Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (20): Trương Lương giẫm chân ghé tai nói nhỏ
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên Văn Chữ Hán và Chú âm:
漢(ㄏㄢˋ) 張(ㄓㄤ) 良(ㄌㄧㄤˊ) 蹑(ㄋㄧㄝˋ) 足(ㄗㄨˊ) 附(ㄈㄨˋ) 耳(ㄦˇ),
東(ㄉㄨㄥ) 方(ㄈㄤ) 朔(ㄕㄨㄛˋ) 洗(ㄒㄧˇ) 髓(ㄙㄨㄟˇ) 伐(ㄈㄚˊ) 毛(ㄇㄠˊ)。
Bính âm
汉(Hàn) 张(zhāng) 良(liáng) 蹑(niè) 足(zú) 附(fù) 耳(ěr),
东(dōng) 方(fāng) 朔(shuò) 洗(xǐ) 髓(suǐ) 伐(fá) 毛(máo)。
Âm Hán Việt
Hán Trương Lương niếp túc phụ nhĩ, Đông Phương Sóc tẩy tủy phạt mao.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 张良 (Trương Lương): Vị khai quốc công thần thời kỳ đầu nhà Hán, tự là Tử Phòng, ông tổ năm đời là Hàn Tương. Sau khi Tần diệt Hàn, Trương Lương đã bất ngờ tấn công Tần Thủy Hoàng bằng một chùy sắt lớn ở bãi cát Bác Lãng, sau khi thất bại, ông tháo chạy đến Hạ Bì, gặp được ông lão trên cây cầu truyền cho “Thái công binh pháp”, sau phò tá Lưu Bang bình định thiên hạ, và được phong làm Lưu Hầu.
(2) 蹑足 (niếp túc): Giẫm chân. 蹑,踩、踏 đều cùng nghĩa.
(3) 附耳 (phụ nhĩ): miệng kề tai nói với giọng nhỏ/kề tai nói thì thầm. Phụ là rất gần.
(4) 东方朔 (Đông Phương Sóc): là người Yếm Thứ, Bình Nguyên thời Tây Hán, tự Mạn Thiến (tên chữ là Mạn Thiến). Ông giỏi kể chuyện cười, tính cách hóm hỉnh, khôi hài và thường can gián Võ Đế. Ông giỏi thơ phú.
(5) 洗髓 (tẩy tủy): rửa sạch cốt tủy.
(6) 伐毛 (phạt mao): Cắt râu tóc cũ. Phạt, gọt đi, hoán trừ.
Chú thích:
(*): Trong câu này, Hoàng Mi Ông tẩy tủy phạt mao, chứ không phải là Đông Phương Sóc, cho nên có một số phiên bản còn gọi là “Hoàng Mi Ông tẩy tủy phạt mao”.
Bản dịch tham khảo
Vào thời nhà Hán, Trương Lương bí mật giẫm lên chân Lưu Bang, thì thầm ghé vào tai khuyên Lưu Bang; Đông Phương Sóc nghe Hoàng Mi Ông nói, ông ấy 3000 năm mới tẩy tủy một lần, 2000 năm thay da đổi tóc một lần.
Đọc sách luận bút
Điều đáng để các em học tập nhất ở bài này chính là tâm đại nhẫn, chính vì có tâm đại Nhẫn nên Trương Lương mới đắc được Thiên thư binh pháp, ông đã trở thành bậc thiên tài cơ trí mưu lược, văn võ song toàn và lưu danh muôn đời, Hán Cao Tổ Lưu Bang khen ngợi ông rằng: “Vận trù duy ác chi trung, quyết thắng thiên lý chi ngoại”, ý là mưu tính trong màn trướng mà có thể quyết định chiến thắng ở ngoài nghìn dặm. Câu này vì thế đã được lưu truyền qua nghìn đời.
Câu chuyện của Trương Lương và câu chuyện Hàn Tín “chịu nhục chui háng” đã cùng diễn giải và lưu lại văn hóa về Nhẫn cho đời sau. Ở đây chúng ta chủ yếu sẽ nói về cái Nhẫn của Trương Lương.
