Loạt bài Mexico 2012 (14): Nền văn minh ẩn sâu trong lòng đất (Phần 1.2)



Tác giả: Vương Bân

[ChanhKien.org]

Thiên đường phương Bắc

Trong thần thoại Hy Lạp, thời viễn cổ có một dân tộc sinh sống ở vùng đất khắp nơi tràn ngập ánh sáng và ấm áp tại Bắc cực, nơi đó có tên là “Thiên đường phương Bắc” (Hyperborea), còn được gọi là Vườn cực lạc. Với việc phát hiện ra những di tích về hoạt động của con người và động vật thời viễn cổ vùng Bắc Cực, con người bắt đầu tin vào sự tồn tại thực sự của “Thiên đường phương Bắc”. Vào cuối thế kỷ 19, hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Boston là William Fairfield Warren (1833-1929) đã xuất bản một cuốn sách “Thiên đường tìm thấy ở Bắc Cực”. Cuốn sách này hiện nay có tổng cộng 11 phiên bản. Ông Warren phân tích một lượng lớn những câu chuyện truyền miệng và truyền thuyết liên quan đến Thiên đường này. Theo ông, tất cả những thông tin đều đến từ một nơi tốt đẹp thời cổ đại ở Bắc Cực. Gần đây, các báo cáo có uy tín cho rằng có rất nhiều UFO đến từ một hang động khổng lồ dưới Cực Bắc của Trái đất.

Hình 3: Bản đồ vòng Bắc Cực do Mercator vẽ năm 1595. Lục địa này được chia thành 4 vùng đất bởi những dòng sông sâu.

Gerardus Mercator là một người vẽ bản đồ ở thế kỷ 16. Ông tinh thông thiên văn, toán học và địa lý, sinh ngày 5 tháng 3 năm 1512 tại thành phố Flanders, Hà Lan (hiện nay gần Antwerpen, Bỉ). Từ năm 1530 đến 1532, ông theo học tại Đại học Louvain. Năm 1552 ông di cư đến Duisburg, Đức. Mercator đã vẽ một tấm bản đồ vòng Bắc Cực vào năm 1595 (hình 3). Theo tấm bản đồ này, có một lục địa rộng lớn nằm ở Bắc Cực. Lục địa này bị những con sông sâu chia thành bốn vùng đất, có những ngọn núi băng nằm trong vùng biển hình tròn bao quanh lục địa. Làm thế nào lục địa này có thể xuất hiện trên bản đồ? Vào thời trung cổ, người ta không có thông tin nào của vùng Bắc Cực, tuy vậy hải đồ của Mercator dường như được vẽ dựa theo hải đồ ở thời cổ đại. Trong đó có một tấm hải đồ từng được nhắc đến trong một bức thư của ông vào năm 1580. Hải đồ này cho thấy có một lục địa nằm ở trung tâm Bắc Băng Dương. Trên bản đồ có vẽ một số tảng băng trôi.

Từ trước tới nay, người ta luôn cho rằng Mercator đã vẽ sai, bởi vì trên mặt đất không tìm thấy lục địa này. Nhưng tôi tin rằng, lục địa được vẽ trong bản đồ vẽ vòng Bắc Cực của Mercator (Hình 3) thực tế nằm ở phía dưới bề mặt Trái đất, cũng chính là phần bên trong Trái đất. Bức hình có vùng biển hình tròn bao quanh núi (băng) chính là vùng biển nơi Bắc Cực há miệng ra (tham khảo Hình 2 ở trên, ảnh vệ tinh Apollo). Từ nơi này có thể tiến nhập vào thế giới bên trong lòng đất. Trên thực tế, từ lâu đã có người làm điều này.

Hành trình dưới lòng đất của Olaf Jansen

Năm 1908, nhà văn Mỹ Willis George Emerson xuất bản một cuốn sách có tên “The Smoky God” (Thần khói), kể rằng có một người Na Uy tên là Olaf Jansen cùng với cha mình đã từ Bắc Cực đi vào bên trong Trái đất, nơi đó có một Mặt trời nhỏ hơn một chút so với Mặt trời của chúng ta, và là nơi sinh sống của người khổng lồ cao hơn 12 feet (3,6m). Bản gốc tiếng Anh của cuốn sách này có thể tìm thấy trên mạng.

