Loạt bài Mexico 2012 (02): Teotihuacan “Thành phố của những vị Thần”



Tác giả: Ngọc Bân

[ChanhKien.org]

Năm ngoái khi lần đầu đến thành phố Mexico, tôi đã tán thán không thôi khí hậu nơi đây thật tuyệt. Nằm ở độ cao hơn 2000 mét so với mực nước biển, thành phố Mexico tọa lạc trên một thung lũng rộng lớn được bao quanh bởi các ngọn núi. Nhiệt độ trung bình cả năm rơi vào khoảng 12°C đến 16°C, không nóng cũng không lạnh lại có độ ẩm thấp, tôi cảm thấy khí hậu ở đây còn tốt hơn cả California của Mỹ. Chả trách nơi đây tập trung 22 triệu đến 25 triệu người sinh sống, tương đương với dân số của Đài Loan. Tôi đã nói với những người bạn Mexico của mình rằng nơi đây đúng là mảnh đất Thần ban cho các bạn!

Cũng giống như đến Bắc Kinh thì phải đi thăm Trường Thành và Tử Cấm Thành, vì vậy, một khi đã đến thành phố Mexico nhất định phải đến thăm thành cổ Teotihuacan cách đó 40 km về phía Đông Bắc. Bởi vì mặt trời chiếu gay gắt trên cao nguyên Mexico, nên để tránh cái nắng chói chang vào ban trưa, chúng tôi đã xuất phát từ rất sớm, đến được Teotihuacan là vào khoảng 10 giờ ngày 10 tháng 10 năm 2010, thật là một con số thú vị, cũng có thể là một sắp đặt sâu xa nào đó cũng nên.

“Thành phố của những vị Thần”

Cái tên ban đầu của Teotihuacan đã không còn ai biết đến nữa. Vào thế kỷ 14 khi người Aztec phát hiện ra chốn tàn tích rộng lớn này, họ đã đặt tên nó là “Teotihuacan” cũng có nghĩa là “Thành phố của những vị Thần”. Khi người Aztec đến đây, thành cổ này đã bị bỏ hoang mấy trăm năm rồi. Theo kết quả nghiên cứu khảo cổ, trước khi người Aztec đến đây, nơi đây từng là chốn đô hội cổ đại phồn hoa bắt đầu từ năm 200 TCN, nhưng vào khoảng năm 750 thì đột nhiên bị phá hủy, vào lúc phát triển nhất dân số có khoảng 200 nghìn (ở đây tạm gọi là người Teotihuacan). Thành phố này vào thời điểm đó có thể được xem là một trong những thành phố lớn trên thế giới, tương đương với Trường An của Trung Quốc cổ đại. Nhưng người Teotihuacan có phải là người đầu tiên kiến tạo ra nơi đây không? Vì sao lại đột nhiên bị phá hủy? Điều này không ai có thể biết chính xác được.

Dựa theo những chứng cứ khảo cổ được phát hiện, đời sống nhân loại của một thời kỳ khác đã lưu lại nơi đây một số di tích. Điều này đã khiến những nhà khảo cổ học đương đại bối rối. Rất khó để phân biệt những thứ ấy cái nào là do ai đã kiến tạo ra. Có học giả đã căn cứ theo các tài liệu địa chất, xác định thời gian mà Teotihuacan được kiến tạo ban đầu là trước năm 4000 TCN. Cũng chính là thời kỳ nền văn minh nhân loại lần trước, trước cả trận đại hồng thủy vào khoảng 6000 năm về trước. (Liên quan đến phần văn minh tiền sử, tôi sẽ phân tích rõ ra trong các loạt bài sau).

Quần thể kiến trúc của Teotihuacan hết sức đồ sộ, đặc biệt là Kim tự tháp Mặt Trăng và Kim tự tháp Mặt Trời. Đến cả người Aztec hung hãn hiếu chiến cũng phải bội phục. Có lẽ người Aztec cho rằng chỉ có Thần mới có thể kiến tạo được những kiến trúc hùng vĩ như thế thôi. Vì vậy mới đặt tên nơi đây là Thành phố của những vị Thần. Kim tự tháp Mặt Trời và Kim tự tháp Mặt Trăng cũng là những cái tên do người Aztec đặt cho.

