Loạt bài Mexico 2012 (12): Sự biến mất của lục địa (Phần 3.2)
Tác giả: Vương Bân
[ChanhKien.org]
Bản đồ cổ đáng kinh ngạc của Nam Cực
Nền văn minh Lưỡng Hà có thực sự đã từng tồn tại trên lục địa Nam Cực? Rốt cuộc Nam Cực đã bị đóng băng bao nhiêu năm? Có bao nhiêu bí mật ẩn giấu dưới lớp băng dày đó? Kể từ Thế chiến thứ hai, đã có nhiều ý kiến cho rằng lục địa Nam Cực có thể đã từng tồn tại một nền văn minh tiền sử, trong đó có đưa ra một bản đồ Nam Cực cổ đáng kinh ngạc càng làm tăng sự hiếu kỳ của giới khoa học về Nam Cực.
Theo nhận thức phổ biến của người hiện đại, từ năm 1772 đến 1775, thuyền trưởng Cook người Anh lần đầu tiên đến Quần đảo Nam Shetland gần Nam Cực. Từ năm 1820 đến năm 1821, Palmer người Mỹ, Bellingshausen và Lazarev người Nga, và Bransfield người Anh đã lần lượt khám phá ra lục địa Nam Cực. Tuy nhiên, vào năm 1929, khi Halil Edhem, giám đốc Bảo tàng Quốc gia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ khi phân loại các cuốn sách của thư viện hoàng gia Byzantine trong cung điện cũ Topkapi của Sudan, đã vô tình tìm thấy một tấm bản đồ do tướng Peary vẽ nằm trên một giá sách phủ đầy bụi. Bản đồ được vẽ vào năm 1513, sớm hơn khoảng 200-300 năm so với thời điểm lục địa Nam Cực được phát hiện. Sau khi tấm bản đồ này được công bố, lập tức gây chấn động giới khoa học.
Bản đồ này không chỉ mô tả chính xác hình dáng của hai bờ Đại Tây Dương, mà đến cả vị trí địa lý của Bắc và Nam Mỹ cũng chuẩn xác. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là bản đồ này thậm chí còn đánh dấu eo đất đã biến mất cách đây 10.000 năm giữa châu Mỹ và Nam Cực. Năm 1949, một đội khảo sát phối hợp giữa Anh và Thụy Điển đã khoan xuyên qua lớp băng ở Nam Cực để tiến hành thăm dò địa chấn và kết luận rằng: Địa hình bề mặt được vẽ ở phần dưới bản đồ của Peary (bờ biển Nam Cực) hầu như giống hệt với dữ liệu thu được từ cuộc khảo sát địa chấn lần này. Năm 1953, Cục Thủy văn Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng bản đồ này, các chuyên gia đều cùng cho rằng, tướng Peary đã sử dụng phương pháp in rập để sao lại tấm bản đồ này, nhưng dù là vậy thì sao chép dữ liệu từ bản đồ cũ sang mô hình địa cầu thì vẫn phải chỉnh sửa một số lỗi trong bản đồ hiện đại.
Bản đồ của Peary chắc chắn là bản đồ nổi tiếng nhất, nhưng không phải là duy nhất. Cuối năm 1959, Hapgood phát hiện ra một tấm bản đồ do Olonchus Fornaius vẽ trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, đánh dấu thời gian là năm 1531 sau công nguyên (xem hình 2). Ở bên trên đánh dấu kích thước và hình dạng của châu Nam Cực về cơ bản là giống với bản đồ mà người hiện nay vẽ. Tấm bản đồ này cho thấy, phần phía tây của lục địa Nam Cực được bao phủ bởi băng tuyết, trong khi phần phía đông vẫn là đất liền. Năm 1581, nhà vẽ bản đồ Hoàng gia Tây Ban Nha Jernimo de Chaves đã đưa một bản đồ thế giới vẽ Tây bán cầu vào tác phẩm của mình, trong đó thể hiện một phần đường viền của Nam Cực; Bản đồ thế giới do Giacomo Gastaldi vẽ năm 1546 thể hiện phần lớn đường bờ biển của Nam Cực; Bản đồ thế giới Nam bán cầu do Antonio Florian vẽ năm 1555 và bản đồ thế giới Nam bán cầu do Cornelis de Jode vẽ năm 1593, đều vẽ hình dáng của châu Nam Cực một cách hoàn chỉnh. Các nhà sử học không thể giải thích tại sao trên những tấm bản đồ của thế kỷ 16 lại xuất hiện châu Nam Cực, nơi mà tận đến thế kỷ 19 mới được phát hiện.
