Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (19): Tể tướng Quách Tử Nghi quyền cao chức trọng



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên Văn Chữ Hán và Chú âm:

久(ㄐㄧㄡˇ) 不(ㄅㄨˋ) 屈(ㄑㄩ) 兹(ㄗ) 膝(ㄒㄧ),

郭(ㄍㄨㄛ) 子(ㄗ˙) 儀(ㄧˊ) 尊(ㄗㄨㄣ) 居(ㄐㄩ) 宰(ㄗㄞˇ) 相(ㄒㄧㄤˋ);

不(ㄅㄨˋ) 為(ㄨㄟˋ) 米(ㄇㄧˇ) 折(ㄓㄜˊ) 腰(ㄧㄠ),

陶(ㄊㄠˊ) 渊(ㄩㄢ) 明(ㄇㄧㄥˊ) 不(ㄅㄨˋ) 拜(ㄅㄞˋ) 吏(ㄌㄧˋ) 胥(ㄒㄩ)

Bính âm

久(Jiǔ) 不(bù) 屈(qū) 兹(zī) 膝(xī),

郭(guō) 子(zǐ) 仪(yí) 尊(zūn) 居(jū) 宰(zǎiˇ) 相(xiàng);

不(bù) 为(wèi) 米(mǐ) 折(zhé) 腰(yāo),

陶(táo) 渊(yuān) 明(míng) 不(bù) 拜(bài) 吏(lì) 胥(xū)

Âm Hán Việt

Cửu bất khuất tư tất,

Quách Tử Nghi tôn cư tể tướng;

bất vi mễ chiết yêu,

Đào Uyên Minh bất bái lại tư.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 茲 膝 (Tư tất): Đầu gối. 兹 ở đây. 膝 đầu gối.

(2) 郭子仪 (Quách Tử Nghi): danh tướng thời Đường.

(3) 折腰 (Chiết yêu): cúi đầu xuống lạy.

(4) 陶渊明 (Đào Uyên Minh): Nhà thơ triều Đông Tấn, tự Phù Lượng (còn có tên là Tiềm, tự Uyên Minh), tự hiệu là Hi Hoàng Thượng Nhân, Ngũ Liễu Tiên Sinh, được người đời gọi Tĩnh Tiết Tiên Sinh.

(5) 吏 胥 (Lại tư): Một chức quan nhỏ phụ trách văn thư ở địa phương.

Bản dịch tham khảo

Tiết độ sứ Điền Thừa Tự triều nhà Đường chiếm cứ Hà Bắc, nắm giữ một đội quân và là người khá kiêu ngạo; Quách Tử Nghi cử sứ giả đến thuyết phục ông đầu hàng. Điền Thừa Tự bèn quỳ xuống hướng về phía Tây và nói: “Mười năm nay ta chưa từng quỳ gối bái lạy, nhưng bây giờ ta làm điều này vì tôn trọng Quách Tử Nghi”. Đào Uyên Minh triều Tấn không muốn cúi mình vì năm đấu gạo, từ quan sống ẩn cư, không chào hỏi tiếp đón các quan lại.

Đọc sách luận bút

Đào Uyên Minh thì chúng ta đều khá quen thuộc, hôm nay chủ yếu nói về danh tướng truyền kỳ triều Đường là Quách Tử Nghi.

Quách Tử Nghi (698-781) phụng sự bốn vị hoàng đế nhà Đường là Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông và Đức Tông, trong tay luôn nắm một đội quân hùng hậu, là một nhân vật huyền thoại thời nhà Đường có công cao hơn người, quyền uy khuynh đảo thiên hạ. Điều không thể tưởng tượng nổi là: Quách Tử Nghi có công cao cái thế mà có thể khiến hoàng đế không nghi ngờ, tiểu nhân cũng không đố kị. Nhờ những chiến công hiển hách của ông trong việc bảo vệ đất nước, Đường Túc Tông đã phong Quách Tử Nghi làm Phần Dương Vương. Phú quý suôn sẻ như thế này, lẽ nào chỉ là may mắn?

Tất nhiên là không phải, Quách Tử Nghi không chỉ rộng lượng nhân nghĩa, cả đời trong sáng vô tư, mà còn có trí tuệ đối nhân xử thế hơn người. Nhân cách hoàn mỹ của ông đã trở thành tấm gương mẫu mực cho các văn thần võ tướng trong các triều đại.

