Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (15): Mắt vua Thuấn có hai con ngươi
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn chữ Hán và Chú âm:
堯(ㄧㄠˊ) 眉(ㄇㄟˊ) 分(ㄈㄣ) 八(ㄅㄚ) 彩(ㄘㄞˇ),
舜(ㄕㄨㄣˋ) 目(ㄇㄨˋ) 有(ㄧㄡˇ) 重(ㄓㄨㄥˋ) 瞳(ㄊㄨㄥˊ)。
耳(ㄦˇ) 有(ㄧㄡˇ) 三(ㄙㄢ) 漏(ㄌㄡˋ),
大(ㄉㄚˋ) 禹(ㄩˇ) 之(ㄓ) 奇(ㄑㄧˊ) 形(ㄒㄧㄥˊ);
臂(ㄅㄧˋ) 有(ㄧㄡˇ) 四(ㄙˋ) 肘(ㄓㄡˇ),
成(ㄔㄥˊ) 湯(ㄊㄤ) 之(ㄓ) 異(ㄧˋ) 体(ㄊㄧˇ)。
Bính âm
尧(Yáo) 眉(méi) 分(fēn) 八(bā) 彩(cǎi),
舜(Shùn) 目(mù) 有(yǒu) 重(chóng) 瞳(tóng)。
耳(Ěr) 有(yǒu) 三(sān) 漏(lòu),
大(Dà) 禹(Yǔ) 之(zhī) 奇(qí) 形(xíng);
臂(bì) 有(yǒu) 四(sì) 肘(zhǒu),
成(Chéng) 汤(Tāng) 之(zhī) 异(yì) 体(tǐ)。
Âm Hán Việt
Nghiêu mi phân bát thái,
Thuấn mục hữu trùng đồng.
Nhĩ hữu tam lậu,
Đại Vũ chi kỳ hình;
Tí hữu tứ trửu,
Thành Thang chi dị thể.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 八彩 (Bát thải): Tám loại màu sắc.
(2) 重 (Trùng): Hai lớp.
(3) 瞳 (Đồng): Trung tâm của nhãn cầu, tức là con ngươi mắt màu đen.
(4) 漏 (Lậu): Chỉ lỗ tai.
(5) 肘 (Trửu): khuỷu tay, cùi chỏ, là phần nối giữa cánh tay trên và cánh tay dưới của người.
(6) 成汤 (Thành Thang): còn được gọi là Thương Thang, người sáng lập ra nhà Thương.
Bản dịch tham khảo
Lông mày của vua Nghiêu có tám màu, mắt của vua Thuấn có hai con ngươi màu đen. Tai của Đại Vũ đế có ba lỗ tai, hình dạng rất kỳ dị. Hai cánh tay của vua Thành Thang tổng cộng có bốn khuỷu tay, khác với người thường.
Đọc sách luận bút
Bài này chủ yếu nói về tướng mạo kỳ lạ của các vị đế vương cổ đại khác với dân chúng. Điều này phù hợp với sự nhận thức về văn hoá Thần truyền của cổ nhân, để trẻ em nhớ rằng tổ tiên chúng ta đến từ thiên thượng, vùng đất này được tôn xưng là Thần châu, những bậc thánh vương khai sáng nền văn minh này nhất định có nguồn gốc phi phàm mang theo sứ mệnh khác nhau giáng sinh xuống nhân gian, để truyền các nền văn minh một cách có trật tự.
Chúng ta lấy vua Thuấn làm ví dụ, hãy xem ông đã lưu lại cho dân tộc Trung Hoa nền văn minh giáo hóa như thế nào.
Kỳ thực quan niệm đạo đức làm người lấy hiếu đễ trung tín làm cốt lõi mà người Trung Quốc đã làm theo hàng nghìn năm qua chính là do Thuấn Đế truyền lại. Ông là một hình mẫu về lòng hiếu đễ trong lịch sử Trung Quốc, hai mươi tuổi đã nổi tiếng khắp thiên hạ về lòng hiếu đễ. Khổng Tử đã kế thừa và phát huy Thánh đức của ông, trở thành Nho gia, và đương nhiên có đủ tư cách trở thành văn hóa chính thống cho người đời sau về tiêu chuẩn làm người. Mọi thứ đều có nguồn gốc xa xưa của nó.
Thuấn là thuỵ hiệu, nghĩa là bậc Thánh nhân từ
Theo “Sử ký”, Thuấn là hậu duệ của đế Chuyên Húc, cha ông là Cổ Tẩu, mẹ là Ốc Đăng. Thuấn thực ra là một thụy hiệu, “Thụy Pháp” viết: “Nhân thánh thịnh minh viết Thuấn”. Nghĩa là cổ nhân căn cứ vào đức hạnh nổi bật khi còn sống của vị Đế Vương mà phong cho cho ông thụy hiệu là Thuấn khi qua đời. Chính là chỉ Thánh minh nhân đức của ông, xứng danh là Thánh đức Đế Vương.
