Loạt bài Mexico 2012 (21): Hành trình về phương Đông của người Trung Quốc cổ đại và nền văn minh Olmec



[ChanhKien.org]

Khoa Phụ đuổi theo Mặt Trời

Trung Quốc cổ đại có lưu truyền câu chuyện Khoa Phụ đuổi Mặt Trời. Trong Sơn Hải Kinh – Hải ngoại Bắc Kinh có viết: “Khoa Phụ đuổi theo Mặt Trời, khi tiến đến gần Mặt Trời thì cảm thấy khát nước và muốn uống nước, nên đã uống nước sông Hoàng và sông Vị, nhưng nước sông Hoàng và sông Vị không đủ, Khoa Phụ đi về phía bắc đến hồ lớn để uống nước. Chưa kịp đến nơi thì anh đã chết khát dọc đường. Cây gậy của anh biến thành một rừng đào”. Trong Sơn Hải Kinh – Đại hoang Bắc Kinh viết: “Ở vùng đất hoang vu xa xôi nhất có một ngọn núi tên là Thành Đô Tải Thiên. Có một người đàn ông đeo hai con rắn vàng làm khuyên tai, trong tay còn cầm hai con rắn vàng, tên là Khoa Phụ. Hậu Thổ sinh ra Tín, Tín sinh ra Khoa Phụ. Khoa Phụ không tự lượng sức mình, muốn đuổi theo Mặt Trời, cuối cùng cũng bắt kịp Mặt Trời tại vùng Ngu Cốc. Khoa Phụ vì khát nên đã uống nước sông Hoàng nhưng nước sông không đủ uống, nên anh bèn đến hồ lớn ở phía Bắc, chưa kịp đến nơi thì đã chết khát giữa đường”. Quyển sách cũng nói rằng, Ứng Long đã giết Xi Vưu, lại giết Khoa Phụ, sau đó Ứng Long đã chạy xuống miền Nam để cư ngụ, vì thế miền Nam có mưa nhiều. Trong “Liệt Tử – Đường Vấn” viết: “Khoa Phụ không tự lượng sức mình, muốn đuổi theo cái bóng Mặt Trời, lúc đuổi đến vùng Ngung Cốc thì cảm thấy khát nên muốn uống nước, liền chạy đến sông Hoàng và sông Vị để uống nước, nước sông Hoàng và sông Vị không đủ, liền đi đến hồ lớn phía Bắc uống nước. Chưa kịp đến nơi thì đã chết giữa đường. Vứt bỏ cây gậy trong tay, thi thể Khoa Phụ ngấm xuống đã phát triển thành một khu rừng rộng đến hàng ngàn dặm”.

Khi nền văn minh nhân loại lần này vừa mới bắt đầu, ở Trung Quốc thời kỳ cổ đại xác thực có tồn tại bộ lạc Khoa Phụ. Thủ lĩnh của bộ lạc tên là Khoa Phụ. “Đuổi theo Mặt Trời” thực chất là một cuộc di cư đường dài của bộ tộc trong lịch sử của tổ tiên Trung Quốc. Trong mấy trăm năm, người Khoa Phụ liên tục đi về hướng Đông, đuổi theo Mặt Trời, cho đến khi lãnh thổ mở rộng đến vùng đất châu Mỹ, đây chính là câu chuyện “Khoa Phụ đuổi Mặt Trời”. Do hạn hán thiếu nước, các thủ lĩnh của bộ lạc Khoa Phụ tuy rằng đã chết một cách bi tráng trong các cuộc di cư, nhưng họ lại mang đến cho châu Mỹ ngọn lửa của nền văn minh nhân loại lần này.