Trí tuệ và khoan dung hơn người

Phủ Phần Dương Vương nằm ở làng Thân Nhân, Trường An, thường mở cửa, cho phép quan lại cấp dưới và người tạp dịch ra vào tự do, không bị tra hỏi.

Có lần, một viên võ tướng đi trấn giữ biên cương, trước khi đi đến Vương phủ từ biệt Quách Tử Nghi, thấy phu nhân và con gái của Quách Tử Nghi đang chuẩn bị trang điểm, họ sai Quách Tử Nghi đi lấy khăn và nước cho họ y như sai một người hầu.

Các con trai của Quách Tử Nghi đã nhiều lần khuyên nhủ ông: “Cha có công lao hiển hách mà lại không tôn trọng bản thân, bất kể người sang hèn cao thấp đều có thể ra vào trong công đường, quan sát phòng ngủ. Chúng con cho rằng những quyền thần như Y Doãn và Hoắc Quang cũng sẽ không làm thế này”.

Quách Tử Nghi cười và nói: “Các con không hiểu dụng ý của ta. Ta có năm trăm con ngựa ăn cỏ của triều đình, hàng ngàn quân lính ăn lúa gạo của triều đình. Vị trí của ta lên cũng không được, xuống cũng không có đường lùi. Nếu ta vây kín cổng cao tường, không tiếp xúc với người bên trong và bên ngoài triều đình, một khi kết thù oán với mọi người, có người vu cáo cho rằng ta không tuân theo phép tắc của kẻ bề tôi, thế thì những kẻ tham lam mưu đồ danh lợi, hãm hại hiền năng cũng sẽ cùng họ thúc đẩy thành chuyện thị phi. Khi đó, cửu tộc nhà họ Quách của chúng ta sẽ thịt nát xương tan, hối hận thì cũng không kịp nữa. Hiện nay, ta thẳng thắn vô tư mở rộng cửa cho ra vào; bốn phía cổng đều rộng mở, có người muốn sàm ngôn phỉ báng thì cũng không có cách nào!” Các con trai đều khâm phục sự sáng suốt và lòng bao dung của Quách Tử Nghi.

Quân tử cao thượng cảm hoá tiểu nhân

Quách Tử Nghi đã dùng lòng nhân hậu khoan dung và phẩm đức cao thượng để cảm phục nhân tâm. Ngay cả những kẻ cuồng bạo và những kẻ tiểu nhân cũng phải bái phục. Tiết độ sứ Ngụy Bác là Điền Thừa Tự nắm giữ một đội quân khá mạnh, ông ta kiêu ngạo và ngỗ ngược, ngạo mạn và hung ác với người, không có lễ tiết phép tắc. Vì Điền Thừa Tự chiếm cứ Hà Bắc nên Quách Tử Nghi đã phái sứ giả đến thuyết phục ông đầu hàng. Không ngờ Điền Thừa Tự nhìn về phía Tây nơi Quách Tử Nghi đang ở, chỉ vào đầu gối của mình và nói với sứ giả rằng: “Đầu gối của ta đã mười năm không quỳ trước người khác, nhưng mà hôm nay, ta nguyện quỳ bái lễ Quách Công”.

Một năm nọ, mộ tổ tiên của gia tộc họ Quách bị trộm. Đó là một sự xúc phạm cực lớn. Khi đó, người ta nghi ngờ đó chính là thái giám Ngư Triều Ân, vì căm hận ghen tức Quách Tử Nghi nên đã bí mật sai người đào mộ tổ nhà họ Quách. Mọi người đều rất lo lắng triều đình nổi phong ba, vì trong tay Quách Tử Nghi cầm binh quyền lớn.

Không ngờ Quách Tử Nghi lại vô cùng độ lượng, ông nói với Hoàng đế rằng, mình cầm quân đã lâu, trong đám binh sĩ hẳn là có người đã phá mồ mả tổ tiên của người khác, vì vậy ngày nay việc mộ tổ tiên của mình bị đào chính là sự khiển trách của Thượng Thiên, không phải do con người tạo ra.

Lại có một lần, Ngư Triều Ân mời Quách Tử Nghi đến một bữa tiệc, thuộc hạ của Quách rất căng thẳng, nói rằng Ngư Triều Ân sẽ gây bất lợi cho ông, nên thuộc cấp muốn trang bị đầy đủ vũ khí để hộ tống ông. Quách Tử Nghi từ chối lòng tốt của thuộc hạ, chỉ mang theo vài đứa hài đồng đến dự yến tiệc.