Một số bản đồ Nam Cực bí ẩn được vẽ vào thế kỷ 16. Chúng sớm hơn 200-300 năm so với thời điểm khám phá lục địa Nam Cực mà chúng ta công nhận hiện nay.
Các nhà khoa học cũng chú ý đến một tấm bản đồ Nam Cực khác được vẽ vào năm 1737 bởi Philippe Boucher, một thành viên chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Trên bản đồ của Pháp vào thế kỷ 18 này, Nam Cực đã không còn bị băng tuyết đóng băng, và địa hình dưới lớp băng của toàn bộ lục địa được mô tả khá chi tiết, đây là điều (địa hình) mà đến năm 1958 người ta mới hiểu.
Có người nói rằng tướng Peary cũng viết bên lề tấm bản đồ của mình: “Không ai trong thế kỷ này có bản đồ giống của tôi”. Điều này cho thấy, rất có thể trong quá trình vẽ bản đồ ông đã tham khảo nhiều bản đồ cổ quý giá từ nhiều thế kỷ trước. Phải chăng bản đồ của Peary và những bản đồ kỳ lạ khác chỉ là một tấm bản đồ thế giới cổ đại? Bản đồ gốc của những bản đồ này có thể được vẽ bởi một số người vẽ bản đồ thời cổ đại nào đó mà hiện nay chúng ta không biết, họ đều có trong tay những thiết bị vô cùng tinh vi, và bản thân họ cũng được trang bị kiến thức rất uyên thâm.
Giả thuyết về sự biến đổi trục Trái Đất và địa cực có thực sự tồn tại?
Sự biến đổi của trục Trái Đất và địa cực là giả thuyết dường như khó tin. Góc nghiêng của trục quay của Trái đất hiện đang là 23,5 độ, vị trí này không phải là cố định bất biến. Nếu sự phân bố vật chất trên bề mặt Trái đất phát sinh biến đổi lớn thì sẽ gây ra những thay đổi về góc của trục Trái đất. Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia của Mỹ (NASA) cho rằng, trận động đất mạnh 8,8 độ richter ở Chile năm 2010 có thể đã làm nghiêng trục Trái đất, khiến trục quay của Trái đất dịch chuyển và rút ngắn thời gian một ngày của con người đi 1,26 micro giây. Landrell thuộc Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA cho biết: “Trái đất giống như một con quay đang xoay tròn. Nếu bạn tăng thêm một chút sức nặng vào một bên nào đó, góc của trục quay sẽ thay đổi đi một chút”.
