉnh, Trung thư lang Sầm Văn Bản, Thị lang Bộ lễ Lệ Hồ Đức Phân sửa đổi đính chính các họ, thu thập rộng rãi gia phả thế tộc toàn quốc. Đồng thời dựa vào sử sách, kinh truyện, trừ bỏ hư phù, đính chính thật giả, nếu gia tộc nào có người trung hiền thì thăng lên đẳng cấp cao, nếu có kẻ gian nghịch (có hành vi đi ngược đạo đức nhân luân, đi ngược đạo làm người) thì giáng xuống. Theo tiêu chí đó biên soạn thành “Thị tộc chí”. Thượng thư Cao Sĩ Khiêm trình lên ước định đẳng cấp, lấy họ Thôi làm cấp thứ nhất.

Giải nghĩa:

Đoạn văn này nói lên rằng, vua Thái Tông phát hiện một số gia tộc ở Sơn Đông mượn công danh của tổ tiên mà rồi tự cao tự đại, mượn cớ hôn lễ mà đòi lễ vật tiền tài, không chỉ đã coi hôn lễ như là một loại giao dịch, thực chất cũng là lấy danh vọng của tổ tiên để đổi lấy tiền. Nếu không sửa đổi lại, thì những danh gia vọng tộc này sẽ trở thành những ngụy quân tử để người dân học theo, họ không những không khởi được tác dụng làm gương, mà ngược lại còn khiến đạo đức nhân luân trở thành thứ lừa lọc, lòng dân tất sẽ đại loạn, đạo đức nhất định sẽ trượt dốc, thói quen coi trọng kim tiền của dân chúng một khi hình thành thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế vua Thái Tông không chỉ hạ lệnh cho Bộ lễ mà còn phái các bộ cơ yếu khác cùng tham gia việc cải cách này, cần phải khiến cho đẳng cấp của các gia tộc đúng với thực chất. Có thể thấy việc vua Thái Tông quy chính lễ là quy chính nhân tâm, trước nay ông chưa bao giờ quên việc giáo hóa dân chúng là trách nhiệm của bậc đế vương.

Sính lễ thời cổ đại là một lễ chế để đính ước trong hôn lễ, nó biểu đạt sự tôn trọng và hứa hẹn của nhà trai với gia tộc nhà gái, là đại biểu cho sự kính trọng, cảm ân, tín nghĩa và thành ý của nhà trai. Trao sính lễ là biểu hiện thành ý lớn nhất với nhà gái, cũng là công khai thừa nhận rằng bản thân sẽ có trách nhiệm với người con gái, đưa ra một lời hứa hẹn đáng tin cậy để cho mọi người đều biết. Nếu không có lý do đặc biệt thì không thể dễ dàng phá bỏ hôn ước. Đây là ý nghĩa căn bản của việc trao sính lễ. Sao có thể để việc này trở thành giao dịch được? Huống hồ việc này lại do những danh gia vọng tộc kia khởi xướng, người dân tất nhiên sẽ làm theo, không có hành vi nào lại gây tác dụng xấu hơn những hành vi như vậy.

Vua Thái Tông quy chính hôn lễ, đầu tiên ông quy chính lại danh dự của các gia tộc, tức là cảnh cáo con cháu đời sau của các danh gia vọng tộc không được bôi nhọ thanh danh của tổ tiên, để cho người dân cả nước thấy rằng bất cứ gia tộc nào không tu dưỡng đức hạnh cho tốt thì sẽ không xứng ở đẳng cấp cao nhất. Một khi bị giáng đẳng cấp, thì không thể ngẩng đầu với mọi người, gia tộc đó sẽ như thể bị dán lên nhãn ác nhân hay ngụy quân tử, đó là sự sỉ nhục lớn nhất. Theo cách đó, mọi người không chỉ sẽ có nhận thức và suy xét mới về ý nghĩa của hôn lễ, mà còn khiến cho toàn xã hội hiểu được cần đặt đạo nghĩa lên vị trí số một, hiểu được làm người cần trọng đức khinh tài (tiền tài, của cải).

Điều này nói lên rằng vua Đường Thái Tông rất anh minh, ông hiểu được sức ảnh hưởng của việc quy chính gia tộc ở các vùng thôn quê, ca ngợi người trung thành, hiền đức mới có thể từ trên xuống dưới giáo dục người dân trọng đức. Điều được quy chính ở đây hoàn toàn không chỉ là quy chính hôn lễ, cũng hoàn toàn không phải chỉ quy định sính lễ thế nào, mà qua sự biến dị của hôn lễ ông đã nhìn ra được sự hủ bại của lòng người, vì vậy phải nghiêm túc quy chính.

Nhưng khi các quan đại thần lại dựa theo lệ cũ đặt họ Thôi vào vị trí nhất đẳng, vua Thái Tông cảm thấy họ vẫn không hiểu được dụng ý của ngài trong việc xếp lại đẳng cấp của các gia tộc, vì thế đã có đoạn luận thuật thứ hai của vua Thái Tông.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/24988



Ngày đăng: 10-11-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.