Loạt bài Mexico 2012 (04): Truyền thuyết Sáng thế
Tác giả: Ngọc Bân
[ChanhKien.org]
Du ngoạn trên đất khách quê người, nếu chỉ là ngắm nghía thăm thú cho biết mà không hiểu được văn hóa dân tộc của địa phương cùng nội hàm đằng sau nó, thì chẳng có gì là ý nghĩa cả. Cuối tuần trước, sau khi viết xong bài về di tích Maya của Chichen Itza, thì tôi dự định tuần này sẽ viết một bài để cùng độc giả bàn luận về người Maya cùng văn hóa Maya hoặc thậm chí là về nguồn gốc của người Ấn Độ châu Mỹ. Nhưng vừa đặt bút, thì chủ đề và nội dung đã thay đổi hoàn toàn, chủ đề được viết tới vô cùng lớn lao, đó chính là – “Sáng thế”. Dù bản thân hiểu biết có hạn, nhưng nghĩ đến chủ đề “Sáng thế” này dường như đã chiếm vị trí hàng đầu trong thần thoại mỗi dân tộc, độc giả tự nhiên cũng sẽ muốn hiểu một chút về câu chuyện Sáng thế xa xưa của vùng Trung Nam Mỹ, vậy nên cũng thuận bút mà viết ra. Một số điều cá nhân hiểu biết không nhất định là đúng, chỉ là cung cấp cho độc giả tham khảo.
Sáng thế, chủ đề muôn thuở của nhân loại
Tôi sinh ra ở mảnh đất non xanh nước biếc, còn nhớ thuở nhỏ, buổi tối thường ngắm nhìn trời sao bao phủ trên rặng núi rồi nghĩ: “Trên những vì sao kia là gì nhỉ?” Thời thiếu niên tôi đã từng hỏi cô giáo: “Vũ trụ có biên không?” Cô giáo đáp rằng: “Vũ trụ là vô biên”. Tôi lại hỏi cô làm sao biết vũ trụ vô biên? Cô không biết trả lời làm sao. Vào những năm 80 khi khí công Trung Quốc lên cao trào, ở Trung Quốc xuất hiện rất nhiều kỳ nhân kỳ sự. Tôi thời thiếu niên cái gì cũng thấy hiếu kỳ, một hôm tôi quyết định trải nghiệm một chút “điện”, cảm thấy điều đó có thể kích phát “công năng đặc dị”, từ đó tăng thêm hiểu biết về sinh mệnh và vũ trụ. Dó đó tôi lấy cái kéo sắt cắm vào ổ cắm điện, lần thứ nhất cắm không vào. Lại thử lại lần nữa, kết quả tôi bị điện giật suýt chết, rất lâu sau đó cứ thấy ổ cắm điện là tôi thấy sợ.
Tin rằng chỉ trừ những người sống một cách vô tri vô giác trên thế gian, thì ai cũng đều sẽ từng nghĩ qua một vấn đề như nhau là: “Thế giới này do đâu mà sinh? Nó được hình thành như thế nào? Vì sao như vậy? Rồi sẽ đi về đâu? Ta là ai? Vì sao đến nơi này?” Khuất Nguyên, thi nhân trường phái lãng mạn của Trung Quốc, đã từng hỏi trong tuyệt tác “Sở Từ – Thiên Vấn” như sau: “Toại cổ chi sơ, thuỳ truyền đạo chi? Thượng hạ vị hình, hà do khảo chi? Minh chiêu mông ám, thuỳ năng cực chi? Phùng dực duy tượng, hà dĩ thức chi? Minh minh ám ám, duy thì hà vi? Âm dương tam hợp, hà bản hà hoá? Viên tắc cửu trùng, thục doanh độ chi? Duy tư hà công? Thục sơ tác chi?” (Diễn nghĩa: Từ thuở sơ khai, ai truyền ra Đạo? Trời Đất chưa thành, tra đâu cho được? Tối sáng mờ mịt, ai xét cho thấu? Vũ trụ hỗn độn, làm sao biết rõ? Sáng tối tối sáng, ai biết khi nao? Âm dương hợp hóa, đâu cội đâu hóa? Trời phân chín tầng, ai người phân chia? To lớn nhường này, ai người khởi tác?) Đây đều là những câu hỏi muôn thuở của toàn nhân loại.
