Mật mã phương Đông (Quyển 1 – Phần 2.11): Chính tự Thần truyền, biến dị nhập ma



[ChanhKien.org]

Vũ trụ và vạn sự vạn vật trong đó đều là tạo hóa của Thần, là thể hiện trực tiếp thần tính, trong Kinh Dịch ghi chép về chữ Hán được tạo ra theo phương pháp “ngưỡng tắc quan tượng vu thiên, phủ tắc quan pháp vu địa, quan điểu thú chi văn dữ địa chi nghi, cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật” (nghĩa là: ngẩng mặt lên quan sát tượng của trời, cúi mặt quan sát theo phép của đất, xem cái văn của loài chim thú cùng với sự thích nghi của các loại thực vật trên mặt đất, gần thì xem xét bản thân mình, xa thì quan sát vạn vật), vì vậy chữ Hán tất nhiên là cũng có truyền thừa thần tính trong đó, từ đó có thể thể hiện một mạch tương truyền những nội hàm Thiên Đạo được truyền tải ở vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Thần thông qua quá trình diễn hóa trong lịch sử, thông qua ngôn ngữ và chữ viết để truyền vào tư tưởng mà con người nên phải có. Con người trong quá trình tương tác lặp lại của Thần cho đến vạn sự trong thiên địa đã dần dần biến hết thảy những nhận thức về vũ trụ trở thành tư tưởng của mình, và truyền thừa cho các thế hệ sau. Quá trình diễn hóa nhìn như là rất “tự nhiên” này kỳ thực đều là nằm trong sự an bài của Thần, chính vì vậy, từ ban đầu chữ Hán chính là thể hiện và biểu đạt trực tiếp đối với Thần, đối với vũ trụ, thiên, địa và con người, cho đến vạn sự vạn vật và cả các quy luật của nó, vì thế mà Hán tự mới có thể có nội hàm thâm sâu đến thế, mới có thể vô sở bất bao, vô sở di lậu đối ứng và thể hiện hết thảy mọi thứ trong vũ trụ.

Chữ Hán phát triển đến chữ Triện là đã trải qua chỉnh lý toàn diện, hình của chữ đã cơ bản xác định. Từ chữ Triện đến chữ Lệ, rồi lại đến chữ Khải, hình của chữ cuối cùng đã cố định lại trở thành quy phạm. Chữ phù hợp quy phạm chính là chữ chính thể hoặc là chính tự (còn có cách gọi khác là phồn thể), còn chữ không phù hợp quy phạm là chữ tục thể hay tục tự. Sự hình thành, cố định hóa cuối cùng của chữ Hán Khải thư phồn thể đã đánh dấu sự hoàn thành cuối cùng của quá trình Thần sáng tạo ra chữ Hán, đến lúc này, Hán tự đã đạt đến đỉnh cao của cảnh giới hoàn thiện hoàn mỹ. Đặc điểm thần tính của chữ Hán là độc nhất vô nhị so với các loại chữ viết của các ngôn ngữ trên thế giới trong văn minh nhân loại lần này, không gì sánh được, bởi vì nội hàm của Nó là do Thần tự thân đặt định.

Sự lý giải đúng đắn của con người đối với Hán tự kỳ thực là trực tiếp phản ánh nhận thức chính xác của con người đối với Thiên địa nhân cũng như sự tuân tòng của con người với Thiên đạo, hành vi là được quyết định bởi tư tưởng, những tư tưởng sai trái của con người thông thường đều bắt nguồn từ việc giải thích và vận dụng sai lệch chữ Hán. Chữ tục thể thường ít nét hơn chữ chính thể, vì cái gọi là sự thuận tiện đó nên nó đã được sử dụng khá nhiều trong các trường hợp phi chính quy và trong dân gian, nhưng nội hàm biểu hiện của chữ tục thể này đã phát sinh biến dị tương đối so với chữ chính thể, thậm chí là hoàn toàn ngược với nghĩa gốc, nó không thể biểu đạt chuẩn xác chân tướng Thiên đạo mà vũ trụ, thiên địa cho đến vạn sự vạn vật biểu hiện ra, nên con người sẽ dần dần rơi vào mê trong vô minh. Hiện nay đã phát hiện không ít những chữ tục thể trong các sách cổ, các thư tịch cổ và các tác phẩm thư pháp nổi tiếng, cho thấy những loại biến dị này đã tồn tại từ lâu.

