Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (18): Không biết xấu hổ gọi là mặt dày
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn chữ Hán và chú âm
受(ㄕㄡˋ) 人(ㄖㄣˊ) 牵(ㄑㄧㄢ) 制(ㄓˋ),曰(ㄩㄝ) 掣(ㄔㄜˋ) 肘(ㄓㄡˇ),
不(ㄅㄨˋ) 知(ㄓ) 羞(ㄒㄧㄡ) 愧(ㄎㄨㄟˋ),曰(ㄩㄝ) 厚(ㄏㄡˋ) 颜(ㄧㄢˊ)。
好(ㄏㄠˇ) 生(ㄕㄥ) 议(ㄧˋ) 论(ㄌㄨㄣˋ),曰(ㄩㄝ) 摇(ㄧㄠˊ) 唇(ㄔㄨㄣˊ) 鼓(ㄍㄨˇ) 舌(ㄕㄜˊ);
共(ㄍㄨㄥˋ) 话(ㄏㄨㄚˋ) 衷(ㄓㄨㄥ) 肠(ㄔㄤˊ),曰(ㄩㄝ) 促(ㄘㄨˋ) 膝(ㄒㄧ) 谈(ㄊㄢˊ) 心(ㄒㄧㄣ)。
Bính âm
受(Shòu) 人(rén) 牵制(qiānzhì),曰(yuē) 掣肘(chèzhǒu),
不知(bùzhī) 羞愧(xiūkuì),曰(yuē) 厚颜(hòuyán)。
好生(Hàoshēng) 议(yì) 论(lùn),曰(yuē) 摇(yáo) 唇(chún) 鼓(gǔ) 舌(shé);
共(gòng) 话(huà) 衷(zhōng) 肠(cháng),曰(yuē) 促膝(cùxī) 谈心(tánxīn)。
Âm Hán Việt
Thụ nhân khiên chế, viết xế trửu,
bất tri tu quý, viết hậu nhan.
Hiếu sinh nghị luận, viết dao thần cổ thiệt;
cộng thoại trung trường, viết xúc tất đàm tâm.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 牵制 (khiên chế): Kiềm chế; hãm chân; giam chân.
(2) 掣肘 (xế trửu): Cản tay, nắm cánh tay kéo lại ngăn không cho làm. Xế: lôi, kéo, cản trở; trửu: khuỷu tay, cánh tay.
(3)羞愧 (tu quý): Xấu hổ, hổ thẹn.
(4) 厚顏 (hậu nhan): Mặt dạn mày dày; trơ tráo; vô liêm sỉ; người không biết xấu hổ.
(5) 好 (hiếu): Thích, yêu thích.
(6) 搖唇鼓舌 (dao thần cổ thiệt): Khua môi múa mép; phô trương tài ăn nói, tham gia thuyết phục người khác hoặc xúi giục người khác làm chuyện xấu.
(7) 話 (thoại): Nói, được sử dụng như một động từ.
(8) 衷腸 (trung trường): Tình cảm trong tâm. Trung: nội tâm.
(9) 促膝 (xúc tất): Hai đầu gối ở gần nhau, có nghĩa là ngồi rất gần với nhau. Nghĩa bóng là trao đổi chân tình hoặc nói chuyện bí mật. Ngồi kề sát, kề cận, gần.
Bản dịch tham khảo
Bị người khác cản trở khi làm việc được gọi là “kéo tay”, không biết xấu hổ được gọi là “mặt dày”. Thích phát ngôn bàn tán, bình luận, làm nghề du thuyết kích động, được gọi là “khua môi múa mép”; ngồi gần nhau để trao đổi chân tình hoặc nói chuyện bí mật được gọi là “dốc bầu tâm sự”.
Đọc sách luận bút
Như đã nói trong bài trước đây, đây là một cuốn sách giáo khoa vỡ lòng có tri thức giống như một bộ bách khoa toàn thư, nhằm mục đích giúp trẻ em trong tương lai có thể đọc hiểu được các sách cổ và nâng cao kiến thức. Bài học này rất đơn giản, nó chỉ nói về một vài cách dùng từ thường xuất hiện trong các sách cổ. Những thuật ngữ này, khi xem xét kỹ thì thấy rất đặc biệt, tất cả đều liên quan đến các bộ phận cơ thể. Có liên quan đến khuỷu tay, mặt, môi, lưỡi và đầu gối. Rất dễ nhớ cũng rất thú vị.