Olaf sinh ngày 27 tháng 10 năm 1811 tại Uleaborg, một thị trấn nhỏ ở Nga. Nhà của Olaf ở Stockholm và bố mẹ anh thường đến vịnh Bothnia để câu cá. Vào tháng 4 năm 1829, cha của Olaf là Jens Jansen đã đưa ông cùng đi ra biển. Ngày 23 tháng 6, họ đã đến được đảo Spitsbergen. Spitsbergen là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Svalbard ở Na Uy, gần Bắc Cực. Sau khi đi thuyền từ Spitsbergen hướng về phía bắc trong vài ngày, hai cha con Olaf bất ngờ gặp phải những cơn gió ấm và dòng biển nóng, họ cảm thấy khí hậu đã trở nên ấm hơn so với lúc khởi hành từ Na Uy. Cha của Olaf – Jens, là một người có tín ngưỡng rất kiên định vào các vị thần Bắc Âu như Odin và Thor. Trong suốt cuộc đời mình, Jens thường kể cho Olaf nghe truyền thuyết về miền Cực Lạc, phía đầu nguồn của ngọn gió phương bắc là nơi có những vị Thần cư ngụ. Niềm tin này đã kích thích sự hưng phấn để hai cha con tiếp tục cuộc thám hiểm.

Hai cha con Olaf đã phát hiện ra rất nhiều cây khô lớn trôi nổi gần một hòn đảo nhỏ vô danh. Chèo thuyền đi tiếp, họ gặp phải một trận bão tuyết và sương mù dày đặc, họ đã mạo hiểm đi xuyên qua rất nhiều khe hở của núi băng khổng lồ. Dần dần, thời tiết ngày càng trở nên ấm áp, giống như họ đang chèo thuyền về phương nam, nhưng la bàn trên thuyền của họ lại luôn chỉ về hướng bắc. Đột nhiên Olaf phát hiện ra dòng nước bắn vào người mình không ngờ lại là nước ngọt, mà phía trước lại xuất hiện một lục địa xanh. Rõ ràng họ đã đến một cửa sông lớn. Ở đường chân trời, họ còn phát hiện một “Mặt trời” hình tròn khác trông như một chấm nhỏ, chỉ có thể nói nó giống với Mặt trời. Nó có vẻ ngoài màu đồng cổ mờ ảo khi không có mây và sương mù đại dương che phủ. Nó cũng sẽ trở nên giống như một đám mây phát sáng, như thể đằng sau nó có một nguồn sáng lớn hơn. Cha con Olaf đưa ra kết luận rằng “Mặt trời” mờ ảo màu đất nung này không phải là Mặt trời, cũng không phải là phản chiếu của Mặt trời, mà là một thiên thể nào đó. Người cha Jens với kinh nghiệm phong phú của mình đã nhận ra rằng, họ thực sự đã đi qua một cánh cổng khổng lồ ở Bắc Cực, và tiến vào bên trong Trái đất. Jens đã căn cứ vào hành trình của mình để ước tính độ dày của vỏ Trái đất khoảng hơn 300 dặm Anh (~500km). Tuy nhiên so với Trái đất rộng lớn, nó chỉ là một cái vỏ.

Hai cha con tiếp tục theo đường thủy tiến vào sâu trong lòng Trái đất, họ đi qua một khu rừng rộng lớn, khắp nơi đều có quả hạch thơm ngon để ăn lót dạ. Vào đầu tháng 9 năm đó, họ gặp phải một con tàu to lớn lạ thường. Trên thuyền có 6 người khổng lồ trông thân thiện. Họ đứng thẳng lên nhưng đầu vẫn không chạm được tới eo người khổng lồ. Những người khổng lồ đã mời hai cha con Olaf đến Vương quốc của họ. Hai cha con đã sống ở đó hai năm và nhận được sự chiêu đãi rất nồng hậu.

Thế giới dưới lòng đất có rất nhiều loài động vật đã sớm bị tuyệt chủng trên mặt đất. Hình thể của động thực vật ở thế giới dưới lòng đất cũng rất lớn. Những cái cây khổng lồ trong rừng cao tới 250 đến 300 mét, đường kính thân cây khoảng 30 mét. Trái nho to như quả táo. Kích thước của rùa biển khổng lồ dài từ 7-10 mét, rộng từ 4.5 – 6 mét, cao 2 mét. Voi khổng lồ thậm chí có thể dài 30 mét và cao 22 mét. Sải cánh của chim khổng lồ là 10 mét, trứng chim dài 2 feet (0.6 mét) và đường kính hơn 1 feet (0.3 mét).