Sự biến dị của Hán tự còn bao gồm việc con người dùng sai trong quá trình sử dụng chữ Hán, nguyên nhân là sử dụng giả tá (theo Thuyết văn giải tự, loại chữ giả tá này tuy không có bản thân, nhưng trong ngôn ngữ lại có âm nghĩa của nó, muốn viết thành chữ, không thể áp dụng năm nguyên lý tạo chữ là tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú, cho nên người ta mượn chữ nào đồng âm với nó, kỳ thác vào chữ đồng âm ấy, như thế gọi là giả tá. Giả là không có, tá là mượn), sai sót trong sao chép chữ, tùy ý tạo ra chữ… Ở đây chúng tôi không nêu ra từng ví dụ cụ thể, chúng tôi sẽ đưa vào “Quyển 2” những giải thích tường tận để truy về ngọn nguồn chữ Hán.

Tuy nhiên, sự phá hoại chữ Hán trên phạm vi lớn không chỉ đơn thuần ở những nguyên nhân nói trên, mà hoàn toàn là sự phá hoại hữu ý của con người do không biết được nội hàm thần tính của chữ Hán. Khi lịch sử tiến nhập vào mấy thế kỷ gần đây, đạo đức nhân loại đã bắt đầu trượt dốc toàn diện, thần tính của con người đã hầu như bị tiêu mất, thời kỳ mạt Pháp vô thần luận tràn lan là giai đoạn cuối cùng của chu kỳ 5000 năm của lịch sử nhân loại, cũng chính là giai đoạn thứ tám trong lịch sử vũ trụ, hết thảy mọi thứ tương ứng đều đang trong bại hoại, 28 con quỷ ứng với kiếp mà sinh ra, vì hủy diệt mà đến, chúng phá hoại đầu tiên chính là văn hóa truyền thống, tư tưởng và tinh thần tín ngưỡng Thần của con người, trực tiếp phá hoại nhắm vào con người và chữ Hán.

Nguồn gốc của phong trào đơn giản hóa chữ Hán có từ rất sớm. Có thể tra cứu thấy từ thời Thái Bình Thiên quốc, mượn cớ là để nâng cao tỉ lệ biết đọc biết viết chữ, về sau cũng có nhiều người tán đồng cái gọi là muốn đề cao trình độ nhận thức của người dân thì đầu tiên cần nâng cao tỉ lệ biết đọc biết viết, mà muốn tăng tỉ lệ biết đọc biết viết thì cần phải đơn giản hóa chữ tiếng Trung vốn là quá phức tạp. Phong trào đơn giản hóa chữ Hán chính là đến như vậy, kỳ thực đều là mượn cớ, đầu thế kỷ trước ở Trung Quốc đã xuất hiện phong trào đả đảo Khổng Tử, phong trào văn bạch thoại và cuộc vận động văn hóa mới, trên thực tế chính là ma quỷ đã đến làm loạn và bắt đầu cắt đứt sinh mệnh của văn hóa truyền thống Trung Hoa, đến để cắt đứt sinh mệnh của người Trung Quốc, trong hàng loạt các cuộc vận động lớn nhỏ sóng này tiếp sóng khác ấy, chúng đã dùng muôn vàn lý do để làm bại hoại người Trung Quốc, sát hại người Trung Quốc, bởi vì chúng đến là để hủy diệt con người. Đây chính là biểu hiện thiên tượng diệt thế gian ở vị trí thứ tám trong chu kỳ vũ trụ.

Những nhận định trên được trích dẫn từ các nguồn nghiên cứu công khai về “đơn giản hóa Hán tự”, do giới hạn của bài viết nên chỉ có thể trích ngắn gọn, nội dung cũng chưa được khảo chứng, chúng tôi xin cung cấp để độc giả tham khảo. Từ đó chúng ta có thể thấy đại thể quá trình phá hoại giản hóa Hán tự trong hơn 100 năm qua như sau:

Năm 1909, nhà giáo Lục Phí Quy đã có bài luận đăng trên “Tạp chí Giáo dục” tiêu đề “Giáo dục phổ thông nên sử dụng chữ tục thể”, đây là lần đầu tiên trong lịch sử công khai ủng hộ việc sử dụng chữ giản thể.

Ngày 1/2/1920, Tiền Huyền Đồng đã viết bài báo “Nên giản lược nét chữ Hán” đăng trên tờ “Thanh niên”.

Năm 1929, Cù Thu Bạch, Ngô Ngọc Chương (là lãnh đạo đảng Trung Cộng) và những lưu học sinh học tại Liên Xô đã xuất bản kế hoạch “Bảng chữ cái La-tinh hóa tiếng Trung”. Tháng 9/1931, họ tham gia Đại hội Đại biểu lần thứ nhất về chữ viết mới cho Trung Quốc tại Vladivostok, Liên Xô, nhằm thúc đẩy việc bãi bỏ chữ Hán và chuyển sang sử dụng bảng chữ cái La-tinh ở Trung Quốc, đề xuất “hoàn toàn loại bỏ chữ viết hình tượng” ở Trung Quốc.