“Hậu nhan” (mặt dày) thường được sử dụng trong thành ngữ “hậu nhan vô sỉ” (mặt dạn mày dày), nguyên có nguồn gốc từ “Tiểu nhã – Xảo ngôn”, đây là một bài thơ trong cuốn Thi kinh, tuyển tập thơ ca đầu tiên thời cổ đại Trung Quốc. Bài thơ này ngậm ngùi than rằng vua nhà Chu vì bị mê hoặc nghe lời gièm pha, mà phải chịu bài học giáo huấn đau thương cuối cùng dẫn đến tai họa, đồng thời lên án mạnh mẽ sự vô liêm sỉ mặt dày của những kẻ gièm pha: “xảo ngôn như hoàng, nhan chi hậu hĩ” (còn những lời xảo trá êm đẹp như tiếng sáo, chỉ có kẻ mặt dày mới thốt ra mà thôi).
“Dao thần cổ thiệt” (khua môi múa mép), miêu tả sự lợi dụng tài ăn nói, làm trái phải lẫn lộn, bịa đặt sinh sự. Cuốn Trang Tử – Tạp Thiên – Đạo Chích có viết: “Đa từ mậu thuyết, bất canh nhi thực, bất chức nhi y, dao thần cổ thiệt, thiện sinh thị phi, dĩ mê thiên hạ chi chủ”. Nghĩa là: “Nói nhiều lời sai lầm, không cày ruộng mà ăn ngon, không dệt vải mà mặc đẹp, cả ngày khua môi múa mép, gây chuyện thị phi, để mê hoặc chư hầu trong thiên hạ”. Câu này là nói Đạo Chích không nghe lời khuyên của Khổng Tử, ngược lại phỉ báng lời Khổng Tử, thực ra bản thân hắn mới là kẻ đang khua môi múa mép, đảo lộn trắng đen, hủy hoại người khác. Thường ngày Đạo Chích dẫn mấy ngàn người đến đốt phá, giết chóc, cướp đoạt, hoành hành các nước chư hầu, chiếm đoạt vợ con người khác, không chuyện gì không làm, đủ mọi việc xấu xa mà không biết xấu hổ. “Xảo ngôn như hoàng, nhan chi hậu hĩ” (còn những lời xảo trá êm đẹp như tiếng sáo, chỉ có kẻ mặt dày mới thốt ra mà thôi). Điều nói đến chính là kẻ Đạo Chích vô liêm sỉ này.
“Xúc tất đàm tâm” (dốc bầu tâm sự), người xưa ngồi trên chiếu hoặc trên giường, cho nên ngồi gần nhau được gọi là “xúc tất”. Trong cuốn Bão phác tử – Tật mậu có viết: “Xúc tất chi hiệp toạ, giao bôi thương ư chỉ xích”, nghĩa là “Ngồi sát nhau trò chuyện, trao nhau ly rượu trong gang tấc”. Thành ngữ “xúc tất đàm tâm” xuất hiện hoàn chỉnh ở thời nhà Đường. Trong tác phẩm Lãm vân đài ký của Điền Dĩnh có viết: “Tức hữu hữu nhân, bất qua thập dư chi âm chi lữ, lai tắc xúc tất đàm tâm, xuất giai thánh hiền chi đạo, bất cảm sảo thiệp dị ngôn”. (Dịch nghĩa: Tức là có bằng hữu, nhưng hơn chục người bạn tri kỷ, đến nói chuyện chân tình dốc bầu tâm sự với nhau, đều theo đạo của Thánh hiền, không dám xen vào lời nói bất đồng). Lời nói rất rõ ràng, khi bạn bè tụ họp lại với nhau, rất thân mật gắn bó, những gì họ nói đều là Đạo của Thánh hiền, không dám liên quan đến tà thuyết và những luận điệu hoang đường. Thành ngữ này được dùng chỉ mặt tốt.
Về ý nghĩa của “xế trửu” (nghĩa là kéo tay) hãy xem câu chuyện dưới đây.
Ghi nhớ những từ ngữ này sẽ làm phong phú ngôn từ, đề cao khả năng biểu đạt và khả năng đọc của mình.
Kể chuyện
Phục Tử Tiện kéo tay
Câu chuyện này nói về nguồn gốc của việc sử dụng từ “xế trửu”. Phục Tử Tiện người nước Lỗ thời Xuân Thu, là học trò của Khổng Tử.
