Mật mã phương đông (Quyển 1 – Phần 2.4)



[ChanhKien.org]

Sự đối ứng của Hệ Mặt Trời và Lạc thư

Đứng từ góc độ vận chuyển thuận chiều của 9 đại hành tinh để xem xét Hệ Mặt Trời, đây không chỉ đơn giản là vấn đề phương hướng, mà nó là liên quan đến vấn đề căn bản rằng toàn bộ vũ trụ quan được dựng lập trên cơ điểm thị giác của con người có thể bảo trì tính nhất trí với đặc tính của vũ trụ hay không. Con người sinh tồn trên trái đất, vậy trái đất này là cơ điểm của con người, nếu như phương hướng không đúng, rất nhiều sự việc sẽ bị làm đảo lộn, từ đó dẫn đến một số kết quả đạt được bị sai, thậm chí vì sự đặt sai cơ điểm này mà ngay cả một số thư tịch cổ cũng đọc không hiểu được.

Trong chín đại hành tinh, có 4 hành tinh ở vòng trong (gồm cả trái đất) là dương, 4 hành tinh ở vòng ngoài là âm. Bốn hành tinh dương ở vòng trong tính từ Mặt Trời, hành tinh đầu tiên là sao Thủy, gần mặt trời nhất, ở vị trí dương của số 1 trên Lạc Thư, cũng là vị trí đầu tiên, chủ sinh. Các hành tinh ở vòng ngoài thì hành tinh thứ 9 là Sao Diêm Vương, xa mặt trời nhất, ở vị trí âm của số 8 trên Lạc Thư, là vị trí mạt (cuối cùng), chủ diệt.

Mộc, hỏa, trái đất (thuộc thổ), kim, thủy trong Ngũ hành được sắp xếp theo thứ tự từ ngoài hướng vào phía trong đến gần mặt trời, với sao Thủy là chủ sinh. Năm hành tinh thuộc về âm gồm sao Diêm Vương, sao Hải Vương, sao Thiên Vương, sao Thổ cũng được sắp xếp theo thứ tự hướng vào trong đến gần mặt trời, trong đó sao Diêm Vương là chủ tử. Âm dương đều là hướng dương mà sinh, rời xa dương mà bị diệt. Xem xét trong phạm vi hệ Mặt Trời, 9 đại hành tinh dựa vào mặt trời mà sinh mà tồn tại, mặt trời chính là biểu hiện của Thái cực, không gian của hệ Mặt Trời là vô cực. Dương ở chính vị, âm ở biến vị. Chín đại hành tinh được xếp đặt theo vị trí âm dương trong Lạc Thư, vận chuyển xuôi thuận theo chiều kim đồng hồ, ta thấy rằng thiên tượng của hệ Mặt Trời hoàn toàn phù hợp với sự phân chia vị trí các hành tinh âm dương trong Lạc thư.

Các vị trí số dương 1, 3, 7 là sao Thủy, sao Kim, sao Mộc. Sao Thủy (sơ dương, tức vị trí số 1) có góc nghiêng trục tự quay là nhỏ nhất, gần như bằng không, ở gần Mặt Trời nhất, là chủ sinh. Sao Mộc ở vị trí số 7 là đang ở giai đoạn sinh trưởng thịnh vượng, tự quay nhanh nhất, có từ trường mạnh nhất trong 9 đại hành tinh, âm ở đây mới manh nha lộ ra, góc nghiêng trục tự quay không đáng kể, khoảng 3,4 độ.

Góc nghiêng trục tự quay của sao Kim chỉ có 6 độ, là hành tinh có từ trường yếu nhất trong 9 đại hành tinh, có chiều chuyển động ngược so với các hành tinh khác. Sao Kim theo ý nghĩa truyền thống là có tính thu lại, ở vị trí phía Tây, chủ về mùa Thu. Kim là mùa thu hoạch, lưu tồn lại cái tốt, khứ bỏ cái xấu, có không khí tiêu điều sau khi gặt hái, vì là Sao Kim chủ về hình và phạt nên tất nhiên cần phải tự thân nó có sự thiên lệch nhỏ, hành động phải chính. Lúc này Thiên tượng là từ trong bại hoại hướng đi xuống (Lạc Thư xoay chuyển thuận chiều kim đồng hồ, đi lên theo hướng bên trái, đi xuống theo hướng bên phải), bởi vì thế nên lộn đầu trở lại quay ngược chiều mới là chính đạo để thăng hoa, vì thế mới có việc Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược, nếu như thuận theo hình thế của thế gian mà trôi theo thì thật là nguy hiểm, thiên tượng này là thời cơ để quay trở lại tu luyện bản thân. Hoại diệt mạt thế, lãng tử hồi đầu kim bất hoán (nghĩa là con hư biết nghĩ lại quý hơn vàng), cái tâm vàng kim này là đáng quý nhất, nếu con người ở trên sao Kim thì quả thật là nhìn thấy mặt trời mọc ở hướng tây. Sao Kim ở vị trí này là chủ về trừng phạt, là cần phù chính tru tà để quy chính tất cả.

Hai hành tinh ở góc chéo của số âm 2, 8 là sao Thiên Vương và sao Diêm Vương đều có góc nghiêng trục tự quay trên 90 độ, góc nghiêng trục tự quay của sao Thiên Vương đạt đến 97,53 độ, khởi tác dụng phụ rất lớn. Cả hai ngôi sao đều tự chuyển động theo trục ngang, hướng hai điểm cực vào trung tâm. Vì vậy ở vị trí 2 và 8 là Thiên tượng âm dương bắt đầu đi đến vị trí cực của 1 và 9, tại hai vị trí này của Lạc Thư cũng bắt đầu đổi chiều chuyển động từ phương trên đi xuống và dưới đi lên sang phương chuyển động ngang, sự vật đi đến cực đoan, đây là điềm báo của việc sắp đi về hướng nghịch Thiên nhi hành.