Tháng 1/1934, tại đại hội lần 29 Ủy ban trù bị thống nhất ngôn ngữ quốc gia đã thông qua kế hoạch của Tiền Huyền Đồng về “Sưu tầm các chữ giản thể có sẵn để có thể sử dụng”, được trình lên Bộ Giáo dục xin ý kiến.

Năm 1935, Trung Hoa dân quốc đã công bố “Các chữ giản thể lần đầu” tổng cộng thu thập được 324 chữ giản thể lưu truyền trong dân gian.

2/5/1936, do sự phản đối mạnh mẽ của Đới Quy Đào, là nguyên lão có uy tín của Quốc dân đảng đương thời, Bộ Giáo dục áp theo mệnh lệnh của “Hành chính viện”, “tạm hoãn thực hiện chữ giản thể”, danh sách chữ giản thể lần thứ nhất cũng bị thu hồi.

Đến chiến tranh thế giới II, phong trào giản hóa chữ Hán lại được phát triển rộng trong phạm vi lãnh thổ đảng cộng sản thống trị, nhưng người ta quan tâm hơn đến việc sáng tạo ra các chữ mới. Những căn cứ địa kháng Nhật và khu giải phóng của Đảng cộng sản Trung Quốc đã sáng tạo ra rất nhiều chữ, ví như: đoàn 团, đội 队, hộ 护, ưu 忧, cực 极, câu 沟, lịch 历, nghệ 艺, thược (chìa khóa) 钥, hương (thôn quê)乡, hiến (pháp) 宪, tập 习, diệt 灭, đốn (tấn) 吨, từng 丛…

Cù Thu Bạch và các nhà Hán học Liên Xô dựa trên “Phương thức phiên âm (bính âm) chữ quốc ngữ theo chữ La-tinh” của nhà ngôn ngữ học Lê Cẩm Hy và Triệu Nguyên Nhiệm để tạo nên chữ mới La-tinh hóa, gây ra ảnh hưởng lớn nhất. Dưới sự khởi xướng của Ngô Ngọc Chương, thì “chữ mới La-tinh hóa” ở vùng Diên An có lúc thậm chí còn đạt được địa vị tương đương với chữ Hán.

Ngày 10/10/1949, Hiệp hội cải cách Hán tự của Trung Quốc được thành lập, việc chỉnh lý và giản hóa chữ Hán là một trong những mục tiêu chú trọng của hiệp hội này.

Ngày 25/3/1952, nhóm chỉnh lý chữ Hán thuộc “Ủy ban nghiên cứu cải cách chữ Hán” đã được thành lập, khởi đầu bắt tay vạch ra “dự thảo danh sách những chữ Hán giản hóa thường dùng”.

Ngày 1/10/1953, Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc đã thành lập Ủy ban trung ương về vấn đề chữ Hán.

Ngày 1/2/1956, lô 230 chữ Hán giản thể và 30 bộ thủ loại suy đầu tiên đã được chính thức công bố. Những chữ tục thể được sử dụng trong dân gian hàng nghìn năm, đã có thân phận “hợp pháp”.

Tháng 5/1964 Ủy ban cải cách chữ Hán Trung Quốc đã xuất bản “Bảng tổng hợp các chữ giản thể”, bảng thứ nhất có 352 chữ giản thể không sử dụng làm bộ thủ, bảng thứ 2 có 132 chữ giản thể có thể sử dụng làm thiên bàng giản thể; bảng thứ 3 có 1754 chữ được suy ra từ bảng 2, tổng cộng có 2236 chữ giản thể, đây là những chữ giản thể đang được sử dụng tại Đại Lục ngày nay.

Ngày 20/12/1977, công bố kế hoạch giản hóa chữ Hán lần 2 (bản dự thảo), gọi tắt “Chữ giản thể 2”.

Tháng 7/1978, Ban tuyên giáo trung ương ra thông tri dừng sử dụng “Chữ giản thể 2” trên báo chí, tạp chí, sách vở…

Ngày 24/6/1986, Quốc vụ viện ra tuyên bố bãi bỏ “Chữ giản thể 2”.

Ngày 10/10/1986, Bảng tổng hợp chữ giản thể được phát hành lại, đăng trên “Nhân Dân Nhật Báo” số ngày 15/10, tổng cộng có 2274 chữ giản thể và 14 bộ thủ giản thể, ví dụ chữ điệp “叠” không còn viết tắt là “迭,” chữ phúc “覆” không còn viết tắt là “复,” chữ tượng “像” không còn viết tắt là “象,” và chữ lạc “啰” không còn viết tắt là “罗”.