Vì nhu cầu của con người không ngừng gia tăng nhanh chóng, lượng khí thải nhà kính gây ra làm đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu, băng ở Bắc Cực tan chảy khiến Trái đất dần mất đi sự cân bằng vốn có, các sông băng tiếp tục tan, khiến trọng lượng của Bắc Cực giảm, điều này sẽ dẫn đến trọng tâm của Trái đất bị dịch chuyển, đường xích đạo của Trái đất bắt đầu trượt xuống dưới, làm gia tăng độ nghiêng của Trái đất. Người ta phát hiện tình trạng này đã bắt đầu từ lâu. Hậu quả khi trục Trái đất dịch chuyển mang lại rất nghiêm trọng: Sự phân bố các khu vực nóng lạnh thay đổi nhanh chóng, đến mùa đông những ai không có sự chuẩn bị sẽ bị chết cóng hàng loạt. Sự phân bố thực vật hoàn toàn thay đổi, dẫn đến một nhóm người bị chết đói. Nước biển dâng lên khiến vùng duyên hải bị ngập, dân tị nạn nhiều vô số kể. Trong quá trình trục Trái đất dịch chuyển, các lực trường khác nhau của mặt đất và bầu khí quyển cũng thay đổi mạnh mẽ, do đó động đất sẽ diễn ra liên tục, sấm sét sẽ đánh liên hồi và bão tuyết thổi không ngừng. Ngoài ra, do từ trường Trái đất chịu sự kìm hãm rất lớn của từ trường của Mặt trời, nên khi cực từ của Mặt trời đảo ngược, các cực từ của Trái đất cũng có thể thay đổi theo, làm cho từ trường bắc nam của Trái đất hoán đổi cho nhau. Các sinh vật không thể thích nghi với sự biến đổi khí hậu lớn đột ngột như vậy nên sẽ chết hàng loạt.
Einstein và nhiều nhà khoa học tin chắc rằng, Nam Cực ngập tràn băng tuyết không có chút sự sống này, trước kia có thể đã từng là nơi khởi nguồn của nền văn minh nhân loại. Einstein tin rằng, vùng Bắc Cực ban đầu là nằm gần bờ biển phía bắc của Canada ngày nay và vị trí của Nam Cực trước đây nằm ở vùng ôn đới. Khi đó, lục địa Nam Cực với nhiệt độ và khí hậu thích hợp có lẽ đã từng thai nghén một nền văn minh cổ đại phát triển ở trình độ cao. Tuy nhiên, lớp vỏ Trái đất đã xảy ra một sự dịch chuyển lớn ngược chiều kim đồng hồ, dẫn đến điểm cực Bắc xoay đến vị trí hiện tại, còn điểm cực Nam xoay đến đến nơi phủ đầy băng, khí hậu đột nhiên trở nên cực lạnh, lục địa bị bao phủ bởi băng và tuyết, và nền văn minh Nam Cực cũng theo đó mà biến mất.
Ví dụ về sự tuyệt chủng của “voi ma mút” có thể là bằng chứng mạnh mẽ về sự thay đổi địa cực cuối cùng trên Trái đất.
Voi ma mút bị làm “đông lạnh nhanh”
Voi ma mút là loài voi thời cổ đại có bộ lông dài, có thể cao tới 5 mét và nặng khoảng 10 tấn. Nó sống ở phía bắc châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Hóa thạch voi ma mút cũng từng được tìm thấy ở vùng Đông Bắc, Trường Đảo tỉnh Sơn Đông, Nội Mông, Ninh Hạ và các khu vực khác ở Trung Quốc.
Voi ma mút (Ảnh: Internet)
Vào năm 1902, xác một con voi ma mút đã được phát hiện ở vùng Siberia, Berezivka thuộc nước Nga, vì khu vực này là vùng lãnh nguyên nên chú voi ma mút này được bảo quản tương đối nguyên vẹn và thậm chí trong miệng nó còn ngậm một chút hoa điệp vẫn chưa kịp nuốt xuống. Vào mùa xuân năm 2005, một thợ săn người Nga khi đang đi săn trên cánh đồng tuyết rộng lớn ở Siberia gần Vòng Cực, đã vô ý vấp phải một vật thể bị nhô lên. Khi dọn sạch băng tuyết bao phủ trên vật thể đó, thì thứ anh nhìn thấy là một chú voi ma mút nguyên vẹn bị đông cứng! Toàn bộ cơ thể của chú voi này đang ngồi trên chân sau chắc khỏe, với một chân trước giơ cao lên. Điều làm người ta ngạc nhiên là trên lưỡi của chú voi ma mút này vẫn còn lưu lại một vài hoa mao lương đang chờ được nuốt xuống và đôi mắt của nó đến nay vẫn còn trong suốt. Các nhà khoa học tin rằng cách đây hàng chục nghìn năm, chú voi này khi đang thong thả ăn cỏ thì nhiệt độ đột ngột giảm mạnh, cỏ trong miệng chưa kịp nuốt vào thì nó đã bị đóng băng vĩnh viễn trong lịch sử.