Kim tự tháp Mặt Trời của thành cổ Teotihuacan, Mexico. Thể tích 1.200.00 m³, ước tính nặng khoảng 2.500.000 tấn. Được xem là Kim tự tháp lớn thứ ba đã được phát hiện.

Kim tự tháp Mặt Trời và Kim tự tháp Mặt Trăng

Kim tự tháp Mặt Trời đồ sộ nhất trong thành cổ Teotihuacan (có chiều dài cạnh đáy 225 mét) được cho là đứng vị trí thứ ba trong số những Kim tự tháp lớn đã được phát hiện trên thế giới. Kim tự tháp Mặt Trời đứng sừng sững ở phía Đông của Đại lộ Tử thần, có chiều cao 63 mét (chiều cao ban đầu khi chưa bị tàn phá là 75 mét), với thể tích 1.200.000 m³. Ước tính phải dùng đến 2.500.000 tấn đá và bùn đất để xây dựng nên. Kim tự tháp Mặt Trăng nhỏ hơn Kim tự tháp Mặt Trời, ước tính đã dùng 1.000.000 tấn đá và bùn đất. Cũng có nghĩa là, lượng bùn đất và đá được dùng để xây dựng hai Kim tự tháp này gộp lại tổng cộng là 3.500.000 tấn. Có người từng tính toán ra rằng, nếu căn cứ theo kỹ thuật và công cụ lao động thời cổ đại thì phải cần đến 15.000 nhân công làm việc liên tục không ngừng nghỉ trong suốt 30 năm mới có thể hoàn thành được công trình đồ sộ như vậy. Thật khó để tưởng tượng rằng một thành phố với dân số 200.000 người lại có thể có đủ khả năng gánh vác việc này.

Kim tự tháp Mặt Trăng với trọng lượng ước tính khoảng 1.000.000 tấn

Những người xây dựng Kim tự tháp thời viễn cổ chắc hẳn đã nắm được tri thức số học tiên tiến. Tỷ lệ giữa chu vi cạnh đáy của Kim tự tháp Mặt Trời với chiều cao của tháp là 4π, tỷ lệ giữa chu vi cạnh đáy của Đại kim tự tháp Ai Cập với chiều cao của tháp là 2π. Một điểm tương đồng khác là đều thông qua thiết kế công phu mà làm tăng thêm hiệu quả đặc biệt. Kim tự tháp Mặt Trời giống như chiếc đồng hồ vĩnh cửu. Cứ vào thời gian mùa xuân và mùa thu hằng năm (ngày 20 tháng 3; ngày 22 tháng 9): tầng thấp nhất mặt phía Tây của Kim tự tháp sẽ xuất hiện một cái bóng đổ thẳng và lan rộng dần. Thời gian để chuyển từ bóng tối hoàn toàn đến lúc Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ thì luôn mất 66.6 giây, chính xác không kém một ly.

Cách mặt phía Tây của Kim tự tháp Mặt Trời 300 mét về phía Nam, người ta còn phát hiện được một tầng hầm, sau này được gọi là Đền thờ Mica. Trong tầng hầm có rất nhiều căn phòng bằng đá, bên dưới mặt nền bằng đá trong mỗi căn phòng đều được phủ một cách cẩn thận hai lớp đá mica được cắt gọt tỉ mỉ với độ dày 15mm, diện tích mỗi tấm là 90 feet vuông. Có điều những tấm mica này đều được đặt ở vị trí không thể nhìn thấy, hiển nhiên là không phải dùng để làm vật trang trí rồi. Chúng ta biết rằng mica là vật liệu cần thiết để chế tạo trụ điện, là một loại cách nhiệt cách điện cực tốt. Trong các lò phản ứng hạt nhân, mica được dùng làm chất giảm tốc, có tác dụng điều chỉnh tốc độ nhanh của neutron. Thế thì rốt cuộc nó được đặt ở đây nhằm có tác dụng gì chứ? Thành phần của mica là không cố định, mica được tìm thấy ở các tầng nham thạch khác nhau có kim loại vi lượng khác nhau bao gồm kali và nhôm, sắt đen ( Fe2+), sắt (Fe3+), magiê, kali, mangan, titan, v.v. nghiên cứu cho thấy tấm mica khổng lồ ở Teotihuacan là đến từ Brazil cách đó hơn 2000 dặm Anh. Người Teotihuacan cổ đại làm sao có thể biết được tính năng và nguồn gốc của mica, lại còn ngàn dặm xa xôi vận chuyển về đây được chứ? Hay cơ bản không phải là người Teotihuacan đã vận chuyển chúng?

