Loạt bài Mexico 2012 (22): Nhận tổ quy tông



[ChanhKien.org]

Câu chuyện về vua Hosi và vua Moche

Trong kho tàng sách quý hiếm tại thư viện quốc gia Chile có câu chuyện về vua Hosi (Hầu Hỉ) và vua Moche (Ma Thư). Vua Moche khét tiếng tàn bạo, ông ta đã cho thi hành một hình thức tra tấn giống như thời Ân-Thương đối với thần dân của mình: dùng sắt nung đỏ đốt da người, trên thân những người phạm tội đều có hình chữ “S”. Ngay cả trong cuốn “Bá tước Monte Cristo” của Alexandre Dumas cũng có đoạn mô tả về kiểu tra tấn “dùng sắt nung đỏ đốt da người” của những người Anh-điêng. Vua Moche đội một chiếc mũ đồng hình quạt, khi cởi mũ ra và lật ngược lại thì trở thành một chiếc rìu lớn, rất giống với chiếc “rìu” thời Trung Quốc cổ đại. Vua Moche đã sử dụng nó như một vũ khí hạng nặng để chém đầu kẻ phạm tội, thể hiện uy quyền của mình. Vào thời nhà Thương, có một bộ tộc sống ở khu vực sông Hoài, tên của bộ tộc này có âm đọc gần giống với cái tên Moche, bộ tộc này là một danh gia vọng tộc, họ có tính cách cường bạo và hung tàn giống như vua Moche vậy.

Nền văn minh Olmec trải qua hơn 1000 năm, đến năm 926 thì xảy ra một trận động đất khủng khiếp phá hủy hoàn toàn Vương quốc Mặt Trời mọc. Nền văn minh hậu Maya cũng đồng thời chịu tổn thất nghiêm trọng, khiến cho người Maya không thể xây dựng lại đất nước. Người Ân thuộc bộ tộc Phi Ưng đã chịu tổn thất nặng nề bởi một trận động đất lớn, do vậy họ đã di cư xuống phía Nam đến Peru, nương nhờ vương quốc hoàng kim của vua Moche, họ muốn cầu xin sự giúp đỡ của vua Moche để xây dựng lại quê hương. Nào ngờ, vua Moche tham lam không những không trợ giúp họ, mà còn bắt tất cả làm nô lệ hầu hạ cho vương tộc Moche. Khi tin tức truyền tới, những người gặp nạn vô cùng bàng hoàng, lúc này có một vị thầy thuốc Hosi từ dãy núi Andes xuống, ông vừa đi vừa cất tiếng hát bài ca “Vua Hosi”, “25 dân tộc anh em cùng theo Hosi đi qua đảo cầu nổi trên trời, không thể quên những gian khổ hiểm nguy trên đường, phân phát lúa mì và kê cho những người thân thiết, anh em chớ làm nhục anh em, Thiên quốc được xây dựng lại mùa đông qua đi và mùa xuân lại đến…”. Thầy thuốc Hosi hát đến tận cung điện của vua Moche, những người xung quanh đều vô cùng đau khổ. Bài hát truyền đến cung điện, vua Moche nghe xong cũng vô cùng thương xót, vừa khóc vừa nghênh tiếp thầy thuốc Hosi. Ông ta cho phóng thích nô lệ, tặng vàng bạc châu báu cho anh em bộ tộc Phi Ưng và giúp họ xây dựng lại quê hương. Rõ ràng, Hosi và Moche là tên của những bộ tộc do Du Hầu Hỉ và Ma Thư dẫn dắt người Ân-Thương tiến về phía Đông, chính vì điều này, vua Moche khi nghe được bài ca “Vua Hosi” mới vô cùng bi thương. Những người dân tị nạn đã quay trở lại quê hương và xây dựng Vương quốc Nhật Bình Đan. Chính phủ Mexico có ghi chép toàn bộ về quá trình xây dựng vương quốc này. Bài hát mà thầy thuốc Hosi hát ngay cả phát âm cũng được ghi chép lại, mỗi từ mỗi âm đều rất giống với tiếng Hán. Nội dung mà ông ấy hát hiển nhiên là về một cuộc di cư lớn trên biển vô cùng kinh tâm động phách.