Khai thiên tịch địa
Ở Trung Mỹ có lưu truyền một truyền thuyết rằng, vị Thần Sáng thế vĩ đại lúc đầu ở trong một quả trứng vũ trụ, sau đó phá vỡ quả trứng, một nửa quả trứng trở thành bầu trời, nửa còn lại trở thành mặt đất. Truyền thuyết này khá tương đồng với câu chuyện Bàn Cổ khai thiên tịch địa được lưu truyền trong các dân tộc ở Trung Quốc. Từ Chỉnh, người thời Tam Quốc, đã viết câu chuyện về Bàn Cổ trong Tam Ngũ Lục Kỷ như sau: “Thiên địa hỗn độn như trứng gà, Bàn Cổ sinh ra trong đó, một vạn tám ngàn tuổi, thiên đại khai mở, khí dương trong là Trời, khí âm đục là Đất, Bàn Cổ ở trong đó, một ngày thay đổi chín lần, Thần với Trời, Thánh với đất, Trời cao một trượng Đất dày một trượng, Bàn Cổ cao một trượng. Cứ thế một vạn tám ngàn tuổi, Trời cao vô kể, Đất dày vô kể, Bàn Cổ cao vô kể. Trời và Đất cách cả chín vạn dặm. Sau còn có Tam Hoàng”.
Thần thoại Ai Cập kể rằng thế giới ban đầu chỉ toàn nước biển, bên trên có một quả trứng phát sáng, thần Ra sinh ra trong đó. Ông tạo ra chúng thần trước, sau đó để Thiên Hậu Nut với Thần đất Jebel nổi lên khỏi nước, lại để con trai là Thần Gió nhấc Nut lên, hình thành bầu trời, còn Jebel nằm bên dưới hình thành mặt đất. Tiếp đó ông dùng bùn đất nặn con người. Ấn Độ có truyền thuyết Phạm Thiên Sáng Thế, vị Thần hỗn độn dùng ý niệm tạo ra nước trước, rồi lấy chủng tử của mình bỏ vào trong nước, chủng tử ấy liền biến thành một quả trứng vàng, trong trứng sinh ra Phạm Thiên. Do ở trong trứng quá lâu, Phạm Thiên giơ tay đẩy nửa phần trên quả trứng vàng lên trên, trở thành Thiên đường sau đó; lại dẫm chân dẫm nửa phần dưới của trứng vàng xuống, biến thành mặt đất dày rộng bao la; ở giữa thì hình thành bầu trời thênh thang mênh mông. Tiếp đó, Phạm Thiên lại xác định phương vị, phân biệt ngày, tháng, năm, sáng tạo ngôn ngữ. Trong thần thoại Hy Lạp, thuở sơ khai của vũ trụ do Thần Hỗn Độn làm chủ, sau đó con trai ông là Thần Hắc Ám thay thế, rồi kết hợp với nữ Thần Bóng Đêm, sinh ra một quả trứng lớn, trong trứng sinh ra Thần Tình Yêu Eros, vỏ trứng vỡ ra thành Trời và Đất. Thần Tình Yêu lấy mũi tên sinh mệnh bắn vào mặt đất lạnh lẽo, do đó trên mặt đất có cây cỏ hoa trái và muông thú. Trong sử thi Kalevala của Phần Lan có nói: “Nữ Thần Khí Quyển giáng xuống biển, chim biển làm tổ ấp trứng trên đầu gối nàng, sau đó trứng rớt xuống nước vỡ ra, nữa trên vỏ trứng biến thành Trời, nửa dưới thành Đất, lòng đỏ thành Mặt Trời, lòng trắng thành Mặt Trăng, đốm nhỏ trong trứng thành tinh tú”.
Người Maya ở Trung Mỹ cổ đại lại cho rằng có chín thế giới, khái niệm thời gian và không gian của mỗi tầng thế giới đều không giống nhau, rất giống với quan niệm “Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất” của người Trung Quốc. Chín thế giới này tự mình đại biểu cho mức độ giác ngộ không giống nhau và các giai đoạn thời gian khác nhau trong lịch Maya. Cho nên họ có một chu kỳ được kiến lập hoàn chỉnh có tính hệ thống, giống như “Đại chu kỳ” vậy. Do đó “Sáng thế” có thể được xem là do chín “Sáng thế” hợp thành, cái này ở trên cái kia, mỗi “Sáng thế” đều là khác nhau, hình thành kết cấu Kim tự tháp. Mà “Đại chu kỳ” trong những chu kỳ này chỉ là một trong số đó. Điều này đại khái là giải thích vì sao những Kim tự tháp Maya quan trọng nhất ấy đều được xây dựng có kết cấu tầng cấp với chín bậc.