Những bậc đá cao trên Kim tự tháp có chiều cao gấp hai đến ba lần các bậc đá thông thường, có vẻ chúng không được thiết kế dành cho người bình thường.

Điều thú vị là, mỗi bậc thang trên Kim tự tháp đều rất cao, chiều cao ít nhất phải gấp hai lần bậc đá thông thường, vì vậy trong bức ảnh này (Ảnh 3), mọi người đều phải vịn mà lên xuống rất khó khăn. Tôi đoán phải những người cao trên 2.5 mét dùng bậc thang thế này sẽ thấy thoải mái hơn, nhưng bất kể là người Teotihuacan hay người Aztec đều có chiều cao trung bình. Lẽ nào người Teotihuacan thời viễn cổ có thân hình cao lớn hơn chúng ta? Hay là có mục đích khác ?

Đứng trên Kim tự tháp Mặt Trăng ngắm nhìn Quảng trường Mặt Trăng và Đại lộ Tử thần. Trước đây người Aztec dùng người sống để tế “Thần” ở đây. Người sống được dẫn đến Đài tế lễ bên dưới Kim tự tháp Mặt Trăng từ Đại lộ Tử thần. Do vậy mà có cái tên Đại lộ Tử thần này.

Hình dáng Kim tự tháp Mặt Trăng cũng tương tự Kim tự tháp Mặt Trời, nhưng quy mô thì nhỏ hơn, chiều dài cạnh đáy là 150 mét, chiều cao 43 mét. Quảng trường Mặt Trăng ở phía trước là nơi cử hành các nghi thức tôn giáo thời bấy giờ, sức chứa cả vạn người. Cung Hồ Điệp ở phía Tây quảng trường là nơi ở của thầy tế và người có địa vị chức sắc thượng tầng, và đây cũng là nơi hoa lệ nhất toàn thành. Ngõ phía Nam của Đại lộ Tử thần còn có một Kim tự tháp nhỏ (Kim tự tháp Rắn lông vũ) và Đền Thần Rắn lông vũ (Temple of the Feathered Serpent), bên ngoài là một thành lũy bao quanh. Theo các ghi chép thì Kim tự tháp Mặt Trời và Kim tự Tháp Mặt Trăng khi ấy rất nguy nga tráng lệ, các đền Thần bên trong tháp thờ Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng riêng biệt. Khi Mặt Trời xuất hiện ở phía Đông chiếu lên tượng Thần được chạm khắc trên các bức phù điêu bằng vàng bạc, liền phóng ra ánh hào quang rực rỡ. Theo các bằng chứng khảo cổ, Teotihuacan trong mấy trăm năm tồn tại, Kim tự tháp Mặt Trăng này đã trải qua ít nhất sáu lần đổi mới, mỗi lần xây mới đều to lớn hơn cái trước, và bao phủ lên bên ngoài địa điểm cũ. Nhưng điều này vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những gì đã xảy ra với Kim tự tháp Mặt Trời.

