Loạt bài Mexico 2012 (9): Sự biến mất của lục địa (Phần 2-1)



Tác giả: Vương Bân

[ChanhKien.org]

Con người qua việc liên tục khám phá các di chỉ của nền văn minh tiền sử bị chôn vùi như thành cổ Troy, Pompeii và Herculaneum, đã dần tin vào tính chân thực của nhiều truyền thuyết trong lịch sử loài người.

Atlantis là một đất nước có nền văn minh tiên tiến trong truyền thuyết. Nó có những cung điện và đền thờ lộng lẫy, những đàn tế Thần khổng lồ dùng để thờ cúng và vô số của cải. Nơi đó sản xuất vô số vàng bạc, cung điện được bao quanh bởi những bức tường bằng vàng và bạc. Các bức tường trong cung điện cũng được dát vàng, rất nguy nga và tráng lệ. Trình độ văn minh nơi đó khiến người ta khó mà tưởng tượng được, có bến cảng và tàu thuyền, cũng như “những vật thể bay có thể chở người”. Tuy nhiên nó đã chìm xuống đại dương chỉ sau một đêm.

Bí ẩn về chủng người Anh-điêng da trắng

Vào thế kỷ 16 khi người Tây Ban Nha xuyên qua những khu rừng nhiệt đới ở châu Mỹ, họ đã gặp rất nhiều người Anh-điêng da trắng để râu trông rất kỳ lạ. Những người Anh-điêng da trắng này nói với họ rằng họ là hậu duệ của một dân tộc cao quý và phồn thịnh. Cách đây rất nhiều niên đại, tổ tiên của họ đã sinh sống trên những hòn đảo lớn giữa đại dương. Nó đã bị hủy diệt trong một thảm họa lớn.

Vào tháng 3 năm 1942, Tổng thống Roosevelt đã dành thời gian quý báu trong lịch trình dày đặc của mình để gặp vợ chồng ông David Lamb, những người vừa trở về từ chuyến nghiên cứu khảo cổ ở bang Chiapas, Mexico. Vợ chồng ông Lamb đã mang đến một tin tức bất ngờ cho Tổng thống: Vợ chồng David Lamb từ lâu đã nghe nói rằng ở vùng nội địa Chiapas có tồn tại thành phố của người Maya bị bỏ hoang từ lâu. Dưới những thành phố này là những đường hầm được phân bố cấu thành mạng lưới và mục đích của họ trong chuyến đi này là kiểm chứng tính khả tín của tin đồn đó. Họ cuối cùng đã phát hiện ra những người Anh-điêng có màu da xanh trắng canh gác các đường hầm dưới lòng đất ở Mexico trong truyền thuyết. Những người Anh-điêng này sống cách biệt với thế giới và đã canh giữ thánh địa nơi rừng sâu qua nhiều thế hệ, đó là lối vào hành lang ngầm thông với đường hầm sâu dưới lòng đất dẫn đến nơi cất giữ kho báu. Họ yêu cầu hai vợ chồng Lamb lập tức quay trở lại theo con đường cũ.

Ngay từ thế kỷ 17, một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha cũng đã phát hiện ra một đường hầm dưới lòng đất ở Guatemala, Trung Mỹ. Từ bản đồ có thể thấy rằng, nó nằm trong lòng đất dưới dãy núi Andes và dài hơn 1.000 km. Để bảo vệ các đường hầm và đợi cho đến khi trong tương lai con người nắm vững được khoa học kỹ thuật để tham hiểm đường hầm, lối vào đường hầm đã bị chính phủ Peru đóng cửa và canh giữ nghiêm ngặt, đồng thời được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhà văn người Đức von Däniken đã từng đi vào đường hầm này, trong đường hầm, ông vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy những lối đi rộng lớn, thẳng tắp và những bức tường tráng men, nhiều cổng đá ong và cánh cửa lớn tinh xảo, những mái nhà được làm vuông vức và nhẵn bóng cùng một đại sảnh có diện tích hơn 20.000 mét vuông, còn có nhiều hầm thông gió cách nhau trung bình khoảng từ 1.8 – 3.1 mét và chiều rộng 80 cm. Bên trong đường hầm còn có vô số văn vật kỳ lạ thời tiền sử, trong đó có cuốn sách vàng được nhắc đến trong truyền thuyết thời viễn cổ của nhiều dân tộc. Đường hầm nghiêm mật, cao lớn và thần kỳ đến mức vượt qua trí tuệ của con người hiện đại; làm cho nhà văn nổi tiếng với trí tưởng tượng táo bạo này cũng phải ngạc nhiên sửng sốt. Ông cho rằng đường hầm này được đào bằng mũi khoan nhiệt độ siêu cao với kĩ thuật tiên tiến và bom định hướng chùm tia điện tử cũng như những kỹ thuật khai khoáng mà con người hiện nay chưa biết. Ông không hề nghi ngờ rằng đây là công trình vĩ đại nhất trên thế giới, cũng là bí ẩn lớn nhất, khó giải mã nhất trên thế giới.

