Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (21): Chu Văn Vương ân đức với cả xương khô
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên Văn Chữ Hán và Chú âm
澤(ㄗㄜˊ) 及(ㄐㄧˊ) 枯(ㄎㄨ) 骨(ㄍㄨˇ),
西(ㄒㄧ) 伯(ㄅㄛˊ) 之(ㄓ) 深(ㄕㄣ) 仁(ㄖㄣˊ);
灼(ㄓㄨㄛˊ) 艾(ㄞˋ) 分(ㄈㄣ) 痛(ㄊㄨㄥˋ),
宋(ㄙㄨㄥˋ) 祖(ㄗㄨˇ) 之(ㄓ) 友(ㄧㄡˇ) 愛(ㄞˋ)。
Bính âm
泽(Zé) 及(jí) 枯(kū) 骨(gǔ),
西(xī) 伯(bó) 之(zhī) 深(shēn) 仁(rén);
灼(zhuó) 艾(ài) 分(fēn) 痛(tòng),
宋(sòng) 祖(zǔ) 之(zhī) 友(yǒu) 爱(ài)。
Âm Hán Việt
Trạch cập khô cốt,
Tây Bá chi thâm nhân;
Chước ngải phân thống,
Tống Tổ chi hữu ái.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 澤 (Trạch): Ân đức, ân huệ
(2) 及 (Cập): Đến, tới
(3) 西伯 (Tây Bá): Chu Văn Vương, họ Cơ, tên Xương, thời Thương Trụ được phong là Tây Bá, sau khi Vũ Vương phạt Trụ nắm được thiên hạ trong tay, truy tôn ông là Văn Vương.
(4) 深 (Thâm): sâu, ở đây mang nghĩa khoan hồng, trung thực, trung hậu.
(5) 灼 (Chước): đốt cháy.
(6) 艾 (Ngải): Cây ngải cứu.
(7) 宋祖 (Tống Tổ): Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận.
Bản dịch tham khảo
Chu Văn Vương là một người có tấm lòng nhân từ và độ lượng, ngay cả bộ xương khô cũng nhận được ân đức của ông; Tống Thái Tổ hết mực yêu thương em trai mình, ngay khi em trai đốt ngải cứu để trị bệnh, ông cũng muốn chia sẻ đau đớn ấy.
Đọc sách luận bút
Bài học hôm nay rất đơn giản, nói về điển cố của hai vị quân vương. Có người kể rằng Chu Văn Vương, người sáng lập ra nhà Chu, yêu dân như con, khi nhìn thấy xương khô vô chủ liền nói với các quan lại rằng bản thân là vương của một nước, thần dân dưới quyền của ta thì dù là ai cũng đều là con dân của ta, ta đương nhiên là chủ nhân của những bộ xương khô không người nhận này, chăm sóc họ là trách nhiệm của ta. Câu chuyện đó là hình mẫu sống động cho các đế vương đời sau, vì trách nhiệm của đế vương là phải chăm lo tốt cho bách tính, đó là trách nhiệm của bậc quốc phụ một đất nước, chủ của muôn dân.
Có một câu chuyện khác kể về Tống Thái Tổ, vị vua khai quốc của triều đại nhà Tống, ông là vị hoàng đế hết mực yêu thương em trai mình. Cũng chính là nói, một người coi trọng việc vi chính dĩ đức (lấy đức để cai trị đất nước), còn người kia coi trọng đạo hiếu đễ trong gia đình. Cả hai đều là quân vương, là tấm gương sáng cho dân chúng. Trẻ em từ nhỏ học được những điển cố này, không chỉ là để học tri thức, mà còn để hiểu được trách nhiệm của một vị quân vương là gì, quyền lực và địa vị càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Học tập đạo lý nhân đức để làm người. Đây là trọng điểm của nền giáo dục thời xưa.
