Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (4): Thần Tuyết là Đằng Lục



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn chữ Hán và Chú Âm

Bính âm

雲(Yún) 師(shī) 係(xì) 是(shì) 豐(fēng) 隆(lóng),

雪(xuě) 神(shén) 乃(nǎi) 為(wèi) 滕(téng) 六(liù).

欻(Xū) 火(huǒ), 謝(xiè) 仙(xiān), 俱(jù) 掌(zhǎng) 雷 (léi) 火(huǒ);

飛(fēi) 廉(lián), 箕(jī) 伯(bó), 悉(xī) 是(shì) 風(fēng) 神(shén).

列(Liè) 缺(quē) 乃(nǎi) 電(diàn) 之(zhī) 神(shén),

望(wàng) 舒(shū) 是(shì) 月(yuè) 之(zhī) 禦(yù).

甘(Gān) 霖(lín), 甘(gān) 澍(shù), 俱(jù) 指 (zhǐ) 時(shí) 雨(yǔ);

玄(xuán) 穹(qióng), 彼(bǐ) 蒼(cāng), 悉(xī) 稱(chēng) 上(shàng) 天(tiān)

Âm Hán Việt

Vân Sư hệ thị Phong Long,

Tuyết Thần nãi vi Đằng Lục.

Hốt Hoả, Tạ Tiên, câu chưởng lôi hoả;

Phi Liêm, Cơ Bá, tất thị Phong Thần.

Liệt Khuyết nãi điện chi Thần,

Vọng Thư thị nguyệt chi ngự.

Can lâm, can chú, câu chỉ thời vũ;

huyền khung, bỉ thương, tất xưng thượng thiên.

Giải thích từ ngữ

(1) 雲師 (Vân Sư): Thần Mây.

(2) 滕六 (Đằng Lục): Thần Tuyết. Bởi vì bông tuyết chủ yếu có sáu cánh, do đó có tên như thế.

(3) 欻火 (Hốt Hỏa): là tên của 1 vị Thần phụ trách sấm chớp và lửa ở Lôi bộ. 欻 (Hốt): rung lắc.

(4) 飛廉 (Phi Liêm): là tên của con chim Thần. Vì nó có thể gọi gió, nên thế nhân còn dùng để gọi tên Thần Gió.

(5) 箕伯 (Cơ Bá): Cơ là Cơ Tinh (sao Cơ, sao Ky), có thể tạo gió, vì vậy được gọi là Thần Gió.

(6) 悉 (Tất): đều, tất cả.

(7) 列缺 (Liệt Khuyết): Vết nứt trên bầu trời. Sét đánh thủng trời, như muốn xé toạc bầu trời ra, nên dùng từ này để gọi tên Thần Sét.

(8) 望舒 (Vọng Thư): Trong thần thoại Vọng Thư là người đánh xe cho Thần Mặt Trăng (Nguyệt Thần). Nguyên là hai câu thơ trong “Sở Từ – Ly Tao”: “Tiền Vọng Thư sử tiên khu hề, Hậu Phi Liêm sứ bôn chúc” (Theo bản dịch của Tống Nhượng: Chị trăng phải nhanh chân tiến trước, Dì gió cho lần bước theo sau), về sau mượn danh từ này để chỉ mặt trăng.

Bản dịch tham khảo

Người đời gọi Thần Mây là Phong Long, Thần Tuyết là Đằng Lục. Hốt Hỏa và Tạ Tiên đều là những vị Thần phụ trách sấm sét, Phi Liêm và Cơ Bá là Thần Gió. Liệt Khuyết là Thần Sét, Vọng Thư là Thần đánh xe trên cung trăng. Cam lâm và cam chú đều là chỉ cơn mưa đúng lúc. Huyền Khung và Bỉ Thương đều là tên gọi chung cho thiên thượng.

Đọc sách luận bút

Vào thời cổ đại, thần thoại được coi là một loại miêu tả của người đời sau đối với các sự việc có thật đã xảy ra trong viễn cổ. Vì thế, phương Đông và phương Tây đều để lại rất nhiều câu chuyện thần thoại có liên quan đến thiên nhiên.

Các hiện tượng thiên văn trong bài học trước và bài này đều nói cho trẻ nhỏ biết rằng, hết thảy mọi thứ đều có sự chi phối của Thần, đều cần phải ghi nhớ tên của các vị Thần, để sau này khi đọc sách mà gặp từ ngữ liên quan thì không chỉ minh bạch ý nghĩa của chúng, mà còn không quên rằng mọi thứ đều có Thần Linh đang trông coi. Người ta thường nói, trên đầu 3 thước có Thần linh, trẻ em từ nhỏ đã ghi nhớ câu này: chớ làm chuyện mờ ám trái với lương tâm. Hành vi của con người nhất định phải có ranh giới đạo đức.