Nghiên cứu của nhà sử học cổ đại Vương Đại Hữu cho biết, trong “Hải ngoại Đông Kinh”, “Đại hoang Đông Kinh” đã ghi chép lại cuộc di cư quy mô lớn của tộc người Khoa Phụ, tộc người Thiếu Hạo, người Chuyên Húc đến châu Mỹ vào khoảng 5000 – 6000 năm trước. Sau khi Viêm Hoàng đánh bại Xi Vưu (khoảng 6000 năm trước), người Khoa Phụ từ Thái Hành Sơn, Hoa Sơn tháo chạy về khu vực Hà Sáo, Âm Sơn. Sau đó lại đi theo hướng Bắc bờ Đông hồ Baikal, đảo Sakhalin, bán đảo Kamchatka, Đông Bắc Á, vùng Bắc Cực và Quần đảo Aleutian, cuối cùng đến được Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Người Di, Vu Di, Khoa Di sống ở thời nhà Hạ, Thương, Chu; nước Đại Hán ở thời kỳ Nam Bắc triều (xem “Lương Thư”, Lịch sử nhà Lương của Nam triều); cũng như người Eskimo (người Hách Triết), người Aleut, người Chavin ngày nay, họ đều là người Khoa Phụ và hậu duệ của họ. Trong “Đại hoang Đông Kinh” có viết: “Ở phía Đông Nam của vùng đất hoang vu xa xôi nhất có một ngọn núi tên là Bì Mẫu Địa Khâu”. Trong sách “Hoài Nam – Địa Hình Huấn” viết: “Phía Đông Nam có ngọn núi Ba Mẫu”. Thực ra, Ba Mẫu (âm đọc là bōmǔ), Bì Mẫu (pímǔ) và Ba Cốc (bōgǔ) đều là chỉ Peru cổ đại, còn thung lũng Virú là cái nôi của nền văn hóa Chavin ở Peru ngày nay. Động Minh Ký ghi chép là “Lặc Tất Quốc (âm đọc lèbìguó)”, còn trong “Tây Dương Tạp Trở” viết Tất Lặc Quốc (bìlèguó), mà trong Đỗ Dương Tạp Biên – quyển thượng lại viết là Di La quốc (míluóguó). Những cái tên này đều là chỉ Peru cổ đại. Người Khoa Phụ đã xây dựng Vương quốc của họ ở ba nơi của châu Mỹ, đó là Bình Khâu (Pingqiu), Bách Cốc (Baigu), núi Đào Đô (Taodu) thuộc vùng Alaska của châu Mỹ; và ở vùng Thang Cốc Phù Tang (thuộc dải đất Mexico cổ đại), nay là Trung Mỹ.

Sau đó người Thiếu Hạo đến và đã xảy ra xung đột, người Khoa Phụ di chuyển về phía Đông vùng lưu vực sông Rio Grande, sau đó di cư về phía Nam đến Peru rồi định cư ở đó, để rồi sáng tạo ra nền văn hóa Chavin. Văn hóa Chavin ra đời và phát triển vào khoảng năm 2500 trước Công nguyên, tồn tại liên tục cho đến khoảng năm 500 trước Công nguyên. Khoa Phụ là con của Mặt Trời, tộc Khoa Phụ tôn sùng vật tổ Thần Mặt Trời, đuổi theo Mặt Trời từ Bắc Mỹ đến Nam Mỹ, họ tôn thờ vị Thần Mặt Trời, và vị Thần này đã trở thành tín ngưỡng tối thượng của họ.

