Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (2): Mặt trăng là Thái Âm, cầu vồng là Đế Đông
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên Văn chữ Hán
日为众阳之宗,月乃太阴之象。虹名螮蝀,乃天地之淫气。月里蟾蜍,是月魄之精光。
Bính âm
Rì wèi zhòng yáng zhī zōng, yuè nǎi tài yīn zhī xiàng. Hóng míng dì dōng, nǎi tiān dì zhī yín qì. Yuè lǐ chán chú, shì yuè pò zhī jīng guāng.
Âm Hán Việt
Nhật vi chúng dương chi tông, nguyệt nãi thái âm chi tượng. Hồng danh đế đông, nãi thiên địa chi dâm khí. Nguyệt lý thiềm thừ, thị nguyệt phách chi tinh quang.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 眾陽 (Chúng Dương): Chúng là nhiều; Dương là Dương khí.
(2) 宗 (Tông): căn nguyên, căn bản.
(3) 象 (Tượng): biểu tượng, tượng trưng.
(4) 䗖蝀 (Đế đông): một tên gọi khác của cầu vồng.
(5) 淫氣 (Dâm khí): dùng để chỉ sự chuyển giao hỗn hợp của khí âm và khí dương (Dâm, ngâm tẩm).
(6) 蟾蜍 (Thiềm Thừ): con cóc. Tương truyền rằng, Hằng Nga vợ của Hậu Nghệ đã uống thuốc tiên của Tây Vương Mẫu rồi bay lên mặt trăng biến thành con cóc.
Bản dịch tham khảo
Mặt trời là nguồn gốc của tất cả các khí dương, mặt trăng là biểu tượng tinh hoa của khí âm. Cầu vồng còn gọi là Đế Đông, là do khí âm và khí dương của trời đất giao hội hòa quyện với nhau mà thành; con cóc ở cung trăng là do tinh hoa của mặt trăng ngưng tụ mà thành.
Đọc sách luận bút
Bài này vẫn là nói về tri thức thiên văn, mọi người chỉ cần đọc tiếp sẽ thấy rằng cuốn sách giáo khoa nhập môn này kỳ thực về mặt kiến thức cái gì cũng có, bao trùm muôn vạn hiện tượng, trong đó có đầy đủ những kiến thức phổ thông mà một đời con người sẽ nghiên cứu và học tập được sau này, để đi ra xã hội vận dụng trong cuộc sống. Ngày nay chúng ta đọc thấy vô cùng sâu sắc, nhưng ở thời cổ đại, đây là kiến thức cơ bản của bậc tiểu học, là nền tảng, ví dụ nói tới một trong những tác dụng của cuốn sách là nếu bạn không đọc cuốn sách này, thì bạn sẽ không hiểu được những tác phẩm kinh điển của thời cổ đại.
Trong nhiều tác phẩm kinh điển cổ xưa, xuất hiện rất nhiều điển cố và thuật ngữ đặc biệt, nếu xem không hiểu những từ ngữ này thì sau này thì sẽ không thể đọc được những cuốn sách cổ, ngay lập tức có thể sẽ cảm thấy rất khó, không muốn đọc nữa. Kỳ thực chỉ cần bạn học xong cuốn sách giáo khoa nhập môn này, sẽ thấy rằng nhiều từ ngữ mà trước đó xem không hiểu chẳng qua là cách dùng đặc định của cổ nhân, đó là tên gọi được viết ra theo vũ trụ quan và quan điểm lịch sử thời bấy giờ. Bạn sẽ bỗng nhiên ngộ ra rằng đọc sách cổ không khó.
Ví dụ, ở đây mọi người có thể đã phát hiện ra rằng, hoá ra Nhật (mặt trời) được gọi là Thái dương là bởi vì mặt trời là nguồn gốc của dương khí, nên được gọi là Thái dương, còn Mặt trăng tượng trưng cho Thái âm, nên cổ nhân gọi Mặt trăng là Thái âm, dùng chúng đại biểu cho âm dương. Cầu vồng còn được gọi là Đế đông, sau đó nếu từ này xuất hiện trong sách cổ, tôi sẽ hiểu ra nó ngay lập tức, ồ, nó có nghĩa là Cầu vồng. Thật thú vị phải không? Vì vậy đây là nền tảng của việc đọc sách.