Chúng ta đều đã từng nghe đến các vị Thần gió, mưa, sấm sét, núi, sông, biển, nhưng do giáo dục văn hoá truyền thống không còn được coi trọng, nên có rất nhiều vị Thần chúng ta đều không biết đến, ví dụ như Thần Tuyết, chúng ta đều cảm thấy không quen lắm, ngày xưa trẻ em được học cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm” nên từ nhỏ đã hiểu được rất nhiều câu chuyện thần thoại, và nhớ tên các vị Thần. Người lớn chúng ta ngày nay có thể thu được kiến thức sâu rộng bằng cách đọc lại cuốn sách này.

Ví dụ về “Đằng Lục”, mọi người sẽ hỏi, tại sao Thần Tuyết lại được gọi là “Đằng Lục”? Kỳ thực nguyên ban đầu bông tuyết được người xưa gọi là “Lục Xuất” (sáu cánh). Sách “Hàn Thi Ngoại Truyện” có ghi chép: “Phàm thảo mộc hoa đa ngũ xuất, tuyết hoa độc lục xuất” (chương “Nghệ Văn Loại Tụ” Quyển nhị “Thiên” hạ). Có nghĩa là hầu hết hoa của các loài thảo mộc đều có năm cánh, duy chỉ hoa tuyết có sáu cánh, do đó “lục” là miêu tả hình dạng bề ngoài của tuyết với sáu cánh. Ngoài ra, “lục” là con số cực âm, tuyết có đặc tính chí âm, nên tuyết được đặt tên là “lục”, dù là hình thái hay vũ trụ quan của cổ nhân đều có sự thống nhất. Không phải ngẫu nhiên mà nó có thuộc tính chí âm và hình thái chí âm như vậy, hoa của các loài thảo mộc đa phần là do dương khí sinh ra, gọi là “ngũ xuất”, điều này cũng phù hợp với số mang thuộc tính dương, hợp với lý tự nhiên.

Trước thời Đường, “Lục Xuất” thường được thấy trong ca xướng ngâm vịnh của giới văn nhân. Ví dụ, trong bài “Vịnh tuyết thi” của Trần Từ Lăng có câu “Tam nông hỉ doanh xích, Lục Xuất vũ sùng hoa”, cho thấy rằng, “Lục Xuất” là tên gọi khác của hoa tuyết, vì thế Thần Tuyết đương nhiên liên quan đến số 6.

Vậy tại sao Thần Tuyết có họ Đằng? Đằng vốn là một nước chư hầu nhỏ ở phương Đông vào thời nhà Chu, vua Đằng Văn Công rất nổi tiếng thời bấy giờ, trong sách “Mạnh Tử” có chương “Đằng Văn Công” đã ghi chép lại nhiều sự tích về ông. Mối quan hệ giữa Đằng Văn Công và tuyết bắt nguồn từ “Mạnh Tử Ngoại Thư”. Trong sách có ghi lại rằng: “Sau khi Đằng Văn Công qua đời, có một trận tuyết lớn ập xuống khiến việc tổ chức tang lễ không được thuận lợi. Huệ Tử nói rằng, điều này là do Đằng Văn Công muốn ở lại một thời gian để an ủi giang sơn xã tắc, vì vậy để tuyết rơi dày đặc, mục đích là để trì hoãn việc tang lễ. Do đó, mọi người nghĩ rằng, ông có thể điều khiển được tuyết, nên người đời gọi ông là Thần Tuyết. Bởi vì hoa tuyết được gọi là “Lục Xuất”, vì vậy người đời sau cũng gọi Thần Tuyết là “Đằng Lục”.

Sau thời nhà Tống, “Đằng Lục” trở thành một từ được sử dụng phổ biến trong thơ ca từ phú. Chẳng hạn như, tác phẩm “Niệm Nô Kiều -Tuyết” của Trần Úc thời Nam Tống viết: “Một ba một tị, siếp thời gian, tố xuất mạn thiên mạn địa. Bất luận cao đê tịnh thượng hạ, bình bạch đô giáo nhất lệ. Cổ động đằng lục, chiêu yêu tốn nhị, nhất nhiệm trương uy thế. Thức tha bất phá, chỉ kim đạo thị tường thụy”. Có nghĩa là: “Không mũi không miệng, trong chốc lát, bông tuyết bay lả tả đầy trời khắp đất. Bất kể núi non cao vút hay khe sâu núi thẳm, hết thảy đều thành một khoảng trắng xóa mênh mông như nhau, Hoa tuyết ơi hãy cổ vũ Thần Tuyết, lại chiêu mời thêm Thần Gió (Tốn Nhị: Thần Gió), một mực phô trương thanh thế, lạm dụng uy quyền, người ta vẫn chưa biết được bản lai diện mục của nó, còn cho rằng nó là khí may mắn cát tường”. Đây rõ ràng là bài vịnh tuyết, nhưng thực tế là mượn việc tuyết lạm dụng uy quyền, không e dè kiêng nể, để chế nhạo tể tướng Giả Tự Đạo của triều đại Nam Tống lúc bấy giờ.

