Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (32): Hoàng Đế đặt quy chế Hán phục



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn chữ Hán và chú âm

冠(ㄍㄨㄢ) 冕(ㄇㄧㄢˇ) 衣(ㄧ) 裳(ㄕㄤ˙),

至(ㄓˋ) 黄(ㄏㄨㄤˊ) 帝(ㄉㄧˋ) 而(ㄦˊ) 始(ㄕˇ) 备(ㄅㄟˋ);

桑(ㄙㄤ) 麻(ㄇㄚˊ) 蚕(ㄘㄢˊ) 织(ㄓ),

自(ㄗˋ) 元(ㄩㄢˊ) 妃(ㄈㄟ) 而(ㄦˊ) 始(ㄕˇ) 兴(ㄒㄧㄥ)。

Bính âm

Guānmiǎn yīshang,

zhì huángdì ér shǐ bèi;

sāng má cán zhī,

zì yuán fēi ér shǐ xìng.

Âm Hán Việt

Quan miện y thường,

chí Hoàng Đế nhi thủy bị;

tang ma tàm chức,

tự nguyên phi nhi thủy hưng.

Giải nghĩa từ ngữ:

(1) 冠冕 (Quan miện): Mũ quan, vào thời cổ Trung Hoa, làm quan từ chức Khanh đại phu trở lên thì sẽ đội mũ miện.

(2) 元妃 (Nguyên phi): Chỉ vợ của Hoàng Đế là Luy Tổ.

Bản dịch tham khảo:

Mãi cho đến thời Hoàng Đế, chế độ đẳng cấp các loại mũ áo mới đạt tới hoàn thiện; vợ của Hoàng Đế là Nguyên phi Luy Tổ đã phát minh ra phương pháp hái dâu nuôi tằm lấy tơ, và dạy bảo dân chúng làm sao để dệt vải làm ra y phục.

Đọc sách luận bút

Lịch sử của Trung Hoa được gọi là lịch sử 5.000 năm văn minh, dân tộc Trung Hoa cũng gọi là dân tộc Hoa Hạ, vì tiên tổ Hoàng Đế là người đã khai sáng ra nền văn minh 5.000 năm này của nhân loại, trong 5.000 năm văn minh đó, đặc trưng bề mặt nổi bật nhất chính là hai chữ Hoa Hạ. Chữ Hoa trong chữ hoa mỹ của Hán phục, Hạ chính là chỉ sự to lớn của lễ nghi. Đúng như người ta thường nói: “Dân tộc Hán có vẻ đẹp của lễ phục, mà gọi là Hoa, có lễ nghi to lớn mà gọi là Hạ, nên gọi dân tộc Hán là dân tộc Hoa Hạ”. Mà Hoàng Đế chính là tiên tổ chế tạo ra Hán phục và quy phạm chế độ lễ nghi. Sự hoa mỹ của Hán phục, là đến từ tơ lụa do chính phi của Hoàng Đế là Luy Tổ phát minh ra.

Cũng chính là nói, Hoàng Đế tuân theo mệnh trời thay thế Viêm Đế mà trở thành chủ của thiên hạ, điều đó có ý nghĩa là ông phải hoàn thiện một cách có hệ thống nền tảng cho đặc trưng bề ngoài của lịch sử văn minh Hoa Hạ. Bởi vậy, sáng tạo ra hệ thống Hán phục tất nhiên là đặc điểm của văn hóa Thần truyền, chú định phải có tơ lụa hoa mỹ tương xứng đồng thời ra đời. Và chuyện này cũng chính là đương nhiên giao cho chính phi Luy Tổ của ông hoàn thành. Thế là tơ lụa được Luy Tổ phát minh và truyền thụ cho bách tính. Bởi vì Hoàng Đế dùng đức trị quốc, nên phục sức ngoài công dụng chống lạnh, làm đẹp và che chắn, thì cũng phải đưa vào đó những ý vị của nội hàm văn hóa đạo đức nhân luân và lý niệm thiên nhân hợp nhất, biểu hiện thành phục sức lễ nghi, có quy chế thống nhất, thân phận rõ ràng, định ra chức vị, hợp với thiên đạo (Ví như quy định trên áo dưới quần, áo ở trên tượng trưng cho trời, nằm ở trên, quần ở dưới tượng trưng cho đất, dài ra cho đến mắt cá chân gần như chạm đất, kể từ đó người Trung Quốc gọi y phục thành y thường, y thường cũng là dạng thức căn bản của Hán phục truyền thống). Lấy đó mà giáo hoá bách tính, trị vì thiên hạ, khiến cho dân tộc Trung Hoa từ đó có cử chỉ trở nên lễ độ, có nghi lễ hoàn toàn tốt đẹp, khí độ phi phàm.

Từ đó về sau, Hán phục Trung Hoa đã sử dụng các màu sắc của ngũ hành làm màu sắc chính thống, từ màu sắc đến kiểu dáng, đều căn cứ theo thân phận và trường hợp khác nhau, mà định ra quy chế nghiêm ngặt.

