Loạt bài Mexico 2012 (18): Hai lần Đại hồng thủy hủy diệt nhân loại (Kỳ 2)



Tác giả: Vương Bân

[ChanhKien.org]

Đại hồng thủy hơn 5000 năm trước

Trận Đại hồng thuỷ trong “Kinh Thánh” được trích dẫn như sau: Nước lũ tràn ngập mặt đất suốt 40 ngày đêm, nước dâng cao và nâng thuyền cứu nạn lên khỏi mặt đất”; theo ghi chép trong cuốn “Sáng Thế Ký”: Nơi cập bến cuối cùng của con thuyền Noah là núi Ararat. Trong sách còn viết: “Ngày 17 tháng 7, thuyền cứu nạn cập bến trên núi Ararat”, “Trải qua bốn tháng sau, Noah đã rời con thuyền, mặt đất hoàn toàn khô ráo”, “Có thể thấy trận lũ lụt này vô cùng lớn, mực nước dâng rất cao”.

“Sử thi Gilgamesh” của người Babylon cổ đại là từ những người may mắn sống sót trong trận Đại hồng thuỷ kể lại. Ghi chép trong đó nói rằng: Lũ lụt kèm theo gió bão, gần như chỉ trong một đêm đã nhấn chìm toàn bộ đồng bằng và các vùng đồi núi thấp trên lục địa, chỉ có những người sống trên núi cao hoặc chạy trốn lên núi cao mới sống sót. Những tài liệu viết trên các tấm đất sét nung của người Sumer được ra đời trước năm 3500 trước Công nguyên viết như sau: “Tình hình đó khủng khiếp đến mức con người khó có thể chịu được, gió trong không trung gào thét đáng sợ, mọi người bán mạng chạy lên núi mà không quan tâm bất cứ điều gì khác. Mỗi người đều cho rằng chiến tranh đã bắt đầu…”. Chú ý rằng “mỗi người đều cho rằng chiến tranh đã bắt đầu”, độc giả sẽ nghĩ đến cảnh tượng các cuộc chiến tranh thời tiền sử nhất định rất lớn, nếu không tại sao người ta lại cho rằng chiến tranh đã bắt đầu nhỉ?

Khi trận Đại hồng thủy này xảy ra, Trung Quốc vào khoảng thời Vua Nghiêu. Lúc đó có không ít tổ tiên người Trung Quốc vẫn còn sống sót. Vì vậy có rất nhiều văn hóa tiền sử và những ghi chép về trận Đại hồng thủy này được lưu lại vào lúc đó. “Hoài Nam Tử – Lãm Minh Huấn” viết: “Vào thời cổ đại, bốn cây trụ chống trời bị đổ, đất đai chín châu tách vỡ ra, Trời không che kín hết đất đai, đất không chuyên chở hết vạn vật, lửa lớn bốc lên kéo dài không dập tắt được, nước lớn dâng tràn lên không ngừng”. Cuốn Hồng Hưng ghi chú: “Thông thường độ sâu của nước lũ từ 300 nhẫn (1) trở lên”. “Thượng Thư – Nghiêu Điển” ghi lại: “Thang thang hồng thủy phương cát, đãng đãng hoài sơn tương lăng, hạo hạo thao thiên”. Nghĩa là nước lũ cuồn cuộn khắp nơi làm hại dân chúng, thế nước lao nhanh bao vây các ngọn núi, nhấn chìm đồi núi, mênh mông cuồn cuộc, tràn ngập lên tận trời. Trong “Mạnh Tử – Đằng Văn Công” ghi chép: “Vào thời Nghiêu, thiên hạ vẫn chưa yên bình, lũ lụt tràn lan, ngập lụt khắp nơi”.