Trong số 10 thành phố “mất tích” hàng đầu thế giới, có hai thành phố ở Peru, một là Machu Picchu nổi tiếng thế giới, hai là thành phố cổ Kuelap ở Chachapoyas. Vùng Chachapoyas nằm ở khu vực phía Bắc dãy Andes của Peru ngày nay, do sông Marañón và sông Ucubamba giao nhau tại vùng Bagua, nên làm cho vùng Chachapoyas thành một khu vực hình tam giác. Sự rộng lớn vô hạn của sông Marañón và địa hình đồi núi nơi đây đã khiến cho nơi ấy tách biệt hoàn toàn với thế gian. Từ thời Inca cổ đại, là đã có truyền thuyết về người da trắng sinh sống ở khu vực này, cái tên “Người mây” là cách gọi của người Inca đối với bộ lạc da trắng này. Cái tên này xuất phát từ việc nơi cư trú của họ là rừng mưa nhiệt đới được bao phủ bởi sương mù như mây suốt cả ngày. Bộ lạc này được thành lập bởi người da trắng, người trong bộ tộc ai cũng có làn da trắng nõn, trong đó cũng có phụ nữ và trẻ em da trắng được sắp xếp vào biên niên sử của địa phương. Vào thế kỷ 16, bộ lạc này đã bị xóa sổ do bệnh tật và chiến tranh. Pietro Hiszer de Leon, một nhà sử học ở Chachapoyas đã mô tả bộ tộc này như sau: “Họ là những người trắng trẻo và xinh đẹp nhất mà tôi từng thấy, phụ nữ vô cùng xinh đẹp và dịu dàng. Nhiều phụ nữ đã trở thành vợ của người Inca và họ được đưa đến Đền Mặt Trời. Những người phụ nữ này và chồng của họ luôn mặc quần áo lông cừu và quấn khăn lông cừu trên đầu, loại nhãn hiệu quần áo của họ nổi tiếng ở rất nhiều nơi”. “Người mây” ở Chachapoyas có nền văn hóa riêng của mình, không phải văn hóa của người Inca. Cho đến nay, người ta vẫn không cách nào tìm ra được tộc người da trắng này đến từ đâu và xuất hiện khi nào. Họ rất bí ẩn và trình độ phát triển của họ ở thời cổ đại là không thể tưởng tượng được. Bí mật của họ không tùy tiện truyền ra ngoài.

Những người Anh-điêng da trắng ít ai biết đến này sống trên lục địa châu Mỹ, tôi tin rằng họ là hậu duệ của những người Atlantis còn sống sót.​

“Đối thoại” của Plato

Nhà triết học vĩ đại người Hy Lạp Plato sống vào khoảng năm 400 trước công nguyên, ông là học trò của nhà tiên tri Socrates. cuốn “Đối thoại” nổi tiếng được Plato viết vào năm 350 trước công nguyên, dùng hình thức đối thoại mô tả lại Atlantis bí ẩn. Cuốn “Đối thoại” này ghi lại một cuộc trò chuyện giữa người thầy Socrates và ba học trò vào năm 421 trước công nguyên. Cuốn “Đối thoại” này là một trong những ghi chép có giá trị nhất về Atlantis được giới học thuật công nhận cho đến nay.