Cá nhân tôi hiểu rằng những gì được miêu tả trong truyền thuyết Maya cổ đại là những sự tình xảy ra trong các cảnh giới khác nhau trong các không gian khác nhau. Mặc dù hiểu biết của họ cũng rất có hạn, nhưng Sáng thế xác thực đã từng xảy ra rất nhiều lần rồi. Đại sư Lý Hồng Chí của Pháp Luân Đại Pháp đã nói trong cuốn “Giảng Pháp tại Pháp hội miền đông Mỹ quốc 1999“ như sau:
“Mọi người có thể đã nghe chuyện xưa, rằng Bàn Cổ cuối cùng đã lấy thân thể của mình, trong chốc lát, hóa thành Trời, Đất, núi, sông và sao của Thiên thượng. Giảng thế nào đi nữa, tôi bảo chư vị rằng, tại các tầng thứ khác nhau, bất kể [chư vị] là Thần của tầng thứ nào, thì chư vị cũng không thể biết được những sự tình ở bên trên. Trong những năm tháng quá khứ dài đằng đẵng từ sớm đã lệch khỏi Pháp, thậm chí rất nhiều sinh mệnh đối với Pháp căn bản đã không còn biết nữa, đã quên mất rồi. Vì sao quên? Bởi vì tất cả sinh mệnh trong chu kỳ văn minh lần này, bất kể là chư vị cao đến đâu, phần lớn là sản sinh ra trong chu kỳ thứ chín. Trước lần thứ chín này Pháp là gì, mọi người đều không biết.”
Đại sư Lý Hồng Chí còn nói:
“…..Trên thực tế vũ trụ này của chúng ta, tức là tiểu vũ trụ mà tôi vẫn thường nói, tiểu vũ trụ này gọi là gì? Chính là Bàn Cổ mà trong truyền thuyết của Trung Quốc đã kể là khai thiên tịch địa đó. Ông ta không phải là người Trung Quốc, Ông ta cũng không phải người thuộc một dân tộc nào khác trên Trái Đất, Ông ta là Thần trên Thiên thượng, Ông là vũ trụ. Bàn Cổ khai thiên tịch địa tức là vào lúc tiểu vũ trụ thời kỳ trước bị huỷ rồi trong quá trình tái tạo tiểu vũ trụ mà sinh thành. Thân thể của Ông chính là quá trình “thành trụ hoại diệt” của tiểu vũ trụ này, nhưng sinh mệnh của Ông thì không phải.” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013)
“Thực ra phạm vi to lớn hơn của Tam giới lại đối ứng với toàn thể tiểu vũ trụ này; Ông Bàn Cổ trong truyền thuyết thực ra chính là khai [mở] bộ phận thiên địa này.” (Giảng Pháp ở Pháp hội quốc tế Miền Tây Mỹ quốc năm 2013)
Thần tạo con người
Trong “Thánh Kinh” – Popol Vuh của người Maya có ghi chép rằng sau khi Thượng Đế tạo ra mặt đất, thì chư Thần trên Thiên Đình đã tạo ra động vật trước, sau lại ba lần tạo con người, chỉ đến lần sau cùng mới tạo ra được “con người” vừa ý. “Con người” được tạo ra vẻ ngoài đẹp đẽ, khả năng lãnh ngộ sự việc rất cao, cực kỳ trí huệ. Họ sinh ra đã có bổn năng “Thiên lý nhãn”, có thể nhìn thấu bên kia của bầu trời; bất luận họ ở nơi đâu, đều có thể trong nháy mắt nắm bắt được các biến động của vũ trụ. Do đó, tầm nhìn của họ là vô biên vô tế, có thể bao quát hết thảy. Tuy nhiên, Tạo vật chủ (Chúa sáng thế) và chư Thần không hài lòng với sự phát triển của việc này về sau, bởi vì thứ họ muốn tạo ra là con người, chứ không phải là Thần. Mức độ sáng suốt của những “con người” này chẳng thua kém gì thần minh, đối với nguyên lý cơ chế diễn hóa của vũ trụ rõ như lòng bàn tay. Do vậy họ chẳng hứng thú gì với việc sản sinh đời sau, bởi vì họ biết rõ những con cháu này chẳng có chút “quan hệ huyết duyên” nào cả, chỉ là để linh hồn của thiên giới tìm đường thoát mà thôi. Do đó Thượng đế và chư Thần đã luận bàn, Tạo vật chủ huơ tay một cái, một đám mây mù thổi vào trong con ngươi của loài người, thiên mục của họ liền mất đi. Sau này những người phàm này liền trên mặt đất sản sinh ra con cháu đời sau.