Vương quốc Thiếu Hạo Hi Hòa

Trong “Sơn Hải Kinh – Đại hoang Đông Kinh” có viết: “Ngoài biển Đông Hải có một khe nứt lớn, đó là Vương quốc Thiếu Hạo”. Các học giả sử học cổ đại cho rằng khe nứt lớn này là chỉ thung lũng Colorado ở Hoa Kỳ, Vương quốc Thiếu Hạo là chỉ Vương quốc Thiếu Hạo Hi Hòa. Khi tộc Khoa Phụ khai hoang vùng Đông Bắc Á, lại có những người tộc Xi Vưu và tộc Thiếu Hạo lần lượt chuyển đến. Vì lực lượng chính của tộc Xi Vưu không muốn phục tùng tộc Hiên Viên do Hoàng Đế thống trị, do đó họ dời đến vùng phía Bắc, tức lưu vực sông Tùng Hoa thuộc tỉnh Hắc Long Giang ngày nay. Tiếp đó, họ lại di chuyển đến bên ngoài dãy núi Hưng An, cuối cùng lại đến vùng Đông Bắc Á. Tộc Thiếu Hạo là một nhánh của tộc Thái Hạo (Phục Hy) di chuyển đến vùng hạ lưu sông Hoàng Hà, vì để mở rộng khu vực sinh sống, họ cũng di chuyển đến Đông Bắc Á. Tộc Xi Vưu và tộc Thiếu Hạo dần dần hòa nhập vào tộc Khoa Phụ, họ cùng nhau di cư về phía Đông, tiến vào Bắc Mỹ, sau đó chuyển hướng xuống phía Nam. Tộc Xi Vưu di chuyển đến lưu vực sông Mississippi ở Bắc Mỹ, phân bố ở các bang Tennessee, Oklahoma, Arkansas, Missouri, Mississippi và những nơi khác. Tộc Thiếu Hạo sống ở miền Nam California và miền Bắc Mexico, đồng thời lập nên Vương quốc Thiếu Hạo Hi Hòa ở Trung Mỹ.

Sau khi người Thiếu Hạo đến châu Mỹ, họ vẫn thường xuyên giữ liên lạc với quê hương Trung Quốc, duy chỉ trong Sơn Hải Kinh mới có những ghi chép chuẩn xác tỉ mỉ liên quan đến Vương quốc Thiếu Hạo Hi Hòa ở châu Mỹ về núi sông, cảnh quan, khoáng sản, tập tục, thờ cúng, v.v. Vương quốc Thiếu Hạo Hi Hòa ở châu Mỹ nằm tại mũi phía Bắc đảo California, phía Tây Mexico và bang Chihuahua, phiên dịch sang tiếng Trung Quốc là 奇瓦瓦 [qíwàwà], có tổng cộng 17 khu vực bao gồm các bang, thành phố và làng mạc. Vào cuối triều Thanh, các văn kiện chính thức mà Mexico gửi cho Triều đình nhà Thanh được dịch sang tiếng Trung Quốc là “中華華”. Thời cổ đại, chữ “華” (hoa) này thực ra là chữ “和” (hòa, tức là mầm, mạ non) và chữ “和” này cũng là chỉ cây lúa (糯,稻), chúng đều là những âm bị biến đổi dần, “華夏” (Hoa Hạ) chính là từ 羲和 (Hi Hòa) bị đảo ngược. Do sự xuất hiện của người Thiếu Hạo, một bộ phận người Khoa Phụ vốn đến trước buộc phải di cư đến thung lũng Bì Mẫu, thuộc châu Nam Mỹ. Bức tường Rồng (Huaca del Dragon) ở Trujillo, Peru vô cùng nổi tiếng. Hình tượng những con rồng trên bức tường này sinh động giống như chúng đang gặp gỡ, ở giữa có một đàn tế, đó là cách thức điển hình của Trung Quốc.

Vương quốc Phù Tang thời thượng cổ là Mexico ngày nay?

Người Trung Quốc hiện đại thông thường đều cho rằng Vương quốc Phù Tang là chỉ Nhật Bản. Thật ra, Vương quốc Phù Tang thời cổ đại là nằm ở khu vực Mexico thuộc Trung Mỹ. Mà thời Trung Quốc cổ đại thường gọi Nhật Bản là nước Oa. “Lương Thư – Phù Tang Trung truyện” có ghi chép: “Nước Văn Thân cách Đông Bắc nước Oa hơn bảy ngàn dặm… Nước Đại Hán (Trung Quốc) cách phía Đông nước Văn Thân năm ngàn dặm… Nước Phù Tang cách Đông Đại Hán hai ngàn dặm, nằm ở phía Đông Trung Quốc, vùng đất này có nhiều cây phù tang, vì thế mới có tên như vậy”. Điều đó cho thấy rằng, nước Văn Thân và nước Đại Hán ở vùng Bắc Á, còn nước Phù Tang thì ở châu Mỹ, nằm “ở phía Đông Trung Quốc” là hoàn toàn chuẩn xác. Do đó, cách nói nước Phù Tang là Nhật Bản hoàn toàn không đúng.