Tuổi thọ của những người khổng lồ trong thế giới này thông thường từ 600 đến 800 năm. Đàn ông thường kết hôn ở độ tuổi từ 75 đến 100. Tuổi kết hôn của phụ nữ thì nhỏ hơn một chút. Ở thế giới này, vàng là một kim loại được sử dụng phổ biến nhất, được sử dụng rộng rãi làm các loại đồ trang sức. Khoa học Kỹ thuật của thế giới người khổng lồ vô cùng phát triển. Họ có đủ loại phương tiện giao thông, có cả thuyền lưỡng dụng vừa đi được dưới nước vừa đi được trên cạn, sử dụng năng lượng điện từ để khống chế và điều khiển các phương tiện bay. Họ còn có thể tiến hành giao tiếp tư tưởng từ cự ly xa.

Theo hiểu biết của hai cha con, dự đoán khoảng 3/4 diện tích bên trong Trái đất là đất liền, 1/4 còn lại là nước. Thế giới dưới lòng đất có rất nhiều con sông, một số con sông lớn có chiều rộng lên tới 30 dặm (1 dặm = 1,6093 km). Khu vực có nhiệt độ cực thấp trong lòng trái đất cũng là ở hai cực Nam Bắc. Sau khi những ngọn núi băng nước ngọt khổng lồ hình thành hai cực bên trong lòng đất, dòng nước sẽ thông qua mạch chảy ra ngoài hình thành nên những ngọn núi băng nước ngọt lớn ở hai cực bề mặt Trái đất. Lời kể của Olaf có thể giải thích một cách hợp lý một ẩn đố về bề mặt trái đất khiến các nhà khoa học trên thế giới phải đau đầu từ lâu. Đó chính là: Có vô số núi băng nước ngọt khổng lồ xuất hiện và biến mất hàng năm trên bề mặt hai cực của Trái đất, vậy chúng từ đâu đến? Cho dù nước biển trong đại dương đông thành núi băng thì chúng vẫn chứa muối, mặc dù độ mặn của nó thông thường sẽ thấp hơn độ mặn của nước biển nơi nó được hình thành nhưng nhiệt độ thấp sẽ làm cho một phần muối bị phân tách ra. Nam Cực được mệnh danh là “Sa mạc trắng”. Lượng mưa trung bình hàng năm ở hầu hết các khu vực là 55mm, nơi có lượng mưa ít nhất dưới 5 mm. Lượng mưa ở Bắc Cực thường dao động từ 100 đến 250 mm. Do đó, lượng mưa trong khí quyển (tuyết) ở Bắc Cực và Nam Cực căn bản là không thể tạo ra nhiều núi băng nước ngọt mới như vậy. Nguyên nhân nào khiến núi băng không ngừng hình thành và bao phủ? Những năm gần đây, các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giả thiết, nhưng chưa ai có thể chứng minh được cơ chế trong đó.

Sau khi sống ở đó được hai năm, hai cha con Olaf muốn về nhà. Những người khổng lồ nói với họ rằng chặng đường trở về rất nguy hiểm. Nhưng hai cha con Olaf rất muốn trở về nhà. Những người khổng lồ đã chuẩn bị cho họ những vật dụng cần thiết. Họ từ biệt những người khổng lồ và bắt đầu hành trình đầy gian nan. Sau khi tính toán các mùa trên bề mặt Trái Đất, họ quyết định đi ra khỏi lòng đất từ Nam Cực, bởi vì khi đó Nam Cực đang bắt đầu vào hạ. Người cha Jens đã bỏ mạng trong một cơn sóng dữ ở Nam Cực. Olaf may mắn sống sót trên núi băng trôi, sau đó được một tàu săn cá voi cứu sống. Sau khi anh kể về những trải nghiệm của mình với thuyền trưởng Angus MacPherson, Olaf bị coi là kẻ điên và bị nhốt cho đến khi anh cư xử “bình thường” hơn. Sau 4 năm 8 tháng, Olaf mới có thể trở lại Stockholm. Ở đó, anh kể lại cho chú ruột mình nghe về trải nghiệm ly kỳ của mình, không ngờ lại bị người chú ác độc đưa đến bệnh viện tâm thần và giam giữ suốt 28 năm. Cho đến khi người chú qua đời, anh mới được thả tự do. Trong những năm cuối đời, Olaf di cư sang Mỹ. Vì lo sợ rằng mình sẽ lại bị coi là kẻ điên và chịu sự sỉ nhục vô tận, Olaf di nguyện rằng cuốn tự truyện “The Smoky God” (Thần khói) sẽ được xuất bản sau khi ông qua đời.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/79805



Ngày đăng: 06-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.