Nhận tổ quy tông

Cho đến nay người Anh-điêng ở Trung Mỹ vẫn còn nhớ mình là hậu duệ của người Ân và tổ tiên của họ đến từ Trung Quốc. Họ vẫn luôn nhớ về mảnh đất Trung Thổ và lưu truyền những câu chuyện từ đời này sang đời khác.

Âu Dương Canh (1858-1941) tự là Triệu Đình, hiệu là Thiếu Bá, quê quán ở thôn Đại Lĩnh, Trương Gia Biên, thành phố Trung Sơn. Các tài liệu lịch sử mô tả ông là người nghiêm túc, cẩn trọng và chính trực. Âu Dương Canh làm quan cho triều đình nhà Thanh 39 năm và từng là nhà ngoại giao trong chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trong 16 năm từ 1911 đến 1927, tổng cộng là 55 năm. Năm 1910, triều đình nhà Thanh cử ông làm đặc sứ đến Mexico để xử lý vụ án “311 người Hoa bị giết trong cách mạng Mexico năm 1908”, Nhiếp chính vương ra lệnh cho ông điều tra “liệu trong số những Hoa kiều đó có dấu vết của người Ân di cư về phía Đông hay không”. Một hôm, hơn 100 gia đình thuộc bộ tộc Ân Phúc Bố (INFUBU) của người Anh-điêng sống ở 17 khu vực của bang Chihuahua, Mexico (Chihuahua trong các văn bản ngoại giao lúc đó được dịch là “Trung Hoa Hoa”, và hiện nay dịch là “Mexico”) đã vây quanh đại sứ quán của triều đình nhà Thanh ở Mexico để kiến nghị rằng: “Trong cách mạng Mexico, 750 người Anh-điêng đã bị giết, những người Anh-điêng này đều là người gốc Trung Quốc, là hậu duệ của người Ân, gọi là tộc Ân Phúc Bố, họ từ Thiên quốc đến đây thông qua đảo cầu nổi trên trời vào 3000 năm trước, thỉnh cầu triều đình nhà Thanh bảo vệ”. Âu Dương Canh vui mừng khôn xiết, lập tức báo cáo sự việc lên Bộ Ngoại vụ triều đình nhà Thanh và xin chỉ thị của Nhiếp chính vương Tái Phong. Đáng tiếc là Tái Phong – tướng của nhà Thanh lại không quan tâm đến việc này, chỉ phúc đáp rằng, việc bộ tộc Ân Phúc Bố (INFUBU) người Anh-điêng tự nhận mình là người Trung Quốc là không có căn cứ, chuyện này cũng không thể giải quyết được. Tài liệu về vụ án này vẫn còn lưu giữ trong kho lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao Đài Loan.

Năm 1922, Âu Dương Canh được bổ nhiệm làm Công sứ đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc tại Chile, ông phát hiện thấy phía sau nhà để xe ngựa của Công sứ quán có ba búp măng tre, ông thấy rất kỳ lạ bởi vì măng tre vốn là loài thực vật sống ở vùng Phúc Kiến và Quảng Đông, Trung Quốc. Nếu cắt cây tre thành hai đoạn rồi chẻ làm đôi, ghép vào có thể làm thuyền, chữ “Chu” (舟) trong giáp cốt văn chính là hình dáng chiếc thuyền tre. Ông hỏi người hầu Anh-điêng rằng những búp măng tre này từ đâu đến, người hầu nói: “Trước đây nơi vùng đất San Diago này một nửa là tre, sau đó bị chặt đi để xây dựng nhà cửa và phát triển thành phố, tre còn lại rất ít, măng là thuốc chữa vết thương ngoài da của tổ tiên người Anh-điêng truyền lại, do vua Hosi không biết từ đâu mang đến từ 3000 năm trước, hiện nay các thầy thuốc Hosi của Inca dùng măng để trị các vết thương ngoài da và lao hạch, và dùng để châm cứu chữa các bệnh nội khoa”. Âu Dương Canh nghe những lời này mà trong lòng chấn động, trong “Thần Dịch Kinh” nói măng tre có thể chữa trị lao hạch, đây là phương thuốc Trung y, những người Anh-điêng này sao có thể biết được? Vua Hosi phải chăng là Du Hầu Hỉ đã chinh phạt Đông Di cuối triều Ân? Sau khi nhà Thương diệt vong, cây tre cũng đột nhiên tuyệt chủng ở Trung Quốc.