Cuốn sách “Bằng chứng cho thấy Columbus vô danh hoặc Tuệ Thâm cùng đoàn Phật giáo người Afghanistan đã phát hiện ra châu Mỹ vào thế kỷ thứ năm” được Edward P. Vining xuất bản năm 1885, bao gồm các học thuyết quan trọng về vấn đề này kể từ năm 1761, cuốn sách dày khoảng 800 trang. Vining cho rằng nước Oa được nhắc đến trong “Lương Thư” là Nhật Bản, tuy nhiên nước Văn Thân cách nước Oa hơn 7.000 dặm về phía Đông Bắc, là nơi người Eskimo sống trên quần đảo Aleutian. Cách nước Văn Thân 5.000 dặm về phía Đông chính là vùng đất Alaska. Từ Alaska hướng về phía Đông (Đông Nam) hơn 20.000 dặm, tương đương với Vương quốc Phù Tang ở phía đông Trung Quốc (lấy Kinh Châu ở miền trung Trung Quốc làm trung tâm), bất luận là từ khoảng cách hay phương hướng mà xét, đều có thể đưa ra kết luận nơi này chính là Mexico. Ngoài ra, các phong tục và sản vật của Vương quốc Phù Tang được mô tả trong “Lương Thư” về tổng thể đều giống với ở Mexico thời cổ đại. Năm 1940, nhà xuất bản Thương Mại (của Trung Quốc) đã xuất bản cuốn “Khảo chứng Vương quốc Phù Tang” của ông Chu Khiêm Chi. Bắt đầu từ việc phân tích một cách hệ thống lịch sử đất nước Phù Tang. Căn cứ vào hệ thống chính sử, họ tin rằng nước Phù Tang chính là Mexico. Các học giả Trung Quốc như Chương Thái Viêm, Chu Khiêm Chi, Lã Tư Miễn, đặc biệt là Mã Nam Thôn (Đặng Thác), người có tầm ảnh hưởng lớn cũng ủng hộ thuyết này.

Từ Canada đến Nam Mỹ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều chữ Hán Trung Quốc, tiền đồng, y phục và trang sức, tượng điêu khắc, các đồ vật làm bằng ngọc, v.v.. Mà các loại văn vật này ở vùng đất Mexico là phong phú nhất, đặc biệt là ở bang Chihuahua và bán đảo Yucatan. Vương quốc Phù Tang trở thành vùng đất trung tâm của nền văn minh cao nhất tại châu Mỹ, là kết tinh của tinh hoa văn hóa Trung Quốc cổ đại.

Hành trình về phương Đông của người Ân và nền văn minh Olmec

Bước chân người Trung Quốc đi đến châu Mỹ chưa bao giờ dừng lại. Đến thời điểm những năm cuối triều Ân, Trụ Vương (Đế Tân) đã dốc sức xây dựng lên Đông Di, Hoài Di, Hổ Di (tức là Nhân Phương, Lâm Phương, Hổ Phương). Khoảng năm 1045 trước Công nguyên, vào tháng Giêng theo lịch Ân, Trụ Vương từ vùng Nhân Phương, Sơn Đông trở về kinh đô nước Ân là Triều Ca để ăn mừng năm mới. Vào ngày Giáp Tý, Chu Vũ Vương dẫn quân vượt qua Mạnh Tân, vì đội quân tinh nhuệ của Trụ Vương đang chinh phạt Lâm Phương mà ở lại Đông Di, lúc đó Trụ Vương hoảng sợ liền phái 700.000 lính nô lệ đi nghênh chiến ở Mục Dã. Lính nô lệ đào tẩu, Trụ Vương bị đánh bại rồi tự thiêu ở Lộc Đài.