Theo quan niệm của người xưa, việc giải nghĩa từ trong sách cổ và những sách giáo khoa nhập môn này đều là những thứ dành cho bậc tiểu học, là vì việc giải nghĩa cần phải tìm tòi nghiên cứu nghĩa gốc của chữ Hán, trước tiên phải hiểu hàm nghĩa, nguồn gốc, xuất xứ của từ ngữ, sau này bạn mới có thể đọc hiểu được nguyên văn của sách cổ, sau đó mới có thể tự mình có kiến giải và lĩnh hội một cách độc lập, không bị dẫn dắt sai lệch. Đó là những kỹ năng và kiến thức cơ bản để đọc được các cổ thư kinh điển. Không phải vì phải chú giải mà chú giải, cũng không phải vì kiến thức mà học kiến thức, mà là để trong tương lai sẽ sử dụng chúng để đọc các tác phẩm kinh điển và sách của thánh hiền, đương nhiên một số điển cố thường xuất hiện trong thơ từ của hậu thế, mọi người cũng sẽ cảm thấy xem không hiểu, kỳ thực là do không có nền tảng tạo nên. Vì vậy, sau khi đọc xong cuốn bách khoa toàn thư này, bạn sẽ hoàn toàn có thể đọc hiểu các sách, thơ và lịch sử văn học cổ, điều này tất nhiên rất quan trọng.
Nói cách khác, sau khi đọc cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm”, có thể hiểu rõ ràng hơn rất nhiều về những điển cố và lai lịch của nhiều sự vật, giống như sống cùng cổ nhân vậy, hiểu được phong tục, cách nghĩ, cuộc sống và tư tưởng của họ. Nét tao nhã và vẻ đẹp của văn hóa truyền thống lúc này mới sáng tỏ như gương. Trong bài học tiếp theo, các bạn sẽ thấy rằng, “gió xoáy” được gọi là “dương giác” (sừng dê), và “tia chớp” được gọi là “lôi tiên” (roi sấm), rất sinh động.
Trong tương lai mọi người sẽ thấy rằng, có rất nhiều từ ngữ giàu ý thơ và những danh xưng trang nhã trong đời sống hàng ngày đều xuất hiện ở đây, “Phương tung” (dấu vết thơm) chỉ “dấu chân”, “bạch ốc” chỉ “nhà nghèo”, “lệnh tôn” để gọi phụ thân của người khác; “lệnh viên” để tôn xưng con gái của người khác.
“Quốc thủ” là thầy thuốc. Thợ mộc còn được gọi là “đại công sư”, đây là lý do tại sao Nhật Bản gọi thợ mộc là “đại công” (daiku).
Ở đây chỉ mới nêu ví dụ về một vài phương diện, đã khiến người ta phải thầm ngạc nhiên, trẻ em đọc những cuốn sách như thế này thì sao có thể không trở nên tao nhã, sao có thể không trở nên giàu tố chất văn học đây? Tác dụng của nó quá rộng lớn, những kiến thức này có thể cho phép bạn đi khắp thiên hạ mà không sợ, thật không thể tượng tượng nổi, trẻ em thời cổ đại của chúng ta thật may mắn biết bao. Sinh viên đại học ngày nay của chúng ta cũng phải than thở là không bằng trẻ em xưa được.
Vì vậy, có rất nhiều người già Nhật Bản đã nói với người Hoa rằng Nhật Bản gọi Trung Quốc trước đây là “đại nhân chi quốc” (quốc gia của những đại nhân), ý nghĩa là trẻ em Trung Hoa xưa đều hiểu biết rất sâu rộng, nho nhã lễ độ, rất thông thái và lý tính, điều này khiến người ta kinh ngạc và khâm phục.
Kỳ thực người xưa xem “Tam Tự Kinh” là tôn chỉ của tri thức là phải dạy trước, được coi là bộ “Luận Ngữ” dành cho trẻ em, là người dẫn đường, là tôn chỉ của học vấn, là yêu cầu đạo đức căn bản của việc làm người, sau đó mới học chú giải từ ngữ, viết chữ, nhận biết chữ và ngắt câu/chấm câu, hiểu được cách dùng từ của các điển cố, phong tục, tri thức và các năng lực cơ bản v.v., sau đó mới tiến thêm một bước là có khả năng học tập những tác phẩm kinh điển của các bậc Thánh hiền và văn hóa lịch sử, chính thức đọc sách của người lớn, tất cả những điều học được về sau này có thể được gọi là đại học. Đây là đặc điểm căn bản trong giáo dục của cổ nhân. Cuối cùng là giúp bạn có được một trí huệ để tề gia trị quốc một cách chính trực, cứu giúp bách tính, đi trọn cuộc đời một cách có ý nghĩa và không bị lạc lối.