Bắt đầu từ Hoàng Đế cho đến Nghiêu Thuấn chính là Ngũ đế mà Khổng Tử kính trọng nhất, mỗi Đế đều có đức của Ngũ Hành, đều lấy đức giáo hoá thiên hạ. Hoàng Đế có thổ đức trong ngũ hành, thuộc về màu vàng, cho nên gọi là Hoàng Đế. Thuyết Nhân-Hiếu-Tín-Nghĩa của Khổng Tử, chính là bắt nguồn từ thực tiễn đạo đức trị quốc của Ngũ Đế. Bởi vậy, trang phục và lễ nghĩa bên ngoài, là hình tượng hoá thể hiện ra bên ngoài tương xứng với đức. Nhờ sự khai sáng của chữ viết vào thời kỳ Hoàng Đế, khiến cho lịch sử 5.000 năm nền văn minh bề ngoài hoa mỹ lễ độ, có nghi lễ hoàn toàn tốt đẹp, nhưng cốt lõi của nó là lấy đạo đức nhân hiếu đã được bảo tồn một cách hoàn chỉnh. Điều này cũng tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên.

Điều đáng nói là, hành vi của đế vương là tấm gương để giáo hóa đạo đức, người xưa thường nói lấy vợ gả chồng cho người có đức hạnh, đây cũng là truyền thống mà Hoàng Đế lưu lại, chính phi của ông phẩm đức cao thượng, dạy người ta nuôi tằm chế ra y phục, thứ phi của ông là Mô Mẫu thì tướng mạo xấu xí, nhưng cũng có đức hạnh cao thượng, cùng hợp sức với chính phi phụ tá Hoàng Đế, được Hoàng Đế rất kính trọng. Hoàng Đế nói: “Người coi trọng sắc đẹp mà không coi trọng đức hạnh, thì cũng không phải là người đẹp thực sự, người trọng đức khinh sắc, mới là người hiền thực sự”.

Kể từ đó, hành vi của Hoàng Đế và hoàng hậu trở thành khuôn mẫu cho những người làm chồng làm vợ trong thiên hạ, hoàng hậu đương nhiên phải là bậc mẫu nghi thiên hạ, trở thành tấm gương cho phụ nữ, giáo hoá phẩm đức cho giới nữ, dạy cho họ biết phụ tá phu quân của mình như thế nào, làm sao để quản lý gia đình tốt. Đương nhiên việc dệt vải may áo cũng trở thành công việc chủ yếu của người phụ nữ.

Kể chuyện

Trung Quốc là quốc gia duy nhất thời cổ đại trồng dâu, nuôi tằm và sản xuất ra sản phẩm tơ lụa.

Theo truyền thuyết sau khi Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, Thần Tằm đã dâng lên tơ tằm trắng tinh tỏa sáng để mừng thắng lợi của Hoàng Đế. Hoàng Đế sai người đem tơ dệt thành vải lụa, sau đó lại cắt vải lụa thành những bộ quần áo nhẹ nhàng, ấm áp và thoải mái. Sau đó, vợ của Hoàng Đế là Luy Tổ phát hiện ra con tằm cũng có thể nhả ra sợi tơ giống như tơ mà Thần Tằm tặng, nên đã trồng cây dâu, hái lá dâu nuôi tằm rồi dệt tơ tằm thành vải lụa. Luy Tổ đem phương pháp này dạy cho người dân, từ đó việc hái dâu, nuôi tằm và dệt vải đã trở thành công việc chính của phụ nữ Trung Quốc cổ đại.

Tương truyền Hoàng Đế đã chế định ra chế độ đẳng cấp của quan phục, dựa theo chế độ đẳng cấp khác nhau, mà phân biệt ra địa vị cao thấp, các loại lễ nghi cũng theo đó mà được sinh ra. Vì vậy trang phục không còn chỉ để tránh rét, che thân hay trang trí nữa, mà còn là một loại tượng trưng cho thân phận, nó đại biểu cho địa vị xã hội của một người, không được tùy ý đi quá giới hạn.

Trung Quốc có lịch sử văn hóa y quan (áo mũ) lâu đời, mỗi triều đại đều có phong cách phục sức độc đáo của riêng mình. Tạo hình cơ bản của trang phục truyền thống Hán tộc Trung Quốc là áo trên và quần dưới; áo trên tượng trưng cho bầu trời và dài đến đầu gối; quần dưới tượng trưng cho mặt đất và dài tới mắt cá chân. Đến nay người Trung Quốc vẫn gọi chung các loại quần áo là “y thường” (y phục). Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, đã xuất hiện một loại trang phục phần trên và phần dưới dưới liên kết với nhau – thâm y, vì nó thẳng và rộng, có thể che chắn cơ thể kín đáo không hở hang, nên gọi là “thâm y”. Phương pháp cắt may của nó rất độc đáo, nó được cắt phần trên và phần dưới riêng biệt, rồi khâu lại với nhau, chiều dài ước chừng đến mắt cá chân. “Thâm y” được sử dụng rộng rãi, không phân biệt nam nữ, bất luận sang hèn, trên từ văn nhân võ tướng, dưới cho đến người có mức lương ít ỏi bình dân đều có thể mặc được. Theo “Lễ ký – thâm y” ghi chép: “Cho nên có thể cho văn sĩ mặc, có thể cho võ tướng mặc, có thể cho người tiếp khách mặc, có thể cho người quản lý quân đội mặc”. Đó là lễ phục cực kỳ được yêu thích. Đặc trưng của Hán phục là tay áo lớn rộng thẳng, đai quanh eo có thể tạo nếp tự nhiên, tại các bộ phận cổ áo, tay áo, vạt áo được khảm viền màu và thêu hoa để làm trang trí.

(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/249173



Ngày đăng: 31-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.