Trong rất nhiều dân tộc trên toàn thế giới đều có câu chuyện về các vị Thần dựa theo hình tượng của bản thân dùng “bùn đất” tạo con người. Trong đó nổi tiếng là Nữ Oa trong thần thoại Trung Quốc và Thượng đế dùng bùn đất tạo con người được ghi chép trong Sáng Thế Ký của kinh Cựu Ước.
Sau khi Bàn Cổ khai mở thiên địa, không biết là trải qua bao nhiêu năm, trong trời đất đã xuất hiện Nữ Oa. Nữ Oa cảm thấy cô đơn trong trời đất hoang vu, một hôm, bà bốc bùn đất, trộn với nước; dựa theo hình thể của bản thân nặn ra tượng đất, đặt trên mặt đất, thổi một cái liền biến thành “con người”. Ban đầu Nữ Oa không ngừng tạo từng người từng người một, nhưng tốc độ chậm rãi, sau đó bà bẻ cành mây, nhúng vào bùn nhão rồi vẩy ra rất nhiều giọt bùn, những giọt bùn này rớt trên mặt đất, gió thoảng thổi qua một cái, đều biến thành người.
Trong Thánh Kinh giảng rằng Thượng đế đã dùng thời gian năm ngày để tạo ra vạn vật trên mặt đất, đến ngày thứ sáu Ngài nói rằng: “Chúng ta cần chiểu theo hình tượng của mình, dựa vào hình dáng của bản thân mà tạo con người…”, thế nên Ngài dùng bụi đất trên mặt đất tạo con người, sau khi thổi một luồng sinh khí vào mũi người, liền biến thành một nam nhân đầy sức sống, lấy tên là Adam. Không lâu sau thì lấy một chiếc xương sườn của Adam, tạo ra một nữ nhân, Adam nói rằng: “Đây là xương được hình thành bởi xương tôi và thịt được hình thành bởi phần thịt của tôi… Người này sẽ được gọi là người nữ”.
Thần thoại của người Sumer (cư dân thời Thượng cổ của Iraq ngày nay) có liên quan với những câu chuyện trong Thánh Kinh. Họ cũng nói rằng loài người là được nặn thành từ đất sét. Thần thoại New Zealand kể rằng con người là do thiên thần TIKI dùng đất đỏ và máu của mình tạo nên, người Melanesia cũng nói như vậy. Thần thoại Hy Lạp kể rằng Thần đã lấy đất và lửa từ bên trong Trái Đất, rồi cử hai anh em là Thần Prometheus và Epimetheus lần lượt tạo ra động vật và loài người. Người Ấn Độ thuộc tộc người Maidu ở phía Tây của Bắc Mỹ cho rằng ban đầu sau khi “Đấng sáng tạo Trái Đất” tạo ra cây cối, chim, muông thú, đã nói rằng “ta muốn tạo con người”. Bèn lấy một ít bùn đất màu đỏ sẫm trộn với nước, làm thành một nam một nữ.
Người đứng tại góc độ của người thường thì rất khó hiểu được ý nghĩa to lớn của Phật Pháp thần thông mà các vị Thần triển hiện. Hơn nữa các truyền thuyết thần thoại được lưu truyền trong những năm tháng dài đằng đẵng, ít nhiều cũng sẽ có những sai sót, người ta cũng sẽ sửa đổi theo cách lý giải của bản thân, nên càng khó lý giải ý nghĩa chân thực trong đó. Con người hiện đại nhìn chung không ai cho rằng cơ thể mình là do bùn đất cấu thành cả. Nhưng đối với các Phật Đạo Thần ở nơi rất cao rất lớn mà nói, toàn bộ Tam giới đều là bùn đất cấu thành.