Trương Lương mưu dùng chùy sắt tấn công Tần Thủy Hoàng nhưng thất bại, bị treo bảng truy nã, nên đành phải mai danh ẩn tích, tháo chạy đến Hạ Bì (nay là phía Bắc Tuy Ninh, Giang Tô). Một hôm, Trương Lương đang đi thong thả trên cầu Nghi Thủy thì gặp một ông lão áo thụng vải thô, khi ông đi đến gần Trương Lương, thì cố ý đánh rơi giày xuống cầu, rồi ngạo mạn sai Trương Lương: “Tiểu tử, xuống nhặt giày cho ta!” Trương Lương sửng sốt, nhưng vẫn lập tức giúp ông lão lấy giày lên. Sau đó, ông lão lại co chân lên và ra lệnh cho Trương Lương xỏ giày vào cho ông. Trương Lương cũng quỳ xuống, cẩn thận giúp ông lão xỏ giày. Ông lão không cảm ơn, chỉ ngẩng mặt cười lớn mà đi. Trương Lương bị sỉ nhục nhưng không hề tức giận, ông lão đột nhiên quay lại phía cây cầu và khen rằng: “Cậu tiểu tử này có thể dạy dỗ”. Rồi ông hẹn sáng sớm 5 ngày sau sẽ gặp Trương Lương ở đầu cầu. Trương Lương không hiểu ý, nhưng vẫn cung kính đồng ý.
Năm ngày sau, khi gà gáy báo sáng, Trương Lương vội vã chạy đến cây cầu. Không ngờ, ông lão cố ý đến trước đã đợi sẵn ở đầu cầu từ lâu, vừa nhìn thấy Trương Lương liền giận dữ mắng: “Sao lại thất hẹn với lão phu, 5 ngày nữa hãy quay lại!” Nói rồi ông liền bỏ đi. Kết quả là Trương Lương lần thứ hai cũng chậm hơn ông lão một bước. Lần thứ ba, Trương Lương chỉ đơn giản đến cây cầu chờ vào lúc nửa đêm. Ông đã vượt qua được thử thách, tinh thần nhẫn chịu khiến ông lão cảm động, vì vậy ông lão đưa cho ông một cuốn sách và nói: “Đọc cuốn sách này có thể làm thầy của đế vương, 10 năm sau thiên hạ đại loạn, ngươi có thể sử dụng cuốn sách này để hưng bang lập quốc; 13 năm sau lại đến gặp ta”. Nói xong ông liền lướt đi mất. Ông lão này chính là cao nhân huyền bí Hoàng Thạch Công trong truyền thuyết, hay còn được gọi là “di thượng lão nhân” (ông lão trên cầu).
Trương Lương lấy làm kinh ngạc, trời vừa sáng liền nhìn qua quyển sách, thì chính là “Thái công binh pháp”, từ đó Trương Lương ngày đêm nghiên cứu binh thư, chớp mắt đã đến sự kiện trọng đại trong thiên hạ, cuối cùng ông trở thành một người có “tài năng thiên phú” với sự tinh thâm thao lược và túc trí đa mưu.
Tô Thức từng nói: “Thời xưa, người được gọi là một chí sĩ hào kiệt, nhất định là người có tiết tháo hơn người, có thể khoan dung được những điều mà người bình thường không thể nhẫn chịu được. Người bình thường bị sỉ nhục, liền rút kiếm ra đấu, đây không phải là người dũng cảm. Trên thế gian này, có một dạng người thực sự dũng cảm là không hoảng sợ khi gặp tình huống bất ngờ, vô cớ bị xúc phạm mà không tức giận. Tại sao lại có thể như vậy? Bởi vì người đó mang trong lòng chí lớn và mục tiêu cao xa”.