Năm đó đại quân Ân-Thương đóng quân ở bán đảo Sơn Đông, vì Hà Nam đã bị quân Chu chiếm đóng nên họ không thể quay về phía Đông, cho nên dân chúng và quân Ân bất đắc dĩ phải vượt biển. Trước khi rời đi, họ chặt hết tre và măng để làm tàu và làm thuốc. Vùng đất mà họ hướng tới có thể là quê hương của người Ân là Liêu Đông và Triều Tiên. Nhưng sau khi hơn 100.000 quân dân đi tàu ra biển, họ đã gặp phải dòng hải lưu Kuroshio và dòng hải lưu Thái Bình Dương trường kỳ chảy về phía Đông, cuối cùng đã đến châu Mỹ. Nền văn minh Ân-Thương dần dần truyền rộng ra khắp lục địa châu Mỹ, con cháu người Ân cũng sinh sôi nảy nở ở vùng Trung và Nam Mỹ, đã trở thành bộ tộc người Anh-điêng với số lượng lớn tại nơi đó.

Những chuyện tương tự cũng đã xảy ra sau đó. Vào thế kỉ 13 khi Hốt Tất Liệt chinh phục Nhật Bản, thủy quân nhà Nguyên gặp một cơn bão ập đến, một số tàu đã trôi theo dòng hải lưu Kuroshio đến quần đảo Queen Charlotte ở lục địa Bắc Mỹ. “Nguyên sử – Thế tổ bổn ký” ghi chép: Năm Chí Nguyên thứ 11 (thời Nguyên Thế Tổ, 1274), 15.000 quân và 900 tàu chiến được phái đi tấn công Nhật Bản. Vì gặp mưa bão bất ngờ ập tới, tàu chiến va vào vách đá rồi bị lật, bại trận trở về. Năm Chí Nguyên thứ 18 (1281), 100 tàu chiến của quân Đông Lộ và 3.500 tàu chiến của quân Giang Nam được phái đến Nhật Bản lần thứ hai, gặp phải bão nên nhiều tàu chiến bị đắm. Sau đó, vào tháng hai năm sau, 1.000 tàu chiến vẫn đang được đóng ở Cam Sơn, còn có tổng cộng 3.000 tàu chiến được đóng ở Dương Châu, Bình Loan (Vĩnh Bình, Hà Bắc) và Long Hưng (Nam Xương, Giang Tây), nhằm tấn công Nhật Bản lần thứ ba. Kỵ binh Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn thành lập vào thế kỷ 13 từng càn quét khắp lục địa Á-Âu. Thủy quân cũng rất mạnh mẽ, tàu chiến Mông Cổ nhiều vô cùng, phía Đông đánh tới Nhật Bản, phía Nam đánh đến tận đảo Java của Indonesia. Người Nhật nói rằng “Thần gió” đã cứu họ. Do bị mưa bão bất ngờ tấn công, một nhóm tàn quân Mông Cổ cũng trôi dạt sang châu Mỹ và trở thành người Anh-điêng. Một học giả lịch sử tên là Mikey Way (Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Victoria) đã viết một cuốn sách có tên là “Chuyện cổ tích British Columbia”, trong sách đề cập rằng những người dân bản địa của quần đảo Queen Charlotte trên bờ biển phía Tây British Columbia, tổ tiên của họ phần lớn đều là người Trung Quốc. Những người bản địa này tự nhận mình là con cháu của thủy quân nhà Nguyên bại trận trong cuộc chinh phạt phía Đông nước Nhật của Hốt Tất Liệt ở thế kỉ 13, trôi dạt đến đảo này.