Sau khi nhà Ân-Thương bị tiêu diệt, hơn 100.000 quân tinh nhuệ do thống soái của quân Ân là Du Hầu Hỉ đóng quân ở Đông Di và còn có 150.000 quân của các bộ lạc khác đóng ở Lâm Phương, Nhân Phương, Hổ Phương, tất cả họ đều đột nhiên biến mất, không rõ tung tích. Sự kiện này đã trở thành nghi án thiên cổ trong lịch sử nhà Ân-Thương. Gần như cùng lúc với sự biến mất của quân Ân, ở bán đảo Yucatan thuộc Trung Mỹ lại hưng khởi mạnh mẽ nền văn minh Olmec mang đậm sắc thái văn hóa của nhà Ân-Thương.

Triều đại Ân-Thương vẫn còn là thời kì sử dụng nô lệ, những tù binh bại trận hoặc những người dân mất nước đều bị bắt làm nô lệ mặc cho người khác giày xéo. Sau đó, đa số những người dân Ân-Thương bị mất đi lãnh thổ và địa vị quý tộc, buộc phải kiếm sống bằng cách buôn bán nhỏ, thậm chí bị coi thường là “thương nhân”. Cách nói “thương nhân” có nguồn gốc từ đây. Vì vậy khi triều Ân bị diệt vong, những quý tộc nhà Ân-Thương chống lại nhà Chu đều lo lắng hoảng sợ. Phía trước là đại quân truy đuổi, sau lưng là biển cả mênh mông. Để tránh khỏi số phận làm nô lệ mất nước, họ chỉ còn cách tiến về phía Đông.

Du Hầu Hỉ và vua Ma Thư (còn gọi là vua Ma Hổ) đã đưa 250.000 binh lính và thường dân Ân-Thương phân thành 25 bộ tộc, mỗi bộ tộc do một quý tộc dẫn đầu. Họ đi theo Du Hầu Hỉ về phía Đông, đi qua quần đảo Nhật Bản đến quần đảo Kuril, rồi băng qua bán đảo Kamchatka, đến quần đảo Aleutian (đảo cầu nổi trên Trời) ở Bắc Thái Bình Dương và thẳng đến Alaska. Sau đó lại xuống phía Nam. Cuộc di cư của các bộ lạc từ đất liền vượt biển với quy mô lớn như thế này vào 3000 năm trước đã trải qua vô vàn nguy hiểm trên đường đi, thật khó có thể tưởng tượng được. Lực lượng chính do Du Hầu Hỉ và vua Ma Thư chỉ huy đã đến khu vực Mexico ngày nay và xây dựng Vương quốc Mặt Trời mọc ở đó.