Mặc dù hàng nghìn năm trôi qua cũng không thể phá hủy nổi Kim tự tháp Mặt Trời, vậy mà nó lại bị tàn phá nghiêm trọng trong một tai họa lớn đầu thế kỷ 20. Theo ghi chép thì vào những năm 1905 – 1910, chính phủ Mexico đã giao cho Leopoldo Batres chủ trì việc trùng tu Kim tự tháp. Người được gọi là chuyên gia trùng tu di tích cổ này đã “tu sửa” một cách thô bạo đối với cả lớp ngoài của Kim tự tháp Mặt Trời, ông ta còn đào bới các khối đá, bùn vữa và thạch cao lớp ngoài của mặt phía Bắc, phía Đông và phía Nam của Kim tự tháp vào sâu 20 feet. Mỗi năm vào khi trời mưa lớn, gạch bùn dưới đáy tháp liền tan trong nước mưa rồi trôi theo dòng nước, kéo theo một lượng lớn đất đá bị trôi đi. Dù cho cơ quan đương quyền có biện pháp khắc phục, nhưng diện mạo của nó đã bị thay đổi hoàn toàn. Leopoldo Batres còn cưỡng ép thêm vào một tầng giữa tầng thứ tư và tầng thứ năm ban đầu, khiến nó chẳng còn ra hình thù gì nữa, diện mạo khác hẳn. Điều đáng nói là vào năm 1906 khi trùng tu Kim tự tháp Mặt Trời thành cổ Teotihuacan, ở giữa hai tầng trên đầu đỉnh tháp cũng từng phát hiện được một tấm mica rộng lớn, rắn chắc. Nhưng ngay sau khi khai quật ra liền bị đánh cắp. Nghe nói người đánh cắp và bán tấm mica này cũng chính là Leopoldo. Ban đầu tấm mica lớn này được lắp ở bộ phận nào của Kim tự tháp Mặt Trời, chúng ta đã không còn cách nào xác định được. Còn tác dụng của nó là gì giờ đây chúng ta càng không thể nào phán đoán được nữa rồi. Bất luận là hình trạng hay quy mô của nó mà nói, Kim tự tháp Mặt Trời đã không còn như trước nữa. Người đời sau đã không còn cơ duyên biết đến những chữ khắc, phù điêu, văn vật trên lớp vỏ ngoài của Kim tự tháp cùng những thông điệp quan trọng mà nó truyền tải cho các thế hệ sau nữa.

Phát hiện gây chấn động

Teotihuacan lấy Đại lộ Tử thần làm tuyến trung tâm, cả thành phố toát lên vẻ oai nghiêm, trung tâm nổi bật, toàn bộ thành phố được cấu thành từ các kiến trúc hình học đồ sộ. Đại lộ Tử thần nối thành cổ từ Nam chí Bắc, chiều dài chừng ba dặm, rộng 45 mét, các kiến trúc hai bên đan xen chằng chịt. Cứ cách vài mét thì xây một bậc thang có sáu bậc và đỉnh bằng phẳng. Kiến trúc sư người Mỹ Hugh Harleston Jr. đã đánh giá về những kiến trúc của Teotihuacan như sau: “Khi họ (những người xây dựng Teotihuacan) vẽ ra một đường thẳng, họ đang cho bạn biết về một mặt phẳng. Khi họ vẽ ra một bề mặt, thì họ đang cho bạn biết về thể tích. Khi họ đưa ra thể tích, họ đã cho bạn biết về thời gian”.

Sau khi Harleston cẩn thận nghiên cứu về quy hoạch và bố cục của Teotihuacan đã công bố một phát hiện chấn động: Dữ liệu thiết kế của thành phố này lại là hình ảnh thu nhỏ của quỹ đạo hệ Mặt Trời mà chúng ta đang sống. Harleston cho biết những người xây dựng Teotihuacan đã ép nhập toàn bộ các dữ liệu quỹ đạo như hình dáng, kích thước, cách thức chuyển động của Trái Đất và các hành tinh trong hệ Mặt Trời vào trong bố cục của thành phố Teotihuacan.

Hình ảnh giản lược của hệ Mặt Trời

Hình ảnh mô hình sau phục dựng của Teotihuacan, ở giữa là Đại lộ Tử thần, phía trước ở đằng xa là Kim tự tháp Mặt Trăng, bên phải là Kim tự tháp Mặt Trời