Tuy rằng bài văn tả cảnh tượng gió tuyết đầy trời khắp đất, nhưng lại không thấy hai chữ hoa tuyết, nếu không biết “Đằng Lục” là ám chỉ Thần Tuyết thì e rằng sẽ không hiểu nổi đây đang nói về cái gì. Điều này cho thấy được tầm quan trọng của việc học cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm”.

Kể chuyện

Truyền thuyết về Thần Gió

Trung Quốc là một lãnh thổ rộng lớn, mỗi vùng đất lại có môi trường sống khác nhau, ở trung tâm đời sống của các dân tộc khác nhau Thần Gió có phong thái tướng mạo và giới tính khác nhau. Từ thời Chu đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, các quốc gia phía bắc Trung Quốc tôn Thần gió là “Phong Bá”, Thần Gió còn được gọi với một cái tên khác là “Phong Sư”, tương truyền Cơ Tinh (sao Cơ) là một trong 28 chòm sao, hễ “Cơ Tinh” di chuyển thì một cơn gió mạnh sẽ nổi lên.

Nhưng nước Sở thời Chu ở phía nam lại gọi Thần Gió là “Phi Liêm”, trong cuốn “Sở Từ – Ly Tao” có viết: “Phía trước Vọng Thư đánh xe dẫn đầu, phía sau Phi Liêm đi theo”, họ tin rằng Phi Liêm là tên của Thần Gió. Về sau sau này, tên gọi Thần Gió ở hai miền nam bắc mới thống nhất thành một. Vào thời nhà Hán, Phong Bá, Cơ Tinh và Phi Liêm được coi là cùng một người, đều chỉ Thần Gió, người có năng lực cai quản gió.

Về ngoại hình của thần gió Phi Liêm, một số thuyết cho rằng đây là vị Thần có hình tượng loài chim, có thuyết cho rằng có hình tượng thú có cánh lông dài, lại có thuyết cho rằng có hình tượng “thân hươu, đầu như chim tước, có sừng, đuôi rắn và vằn báo.”

Theo “Sơn Hải Kinh – Bắc Sơn Kinh”, ở núi Ngục Pháp có một con vật tên là Sơn Hồn. Sơn Hồn đi nhanh như gió, vì vậy, mọi người nghĩ rằng khi Sơn Hồn xuất hiện, ắt là sẽ có gió nổi lên.

Trong “Sơn Hải Kinh” có đề cập đến một vị Thần Gió khác tên là “Ngu Cường”, ông là cháu trai của Hoàng Đế, trong “Sơn Hải Kinh ‧ Đại Hoang Đông Kinh” viết: “Hoàng Đế sinh ra Ngu Quắc, và Ngu Quắc sinh ra Ngu Kinh”. Vị Ngu Kinh này chính là Ngu Cường. Trong cuốn “Sơn Hải Kinh‧ Hải Ngoại Bắc Kinh” viết: “Phía bắc là Ngu Cường. Mặt người thân chim”. Thần gió Ngu Cường cũng là Thần Biển. Khi xuất hiện với diện mạo Thần Gió thì ông có hình dạng mặt người, thân chim, trên tai có đeo hai con rắn lục, ở dưới chân cũng có hai con rắn lục; khi xuất hiện là Thần Biển thì ông có hình dạng là đầu người thân cá, có tay có chân, cưỡi hai con rồng. Mỗi năm đến mùa đông, Ngu Cường di chuyển từ Biển Bắc đến Biển Nam, từ hình tượng cá biến thành hình tượng chim, từ Thần Biển biến thành Thần Gió.

Ngoài ra, Phong Di hoặc Thập Bát Di trong các cuốn sách như: “U Quái Lục”, “Dậu Dương Tạp Trở” và Mạnh Bà trong sách “Tiềm Xác Loại Thư” cũng đều là các vị Thần Gió.

Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/247812



Ngày đăng: 03-02-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.