Trong khi giảng Pháp Đại sư Lý Hồng Chí từng nói:

“Dải đất trung tâm của chủng tộc Trung Quốc thời thượng cổ trong quá khứ không phải là lưu vực sông Hoàng Hà ngày nay, mà là thuộc dải đất Tân Cương. Thời kỳ phồn thịnh nhất của dân tộc này khi đó cũng ở tại dải đất này. Bởi vì núi Côn Luân nằm cạnh vùng này, địa thế xung quanh khá cao, trận đại thủy năm đó cao tới hơn 2.000m, đã nhấn chìm toàn bộ trái đất, có rất nhiều người khi đại thủy bùng phát đã chạy lên núi Côn Luân, sống sót được, di lưu lại một số văn hóa thời thượng cổ. Ví như ở Trung Quốc hiện nay có một số người vẫn không hiểu được, nào là Hà Đồ, Lạc Thư, Thái Cực, Tiên Thiên Bát Quái v.v., còn có một vài môn khí công cổ xưa mà ngày nay người ta đã biết”. (Giảng Pháp tại lễ thành lập Phật học hội Singapore 1996)

Nước lũ phần lớn đã rút, nhưng nhiều nơi vẫn là một vùng nước mênh mông, người dân không có nơi nào để ở. “Kinh Thư- Nghiêu Điển” nói rằng, Cổn (cha của vua Vũ nhà Hạ) mất chín năm để trị thủy. “Sử ký – Hạ Bổn ký” nói vua Vũ trị thủy hơn 13 năm, vì vậy công việc chế ngự trận Đại hồng thủy này mất ít nhất hơn 22 năm. Cổn được cử đi chế ngự nước lũ, ông dùng biện pháp ngăn chặn, trái lại làm cho nước lũ dâng cao hơn, sau chín năm không làm nên thành tựu gì (xem “Kinh Thư- Nghiêu Điển” “Chín năm công sức, không có thành tích”). Sau đó con trai của Cổn là Vũ được cử đi trị thủy. Ông đổi biện pháp ngăn chặn thành khơi thông, cuối cùng đã thành công trong việc dẫn nước lũ thoát đi.

“Sơn Hải Kinh – Hải Nội Kinh” nói: Cổn trị thủy đến Vũ Giao cũng là phía bắc Nhạn Môn của vùng Sơn Tây ngày nay thì bị giết chết. Nhạn Môn nằm ở phía bắc Sơn Tây, nằm ở độ cao trung bình 1000 mét so với mực nước biển. “Bản thảo địa lý Hán Đường” ghi: “Trên vách đá tuyệt đẹp ở Nghi Đô cao dựng đứng vài trăm trượng, có một thanh củi cháy dở, cắm vào giữa vách đá, dài đến vài thước. Điều này nói rõ, trận Đại hồng thủy thời tiền sử cũng từng kéo dài tới Nghi Đô. Nghi Đô nằm ở Chi Thành gần Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc ngày nay, nó thuộc về dãy núi Vu Sơn, độ cao tiêu chuẩn trên bản đồ khoảng 1200 mét so với mực nước biển. Có một ngọn núi thuộc địa phận huyện Tiên Cư, tỉnh Chiết Giang, tên là núi Vi Khương, trên núi có một vách đá nguy hiểm có tên là Khoa Đẩu Nhai, người ta phát hiện trên vách đá có dòng chữ kỳ lạ được khắc thủ công, thường gọi là chữ Khoa Đẩu. Đến nay, chưa ai có thể đọc hiểu chữ loại này. Phía ngoài của vách đá có rất nhiều hình vẽ như Mặt Trời, Mặt Trăng, côn trùng và sinh vật biển. Nhân gian tương truyền rằng nơi đây vốn là một vùng ao hồ sông nước, năm đó khi Đại Vũ trị thủy đến nơi này, đã khắc chữ Khoa Đẩu lên vách đá này. Trong khu tự trị tộc Miêu và tộc Bố Y thuộc huyện Quan Lĩnh, thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu cũng có một tấm bia đá màu đỏ được gọi là “Thần Bí Thiên thư”, bên trên có khắc những chữ không ai có thể đọc hiểu. Từ những bài ca dao có thể phỏng đoán những chữ này có liên quan đến trận Đại hồng thủy. Trên đỉnh Cẩu Lũ, một trong 72 ngọn núi thuộc Nam Nhạc Hành sơn, cũng có khắc 77 chữ cổ, bút pháp kỳ quái khó phân biệt, còn gọi là bia Cẩu Lũ. Nghe nói đây là tấm bia ghi nhớ công lao Đại Vũ, xem ra cũng có liên quan đến Đại hồng thủy. Đỉnh cao nhất của Hành Sơn có độ cao là 1290 mét.

