Loạt bài Mexico 2012 (20): Tổ tiên người Trung Hoa và nền văn minh châu Mỹ



Tác giả: Vương Bân

[ChanhKien.org]

Khi ở Mexico, gần khách sạn nơi tôi sống là công viên Chapultepec. Ở đây cây cối xanh biếc, hoa cỏ mọc khắp nơi, phong cảnh tú lệ. Ngay từ thế kỷ 16, vua Aztec Moctezuma thường tới nơi này vui chơi và săn bắn. Trong thời kỳ thực dân Tây Ban Nha thống trị Mexico, Thống đốc Tây Ban Nha đã cho xây dựng cung điện mùa hè tại đây, lấy tên là “Lâu đài Chapultepec”.

Bảo tàng Nhân chủng học quốc gia Mexico (National Museum of Anthropology) nằm trong Công viên Chapultepec là một trong những bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Mỹ Latinh, đồng thời cũng là một trong những điểm tham quan du lịch chính của thành phố Mexico. Bảo tàng Nhân chủng học tập hợp nhiều văn vật cổ tinh hoa của người Anh-điêng, chiếm diện tích 125.000 m2. Bảo tàng Nhân chủng học quốc gia Mexico là nơi để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Mexico một cách đầy đủ nhất. Nơi đây có hơn 600.000 hiện vật về dân tộc, nghệ thuật, tôn giáo và đời sống của người Anh-điêng. Nó gồm có 23 phòng trưng bày, được phân làm hai tầng, tầng một có 12 phòng triển lãm, trưng bày các văn vật lịch sử và vật khảo cổ được khai quật trước khi người Tây Ban Nha xâm lược; phòng triển lãm ở tầng hai trưng bày quần áo, trang sức, kiến trúc nhà ở, đồ dùng hàng ngày, đồ dùng trong tôn giáo, nhạc cụ, vũ khí,…của người Anh-điêng sau khi người Tây Ban Nha xâm lược. Khi tham quan tại nơi này, tôi chú ý đến rất nhiều bức tượng gốm, đồ gốm, đồ vật làm bằng ngọc và tượng điêu khắc ở tầng một, bởi vì chúng rất giống với những văn vật được khai quật ở Trung Quốc trước Công nguyên.

Người Anh-điêng

Người Anh-điêng là cư dân lâu đời nhất của lục địa châu Mỹ. Ngoại trừ người Eskimo, tất cả người Mỹ bản xứ còn lại đều được gọi là người Anh-điêng. Người Anh-điêng sống tập trung chủ yếu ở ba khu vực: Một là người Maya ở vùng Đông Nam Mexico và Trung Mỹ (Guatemala, Honduras v.v.); hai là người Aztec, người Toltec và người Zapotec ở cao nguyên Mexico; ba là người Inca ở dãy núi Andes Nam Mỹ (bao gồm Peru, Bolivia và Ecuador). Người Anh-điêng đã sáng tạo ra nền văn minh Aztec, Inca và Maya ở ba khu vực rộng lớn này. Nhưng nền văn minh Aztec và nền văn minh Inca khác biệt rất xa so với nền văn minh Maya. Người Maya đã có những cống hiến to lớn về khoa học cho thế giới, nông nghiệp, văn hóa, nghệ thuật cùng rất nhiều phương diện khác.

Trước khi thực dân châu Âu tiến vào châu Mỹ, tổng số người Anh-điêng châu Mỹ ước chừng khoảng vài chục triệu người. Họ sử dụng khoảng hơn 100 loại ngôn ngữ và 1.200 loại thổ ngữ. Nguyên nhân chủ yếu khiến người Anh-điêng gần như tuyệt chủng là dịch bệnh. Tác phẩm dịch tễ học “lịch sử bệnh đậu mùa” của học giả người Anh Ian Jennifer Grain đã trích dẫn báo cáo của quan chức y tế công cộng đầu tiên của Anh là John Simon như sau: Kể từ khi người Tây Ban Nha bắt đầu thực dân hóa cho đến nay, dân số ở Mexico mới giảm mạnh 35 triệu người. Ngoài việc mang đến bệnh đậu mùa, quân xâm lược Tây Ban Nha còn tàn sát hàng loạt người Anh-điêng.

Phải chăng họ là dân di cư đến từ Trung Quốc?

Tôi đã hỏi một số người bạn Trung Quốc rằng người trong bức ảnh này là ai. Lúc đầu mọi người đều nói cô ấy là người Trung Quốc, có một người bạn lại nói đó là người Mông Cổ ở Trung Quốc. Quả thực, người trong bức ảnh này rất giống một người phụ nữ Mông Cổ sống ở vùng miền bắc Trung Quốc đang cõng một đứa trẻ trên lưng. Nhưng thực ra cô ấy là người Mỹ Anh-điêng được chụp vào năm 1899. Bức ảnh nổi tiếng này được sao chép từ sách điện tử M-623 của kỳ thi Quốc tịch Hoa Kỳ. Ở thành phố Mexico, tôi thường nhìn thấy một số người dòng máu Anh-điêng thuần chủng có ngoại hình đặc trưng rất giống người Trung Quốc, dường như không có chút gì khác biệt, chỉ là làn da của họ sẫm hơn.