“Con người chúng ta xem đất là đất, nhưng Thần xem tất cả phân tử, tức là các phân tử trong Tam giới đều là đất cả, là vật chất thô tháo nhất, vật chất dơ bẩn nhất, họ xem đó chính là đất, chính xác là đất”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])
“Ông nói đất bùn tạo con người; [nhưng] người thường nghĩ rằng thân thể chúng ta đây không phải là đất bùn. Do đó, [có thể] nói đất bùn ở tầng thứ cao hơn cao hơn nữa, thì còn tốt hơn so với nhục thân này của chúng ta, càng lên cao càng tốt. (Chuyển Pháp Luân – quyển II)
“Vườn Eden” (Vườn địa đàng) ở đâu?
Trong thần thoại của rất nhiều dân tộc đều kể rằng tổ tiên của họ sống ở lạc viên tịnh thổ vô cùng hạnh phúc, thậm chí còn có các loại thần thông. Theo ghi chép trong “Thánh Kinh”, lục địa ban đầu chỉ có một mảng hoàn chỉnh và một đại dương. Trong “Thánh Kinh” giảng rằng: “Thượng đế đã tạo một khu vườn cho Adam và Eva ở phía Đông Eden. Mặt đất nơi đó rải đầy vàng, trân châu, mã não đỏ, các loài cây mọc lên từ trong đất, nở ra các loại kỳ hoa dị thảo, đẹp vô cùng; quả trên cây còn có thể làm thức ăn. Trong khu vườn có cây sự sống và cây thiện ác. Còn có bốn dòng sông bao quanh vườn Eden, trong khu vườn nước chảy róc rách, tưới mát cả vùng đất: con sông thứ nhất là Bi-sôn (Pishon) chảy quanh toàn bộ xứ Ha-vi-la (Havilah), nó được tạo dựng phỏng theo “dòng sông có nước không đổi màu” trong lạc viên trên Thiên đàng. Nơi đó có vàng, vàng xứ này rất tốt, ở đó còn có trân châu và mã não; con sông thứ hai là Ghi-hôn (Gichon), chảy quanh xứ Cu-sơ (Kush), nó được tạo dựng phỏng theo “dòng sông sữa không đổi vị” trong lạc viên trên Thiên đàng; con sông thứ ba là Hi-đê-ke (Chidekel), chảy qua từ bờ A-si-ri (Assyria), nó được tạo phỏng theo “dòng sông rượu mạnh” ở lạc viên trên Thiên đàng; dòng sông thứ tư là Ơ-phơ-rát (Perat), nó được tạo phỏng theo “dòng sông mật thuần tịnh” trong lạc viên trên Thiên đàng”.
Trong các văn tự hình chêm của người Sumer cũng có những từ như “Eden” và “Adam”, chữ trước có nghĩa là “mảnh đất nguyên sơ”, chữ sau có nghĩa là “cư dân vùng hoang dã”. Trong thần thoại của người Sumer cũng có một vùng tịnh thổ tươi sáng, ở lạc viên không có bệnh tật và cái chết này, Thủy Thần Ea (Enki) và nữ Thần Đất Ninhursag đã yêu nhau và sống một cuộc sống đầm ấm hạnh phúc.
Có rất nhiều nhà khảo cổ học và các học giả Thánh Kinh trên toàn thế giới đều đang tìm kiếm xem “Vườn Eden” trong Thánh Kinh nằm ở đâu? Tuy nhiên cho dù có tìm đến đâu cũng không khớp với mô tả trong Thánh Kinh. Có người cho rằng Vườn Eden nằm ở vùng Kurdistan vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, khu vực bắt nguồn của sông Tigris và Euphrates. Cũng có người cho rằng nó ở vùng cách Basra, thành phố lớn thứ hai của Iraq hiện nay, 74 km về phía Bắc. Tuy nhiên hai nơi này đều không có bốn dòng sông, huống chi là các loại hoa cỏ kỳ lạ. Còn có người đề xuất cho là Vườn Eden nằm ở Khotan cổ vùng Hotan, Tân Cương, Trung Quốc, lý do là vì nơi đây có bốn con sông. Thế nhưng có vẻ ở đó là nơi người Tây Vực cổ đại của Trung Quốc sinh sống, thân hình, tướng mạo, màu da so với Adam và Eva khác biệt rất lớn, không phải là cùng một chủng người.
Vậy Vườn Eden ở đâu? Thực ra con người được tạo ra đầu tiên (cũng có thể được coi là thiên nhân) không sống ở không gian tầng thấp này của con người, về căn bản là không ở trên Trái Đất này, mà ở tại không gian khá cao trong Tam giới.