Từ đó cho thấy chính đảng cộng sản đã thực sự tiến hành đơn giản hóa và phá hoại chữ Hán trên quy mô lớn. Bản kế hoạch “Bảng chữ cái La-tinh hóa tiếng Trung” do Cù Thu Bạch và Ngô Ngọc Chương đề xuất năm 1929, thực tế là để hưởng ứng việc thực hiện kế hoạch tiêu diệt chữ Hán do Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Stalin đề xuất, nhằm mục đích loại bỏ trở ngại văn hóa để mở rộng toàn diện chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc, chứ thực sự không phải là vì để nâng cao tỉ lệ biết đọc biết viết chữ Hán cho người dân.

Trong quá trình đơn giản hóa chữ Hán này, thì chữ Hán chính thể được sử dụng trong hàng nghìn năm lại bị nói thành là chữ phồn thể lạc hậu, hoặc là chữ dị thể, để rồi vì thế mà bị bài trừ đi, phá hoại đi, loại bỏ đi, bị thay thể bằng lượng lớn chữ tục thể, bằng những chữ thảo đã tinh giản đi nhiều nét, kết hợp chữ tùy ý để thành chữ mới thay thế các chữ cũ, dẫn đến chính và phản đã phát sinh điên đảo hoàn toàn. Ví dụ: Thân bất tương kiến (1), ái một hữu tâm (2), sản bất sinh (3), xưởng không không (4), miến vô mạch (5), vận vô xa (6), đạo vô đạo (7), là thể hiện sự hoang đường trong đó.

Thông qua cuộc vận động đơn giản hóa chữ Hán, đảng cộng sản đã đạt được mục đích phá hoại hình thức của chữ Hán, làm biến dị nội hàm chữ Hán, làm hỗn loạn việc sử dụng chữ Hán, cuối cùng là loại bỏ nội hàm thần tính của chữ Hán, cắt đứt mối liên hệ giữa người và Thần, mục tiêu nhắm tới là phá hủy tín ngưỡng tâm linh vào Thần của con người, hủy đạo đức của con người. Đây là hủy diệt dân tộc Trung Hoa từ gốc rễ, chính là sự việc tà ma muốn làm vào thời mạt kiếp. Mục đích khác của nó là muốn làm hỗn loạn quan niệm về đúng sai, Thiện ác của con người, hủy hoại quan niệm chính thống về Thiên Địa Nhân Thần, đạt được việc che giấu bản tính tà ma của nó không bị con người thế giới nhận thức ra, rồi lấy tà thay chính với mục đích hủy diệt con người thế gian.

Con người đã từ bỏ tín ngưỡng đối với Thần, từ bỏ sự truyền thừa văn hóa mà Thần truyền cho, cuối cùng ắt sẽ đưa con người đến vận mệnh tự hủy diệt và bị đào thải. Chính tự là Thần truyền, còn chữ giản thể biến dị sẽ trong sự bất tri bất giác dùng sự đơn giản để dẫn dắt con người nhập ma, đây là một bài học lớn trong lịch sử nhân loại.

Quy chính lại chữ Hán là rất cần thiết để phục hưng nền văn hóa Thần truyền của Trung Hoa.

Nội dung cụ thể những chữ Hán bị chuyển thành giản thể, mời đón xem ở các phần sau.

Phụ lục 2: Biểu tổng hợp chữ Hán giản thể (bản mới 1986).

Chú thích:

(1): Người thân mà không gặp nhau, nghĩa là chữ “thân” giản thể 亲 là chữ “thân” chính thể 親 mất đi chữ “kiến” 見 nghĩa là trông thấy, gặp mặt gặp gỡ: 親 →亲.

(2): Yêu mà không tim, nghĩa là chữ “ái” giản thể 爱 là chữ “ái” chính thể 愛 mất đi chữ “tâm” 心: 愛 →爱.

(3): Đẻ mà không sinh, nghĩa là chữ “sản” giản thể 产 là chữ “sản” chính thể 產 mất đi chữ “sinh” 生: 產→产.

(4): Nhà máy mà trống rỗng, nghĩa là chữ “xưởng” giản thể 厂 là chữ “xưởng” chính thể 厰 trống rỗng bên trong: 厰 → 厂.

(5): Sợi miến mà không có bột mì, nghĩa là chữ “miến” giản thể 面 là chữ “miến” chính thể 麵 mất đi chữ “mạch”: 麵 → 面.

(6): Vận chuyển mà không có xe, nghĩa là chữ “vận” giản thể 运 là chữ “vận” chính thể 運 mất đi chữ “xa” 車: 運 → 运.

(7): Dẫn dắt mà không có đường, nghĩa là chữ “đạo” giản thể 导 là chữ “đạo” chính thể 導 mất đi chữ “đạo” 道:導 → 导.

Xem thêm Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết Thần truyền (11)

Dịch từ: https://media.zhengjian.org/media/2021/05/27/dongfangmima-1.pdf



Ngày đăng: 20-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.