Vận mệnh đầy trắc trở

Các học giả tiêu biểu của “Quan điểm lịch sử về nền văn minh văn hóa mới” cho rằng: “Nền văn minh Trung Hoa rộng lớn và tinh thâm, như biển dung nạp trăm sông, dẫn dắt nhân loại trải qua hàng ngàn năm, là nguồn động lực thúc đẩy sự tiến bộ của văn minh nhân loại”. Tổ tiên người Trung Quốc đã qua con đường đi qua eo biển Bering, hoặc là dòng hải lưu, hay những hòn đảo trên Thái Bình Dương từng đoàn hợp nhất với những người đi trước tập hợp thành người Anh-điêng bản địa. Họ đã góp công lớn mang ngọn lửa văn minh nhân loại lần này đến cho lục địa châu Mỹ.

Trung Quốc thời cổ đại được gọi là Thần Châu hay còn gọi là Thiên triều, là nơi được các vị Thần chăm lo bảo hộ. Sau khi rời xa mảnh đất Thần Châu, tổ tiên dân tộc Trung Hoa cũng đã rời xa sự chăm sóc của chúng Thần. Chỉ vùng đất có được sự bảo hộ của chính Thần, chính giáo mới được hưởng phúc phận. Sự phát triển của nền văn minh Anh-điêng trên lục địa châu Mỹ kém xa so với nền văn minh có hệ thống hoàn chỉnh trên vùng đất Trung Quốc. Có lẽ các vị Thần đã sắp đặt Trung Quốc mới là vũ đài chính của nền văn minh lần này, vở kịch lớn như vậy cần phải diễn ở đó. Không thể ở vùng đất châu Mỹ rộng lớn cũng xuất hiện nền văn minh có hệ thống chính Thần, chính giáo (Phật, Đạo, Nho) tương tự, từ đó hình thành can nhiễu đối với vũ đài chính. Tổ tiên người Trung Quốc (người Anh-điêng) đã mất đi sự săn sóc chu đáo của chính Thần từ đó vận mệnh trở nên đầy trắc trở.

Những hệ thống chính giáo của người da vàng như Phật, Đạo, Nho đều có Thiên quốc đối ứng trên Thiên thượng. Người Anh-điêng không có những hệ thống chính giáo này để giáo hóa người dân, do đó đã bị người ngoài hành tinh lợi dụng sơ hở này. Một số bộ lạc Anh-điêng bao gồm người Maya đã bắt đầu tiếp xúc với người ngoài hành tinh. Người ngoài hành tinh đã cố ý truyền cấp cho họ một số tri thức về toán học và thiên văn. Vì vậy người hiện đại đã phát hiện những người Anh-điêng này am hiểu thuật chiêm tinh cao thâm đến kinh ngạc, toán học và thiên văn của họ cực kỳ phát triển, thậm chí còn vượt trội hơn so với người hiện đại. Vào ngày 05 tháng 06 năm 1952, người ta đã phát hiện bức hình một phi hành gia cổ đại đang lái tàu vũ trụ trên phiến đá được khai quật lên từ đống đổ nát của ngôi đền thờ Thần ở thành phố Palenque của người Maya cổ đại. Mặc dù các hoa văn đã bị biến dạng, nhưng các cửa hút gió, ống xả, cần điều khiển, bàn đạp, bánh lái, ăng-ten, ống mềm và các bộ phận khác của tàu vũ trụ vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của văn hóa truyền thống Trung Hoa, kĩ thuật của người ngoài hành tinh chỉ là những tiểu thuật, không thể giúp con người đạt được chính quả. Theo cách nhìn nhận của văn hóa truyền thống Trung Quốc, người ngoài hành tinh phần lớn đều là những tà ma ngoại đạo không thể thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Bộ tộc người Anh-điêng đã rời xa chính Thần và còn xuất hiện hiện tượng giết người sống để hiến tế “Thần”, hơn nữa ngày càng ác liệt. Đến thời kỳ cuối, việc hiến tế người sống ngày càng trở nên phổ biến, trái tim hoặc máu của nạn nhân thường được hiến tế cho Thần Mặt Trời, hoặc “Vũ Xà Thần” Quetzalcoatl, v.v. Người Aztec tin rằng: nhất định phải dùng máu tươi của người sống để cung phụng Mặt Trời thì nó mới có sức mạnh mỗi ngày mọc lên từ phía Đông, mùa màng muốn có thu hoạch tốt phải nhờ vào hiến tế máu tươi mới được. Việc giết hàng nghìn tù binh chiến tranh trong một ngày đối với họ là chuyện thường xảy ra. Những nạn nhân này thường bị chặt đầu hoặc lột da, hoặc bị moi tim khi còn sống. Họ bị đưa lên đỉnh kim tự tháp (nơi gần Mặt Trời nhất), để máu theo bậc thang đá chảy xuống. Chiến tranh của người Maya giống như một trận thi đấu thể thao kinh hoàng. Các chiến binh sử dụng giáo và gậy làm binh khí để tấn công các thành phố khác, mục đích của họ là bắt tù binh và giao bọn họ cho các thầy tế phe mình để làm lễ vật hiến tế cho Thần. Trên vách tường các ngôi đền Thần của người Anh-điêng thông thường còn lưu lại một lớp bụi bẩn rất dày, đó là máu người, dầu mỡ, vật hiến tế và nhang khói qua thời gian lâu tích tụ lại.