Hình: Người phụ nữ Anh-điêng cõng đứa trẻ năm 1899 (Thư viện Quốc hội, LC-USZ62-94927).

Trước kia người ta thường cho rằng người Anh-điêng là chủng người da đỏ, sau này mới hay rằng làn da của họ bị rám nắng. Thêm vào đó, người Anh-điêng lại rất thích dùng sơn đỏ nhuộm lên mặt dễ khiến người khác hiểu lầm. Vì trên lục địa châu Mỹ từ trước đến nay vẫn chưa phát hiện được hóa thạch của loài vượn, ngay cả người vượn thì lại càng không có, chỉ có khỉ, nên những người tin theo thuyết tiến hóa cũng không cách nào giải thích được nguồn gốc của người Anh-điêng. Ngoại hình người Anh-điêng mang những nét đặc trưng của người Mông Cổ châu Á: Tóc cứng và thẳng, lông tay lông chân thưa và mỏng, xương gò má cao, khuôn mặt rộng, màu da sẫm. Các nhà di truyền học cũng đã trắc định rằng chủng tộc Mông Cổ có đầy đủ bốn loại biến thể gen của DNA ty thể, mà DNA trên người Anh-điêng châu Mỹ cũng có bốn loại gen. Cùng với việc ngày càng nhiều các nhà khảo cổ học và di truyền học phát hiện ra điều này, giới học thuật phần lớn đồng ý rằng, tổ tiên của hầu hết người Anh-điêng là người châu Á vượt eo biển Bering đến châu Mỹ, chủng người Mông Cổ ở châu Á có nguồn gốc quan hệ với tổ tiên của người châu Mỹ.

Eo biển Bering nằm ở mũi phía Đông Bắc của lục địa châu Á, đầu kia là mũi Tây Bắc của châu Mỹ. Chiều rộng trung bình của eo biển Bering hiện nay là 65 km, chỗ hẹp nhất chỉ rộng 35 km, ở giữa có hai hòn đảo nhỏ cách nhau 4 km. Eo biển Bering rất nông, có độ sâu trung bình 42 mét và nơi sâu nhất chỉ có 52 mét. Từ nghiên cứu của các nhà địa chất học cho thấy, vào một giai đoạn ở thời viễn cổ, mực nước biển thấp hơn 100 mét so với ngày nay. Nói cách khác, vào thời điểm đó, eo biển Bering để lộ ra phần đất liền, trở thành lối đi tự nhiên nối liền châu Á và châu Mỹ.

Ảnh: Eo biển Bering và quần đảo Aleut (“Đảo cầu nổi trên không”)

Ngoài ra, từ Google Map, chúng ta dễ dàng nhìn thấy biển Hoa Đông qua eo biển Triều Tiên, đến quần đảo Nhật Bản, quần đảo Kuril, qua mũi phía nam bán đảo Kamchatka, rồi lại đến quần đảo Aleut ở Bắc Thái Bình Dương, đi thẳng đến Alaska, quần đảo Aleut ở trên bản đồ giống như một hòn đảo cầu nổi kết nối giữa châu Á và châu Mỹ! Khoảng cách giữa các hòn đảo chỉ từ 10 đến 20 hải lý, nó thực sự là một cây cầu nổi trên Bắc Thái Bình Dương. Còn tại phía nam cách cây cầu nổi này không xa chính là dòng hải lưu Kuroshio và dòng biến nóng Thái Bình Dương nổi tiếng quanh năm chảy về phía đông. Từ Hokkaido – Nhật Bản, qua quần đảo Kuril, dọc theo bờ biển bán đảo Kamchatka, xuyên qua quần đảo Aleutian đến phía Tây Bắc Bắc Mỹ, đặc biệt khi thủy triều thuận lợi, ngồi thuyền nhỏ có thể đi đến đó được.