Tại sao Du Hầu Hỉ và Vua Ma Thư cần xây dựng đất nước ở vùng Mexico? Tôi cho rằng ở châu Mỹ vẫn còn lưu lại một số tàn tích thành phố còn sót lại của nền văn minh tiền sử lần trước từ sau trận Đại hồng thủy, đặc biệt là ở Mexico ngày nay. Chẳng hạn như Teotihuacan ở Mexico, được mệnh danh là “Thành phố của các vị Thần”, bức tượng đá khổng lồ La Venta gần Vịnh Mexico và quần thể di tích kim tự tháp của người Maya trên bán đảo Yucatan. Tất nhiên, còn phải kể đến tàn tích nổi tiếng Tiwanaku được phát hiện trên một cao nguyên cao khoảng 4.000 mét so với mực nước biển, cách hồ Titicaca khoảng 20km về phía Nam, khu vực này nằm tại ranh giới giữa Bolivia và Peru ở Nam Mỹ. Puerta del Sol (cổng Mặt Trời) là di tích cổ nổi tiếng nhất trong khu tàn tích Tiwanaku, được chạm khắc từ một tảng đá khổng lồ nặng khoảng 10 tấn, rộng 3,84 mét, cao 2,73 mét và dày 0,5 mét. Trong ngày hạ chí, Mặt Trời mọc lên từ từ men theo đường trục trung tâm của cánh cổng một cách chuẩn xác. Những bậc thềm và tường của ngôi đền trong khu di tích này được làm từ những tảng đá nặng vài tấn, thậm chí là vài chục tấn, những bức tượng đá khổng lồ, những tấm bia đá, những bức tường đá trải dài cùng với những tảng đá khổng lồ nằm rải rác khắp nơi khiến người ta liên tưởng đến một thành phố tráng lệ và phồn vinh ngày đó. Khi tổ tiên người Trung Quốc di cư về Nam Mỹ vào thời điểm hàng nghìn năm trước nhìn thấy bất kỳ di tích văn minh tiền sử nào như vậy, đều sẽ rất ngạc nhiên và thán phục. Điều này chắc chắn không phải nhân lực và kỹ thuật thời đó có thể đạt được, họ cho rằng đó là thành phố do các vị Thần lưu lại nên đã xây dựng nhà cửa tại nơi này hoặc tại khu vực xung quanh.

Nguồn ảnh: Internet

Ở một số nơi, những bộ lạc nguyên thủy có nguồn gốc từ tổ tiên người Trung Hoa và hậu duệ của những người may mắn sống sót từ thời kỳ văn minh tiền sử đã hợp lại với nhau, kế thừa một số văn hóa thời tiền sử và truyền thuyết Thần thoại, chẳng hạn như văn hóa Maya. Một học giả tên Bou de Bourbourg đã phát hiện ra rất nhiều truyền thuyết về người Maya được Giám mục Landa ghi lại cách đây 300 năm trước, hiện được lưu giữ trong thư viện của Học viện Lịch sử Hoàng gia ở Madrid, Tây Ban Nha. Tài liệu ghi chép rằng có 12 dân tộc với nền văn hóa cao đến từ “con đường Thần Thánh trên biển”, họ đã mang đến một nền văn minh tiên tiến. Mà những người Maya sống trên bán đảo Yucatan ở Trung Mỹ lại tự xưng rằng mình là “những người nông dân đến từ Thiên quốc trên một chiếc thuyền tre và đi qua các hòn đảo cầu nổi trên trời đến bờ sông Copan để trồng đậu, lúa mì, kê, túc vào 3000 năm trước”.

Các thế hệ sau lầm tưởng rằng những kiến trúc khổng lồ có tay nghề cao và những kỹ thuật đáng kinh ngạc đó là do người Anh-điêng để lại, thực ra đó là những nền văn hóa tiền sử. Tộc người khổng lồ thời tiền sử có thể hình cao lớn. Dân gian Mexico có một truyền thuyết cổ xưa như sau: Thời kỳ viễn cổ, có một dân tộc cổ xưa tên là La Venta sống trong một khu rừng nhiệt đới, thành phố của họ mỹ lệ như thế giới Thần tiên và có nền văn minh phát triển cao. Bị cuốn hút bởi sức hấp dẫn thần kỳ của truyền thuyết, vào năm 1938, Hiệp hội Khảo cổ học Mexico đã tổ chức một đội khảo cổ đi tìm kiếm dân tộc cổ xưa trong truyền thuyết này. Thật bất ngờ và vui mừng khi đoàn khảo cổ thuận lợi tìm thấy 11 bức tượng đá khổng lồ trong rừng rậm của tộc người La Venta, bức nặng nhất đạt tới 20 tấn. Sau khi thu được manh mối quý giá này, các nhà khảo cổ học tiếp tục nỗ lực, cuối cùng đã tìm thấy hai di tích ở vùng duyên hải Vịnh Mexico: Một nơi là La Venta, một nơi khác là Tres Zapotes. Hơn 20 năm sau, một địa điểm quan trọng khác là di tích San Lorenzo đã được phát hiện. Ba di tích này là nơi người Olmec ở Mexico cổ đại sinh sống.