Những sự việc trong lịch sử không hề xảy ra một cách ngẫu nhiên, khi tội ác gây ra đã lớn tới mức này thì nhất định sẽ bị Thần trừng phạt nghiêm khắc. Nền văn minh thời kỳ cuối của người Anh-điêng nếu như không bị diệt vong thì cũng không còn Thiên lý nữa rồi. Vậy nên người Anh-điêng mới có thể bị một số lượng rất ít thực dân Tây Ban Nha tiêu diệt một cách dễ dàng. Thực dân Tây Ban Nha lúc đó “xóa sổ một nền văn hóa, giống như người qua đường tiện tay ngắt một bông hoa hướng dương bên vệ đường”. Chỉ với vài trăm kẻ xâm lược là có thể hủy diệt cả đất nước Anh-điêng với dân số hàng chục triệu người. Tuy nhiên, những phương pháp mà thực dân Tây Ban Nha sử dụng cũng rất hung tàn và hèn hạ, bao gồm cả dụ dỗ và lừa dối.

Năm 1520, bệnh đậu mùa đã lây lan tại vùng đất người Aztec, trong vòng hai tuần, người Aztec lần lượt bị chết. Năm 1521, bệnh đậu mùa đã khiến dân số của thủ đô Aztec vốn từ 300.000 người giảm hẳn xuống còn 150.000 người, những người còn sống hầu hết đều nhiễm bệnh, cuối cùng bị thực dân đánh chiếm. Học giả người Mỹ Howard Michael trong cuốn sách “Câu chuyện về dịch bệnh” đã trích dẫn lời của Hernan Cortes rằng: “Trừ phi bạn giẫm giày lên xác một người da đỏ (người Anh-điêng), nếu không bạn không thể đi qua đường được”. Lịch sử tương tự không ngừng tái diễn, ban đầu người dân ở Vương quốc Anh-điêng thịnh vượng lần lượt bị bệnh đậu mùa và pháo súng liên tiếp tiêu diệt. Cuốn sách “Lịch sử bệnh đậu mùa” ghi chép rằng, trước khi thực dân Pizarro xâm lược đế chế Inca, bệnh đậu mùa đã hoành hành trước một bước, và còn nổ ra một cuộc nội chiến. Khi Pizarro đặt chân lên lãnh thổ của Đế chế Inca, ông đã phát hiện ra một vùng đất rộng lớn không có người ở, ngay cả các pháo đài trên núi cũng không có người canh gác, điều này đã tạo ra thuận lợi rất lớn cho đội quân thực dân của ông chỉ có hơn 100 người dựa vào cách lừa đảo mà chinh phục được đế chế Inca. Để cướp đoạt vàng bạc và tài sản, những người thực dân đã ép buộc người Anh-điêng phải di chuyển đến nơi rất xa, lao động tập trung, điều này càng góp phần làm lây lan dịch bệnh. Cuốn sách “Sự thịnh suy của đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha” có viết: “Trong suốt thời kỳ thuộc địa, thực dân Tây Ban Nha đã bòn rút/bóc lột được 2,5 triệu kg vàng và 100 triệu kg bạc từ châu Mỹ … Khoảng 8,08 triệu người Anh-điêng đã phải chôn thây trong các hầm mỏ”. Tại các khu vực khai thác mỏ, những người giám sát phân chia người Anh-điêng thành nhóm 50 hoặc 100 