Chu Văn Vương yêu dân như con, chư hầu quy thuận
Trọng điểm của chúng ta hôm nay là nói về Chu Văn Vương, đây là bậc Thánh vương lý tưởng trong tư tưởng của Khổng Tử. Văn Vương đã diễn giải “Chu Dịch”, sáng lập Chu lễ, nhân đức tiết kiệm, chiêu hiền đãi sĩ, thương dân như con, là mẫu hình của các đế vương qua các thời đại. Hàng nghìn năm qua ở Trung Quốc, mỗi khi thế đạo hỗn loạn, hoàng đế hồ đồ mê muội, thì người dân sẽ nhớ đến xã hội lý tưởng dưới thời trị vì của Chu Văn Vương, người người nhường nhịn nhau theo nghi lễ, bách tính nhường địa giới đất canh tác, quan viên nhường chức vị, ai ai cũng trọng đức, phong tục dân gian nhân hậu, không nhặt của rơi trên đường. Tấm gương của Chu Văn Vương đã giúp cho con người có thể quay lại đường chính, cho nên những năm thời Văn Vương đã để lại cơ sở nền tảng văn hóa cho lễ nghĩa chi bang. Vì thế mà sách “Luận ngữ” của Nho gia có câu “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”, chính là nói rằng tinh thần này của các đế vương tiên tổ là điều mà chúng ta mãi mãi phải nhớ và noi theo, như vậy mới khiến cho con người có chỗ để đối chiếu, biết được thế nào là quay về chính đạo, để quay trở về phong tục tập quán nhân hậu (tức nhân ái và khoan hậu).
Chu Văn Vương chính là Cơ Xương (1152 TCN – 1056 TCN), họ Cơ tên Xương, người Kỳ Châu (nay là Kỳ Sơn, Thiểm Tây). Cha ông là Tây Bá Hầu của triều Thương, sau khi cha mất, ông được kế thừa chức vị Tây Bá Hầu của cha mình, vì vậy ông còn được gọi là Tây Bá Xương. Ông từng bị Trụ Vương giam cầm, trong thời gian đó ông suy diễn ra Chu Dịch; sau khi về đến đất phong của mình, ông phong Khương Tử Nha làm Tể tướng. Vì ông nhân đức nên muôn dân quy về, chư hầu cũng lần lượt quy thuận, đặt nền tảng cho việc kết thúc chế độ cai trị tàn bạo của Trụ Vương. Ông đã lưu lại rất nhiều điển cố được truyền tụng qua các thời đại.
Thương xót bách tính, cấp đất cứu người
Thương Trụ Vương phát minh ra cực hình tàn khốc gọi là Bào lạc, ra lệnh cho phạm nhân đi trên cột đồng được bôi đầy dầu, trượt ngã sẽ rơi vào trong hố lửa, lập tức da cháy khét thịt chín rữa, chết một cách oan uổng, nhưng sủng phi Đát Kỷ nhìn thấy cảnh tượng bi thảm này lại cười không ngớt, cho nên Trụ Vương càng cao hứng, cho rằng mình đã chiếm được nụ cười của Đát Kỷ. Cơ Xương không thể chịu đựng nổi, chư hầu và bách tính cũng thống hận đến cực độ, nghiến răng nghiến lợi mà phẫn nộ trong tâm. Vì vậy Cơ Xương bày tỏ với Trụ Vương rằng, ông sẵn sàng dâng một mảnh đất ở bờ Tây sông Lạc Hà (Hoàng Hà) của Chu quốc, để đổi lấy việc bãi bỏ hình phạt Bào lạc. Trụ Vương đồng ý yêu cầu của Tây Bá, bãi bỏ hình phạt này, còn Cơ Xương nhận được sự kính yêu của bách tính trong thiên hạ.
Giải quyết tranh chấp cho các chư hầu
Trong “Sử Ký – Chu bản kỷ” ghi chép rằng, đã nảy sinh cuộc tranh chấp giữa hai nước chư hầu là Ngu quốc và Nhuế quốc, náo loạn đến không thể dứt được, họ bèn muốn thỉnh Cơ Xương phân xử. Khi đến lãnh thổ Chu quốc, nhìn thấy người nước Chu khiêm tốn nhường nhịn lẫn nhau, người lớn hay trẻ nhỏ đều cư xử lễ tiết, nên cảm thấy rất xấu hổ, nói rằng: “Điều ta tranh chấp nhau, là điều mà người Chu hổ thẹn, đi chi nữa, chỉ chuốc lấy nhục thôi”. Cuối cùng họ lịch thiệp nhường nhau rồi rời đi. Khi các chư hầu nghe được chuyện này, sau đó hễ có mâu thuẫn hay tranh chấp thì đều tìm đến Cơ Xương phân xét.