Dưới lòng đất của khu vực trung tâm cúng tế của người Olmec thuộc di tích La Venta đã khai quật được 16 bức tượng bằng ngọc phỉ thúy. Khuôn mặt của những bức tượng này giống với người Trung Quốc, tóc được búi cao và dài. Kiểu tóc búi cao và dài này thịnh hành vào thời Ân-Thương. Trong số 16 bức tượng này, có 15 bức tượng bằng ngọc đen được sắp xếp thành các vòng tròn đồng tâm, khuôn mặt hướng về một bức tượng ngọc màu đỏ. Phía sau bức tượng ngọc đỏ có sáu miếng ngọc khuê, trên các tấm ngọc khuê có khắc chữ giống như chữ Giáp cốt và Kim văn thời Ân-Thương. Năm 1996, Giáo sư Hứa Huy của Đại học Central State ở Oklahoma đã tìm thấy hơn 200 dòng chữ Giáp cốt khắc trên các tấm ngọc khuê và tượng bằng ngọc được khai quật ở La Venta. Ông đã hai lần trở lại Trung Quốc và mang theo 146 mẫu chữ, sau đó mời nhiều chuyên gia có uy tín về chữ Hán cổ đến quan sát và giám định, cuối cùng đi đến kết luận, rằng “những chữ này là chữ viết thời tiền Tần của Trung Quốc”. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, chữ khắc trên những tấm ngọc khuê này chính là tên tổ tiên của người Ân. Khi chuyên gia về chữ Giáp cốt của Bắc Kinh là Trần Hán Bình, nhà cựu nghiên cứu lịch sử của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đến thăm phòng trưng bày nghệ thuật ở Washington, ông đã giải mã các ký hiệu văn tự trên một miếng ngọc khuê trong văn vật số 4 được khai quật từ La Venta, nghĩa là: “Những người cai trị và thủ lĩnh đã xây dựng cơ sở của Vương quốc này”. Căn cứ vào những tài liệu đang có hiện nay, các thống soái quân đội cuối triều Ân là Du Hầu Hỉ và vua Ma Thư đã chỉ huy quân và dân triều Ân xuất phát từ biển Hoa Đông, đi qua Nhật Bản và đảo cầu nổi trên trời, vượt qua Thái Bình Dương về phía Đông, một mạch di chuyển về phía Nam rồi định cư ở La Venta, đồng thời xây dựng Thần miếu để thờ cúng tổ tiên, vì vậy mới có ngọc khuê và đồ chạm khắc bằng ngọc ở trong khu di tích La Venta.

Từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên là thời kỳ toàn thịnh của nền văn minh Olmec. Khi nền văn minh Olmec phát triển rực rỡ đến khoảng năm 100 trước Công nguyên, một trận động đất lớn không may đã xảy ra ở Trung Mỹ và Vương quốc Mặt Trời mọc Phù Tang đã bị hủy hoại trong nháy mắt. Thế hệ sau của vua Ma Thư đã dẫn đầu một bộ phận người Ân của tộc Phi Hổ di chuyển đến phía Bắc Peru và xây dựng lên Vương triều Ma Thư hoàng kim. Một bộ phận khác của người Ân là hậu duệ của Du Hầu Hỉ chuyển đến dãy núi Andes ở Chile xây dựng lên Đế quốc Inca. Bộ phận còn lại không di chuyển, họ ở tại đó xây dựng lên Vương quốc Mặt Trời mọc.

(Hết toàn văn)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/110224



Ngày đăng: 21-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.