người, sau đó dùng dây thừng hoặc xích sắt trói toàn bộ nhóm người Anh-điêng lại với nhau. Những người thợ mỏ Anh-điêng bị đưa xuống hầm mỏ làm việc từ thứ hai đến thứ bảy mới được phép lên mặt đất, họ thường phải đứng trong nước lạnh và làm việc quá tải. Một số hầm mỏ rất sâu, thợ mỏ phải leo thang dây làm bằng da trong suốt 5-6 giờ, do sức yếu hoặc thang dây bị đứt mà bị rơi xuống giếng nhiều không kể xiết. Tỷ lệ tử vong của những người thợ mỏ này cao tới 70%. Vì vậy người Anh-điêng nào bị điều đến làm việc ở hầm mỏ thì người thân và bạn bè sẽ tổ chức đám tang trước cho anh ta. Một số phụ nữ Anh-điêng nếu sinh được bé trai sẽ giết đi để tránh sau này nó lớn lên phải vào hầm mỏ làm việc.

Những kẻ thực dân còn lấy danh nghĩa “chủ nhân” để phá hủy một số di sản văn hóa quý giá do tổ tiên nhân loại để lại. Trên khắp Trung Mỹ, bọn họ vơ vét các văn vật lịch sử, chất thành đống rồi phóng hỏa đốt sạch. Bọn họ dùng cách này để tiêu diệt nền văn hóa và kiến thức cổ xưa của người Anh-điêng một cách có hệ thống. Ví dụ, vào tháng 07 năm 1562, tại thành phố Maul nằm ở quảng trường trung tâm của vùng ngoại ô phía Nam thành phố Merida trên bán đảo Yucatan ngày nay, linh mục Fr Diego de landa đã tự tay thiêu hủy hàng nghìn hàng vạn bản chép tay, sách tranh và sách cuộn chữ tượng hình viết trên da hươu của người Maya. Bản thân ông tự thừa nhận: chúng tôi đã tra xét một lượng lớn thư tịch (toàn bộ được viết bằng chữ của người Anh-điêng). Vì trong sách ghi chép toàn là những điều mê tín và những lời dối trá của ma quỷ, nên chúng tôi đã đem chúng thiêu hủy. Những người bản địa trơ mắt đứng nhìn, cảm thấy vô cùng đau buồn. Tham gia vào việc xóa bỏ nền văn hóa truyền thống của Trung Mỹ cùng với quân chiếm đóng Tây Ban Nha còn có rất nhiều “giáo sĩ”, như Juan de Zumarraga đã đốt một đống lửa lớn ở quảng trường chợ Texcoco để thiêu sạch những văn vật quý giá mà quân chiếm đóng Tây Ban Nha đã cướp đoạt từ tay người Aztec trong 11 năm qua như tài liệu thiên văn, tranh vẽ, bản thảo và những cuộn sách chữ tượng hình.

Trong ngọn lửa bốc ngùn ngụt và tro bụi bay khắp nơi, những trang ghi chép lịch sử về tổ tiên Trung Quốc khai sáng nền văn minh châu Mỹ đã tan thành mây khói. Những văn bản ghi chép do các dân tộc ở Trung Mỹ cổ đại để lại, số lượng bản thảo và sách cuộn được bảo tồn cho đến ngày nay không đến 20 quyển.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/110224



Ngày đăng: 10-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.