“Vào thời hết sức xa xưa khi mà chưa có con người ở tầng thấp này, ở trên kia đã tạo ra con người ở không gian khác”. (Chuyển Pháp Luân – quyển II)
Cho nên lạc viên nơi tổ tiên loài người sinh sống ban đầu, cũng phải ở trong không gian cao tầng trong Tam giới, nơi đó vô cùng đẹp đẽ và hạnh phúc. Do đó các vị Thần đã dựa theo hình tượng của bản thân tạo con người, tạo ra các chủng người khác nhau, tôi nghĩ trên thực tế phải có nhiều lạc viên tương tự như “Vườn Eden”. Không gian mà con người chúng ta đang sống hiện nay là sau khi con người sa ngã (trở nên xấu) mới có, cũng là đã rất không tốt rồi.
Cách mà Thần xem xét sự việc và cách con người xem xét sự việc là không như nhau. Đối với chư Thần cao ngoài Tam giới mà xét, dù là ở cao tầng trong Tam giới hay là tại không gian mà con người đang sống hiện nay, đều là trên Đất mà thôi. Thần xem người ở trên trời và người ở trên mặt đất đều là “người”. “Phương Đông” của Thượng đế được nhắc đến trong Thánh Kinh cũng không phải là phương Đông mà con người biết đến. Cứ như chúng ta nhìn một con kiến rất nhỏ bò trên một quả bóng lớn, phương Đông phương Tây của nó có thể là cùng một phương Đông phương Tây của chúng ta sao?
Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từng giảng về khởi nguyên và sự sa đọa của loài người, được ghi chép rất chi tiết trong Kinh Chang Agama (Kinh A Hàm). Vào thời tối hậu của thành, trụ, hoại, không, tại tầng thứ nhất định trong Tam giới trở xuống hết thảy không gian đều bị biến thành “nước” (cá nhân tôi hiểu là vật chất bản nguyên), không còn ánh sáng của Nhật, Nguyệt, Tinh tú nữa. Cũng không có ngày tháng năm nữa, chỉ có bóng tối. Lúc đó, những người mà sinh mệnh bị kết thúc trong đại kiếp đều được tái sinh đến “Quang Âm Thiên”. Ở tại không gian tầng ấy, thân thể người đều phát sáng, có thể tự do bay lượn, vô cùng tự tại, muốn đi đâu liền đến đó. Sau đó, hết thảy các không gian tầng thấp khác bao gồm cả trời đất trong không gian tầng này mà con người chúng ta đang sống hiện giờ được sáng tạo lại từ trong “nước”, những người ở “Quang Âm Thiên” khi phúc tận mệnh chung, liền tầng tầng đi xuống tái sinh đến nhân gian trở thành con người của tầng này. Con người thời thượng cổ tuy đến nhân gian vẫn còn thần thông, có thể đi lại như Thần, thân thể phát ra ánh sáng. Tuổi thọ của họ rất dài, đẹp đẽ vô cùng. Nhưng một bộ phận con người bắt đầu có chấp trước ngày càng nặng vào đồ ăn thức uống, thì thần thông ít đi, thân thể cũng không còn tốt như thế nữa. Sau một khoảng thời gian lâu dài, dần dần các chủng chấp trước, tư tâm và tham niệm của những người này càng ngày càng nhiều, cũng phân ra đẹp xấu. Người đoan chính thì sinh tâm ngạo mạn, coi thường người xấu xí, người xấu xí lại sinh tâm tật đố, ghen ghét người có dung mạo đoan chính. Giữa chúng sinh với nhau khởi tranh chấp thù hận. Thần thông hoàn toàn mất hết, đã mất đi dung mạo đẹp đẽ của thiên nhân, tuổi thọ đã thế càng ngày càng ngắn lại. Càng về sau, hoàn cảnh sống cũng càng xấu đi, cuối cùng con người chỉ có thể thông qua lao động cực nhọc mới tồn tại được.
Có lẽ có người sẽ nói rằng, chẳng phải sách giáo khoa luôn nói rằng con người là do sinh vật cấp thấp tiến hóa mà thành sao? Thực ra thuyết tiến hóa, thuyết khỉ biến thành người ấy chính là sự sỉ nhục lớn nhất của nhân loại lần này. Tôi sẽ thảo luận về điều này trong bài viết tiếp theo của mình.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/77912
Ngày đăng: 27-09-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.