Tên cha mẹ đặt cho ông thực ra là “Trùng Hoa”, truyền thuyết kể rằng chính vì con mắt ông có hai con ngươi nên mới đặt tên như thế. Ngoài ra, hình thể của Thuấn có nhiều nét kỳ lạ: lòng bàn tay có vân như chữ “Bao”(khen ngợi), mặt đen và vuông, tướng rồng miệng lớn.
Người nhà có tâm địa ác độc, Thuấn lại càng thêm hiếu đễ
Khi Thuấn được hai tuổi, mẹ ông qua đời, cha lấy vợ kế. Người mẹ kế có một con trai và một con gái, người con trai tên là Tượng; người mẹ kế thường xuyên đánh đập, mắng nhiếc Thuấn và còn xúi giục cha đánh phạt ông vô cớ, ông sống những ngày ăn đói mặc rét.
Khi Thuấn khoảng mười tuổi, có một người tu Đạo tên là Vụ Thành Tử đã chủ động dạy ông đọc sách. Mẹ kế không muốn cho ông đi học, vì vậy ông chăn bò cho nhà hàng xóm, đồng thời theo Vụ Thành Tử học tập từ đọc sách, viết chữ, làm người cho đến thiên văn địa lý và đạo lý trị quốc bình thiên hạ. Điều này nói rõ một vấn đề, thầy của bậc đế vương cổ đại là người tu Đạo, Thuấn Đế cuối cùng cũng tu Đạo mà thành. Đạo hiếu đễ và Đạo trị quốc mà ông truyền lại kỳ thực có nguồn gốc từ văn hóa tu đạo cổ xưa.
Theo sử sách, cha Thuấn rất gàn, không phân biệt đúng sai, lại mù cả hai mắt, mẹ kế thì ngu muội và độc ác tàn nhẫn, còn người em trai cùng cha khác mẹ tên là Tượng thì hung dữ kiêu ngạo ngỗ ngược, cực kỳ ích kỷ và bụng dạ nham hiểm. Cả ba người đều muốn diệt trừ Thuấn.
Thuấn không bao giờ oán giận, ngược lại còn rất hiếu thảo và hữu ái (đó chính là cái đạo kính nhường giữa anh em), cố gắng hết sức mình để giải quyết tốt mối quan hệ gia đình. Dù bị cha mẹ ghét bỏ nhưng ông vẫn không mất đi đạo làm con. Khi bị cha đánh bằng gậy nhỏ thì ông đứng yên; khi cha dùng gậy lớn đánh, hay người nhà muốn hại ông, nguy hiểm đến tính mạng thì ông liền kịp thời lẩn trốn (không để cha mẹ trở thành bất nghĩa. Ngày nay nói người xưa giảng nào là vua muốn bề tôi chết thì bề tôi không thể không chết, kỳ thực đây là sự lừa dối ác ý của Trung cộng, Thuấn Đế đã sớm lưu lại cho đời sau một cách làm cụ thể rằng hiếu không phải là ngu hiếu, trung không phải ngu trung, ai cũng không thể vô cớ cướp đi tính mệnh của người khác, bởi vì mạng người liên quan đến Trời, cho dù phụ mẫu hay quân vương cũng không thể đụng đến được, vì vậy Thuấn Đế đã không oán giận cha mẹ mà còn rất hiếu kính đối với họ, còn hiểu được không thể để cha mẹ phạm tội, đây mới là hiếu kính thật sự). Khi gia đình có việc gì cần giúp đỡ, ông luôn ở bên cạnh chăm nom cha mẹ.
Đức của Thuấn Đế giáo hoá thiên hạ
Thấy gia đình không thể dung chứa mình, Thuấn ra ngoài sinh sống. Vì sự rộng lượng và lòng bao dung nhường nhịn của Thuấn nên bất cứ nơi nào ông đến thì nơi đó sau một năm trở thành một ngôi làng, sau hai năm trở thành một thị trấn, và sau ba năm trở thành một thành phố. Mọi người đều nguyện ý sẵn sàng đi theo ông.
Khi Thuấn khai hoang trồng trọt ở Lịch Sơn, có voi lớn xuống núi dùng vòi giúp Thuấn cày xới đất, mọi người đều cảm thấy thần kỳ. Lại thấy chim bay đến giúp Thuấn trừ cỏ dại trong ruộng. Có người đánh nhau tranh giành đất đai, Thuấn đã chủ động nhường mảnh đất màu mỡ mình cày cấy cho người yếu thế, rồi tự đi khai hoang vùng đất cằn cỗi. Dưới ảnh hưởng của Thuấn, vùng Lịch Sơn đã hình thành phong tục nhường nhịn, chung sống hoà thuận với nhau, người đến Lịch Sơn khai hoang trồng trọt ngày càng nhiều, dần dần hình thành một ngôi làng lớn.