Kể chuyện
Câu chuyện Mặt trời
Cách đây rất lâu, trên bầu trời đồng thời xuất hiện mười Mặt trời, khiến cho thời tiết vô cùng nóng bức, trên mặt đất không có lấy một ngọn cỏ, mọi người đều trốn trong nhà không dám ra ngoài.
Mười Mặt trời này vốn là mười người con của Thiên Đế, rất nghịch ngợm. Thiên Đế mỗi ngày chỉ cho phép một mặt trời được lên trời chơi một lần, nhưng mười anh em này lại thường xuyên lẻn lên trời chơi với nhau khiến người dưới đất rất khổ sở. Vì vậy, vua của nhân gian là Đế Nghiêu đã thỉnh cầu bậc thầy bắn cung thiên đình hạ phàm là Hậu Nghệ giúp đỡ. Hậu Nghệ giương cung bắn tên, vốn dĩ chỉ muốn hù dọa anh em nhà Mặt trời, nhưng không ngờ một mũi tên đã bắn rơi một Mặt trời, nhiệt độ trên mặt đất lập tức giảm đi mấy độ. Hậu Nghệ liền liên tiếp bắn hạ chín Mặt trời. Lúc ấy, Đế Nghiêu thấy mặt đất trở nên rất lạnh, ông hiểu ra tác dụng của Mặt trời, liền ngăn cản Hậu Nghệ không bắn tên nữa, vì vậy trên bầu trời chỉ còn một Mặt trời.
Mặt trời còn lại rất lười biếng, thường trốn trong thung lũng để ngủ, khiến nhân gian trở nên tối tăm và lạnh lẽo. Vì vậy Thiên Đế đã lệnh cho vị Đại Thần Viêm Đế trở thành Thần Mặt trời, quản lý Mặt trời. Thiên Đế đã ban cho Viêm Đế một con gà vàng để đánh thức Mặt trời đang ngủ say; một chiếc roi thần Nhược Mộc và một cỗ huyền xa Thần Long để bay trên trời truy đuổi Mặt trời, từ đó trở đi ngày ngày Mặt trời đều mọc đúng giờ ở phía đông. (Nguồn “Hoài Nam Tử” của Lưu An và “Sơn Hải Kinh”).
Hằng Nga bay lên cung trăng
Đối với tự nhiên, cổ nhân có nhiều truyền thuyết thú vị: Trong cung trăng có một con cóc đang hấp thụ tinh hoa của ánh trăng, lưng nó là màu đen, trên đầu có cặp sừng thịt khá dài, nghe nói nó đã hơn 3.000 năm tuổi! Con cóc này là do Hằng Nga do uống trộm tiên dược hóa thành.
Tương truyền, sau khi Hậu Nghệ bắn hạ chín Mặt trời, ông bị Thiên Đế trừng phạt và không bao giờ được trở lại Thiên đình, vợ ông là Thường Nga (Hằng Nga) cũng bị giáng hạ xuống làm phàm nhân để trải qua những thống khổ về sinh, lão, bệnh, tử tại nhân gian. Một ngày nọ, Hậu Nghệ xin được thuốc trường sinh bất tử từ Tây Vương Mẫu ở núi Côn Luân. Hằng Nga biết được rằng hai người họ mà chia đều thuốc để uống thì có thể trường sinh bất lão, nhưng nếu một người uống thì có thể bay lên và trở thành tiên, thế là cô đã bí mật uống hết chỗ linh dược ấy.
Sau khi uống trộm linh dược thân thể Hằng Nga trở nên nhẹ hẳn đi, đã bay vút lên, cô bay vào cung trăng và hóa thành một con cóc. (Nguồn “Linh Hiến” của Trương Hoành)
(Chú thích: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu Học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/247810
Ngày đăng: 08-01-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.