Tất cả những địa điểm này đều được ghi chép lại, phía Bắc từ Nhạn Môn, núi Long Môn, đi qua Nghi Xương, Chí Thành cho đến Hành Sơn, độ cao tiêu chuẩn đều trong khoảng 1000-2000 mét, bậc thang này đi từ Đông sang Nam, chính là một vùng đồng bằng mênh mông bát ngát, cao hơn mặt nước biển khoảng 500 mét. Phía Tây của bậc thang này chính là bậc thứ hai của Trung Quốc, về cơ bản đều cao hơn mực nước biển từ 2000 mét trở lên. Cổ nhân không thể nào có ý định lấy những chứng cứ và bia văn trị thủy sau Đại hồng thủy sắp xếp chúng ở độ cao hầu như trùng khớp như vậy. Lời giải thích hợp lý duy nhất chính là Đại hồng thủy năm đó quả thực đã ngập tới độ cao này. Đại hồng thủy thời tiền sử đã nhấn chìm hầu hết toàn bộ miền Đông Trung Quốc, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây của Trung Nguyên cùng dải đất phía Tây Nam Trung Quốc, đều bị nhấn chìm trong nước lũ.

Mà cao nguyên Mexico ở phía bên kia Trái Đất có độ cao hơn 2000 mét so với mặt nước biển, cho nên một số người Maya ở thời điểm đó (dải đất Mexico Trung Mỹ lúc đó đều được gọi là Maya), khi Đại hồng thủy ập tới những người chạy trốn lên cao nguyên Mexico đã may mắn sống sót. Văn hóa Maya có quan hệ trực tiếp với người Mông Cổ vào thời điểm đó. Trước trận Đại hồng thủy, người Maya sống ở bán đảo Yucatan, Mexico là một nhánh của người Mông Cổ, họ thực chất là chủng người da vàng. Trong lịch sử văn minh nhân loại thời kỳ trước Đại hồng thủy, tổ tiên của người Mông Cổ sống ở vùng đất châu Mỹ đã sáng tạo ra nền văn minh Maya vô cùng huy hoàng. Nền văn minh Maya từng tồn tại cùng với lục địa Mu và nền văn minh Atlantis. Trận Đại hồng thuỷ hơn 10000 năm trước đã phá huỷ hoàn toàn lục địa Mu và nền văn minh Atlantis, gây thiệt hại nặng nề tới nền văn minh Maya, mà trận Đại hồng thuỷ cách đây hơn 5000 năm lại lần nữa tàn phá nền văn minh Maya. Sau khi nước lũ rút đi, một số ít người Maya còn sống sót đã quay trở lại quê nhà, một thành phố đã hoàn toàn bị phá huỷ trên bán đảo Yucatan.

Những người Maya còn sống sót đã trở thành bộ tộc người Anh Điêng thiểu số. Tuy họ đã xây dựng lại quê hương sau khi bị lũ lụt phá huỷ, nhưng không thể đạt được mức độ cao như nền văn minh của tổ tiên. Họ chỉ nhớ được một phần của nền văn minh Maya mà họ hiểu biết, nên không thể khôi phục toàn bộ nền văn minh Maya nữa. Toàn bộ tư liệu sản xuất đều bị huỷ, con người bắt đầu lại cuộc sống xã hội nguyên thuỷ. Thuận theo việc từng thế hệ mới của người Maya được sinh ra, về sau người ta không nhớ nổi, càng không thể lý giải được tinh hoa thực sự của nền văn minh Maya thời tiền sử là gì. Sau mỗi thế hệ người Maya lại càng không thể hiểu biết về nền văn minh của tổ tiên. Mặc dù vậy, những thứ bề mặt của nền văn minh Maya còn sót lại vẫn làm cho con người hiện đại phải thán phục.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/80590

Ghi chú: (1): Nhẫn là đơn vị đo lường thời xưa, bằng 8 thước hay 7 thước.



Ngày đăng: 23-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.