Ra khỏi chốn hồng trần (14)
Tác giả: Trương Diệc Khiết
[ChanhKien.org]
14. Hồng Môn Yến “tam giảng”
Thái độ không chút thỏa hiệp của tôi đã khiến lãnh đạo bộ tức giận, ông trao đổi với chồng tôi, yêu cầu anh ấy tăng thêm nỗ lực đả thông công tác tư tưởng cho tôi, đồng thời nhiều lần lấy danh nghĩa rằng đây là trách nhiệm đối với đảng, đối với gia đình và đối với bản thân tôi. Trong chốc lát, đủ loại áp lực, tấn công bên trong bên ngoài, giống như động đất sóng thần đột nhiên ập đến.
Chồng tôi và toàn gia đình, đặc biệt là người thân ở Trường Xuân, rất buồn và tức giận. Họ liên kết cùng nhau bao vây, mềm rắn đủ cả, bằng mọi cách khuyên nhủ tôi. Hầu như tất cả mọi người đều nói giống nhau khuyên bảo tôi nên chú trọng ba điều: “Thứ nhất, đặt gia đình và con cái lên ưu tiên hàng đầu; thứ hai, đặt chồng lên ưu tiên hàng đầu; thứ ba, đặt sự nghiệp lên ưu tiên hàng đầu”. Họ không muốn thấy tất cả những điều này bị hủy hoại trong chốc lát vì tôi kiên trì tu luyện Đại Pháp mà đối đầu với cường quyền và chính phủ hùng mạnh. Cha ruột, anh cả và chồng tôi ngay từ đầu đã trở thành lực lượng chính không ngừng gây áp lực lên tôi, đồng thời bắt người thân bạn bè bao vây tấn công khiến tôi chịu đựng đủ thứ giày vò.
Cách đây không lâu, tôi đi công tác ở Trường Xuân, trong bữa tiệc gia đình, anh cả hợp tác với cha đột nhiên khóa chặt cửa lại, nhốt tôi ở trong phòng ngửa bài với tôi. Cha tôi khóc lóc than thở, anh cả thì nổi giận đùng đùng. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cha rơi nước mắt, kể cả khi gặp khó khăn trắc trở và bị áp bức lăng nhục trong Đại cách mạng văn hóa lớn như vậy đều chưa từng rơi lệ, mà hôm nay đối diện với cha đầy nước mắt, tôi sợ đến hoảng hốt thất kinh.
Cha tôi, theo cách nói của đảng, xuất thân từ một gia đình thuộc “giai cấp bóc lột”, cả một đời vì sự nghiệp giáo dục, mấy lần bị đấu tố, một đời trải qua nhiều gian khổ ê chề, ông có cái nhìn về nội hàm đặc biệt và cách giải thích khắc cốt ghi tâm đối với hai từ “chính trị” mà thế hệ ông có nhận định không giống với thế hệ chúng ta. Kỳ thực những khổ nạn của thế hệ cha chú, trong suốt quá trình phát sinh và phát triển những bi kịch đó đã sớm định hình lại trong lòng tôi và đã để lại những vết sẹo và dấu ấn khó phai mờ, chỉ bất quá là hình thức biểu hiện của hai thế hệ khác nhau mà thôi. Đối với tôi mà nói, bi kịch bắt đầu trong ký ức tuổi thơ của tôi đã hoàn toàn được hóa giải triệt để và biến thành một đám mây tiêu tan kể từ ngày tôi tu Đại Pháp. Nhưng cha tôi lại giữ mãi trong lòng toàn bộ câu chuyện cuộc đời của ông, từ đó ông hiểu ra rằng những đạo lý nhân sinh trăm nghìn năm không đổi mà ông học được từ lâu đã biến dị rồi, ông lấy đó để điểm hóa và tìm cách bảo vệ con cháu sau này. Bởi vậy khi đối diện với cha – một ông già đã trải qua 80 năm cuộc đời dâu bể giờ nước mắt giàn giụa – trong lòng tôi run rẩy, tôi vô cùng xót xa cảm thấy rằng người không tu luyện thật đáng thương! Con người làm sao có thể thoát khỏi kiếp làm người? Cho dù cha tôi đã nghiên cứu lịch sử, hiểu rõ mọi thứ từ cổ chí kim thì có ích gì chứ?!
Tu luyện, khiến tôi hiểu được sinh tử của con người, nhân duyên quả báo, vũ trụ vô biên cùng với chân lý vĩnh hằng của sinh mệnh! Tôi đã hiểu và đã thoát khỏi tất cả những điều này ở tuổi bốn mươi, nhưng cha tôi tám mươi tuổi vẫn còn u mê, và trên thế giới này còn có bao nhiêu sinh mệnh giống như cha tôi đây! Nước mắt dâng trào trong mắt tôi.
Tôi chỉ có thể kể lại một cách khó khăn.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/113432
Ngày đăng: 27-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.