Tổ tiên Trung Hoa khám phá châu Mỹ

Một số nền văn minh lớn của nhân loại lần này như: Nền văn minh Ai Cập cổ, nền văn minh Lưỡng Hà ở Mesopotamia (nay là Iraq) về cơ bản đều là sớm nở tối tàn, không thể tồn tại lâu dài, nền văn minh Ấn Độ cũng nhiều lần bị đứt đoạn bởi sự chinh phục của các thế lực ngoại lai. Văn hóa Mexico ngày nay cũng hoàn toàn không có quan hệ truyền thừa với nền văn minh Anh-điêng cổ đại. Chỉ riêng nền văn minh Trung Hoa kéo dài được gần 10.000 năm (khoảng chừng 5000 năm). Các học giả lịch sử cổ đại Trung Hoa thời cận đại như Lương Khởi Siêu (đã qua đời), Lý Ước Cầm (sống ở Anh quốc, đã qua đời), Lý Học Cần, Robert K. G. Temple (sống ở Anh quốc), Cung Ngọc Hải, Lâm Hà (đã qua đời), Vương Đại Hữu, Đổng Lập Chương (đã qua đời), Sử Thức, Lưu Ba,v.v. đã nghiên cứu toàn diện lịch sử Trung Quốc cổ đại và lịch sử nền văn minh phương Tây hàng trăm năm nay, họ đã khai sáng và phát triển “quan điểm lịch sử văn minh văn hóa mới”. Ông Cung Ngọc Hải bắt đầu bắt tay vào giải mã cuốn sách “Sơn Hải Kinh”, trình bày một số mối quan hệ từ đầu đến cuối và ngọn nguồn giữa nền văn minh Trung Hoa và nền văn minh thế giới; ông Lâm Hà trình bày ngọn nguồn nền văn minh hơn 10.000 năm của Trung Hoa dưới góc độ của cuốn lịch sử Vu Na và ngôn ngữ dân tộc; học giả Vương Đại Hữu đã dốc sức nghiên cứu nền văn minh Trung Hoa cổ đại từ năm 1978, ông bắt tay vào phân tích các vật tổ (1), trình bày một cách hệ thống lịch sử khám phá châu Mỹ của tổ tiên Trung Hoa.

Những vị học giả này cho rằng: Tổ tiên Trung Hoa đã khai phá ra nền văn minh châu Mỹ. Họ tin rằng các ghi chép trong sách “Sơn Hải Kinh” của Trung Quốc cổ đại, rất nhiều chi tiết là có thật. “Hải Nội Kinh” ghi lại khu vực tập trung sinh sống của người Hoa do dân tộc Hoa Hạ làm chủ, là khu vực sinh sống chủ yếu của dân tộc Trung Hoa, cũng có thể xem là nơi sinh sống của “Vương Tộc”, được gọi là “Khắp dưới gầm trời, chỗ nào cũng là đất của vua”. Trong “Hải Ngoại Kinh” và “Đại Hoang Kinh” ghi lại, Mexico chính là khu vực sinh sống của một nhánh dân tộc Trung Hoa, bởi vì nó cách xa khu vực quần tụ sinh sống chủ yếu của dân tộc nên được gọi là hải ngoại. Những vùng đất này phần lớn đều vô cùng hoang vu, đất rộng người thưa, là những vùng đất mới được khai khẩn nên còn gọi là “đất hoang”. Những bộ tộc Trung Hoa này đã đến châu Mỹ, Đông Nam Á, Châu Úc, bán đảo Ấn Độ, Đông Bắc Phi, Tây Á để khai phá và xây dựng đất nước và trở thành “Tộc phụ thuộc”, thời đó gọi là “Phương Quốc”, nghĩa là “người ở khắp các nơi chân trời cuối bể, không ai không là bề tôi của vua”. Vì vậy, cho dù là Sơn Kinh, Hải Nội Hải Ngoại Kinh, Đại Hoang Kinh, thì những gì được kể lại đều là những ghi chép chân thực về cuộc sống và sự khai phá của tổ tiên dân tộc Trung Hoa cổ đại. Họ còn cho rằng “nền văn minh Trung Hoa là cội nguồn của văn minh nhân loại”, “sự phát triển của nền văn minh Trung Hoa chính là hướng đi tương lai của văn minh nhân loại”.

Người Anh-điêng và người Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, người Anh-điêng ở Chile và những nơi khác gọi trẻ em là “búp bê”, người Anh-điêng ở Mexico gọi “bạn, tôi, anh” là “ning, nội, nông”, gọi “dòng sông” là “hà”, người Anh-điêng ở Colombia gọi thuyền là “chamban”, mà ở Trung Quốc cho đến nay vẫn gọi thuyền gỗ nhỏ nhẹ là thuyền ba lá. Những bé trai người Inuit ở vùng Alaska để búi tóc dài cũng không khác mấy với những đứa trẻ vùng Hoa Bắc (bao gồm Hà Bắc, Sơn Tây và thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân). Trong những cổ vật ở châu Mỹ thường phát hiện thấy có chữ Trung Quốc. Thư pháp khắc trên đá còn sót lại ở châu Mỹ cổ đại cũng rất tương tự với chữ giáp cốt và kim văn (văn tự khắc trên đồng, thời nhà Ân – Chu, Tần – Hán) ở Trung Quốc. Dựa vào những “nham thạch viết” này, các cơ quan liên quan ở bắc Dakota đã từng tuyên bố với thế giới rằng: “Người Trung Quốc đã từng một lần viếng thăm Bắc Dakota”.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/110224

Ghi chú:

(1) Vật tổ là vật thể tự nhiên, nhất là động vật, được người Anh-điêng ở Bắc Mỹ coi như biểu tượng của một bộ tộc hoặc gia đình.



Ngày đăng: 08-07-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.