Ngư Triều Ân rất ngạc nhiên hỏi ông: “Tại sao xe ngựa theo sau ông ít vậy?” Quách Tử Nghi kể cho Ngư nghe những lời đồn đại mà ông nghe được và ý nghĩ của thuộc cấp. Ngư Triều Ân khen ngợi khâm phục: “Nếu không phải vì đại nhân tài đức sáng suốt như thế, làm sao có thể không nghi ngờ tôi?”

Cuối cùng, ngay cả tiểu nhân như Ngư Triều Ân cũng bị cảm hóa bởi tấm lòng độ lượng và vô tư trong sáng của Quách Tử Nghi.

Vì vậy, nhân cách Quách Tử Nghi là hình mẫu để trẻ em học tập.

Kể chuyện

Thi nhân Đào Uyên Minh ẩn dật

Đào Uyên Minh là chắt của Đào Khản, một danh tướng nhà Đông Tấn. Ông bản tính ôn hòa lương thiện và đôn hậu, không màng danh lợi. Khi còn trẻ ông có cái chí tế thế của Nho gia, nhưng do thời cuộc nhiễu nhương nên dù đã mấy lần ra làm quan nhưng ông chỉ làm những chức quan nhỏ có tính chất trợ giúp như Châu Tế tửu, Tham quân… Ông thấy hết cái nóng lạnh của hiện thực chốn quan trường, đó là nơi tranh quyền đoạt lợi, Đào Uyên Minh là người chính trực nên ông ba lần từ quan.

Khi 41 tuổi, một lần nữa bị cuộc sống thúc ép, ông trở thành huyện lệnh Bành Trạch. Một ngày nọ, viên quan Đốc Bưu trong quận đến Bành Trạch thị sát, một viên tiểu lại trong huyện am hiểu văn hóa chốn quan trường đã nhắc nhở ông phải mặc quan phục hành lễ bái kiến. Đào Uyên Minh không quen tâng bốc xu nịnh, không nén nổi thở dài nói: “Ta làm sao lại có thể vì chút lương bổng ít ỏi 5 đấu gạo này mà khom lưng uốn gối phụng sự những kẻ tiểu nhân đó!” Nói xong ông liền kiên quyết nhất định từ quan quy ẩn, tại vị hơn tám mươi ngày. Đào Uyên Minh cuối cùng đã thực hiện được tâm nguyện từ quan về vui thú điền viên, hơn 20 năm về sau, ông tự mình cày ruộng vui thú điền viên, không ra làm quan nữa, đồng thời ông đã để lại nhiều bài thơ với phong cách nhẹ nhàng tươi mới trở thành “ổng tổ của thơ ẩn dật”. Nhờ một đời thanh cao tiết tháo, ông được thế nhân gọi là “Tĩnh Tiết Tiên Sinh”.

Mỗi khi đến tháng 5, tháng 6, Đào Uyên Minh thường một mình tựa vào cửa sổ phía Bắc để hưởng thụ những cơn gió mát lành, hoặc đọc sách có được sở đắc. Ông tự xưng là “Hy Hoàng Thượng Nhân”(Người trước thời Phục Hy thị, tức là người cổ đại sống thanh thản vô tư), sống một cuộc sống thanh thản vô ưu. Ông tuy không hiểu âm nhạc nhưng lại có một cây đàn cổ cầm không có dây, mỗi khi uống rượu vui vẻ với bạn bè, ông đều vỗ về đàn và nói: “Đãn thức cầm trung thú, hà lao huyền thượng thanh!” (Chỉ cần có thể lĩnh hội được ý nghĩa đích thực trong đàn, thì cần gì phải nhọc sức gảy dây đàn!)

Đương thời, có vị Pháp sư Huệ Viễn ở chùa Đông Lâm ở Lư Sơn tiễn khách chưa bao giờ đi qua con suối Hổ Khê trước chùa. Một lần, Đào Uyên Minh và Đạo sĩ Lục Tu Tĩnh đến thăm ông, cả ba trò chuyện rất vui vẻ. Khi Pháp sư Huệ Viễn tiễn khách, vô tình đã đi qua suối Hổ Khê. Đúng lúc này, họ nghe thấy tiếng hổ gầm, cả ba người nhìn nhau cười lớn và từ biệt. Người đời sau đã xây “Tam Tiếu Đình” ở đây, và lưu truyền bức tranh “Hổ khê tam tiếu đồ”.

Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/248602



Ngày đăng: 10-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.