Tổ tiên của gia đình Plato là Solon (khoảng năm 638 – 559 trước công nguyên), một trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp cổ đại, nhà cải cách chính trị và nhà thơ nổi tiếng, sau khi mãn nhiệm kỳ chức quan chấp hành thành của thành phòng thủ Athens, trong 10 năm ông đã ra nước ngoài du lịch và ngao du qua một số nơi như Ai Cập, Đảo Síp, Tiểu Á (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) v.v. Sau khi kết thúc chuyến du lịch trở về nhà, ông dành hết tâm huyết cho việc sáng tác, trong nhiều tác phẩm của ông có đề cập đến nước cổ đại Atlantis. Solon nổi tiếng vì tính trung thực, nên tính chân thực trong ghi chép của ông là điều không thể nghi ngờ, ngay cả Socrates cũng nói: “Điều tốt chính là ở chỗ nó là sự thật, nó còn hay hơn nhiều so với một câu chuyện hư cấu!” Mà Plato kế tục di nguyện của tổ tiên, dốc lòng mạnh mẽ cho việc tìm kiếm chuyên sâu không ngừng nghỉ về hòn đảo Atlantis. Ông cho rằng chủ đề này đã vượt qua bất kỳ thần thoại, sử thi và truyền thuyết tráng lệ nào từ trước đến nay.

Trong “Đối thoại”, Coricias, em họ của Plato đã nói trong cuộc trò chuyện rằng, Solon đã từng du lịch tới Ai Cập. Solon đã đến vùng châu thổ đồng bằng Ai Cập, cũng là nơi có con sông Nin phân nhánh, ở đó có một vùng đất gọi là Sais. Ở đó, ông được người dân địa phương đón nhận và yêu mến, nhưng ông lại phát hiện rằng bất luận là ông hay bất kỳ người Athens nào khác biết về những câu chuyện liên quan đến các vị Thần thời đó đều chẳng là gì so với người Sais.

Có một lần, Solon đã cố gắng thử giải thích cho những người Saïx (vùng thuộc Pháp) về những sự kiện phát sinh trong lịch sử của những người Hy Lạp mà ông kể có niên đại xa xưa như thế nào. Một thầy tế già đứng lên và nói: “Solon ơi Solon, những người Hy Lạp các anh chỉ là những đứa trẻ mà thôi, trong những người Hy Lạp mà anh liệt kê không có lấy một người có thể gọi là lão nhân”. Solon kìm nén sự khó chịu của mình và hỏi: “Ông nói điều này là có ý gì?”