Cơ Xương lúc đó còn là một chư hầu, nhưng ông trị vì và cai quản đất nước của mình tốt đến độ mỗi người đều như một vị quân tử, sau khi hai nước chư hầu có mâu thuẫn với nhau nhìn thấy điều này thì không cần khuyên giải, tự họ cảm thấy rất hổ thẹn, ngừng tranh chấp, trở nên nhường nhịn lẫn nhau, chủ động hòa giải. Đây là kết quả của việc trên làm gương dưới noi theo, nếu bản thân Văn Vương làm không đến nơi đến chốn, thì bách tính sẽ không trở nên nhân hậu như vậy, vì vậy ông đã trở thành mẫu hình đạo đức cho các chư hầu trong thiên hạ. Việc Tây Bá Xương chấm dứt được cuộc tranh kiện giữa hai nước Ngu và Nhuế cũng trở thành một sự kiện mang tính tiêu chí, người dân nước Chu coi năm này là năm đầu tiên Tây Bá Xương nhận lệnh. Các chư hầu đều lần lượt ủng hộ Tây Bá Xương lên làm vua, đặt hy vọng và phó thác cho ông kết thúc sự thống trị của Trụ Vương. Đây là điều mà mọi người mong mỏi, cũng là thiên mệnh được giao phó.
Tống Thái Tổ, huynh đệ tình thâm
Tống Thái Tổ “chước ngải phân thống” (đốt ngải chia sẻ sự đau đớn) đã trở thành một thành ngữ, ví von với tình cảm anh em yêu thương nhau. Từ “Tống Sử – Thái Tổ kỷ” ghi chép: “Thái Tông thường bệnh cấp, đế vãng thị chi, thân vi chước ngải. Thái Tông giác thống, đế diệc thủ ngải tự cứu” (Thái Tông đã từng bị bệnh nguy cấp, hoàng đế nhìn thấy thế, đích thân đốt ngải cho Thái Tông. Thái Tông cảm thấy đau đớn, hoàng đế cũng lấy ngải tự đốt).
Đại ý là vào thời Bắc Tống, em trai của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận là Triệu Khuông Nghĩa bị bệnh. Tống Thái Tổ đến thăm em trai và đích thân đốt ngải trị bệnh cho em mình. Triệu Khuông Nghĩa cảm thấy rất đau đớn và kêu la. Vì vậy, Thái Tổ liền lấy ngải nóng đốt trên thân mình, quả thực rất nóng, ông làm như vậy là muốn chia sẻ nỗi đau với em trai, điều này khiến Triệu Khuông Nghĩa rất cảm động.
Kể chuyện
Ân đức với xương khô
Khi Chu Văn Vương vẫn còn là một quốc vương chư hầu, được phong là Tây Bá, ông đã cho xây một linh đài cách 30 dặm về phía Đông của huyện Hộ, Thiểm Tây ngày nay, dưới đài có vườn cây và ao cảnh. Trong khi đào ao, phát hiện nhiều bộ xương khô, quan chủ quản lập tức báo với Văn Vương. Văn Vương sinh lòng thương xót, ra lệnh cho vị quan chủ quản chôn cất những bộ xương này. Vị quan bẩm: “Những hài cốt này đều là của những người đã chết rất lâu rồi, không có con cháu, không còn ai quan tâm đến những bộ xương khô ấy nữa”. Văn Vương nói: “Người nắm giữ thiên hạ, chính là chủ nhân của thiên hạ; người nắm giữ một bang quốc, thì chính là chủ của bang quốc đó. Những bộ xương khô này ở trong bang quốc của ta, vậy ta chính là chủ nhân của họ, ta nên lo liệu việc của họ vậy”. Nói xong ông hạ lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị áo quan để chôn cất lại những hài cốt này.
Người dân đương thời nghe nói đến việc làm tốt của Văn Vương, thì đều nói: “Văn Vương quả thật là bậc hiền đức! Ngay cả bộ xương khô cũng được ban ân đức, huống chi là người?” Văn Vương thi hành nhân nghĩa, vì vậy mà quy phục được lòng người trong thiên hạ.
Nguyên văn câu chuyện
Chu Văn Vương tác linh đài cập vi trì trảo, quật địa đắc tử nhân chi cốt, lại dĩ văn vu Văn Vương. Văn Vương viết: “Canh táng chi.” Lại viết: “Thử vô chủ hĩ”. Văn Vương viết: “Hữu thiên hạ giả, thiên hạ chi chủ dã; Hữu nhất quốc giả, nhất quốc chi chủ dã. Quả nhân cố kỳ chủ, hựu an cầu chủ?” Toại lệnh lại dĩ y quan canh táng chi. Thiên hạ văn chi, giai viết: “Văn Vương hiền hĩ, trạch cấp khô cốt, hựu huống vu nhân hồ?” Hoặc đắc bảo dĩ nguy quốc, Văn Vương đắc hủ cốt, dĩ dụ kỳ ý, nhi thiên hạ quy tâm yên. (Tây Hán. Lưu Hướng “Tân tự. Tạp sự đệ ngũ”)
Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/248604
Ngày đăng: 18-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.