Phục Tử Tiện được vua Lỗ cử đến cai quản Thiện Phụ (huyện Thiện, Hà Trạch, Sơn Đông, Trung Quốc). Trước khi nhậm chức, ông lo lắng vua Lỗ sẽ nghe lời gièm pha, làm cho ông bị trói tay trói chân, không thể thực hiện hoài bão theo lý tưởng của bản thân, nên trước khi đi, ông thỉnh cầu nhà vua cử hai người thân tín đi cùng ông đến Thiện Phụ.
Khi đến Thiện Phụ, các quan địa phương lần lượt đến bái kiến tân trưởng quan, Phục Tử Tiện yêu cầu hai người thân tín của vua Lỗ ghi chép lại. Khi hai người này nhấc bút lên viết, ông hết lần này đến lần khác kéo tay áo và cánh tay của họ, khiến cho họ không thể viết được, khiến chữ viết xiêu xiêu vẹo vẹo. Nhìn thấy họ viết chữ loạn bát nháo, Phúc Tử Tiện liền nổi giận cáu kỉnh và quở mắng họ một trận. Hai người cảm thấy oan ức, bức xúc nên đã xin Phục Tử Tiện từ chức. Phục Tử Tiện chẳng những không giữ lại, còn không khách khí nói: “Chữ của các ngươi viết quá xấu. Mau về đi, mau về đi!”
Sau khi hai người thân tín quay về, liền báo cáo với vua Lỗ: “Chúng thần không thể viết chữ cho Phục Tử Tiện được”. Vua Lỗ hỏi: “Tại sao?” Họ trả lời: “Ông ta yêu cầu chúng thần viết, nhưng ông ta luôn kéo cánh tay chúng thần hết lần này đến lần khác, khiến chúng thần không cách nào viết được, chữ viết xấu, ông ta lại cáu với chúng thần, các quan ở Thiện Phụ cũng dở khóc dở cười với hành vi của ông ta. Đây là nguyên nhân vì sao chúng thần từ chức quay về”. Vua Lỗ nghe xong, nghĩ một lát, bỗng nhiên tỉnh ngộ, thở dài và nói: “Phục Tử Tiện dùng cách này để khuyên can ta đây! Ta thường can thiệp vào việc của Phục Tử Tiện, khiến ông ta không thể làm tốt mọi việc theo cách của mình. Nếu không có hai người, ta suýt nữa lại phạm cùng một sai lầm” (truyện trích từ Lã Thị Xuân Thu – Cụ Bị).
Câu chuyện này khiến người ta liên tưởng đến một câu “dùng người không được nghi ngờ, đã nghi ngờ thì không dùng”. Không có tấm lòng rộng mở sẽ không thể biết người có tài năng mà trọng dụng, và đó là mấu chốt để điều hành đất nước, khi làm lãnh đạo, điều quan trọng là phải học cách nhìn người, chọn người tài đức vẹn toàn, đặt họ vào đúng chỗ, biết phát huy năng lực của những nhân tài, điều cốt yếu là sử dụng tốt tài năng của họ mới là mấu chốt. Lúc nào cũng không an tâm, thì công lao sự nghiệp không thành, trái lại còn bị tổn hại vì điều đó.
Phục Tử Tiện rất thông minh, khi đối mặt với những vị quân vương có nghi tâm nặng, ông không vì điều này mà oán trách và nản chí từ bỏ khuyên can một cách tiêu cực, cũng không áp dụng những phương pháp can gián quá trực tiếp. Thay vào đó ông đã sử dụng phương thức can gián không làm tổn thương đến thể diện của quân vương, rất đáng để học tập. Thay đổi một phương thức khác, có lẽ hiệu quả can gián càng tốt hơn. Lời nói phải chú ý đến khả năng tiếp thu và lòng tự trọng của người khác, hiểu rõ đặc điểm tính cách của người khác để nói lời khuyến thiện, đó cũng là một loại hành động tốt cảm thông với người khác.
Vì vậy, bậc quân vương phải tôn trọng và lượng thứ cho bề tôi của mình, không nên chỗ nào cũng nghi ngờ, việc gì cũng can thiệp vào quá nhiều; bề tôi cũng phải tôn trọng và hiểu rõ bậc quân vương, chú ý đến phương thức can gián. Người có thân phận khác nhau thì có bổn phận và trách nhiệm khác nhau, cũng cần thấu hiểu, tôn trọng và thông cảm lẫn nhau.
(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu Học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/248601
Ngày đăng: 25-06-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.