Ông tin rằng, Hoàng Thạch Công đã làm khó dễ Trương Lương để điểm ngộ ông ấy, chuyện nhỏ không nhẫn được thì hỏng kế hoạch lớn. Tính khí nóng nảy không ổn định, ắt không thành người tài. Cho nên sau này, ông có thể làm được khi đối mặt với biến loạn thì bình tĩnh tự nhiên không hoảng loạn, bình tĩnh đối đáp, không bị cơn giận chi phối mà mất đi lý trí.
Về sau, câu chuyện của Trương Lương nhặt giày và chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng được truyền tụng thiên cổ và trở thành một trong những trí huệ xử thế quan trọng. Nhẫn đã trở thành một yếu tố chính của văn hóa Trung hoa.
Kể chuyện
Tâm đại Nhẫn của Trương Lương
Sau khi nước Hàn bị nước Tần tiêu diệt, Trương Lương vì không Nhẫn nổi đã làm một việc tiểu dũng (dũng cảm nhỏ), dốc hết gia sản và tìm được một đại lực sĩ. Ông và đại lực sĩ rình đánh Tần Thủy Hoàng bằng một chùy sắt lớn ở bãi cát Bác Lãng, nhưng đánh nhầm xe tùy tùng nên không thành công, vì vậy Trương Lương bị truy nã. Khi ông tháo chạy đến Hạ Bì, gặp được ông lão trên cầu là Hoàng Thạch Công. Ông lão đã khảo nghiệm Trương Lương nhiều lần, cảm thấy rằng Trương Lương đã hiểu được bài học giáo huấn về vụ ám sát Tần Thủy Hoàng năm xưa, chịu đựng được một chút tức giận, thấy rằng Trương Lương có thể dạy dỗ được, vì vậy ông lão đã truyền cho Trương Lương “Thái công binh pháp”. Trương Lương đã dựa vào bộ sách thần kỳ này để phò tá Lưu Bang hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ.
Khi nhà Sở và Hán tương tranh, Lưu Bang bị quân Sở bao vây, tình thế nguy cấp, Hàn Tín lúc này đã phá được Tề và sai người đưa thư lên Lưu Bang xin làm giả vương (quyền quân vương) của nước Tề. Lưu Bang xem thư rất tức giận, chửi ầm lên, Trương Lương bí mật dẫm lên chân Hán Vương, ghé tai thì thầm khuyên: “Hãy phong Hàn Tín làm vương, để Hàn Tín an tâm, để tránh tạo phản”. Lưu Bang kịp thời tỉnh ngộ, liền đổi giọng nói: “Đại trượng phu bình định chư hầu, chính là chân vương, cớ chi còn làm ‘giả vương’!”. Ngay lập tức Lưu Bang cử Trương Lương đi phong Hàn Tín làm vương nước Tề, điều động quân Hàn Tín để tấn công Hạng Vũ.
Tô Thức cho rằng, chiến thắng của Lưu Bang nằm ở năng nhẫn, nhưng mà công phu nhẫn nại “Nhẫn chuyện nhỏ để được đại sự” này chính là điều mà Trương Lương đã dạy cho ông.
Hoàng Mi Ông tẩy tủy cắt tóc
Đông Phương Sóc thường đi ngao du khắp thiên hạ, một ngày nọ, ông gặp một bà lão hái dâu bên bờ biển, khi đó có một người tên là Hoàng Mi Ông ở bên cạnh nói với ông rằng: “Bà lão này từng là vợ ta trước đây. Ta đã sống 9000 năm không ăn cơm, chỉ nuốt khí, mỗi 3000 năm tẩy tủy một lần, 2000 năm mới thay da đổi tóc một lần, ta đã ba lần tẩy tủy, năm lần thay tóc”.
Đây là điển cố về nguồn gốc của câu thành ngữ “tẩy tủy phạt mao”, nghĩa là thay đổi hoàn toàn, thay đổi đến tận xương tủy. Có thể hình dung là hoàn toàn thanh trừ những thứ ô uế, hoặc ví như con người được thoát thai hoán cốt, thể hiện ra diện mạo hoàn toàn mới.
Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org
Ngày đăng: 01-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.