Harleston đã định nghĩa một “đơn vị Teotihuacan tiêu chuẩn” là 1.0594 mét. Khoảng cách giữa các di tích trên Đại lộ Tử thần, vừa hay là dữ liệu quỹ đạo của các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Sao Thủy là 36, sao Kim là 72, khoảng cách của Trái Đất và Mặt Trời là 96 “đơn vị”, sao Hỏa là 144. Phía sau thành lũy của “Đại lộ Tử thần” có một con kênh do người Teotihuacan đào, khoảng cách từ con kênh đến đường trục trung tâm của thành lũy là 288 “đơn vị”, là khoảng cách từ tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc đến Mặt Trời. Vị trí cách đường trục 520 “đơn vị” có tàn tích của một đền Thần vô danh, tương đương với khoảng cách từ Mặt Trời đến sao Mộc. Lại đi tiếp 945 “đơn vị”, lại có di chỉ của một đền Thần khác, đây là khoảng cách từ sao Thổ đến Mặt Trời, lại đi tiếp 1845 “đơn vị” thì đến được trung tâm của Kim tự tháp Mặt Trăng ở cuối “Đại lộ Hoàng Tuyền” (Đường đến địa ngục), đây lại vừa vặn là dữ liệu quỹ đạo của sao Thiên Vương. Nếu kéo dài theo đường thẳng Đại lộ Hoàng Tuyền, thì đến được đỉnh núi Serova Gordo, ở đó có một đền Thần nhỏ và một tòa tháp, phần móng của tháp nay vẫn còn đó. Mỗi khoảng cách tương ứng 2880 và 3780 “đơn vị”, chính là khoảng cách của quỹ đạo sao Hải Vương và sao Diêm Vương (Tài liệu tham khảo cho các kết luận trên: Hugh Harleston, Jr.,2006, “MAYAN TREASURE: Space and Time Unified at Teotihuacan RESEARCH SUMMARY NO.5: 1971―2006”).

Nếu cho rằng hết thảy những điều này đều là sự trùng hợp ngẫu nhiên, thế thì xác suất này có thể tương đương với việc cơn bão Irene vào tháng 8 năm nay đã vô tình hoàn thành việc lắp ráp một chiếc trực thăng ở New York vậy. Nếu cho rằng đây là do những người xây dựng cố ý sắp xếp vậy, chắc hẳn những nhà thiết kế của Teotihuacan từ lâu đã hiểu rõ cách thức vận hành của các hành tinh trong hệ Mặt Trời, và còn nắm được những dữ liệu quỹ đạo giữa các hành tinh và Mặt Trời. Thế nhưng, năm 1781 nhân loại mới phát hiện ra sao Thiên Vương, năm 1845 mới phát hiện ra sao Hải Vương, năm 1930 mới phát hiện sao Diêm Vương (cách ngày nay còn chưa đến 100 năm). Thế thì trong thời đại hồng hoang tiền sử, những người Teotihuacan làm sao biết được, hay họ được ai đó hướng dẫn để xây dựng được nơi này đây?

Truyền thuyết “Thần rắn lông vũ”

Trong nền văn minh Trung Mỹ thời cổ đại, Thần rắn lông vũ được thờ phụng rộng rãi, đặc biệt ở người Maya không có “Thần điêu” nào quan trọng hơn Thần rắn lông vũ. Truyền thuyết kể rằng Thần rắn lông vũ cai quản sao Mai, sáng tạo ra sách, lập pháp, và còn đưa đến cho con người bắp ngô. Thần rắn lông vũ còn đại diện cho cái chết và sự tái sinh, cũng là “vị Thần” bảo hộ của các thầy tế. Hãy để ý rằng, Thần rắn lông vũ quan trọng như thế nhưng họ lại không hề đề cập đến việc Thần rắn lông vũ có thể cứu độ con người đến bến bờ hạnh phúc (thế giới Thiên quốc hay thế giới Phật quốc).

Đi về phía Nam dọc theo Đại lộ Tử thần, một điểm cuối khác của Đại lộ chính là một Kim tự tháp nhỏ Quetzalcoatl (Thần rắn lông vũ). Bốn bề của nó điêu khắc tổng cộng 366 chân dung Thần rắn lông vũ, tất cả đều có đầu hình rắn (hình rắn mối) nhô ra, với cái miệng há lớn. Còn có vật thể kiến trúc mang dấu ấn – Thành lũy. Trong thành lũy có đền thờ, dinh thự, quảng trường và 15 bậc thang hình Kim tự tháp xung quanh, “đền thờ Quetzalcoatl” nổi tiếng nằm ngay trung tâm quảng trường. Đền thờ Quetzalcoatl là cái tên được các nhà khảo cổ học sau này đặt tên. Ở hai bên Đại lộ Tử thần và gần các Tế đàn người ta đều khai quật được không ít bộ xương người, rất nhiều trong số đó là bị trói tay sau lưng, cho thấy đây là tế phẩm khi đó. Rất nhiều bộ lạc ở Trung Nam Mỹ đều dùng người sống để tế “Thần”, phương thức cúng tế người sống này đã được thực hiện từ các buổi đầu của một số nền văn minh. Mà “Thần” của họ rất nhiều đều không mang hình dạng con người, có “Thần” thiện một chút, cũng có “Thần” là ác.