Khi Thuấn đánh cá ở Lôi Trạch, cũng có người vì tranh ngư trường mà đánh nhau, ông cũng xử lý theo cách như vậy. Những người ở Lôi Trạch cũng trở nên khiêm tốn nhường nhịn lẫn nhau.
Sách “Thượng Thư – Đại Truyện” viết rằng: “Thuấn không leo mà cao, không đi mà xa”. Đức hạnh của ông cao dày, uy danh tự sinh, danh tiếng vang xa, ông đã có đầy đủ tố chất của bậc đế vương khiến mọi người thần phục.
Hiếu đễ trị gia, trung tín trị quốc
Khi Thuấn ba mươi tuổi, vua Nghiêu tìm kiếm nhân tài có đức trong thiên hạ, Tứ Nhạc liền tiến cử Thuấn. Vua Nghiêu triệu kiến Thuấn. Vua hỏi ông về phương pháp cai trị thiên hạ. Theo “Tuân Tử – Nghiêu vấn”, Thuấn trả lời rằng: “chấp nhất vô thất, hành vi vô đãi, trung tín vô quyện, nhi thiên hạ tự lai”.
Đại ý là người chủ trì quản lý điều hành công việc phải chuyên chú dốc lòng mà không có sai lầm sơ suất, làm việc nhỏ cũng không lơ là, tận tâm tận lực giữ chữ tín mà không chán nản, như thế thì người trong thiên hạ sẽ tự quy thuận, đâu cần những biện pháp đặc biệt để thu hút, khiến người dân quy thuận?
Nghiêu Đế đã để Thuấn trải qua nhiều thử thách, như đảm nhận chức Tư Đồ. Phụ nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu, 5 loại luân lí đạo đức này chính là do Thuấn phát triển rộng giáo hóa Ngũ điển mà lưu truyền lại cho đời sau, bất kể là trị gia hay nội chính, ngoại giao ông đều xử lý rất rõ ràng rành mạch, cha mẹ và em trai nhiều lần toan tính làm hại tính mệnh ông nhưng ông vẫn không thay đổi Đạo hiếu đễ, cuối cùng họ đã được cảm hoá, thiên hạ cũng yên ổn hòa thuận. Thế là vua Nghiêu đã truyền ngôi cho ông.
Thuấn thân trong nghịch cảnh, bị cha mẹ đối xử với mình như kẻ thù nhưng vẫn vô cùng hiếu thảo, chịu đựng những gì người thường không thể chịu nổi, lòng hiếu đễ và trung tín mà ông thể hiện đã trở thành cốt lõi của tư tưởng Nho giáo. Ông cũng tự nhiên trở thành hình mẫu đạo đức làm người của đất nước Trung Hoa. Ông là tấm gương của bậc Thánh Vương.
Kể chuyện
Kỳ nhân dị tướng, rất nhiều bậc Đế Vương và Thánh hiền ở Trung quốc cổ đại, ngũ quan và tướng mạo của họ đặc biệt rất khác với người thường. Ngoài lông mày tám màu của Nghiêu đế, đôi mắt hai tròng của Thuấn đế, ba lỗ tai của Đại Vũ đế và cánh tay dài của Thương Thang ra thì theo ghi chép của sách cổ, Chu Văn Vương còn có vầng trán cao như rồng và vai rộng như hổ; đỉnh đầu của Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử bị lõm xuống; tay Chu Công vô cùng mềm mại, có thể quay ngược lại để lấy đồ vật. Những vị Thánh hiền cổ đại này không chỉ có ngoại hình đặc biệt kỳ lạ mà còn có phẩm cách cao thượng và được mọi người kính trọng.
Lão Tử, ông tổ của Đạo giáo, tướng mạo cũng khác với người thường. Tương truyền ông có nước da trắng vàng, trán rộng, lông mày rậm mắt to, nhưng lông mày màu vàng, miệng vuông, môi dày, răng thưa, mỗi bên tai có ba lỗ nhỏ và tai thõng xuống đến vai, sống mũi to, bên trong có hai trụ thịt. Lão Tử không chỉ có tướng mạo kỳ dị mà còn có trí huệ cực kỳ thông minh, kiệt tác “Đạo Đức Kinh” 5.000 chữ của ông là kinh điển quan trọng cho việc tu luyện của Đạo gia.
Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “ Ấu Học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org
Ngày đăng: 23-05-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.