Một số loại thịt voi ma mút được đào lên từ vùng lãnh nguyên vẫn trông rất giống với thịt bò tươi mặc dù bị đông lạnh hơn 10.000 năm. Những người từng nếm thử thịt voi ma mút đều nói rằng nó vẫn còn tươi ngon, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô cũ còn dùng thịt voi ma mút để chiêu đãi các vị khách quý. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành thịt đông lạnh cho rằng, để thịt đông lạnh vẫn tươi ngon thì phải sử dụng phương pháp làm đông nhanh ở nhiệt độ cực thấp, khiến cho miếng thịt trong thời gian ngắn bị đông lại, sau đó mới bảo quản ở nhiệt độ thấp thông thường. Nhưng nhiệt độ nơi đó vào mùa đông chỉ tầm khoảng – 20, -30 độ C, nhiệt độ này tuy đủ để làm lạnh xác voi ma mút, nhưng không thể làm nó đông lạnh nhanh trong thời gian ngắn. Khi thịt được làm đông từ từ ở nhiệt độ thấp thông thường, các tế bào thịt sẽ xuất hiện sự kết tinh khiến cho tế bào bị nứt và lượng nước trong thịt bị mất, cuối cùng làm cho thịt không còn ngon. Họ lấy ví dụ về thịt bò đông lạnh, cho biết nếu muốn thịt bò được giữ được độ tươi ngon, sau khi giết mổ, nửa con bò cần được làm đông lạnh nhanh ở nhiệt độ âm 40 độ C trong 30 phút. Nếu muốn làm đông lạnh nhanh một con voi ma mút đang còn sống với thân hình to lớn và bộ lông dài, nhiệt độ sẽ phải giảm xuống ít nhất âm 65-75 độ C ngay lập tức. Nhưng những con voi ma mút này trước khi chết vẫn đang ăn cỏ hoặc hoa điệp, có thể cho thấy nhiệt độ lúc đó không quá thấp. Nhưng đột nhiên, những con voi ma mút này nhanh chóng bị đóng băng, đồng thời ở Siberia và Alaska, nhiều con voi ma mút cũng đều bị đóng băng đột ngột như thế. Điều này có thể giải thích rằng, chúng đột nhiên gặp phải nhiệt độ lạnh khủng khiếp khó có thể tưởng tượng.
Vậy cái lạnh khắc nghiệt đáng sợ này xuất hiện như thế nào? Khí hậu trên Trái đất mặc dù có thể thay đổi bất cứ lúc nào, nhưng thông thường sự thay đổi này thường diễn ra một cách từ từ, cho dù là kỷ Băng hà cũng vẫn như vậy. Nhưng sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và nhanh chóng phản ánh trên thân thể của loài voi ma mút này làm người ta cảm thấy kinh ngạc. Ngoài việc thay đổi trục Trái đất và địa cực diễn ra mạnh mẽ, thật khó có thể tưởng tượng được sự kiện nào có thể khiến nhiệt độ ở khu vực đó giảm xuống dưới âm 65 độ C trong nháy mắt. Một số nhà khoa học cho rằng, cái lạnh khắc nghiệt như vậy là do sự biến động của các cực từ Trái đất. Có lẽ vì lý do nào đó đã làm cho cực bắc từ đột ngột dịch chuyển về phía khu vực Siberia. Vì thế nơi đó đã xuất hiện luồng không khí có nhiệt độ thấp như Bắc Cực, khiến voi ma mút bị chết cóng. Vậy đại thảm họa hủy diệt như vậy liệu có xảy ra lần nữa không?
Người Maya từng nói: “Trái đất không thuộc sở hữu của con người, mà con người là thuộc về Trái đất”.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/79266
Ngày đăng: 16-12-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.