Vị thầy tế già trả lời: “Điều tôi muốn nói là suy nghĩ của anh bây giờ vẫn còn rất non nớt; các anh không hề kế thừa được những tư tưởng cổ xưa nào từ tổ tiên của mình, cũng không có bất kỳ khoa học nào có thể xưng tụng là lịch sử lâu dài. Tôi sẽ cho anh biết nguyên nhân của tất cả điều này: Vì nhiều nguyên nhân, trên thế giới này đã từng có, và sẽ tiếp tục có nhiều nền văn minh nhân loại bị hủy diệt. Có một câu chuyện mà ngay cả các anh cũng biết, Phaethon là con trai của Thần Mặt Trời Helios, từng vì không thể điều khiển cỗ xe ngựa của vua cha, trong cơn giận dữ đã thiêu rụi toàn bộ dân chúng của mình thành tro bụi, bản thân anh ta cũng bị sét đánh chết. Mặc dù hiện nay nghe nó có vẻ giống một câu chuyện thần thoại, nhưng nó lại có thể phản ánh quá trình từ đỉnh cao hưng thịnh cho đến suy bại của một số nền văn minh trên Trái Đất hoặc trên Thiên đường. Chẳng hạn như tại một trận hoả hoạn xảy ra trên Trái Đất: Khi hỏa hoạn sắp xảy ra, những sinh vật sống ở vùng núi cao, khô hạn và dốc sẽ càng dễ bị hủy diệt hơn những sinh vật sống gần sông hoặc ven biển. Trong trận hồng thủy bùng phát ở sông Nin, Cứu Thế Chủ của tổ tiên sót lại của chúng tôi đã cứu chúng tôi ra khỏi biển nước mênh mông. Nhưng mặt khác, những người chăn nuôi cừu cả ngày sống trên núi cao lại may mắn tránh thoát khỏi trận đại hồng thủy mà chư Thần dùng để tẩy tịnh Trái Đất, còn những người sống trong thành phố đã không may bị nước lũ cuốn ra biển lớn; dù thế nào đi nữa, có một quy luật không bao giờ thay đổi, đó là bất luận vào thời điểm nào, đường đi của nước lũ từ đầu đến cuối đều là từ trên xuống dưới, luôn chảy từ nơi cao xuống đồng bằng và vùng trũng, chính vì lẽ đó, chúng ta mới có thể lưu giữ được nền văn minh cổ đại nguyên thủy nhất ở chỗ chúng ta đây. Dù cho là mùa đông giá lạnh hay mùa hè nóng bức, đều không thể phá hủy nó, nhân loại cũng cần tiếp tục sinh sôi nảy nở, mặc dù có lúc dân số phát triển mạnh, có lúc thì số lượng giảm nhanh. Vì vậy, cho dù là ở đất nước của anh hay ở chỗ chúng tôi, hoặc những nơi khác trên thế giới mà chúng ta biết, chỉ cần xảy ra sự kiện lớn hay nổi bật nào, đều được người xưa ghi chép lại, đồng thời được lưu giữ trong tế đàn của chúng tôi. Nhưng các anh và các dân tộc khác chỉ dùng hình thức viết sách và truyền miệng để truyền tải lại những câu chuyện lịch sử này. Vậy có thể hình dung được rằng, nếu một thảm họa tương tự như bệnh dịch bùng phát trên khắp đất nước, những gì còn lưu giữ cho anh sẽ chỉ là những ghi chép còn sót lại đáng thương kia; toàn bộ dân tộc của các anh sẽ phải quay trở lại giai đoạn ban đầu mông muội, biết cực kỳ ít về những sự việc đã xảy ra vào thời cổ đại, cho dù đó là những sự việc đã xảy ra ở nơi chúng tôi đây hay ở đất nước các anh. Thậm chí gia phả của tổ tiên mà anh mô tả, Solon, chúng chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em. Bởi vì trước hết các anh chỉ nhớ có một trận hồng thủy đã xảy ra, nhưng trên thực tế, sự việc như thế này đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử; thứ hai, anh không biết rằng đã từng có bộ tộc tạo ra nền văn minh huy hoàng nhất trên mảnh đất của các anh, anh và những người khác trong toàn thành phố của các anh thực chất là hậu duệ còn lại của những nền văn minh đó. Nhưng đối với tất cả những chuyện này thì các anh hoàn toàn không biết, bởi vì hậu duệ của những người may mắn sống sót ban đầu đã qua đời từ lâu và giai đoạn lịch sử này càng trở nên khó lý giải hơn”.

Mô tả của vị thầy tế già

Vị thầy tế già nói với Solon rằng, theo ghi chép của lịch sử Ai Cập cổ đại, thời điểm Atlantis bị nhấn chìm cách đây vào khoảng hơn 9.000 năm trước. Vì năm mà Solon sống là vào khoảng năm 600 trước công nguyên, như vậy suy ra, sự hủy diệt cuối cùng của Atlantis xảy ra vào khoảng 10.000 năm trước công nguyên, cách ngày nay khoảng 12.000 năm trước.

Vị thầy tế cho biết: “Atlantis nằm ngoài khơi không xa ‘những cột chống trời của Hec Quyn’ (The Pillars of Hercules) (nay là eo biển Gibraltar). Hòn đảo này lớn hơn Libya và Tiểu Á cộng lại, là cửa ngõ duy nhất để đi qua các hòn đảo khác trên Đại Tây Dương. Vượt qua các đảo này, bạn có thể đến được một lục địa khác xung quanh Đại Tây Dương”; “Atlantis là một lục địa nhô cao giữa biển, nhưng thành phố này lại hoàn toàn là một vùng đồng bằng, ba mặt là núi, mặt còn lại hướng ra biển và địa thế thấp dần xuống, theo hướng Bắc Nam. Núi non trùng điệp bao quanh, tạo nên phong cảnh hùng vĩ và hoành tráng. Trong những ngọn núi bao quanh, có rất nhiều làng mạc nằm rải rác, những dòng sông và hồ nước mênh mông, còn có những đồng cỏ xanh trải dài ngàn dặm. Những thảm cỏ này không chỉ là nguồn cung cấp dồi dào nuôi dưỡng các loài động vật sống trên vùng đất này, mà còn chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên vật chủng quý giá”.