Tôi hiểu được rằng chính Thần chân chính thì tuyệt đối không thể chấp nhận việc dùng người sống cúng tế. Đồng thời, các dân tộc khác nhau đều có những truyền thuyết tương tự rằng: Thần là dựa theo hình tượng của bản thân mà tạo ra con người. Chính Thần cứu độ con người trong các chính giáo lớn ở nhân loại cũng đều là xuất hiện dưới hình tượng con người. Những “vị Thần” được thờ cúng bởi các bộ lạc Trung Nam Mỹ này dường như là các chủng loại sinh vật ngoài hành tinh khác nhau có văn minh trình độ cao. Chúng không coi con người là đồng loại, đương nhiên là trong số đó cũng có thể có một vài chủng loại sinh vật ngoài hành tinh trên bề mặt có thể là đối với con người có chút thiện. Các sinh vật ngoài hành tinh được trang bị “Pháp lực” nhất định này cũng rất giống với “yêu ma quỷ quái” trên các vùng đất hoang vu trên biển được miêu tả trong «Sơn Hải Kinh» và các sách cổ khác của Trung Quốc. Bởi vì rất nhiều cổ nhân Trung Quốc đều có thần thông khai mở thiên mục, cho nên trong rất nhiều cuốn sách cổ của Trung Quốc đều có nói về các chuyện trong Tam giới, mà không chỉ là giới hạn riêng về Trái Đất không thôi. Bởi vì sinh vật ngoài hành tinh thể hiện ra bản sự rất lớn, nên những người thổ dân thời điểm đó rất dễ tôn họ thành Thần. Đương nhiên chúng cũng sẽ giúp đỡ con người có mục đích ở mức độ nào đó, truyền thụ kiến thức cho con người nhưng chúng vĩnh viễn không thể làm được những gì mà các bậc Giác Giả chính giác chính Pháp làm: đó là giúp con người thật sự thăng hoa trở thành sinh mệnh cao cấp, thậm chí là Phật, Đạo, Thần.

“Thần rắn lông vũ” được thờ phụng phổ biến trong các bộ lạc Trung Mỹ có đầu mang hình dạng của rắn, có thân thể giống như rắn được phủ một lớp lông vũ. Thần rắn lông vũ trong truyền thuyết là một vị “Thần linh” khá thiện, đến từ vũ trụ xa xôi, ông thậm chí còn mang áo bào trắng, có chòm râu dài, giáng lâm xuống Teotihuacan. Ông đã truyền thụ cho con người các loại tri thức và luật pháp. Sau khi ông dạy con người biết những tri thức này xong liền lên một chiếc phi thuyền quay trở về tinh không (bầu trời sao) thần bí. Người Maya hàng ngàn năm trước đã biết Trái Đất là hình tròn, trong cuốn sách Popol Vuh của họ cũng nói đến những “vị Thần” như: Hunahpu, Xbalanque, và Quetzalcoatl “Thần rắn lông vũ là vương của các vị Thần”. Sau khi họ kết thúc cuộc sống trên Trái Đất liền trở về các vì sao xa xôi.

Trên mảnh đất Teotihuacan, dấu ấn của nền văn minh tiền sử [1], văn minh ngoài hành tinh, văn minh Ấn Độ cổ và người hiện đại đan xen lẫn nhau. Nó cũng đã lưu lại cho chúng ta vô vàn những điều bí ẩn, chờ đợi chúng ta đi suy ngẫm, khám phá và thưởng thức…

[1] Ghi chú: Về văn minh tiền sử có liên quan, đã được kiến giải sâu sắc trong cuốn Chuyển Pháp Luân cùng nhiều tác phẩm khác của Pháp Luân Đại Pháp. Các độc giả nên đọc tham khảo.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/77598



Ngày đăng: 09-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.