“Tài nguyên khoáng sản trên đảo rất phong phú, đặc biệt là một loại kim loại lấp lánh mà họ khai quật được có tên là Orichalcum. Nó quý hiếm còn hơn cả vàng, và được coi là kim loại quý nhất thế giới vào thời điểm đó. Thứ hai, trên đảo còn có tài nguyên rừng trữ lượng lớn, có đủ điều kiện tự nhiên để chăn thả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, trên đảo còn có đàn voi sinh sống và đa dạng các loài động thực vật. Tất cả những điều kiện tự nhiên mà ông trời ưu đãi này chính là yếu tố khách quan đã đưa Vương quốc Atlantis vươn đến đỉnh cao. Ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, người cai trị còn xây dựng đền thờ, cung điện, bến cảng và đầu mối giao thông vô cùng tráng lệ; dần dà, họ đã xây dựng đất nước này thành một siêu đế chế: Họ đã xây cầu và bến cảng để liên kết các thành phố trên các đảo thành một thể thống nhất; họ xây dựng rầm rộ, xây dựng cung điện bên trong cung điện hoàng gia dùng để thờ cúng các Thiên Thần và tổ tiên, được truyền thừa qua nhiều thế hệ, mức độ sang trọng xa hoa và quy mô kiến trúc không ngừng được đổi mới và siêu việt.

Về phương diện vận tải đường biển, họ đã đào một con kênh rộng 300 feet (1 feet = 0,3048 mét), sâu 100 feet, dài 50 dặm (1 dặm = 1,6093 km), đồng thời xây dựng cảng biển nội địa, đồng nghĩa với việc khai thông một hành lang đường thủy, thông qua kênh đào này mà tàu bè có thể lưu thông từ đất liền ra cảng biển, nó đủ rộng để những con tàu lớn nhất thời bấy giờ có thể đi qua. Họ còn dựa vào các khu thủy vực khác nhau mà phân chia thành các khu vực lục địa khác nhau, và xây cầu nối liền các lục địa với nhau, đồng thời chừa lại một khoảng rộng và cao đủ cho ít nhất một chiến hạm ba tầng đi qua.

Đá là vật liệu xây dựng chính được dùng phổ biến trên lục địa Atlantis và các đảo phụ thuộc, dù là một cung điện nguy nga hay một đền thờ trang nghiêm đều được xây dựng và trang trí bằng nhiều loại đá từ trong ra ngoài. Màu sắc của chúng cũng rất đa dạng, bao gồm màu đỏ, đen và trắng, sau khi được lựa chọn và chạm khắc tỉ mỉ, dù là ở bến cảng hay cửa ngõ đều là rường cột chạm trổ, chúng đều được sử dụng rộng rãi. Phong cách kiến ​​trúc của họ rất mộc mạc đơn giản, cũng có một số yêu cầu chạm khắc tỉ mỉ, thậm chí còn được đẽo gọt thành những đồ trang trí rực rỡ, nhỏ nhắn và tinh xảo. Ngoài ra, họ còn phủ một lớp được ví như “tường đồng vách sắt” bên ngoài bức tường đá, nhưng một số được làm bằng đồng, một số được làm bằng thiếc, và một số được làm bằng kim loại hỗn hợp đồng – kẽm, những cung điện này sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời”.

“Atlantis là một trung tâm quyền lực vô cùng hùng mạnh, nó thống trị toàn bộ hòn đảo cho đến một số khu vực xung quanh, thậm chí còn mở rộng thế lực của mình vượt qua đại dương và kéo dài đến các khu vực của lục địa. Ngoài ra, đế chế khổng lồ này còn cai trị phần lãnh thổ trải từ Libya, những cột chống trời của Hec Quyn, Ai Cập, Châu Âu cho đến một phần Địa Trung Hải. Trung tâm quyền lực khổng lồ không ngừng mở rộng và hội tụ, các bộ tộc xung quanh lần lượt bị đánh chiếm, toàn bộ eo biển đều thuộc phạm vi quản lý của Đế chế Atlantis”. Vị thầy tế già nói thêm: “Sau đó, ở Atlantis xảy ra những trận động đất dữ dội và đại hồng thủy. Chỉ trong vòng một ngày đêm, tất cả những người hiếu chiến này đều bị chôn sống, và Atlantis cũng từ đó bị chìm xuống đáy biển”.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/79073



Ngày đăng: 12-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.