Sao Diêm vương ở vị trí số 8 có góc nghiêng đạt đến 119,61 độ, tức là đi đến cùng cực rồi. Ở vị trí cuối cùng của số âm, theo quan niệm truyền thống thì sao Diêm Vương liên quan đến cái chết, chủ về lấy đi sinh mệnh, đều là nhắm tới sinh mệnh con người, vị trí thứ 8 là vị trí diệt của vũ trụ, sao Diêm Vương cũng chuyển động ngang giống sao Thiên vương, mang khí thế càn quét tất cả mọi thứ. Sao Diêm Vương ở rìa ngoài cùng của 9 đại hành tinh trong hệ Mặt Trời, có kích thước nhỏ nhất, cách xa Mặt Trời nhất, nó thu được ít ánh sáng Mặt Trời nhất, là ngôi sao tối tăm u ám nhất. Nó tựa như là Địa phủ âm u được đặt chấn giữ ở nơi ngoài rìa nhất của hệ Mặt Trời, góc nghiêng trục tự quay của nó là 119,61 độ giống như lời cảnh báo trước kia của Diêm Vương “(trong 10 người) cứu và lưu lại 1 người!”, đây là câu nói đùa ư, có thể coi như một câu chuyện vui ư, nhưng Đại Pháp đã truyền ra thế gian, thì Thiên tượng cũ đã cải biến rồi. Sao Kim và sao Diêm Vương vừa đúng nằm ở vị trí góc bên phải đang vận chuyển hướng xuống dưới của Lạc Thư, theo ý nghĩa truyền thống vị trí số 3 và số 8 của Lạc Thư chính là những vị trí tử tuyệt, chủ về các hình phạt, đây chính là vị trí thuộc giai đoạn bại hoại trong vận hành của Lạc Thư, vị trí số 8 là vị trí diệt của vũ trụ, đại biểu cho giai đoạn suy bại của vạn vật, đây là khu vực cần đặc biệt quan tâm.

Vũ trụ là lấy các đặc tính chính làm chủ đạo, xem xét hệ Mặt trời từ góc độ Lạc Thư, ta thấy giai đoạn thành và trụ của âm dương đều thuộc đường chéo từ vị trí số 6 đến vị trí số 4, tuyệt đại bộ phận thể tích của các hành tinh trong hệ Mặt Trời là phân bố tại các vị trí này. Sao Mộc ở vị trí dương của số 7 và sao Thổ ở vị trí âm của số 4 có thể tích lớn nhất. Chỉ riêng 4 hành tinh lớn nhất là sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương, sao Hải vương đã chiếm 99% tổng thể tích của các hành tinh quay quanh Mặt Trời, trong đó riêng sao Mộc chiếm 71%. Bốn hành tinh này là thể khí đều là những hành tinh khí đang trong quá trình hình thành, còn sao Hỏa và trái đất là 2 hành tinh đã thành thục. Có thể nói đây là khu vực mà một sinh mệnh trong hệ Mặt trời có lực cường thịnh nhất, dùng ngôn ngữ hiện tại mà nói, đây là khu vực tập trung năng lượng chính.

Ngược lại, sao Thủy, sao Kim và sao Diêm Vương đều ở tại phía dưới đường chéo từ vị trí số 6 đến vị trí số 4, là khu vực “âm” đối ứng với Thái Cực Đồ, sao Thủy ở vị trí dương của số 1 và sao Diêm Vương ở vị trí âm cuối cùng của số 8 là những hành tinh có thể tích nhỏ nhất trong 9 đại hành tinh.

Các hành tinh ở phía trên đường chéo từ vị trí số 6 đến vị trí số 4 có tổng cộng có 204 vệ tinh, nhưng ở phía dưới đường chéo đó thì chỉ sao Diêm Vương là có 5 vệ tinh (số lượng vệ tinh tính đến 12/2019, không kể mặt trăng nhân tạo). Vị trí số 5, 1, 3, 8 ở góc dưới bên phải Lạc Thư (vị trí của Trái đất, Sao Thủy, Sao Kim và sao Diêm Vương), ngoại trừ sao Diêm Vương ra thì đây là khu vực mà các hành tinh không có vệ tinh nào. Trong từ vệ tinh, thì vệ đồng âm với ngụy, tinh đồng âm với tâm, giới tu luyện và các nhân sĩ đều biết: cần phải tống khứ những cái ngụy tâm của chân ngã ấy trong quá trình tu luyện.

Do đó có thể thấy 9 đại hành tinh trong hệ Mặt Trời có đặc điểm, sự phân bố và vận hành nhất quán cao độ với Lạc Thư đến mức khiến con người phải kinh ngạc. Bốn hành tinh là Sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, sao Diêm Vương đối ứng với 4 số ở vị trí âm 2, 4, 6, 8 trên Lạc Thư, là những hành tinh mới được giới Thiên văn phương Tây phát hiện ra hơn 200 năm nay, nhưng kỳ lạ là Lạc Thư của Trung Quốc cổ đại đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước, vậy tại sao người xưa lại biết được sự tồn tại của nó? Do siêu năng lực của họ hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay là có bí quyết thần thông nào đó?

Cái điều được gọi là trùng hợp này, kỳ thực đó là sự an bài của Thiên Đạo ngay từ đầu khi sáng lập vũ trụ, trong cõi u minh hết thảy đều là đã có chủ định. Khi Sáng Thế Chủ khai sáng vũ trụ, thì hết thảy mọi cơ chế trong vũ trụ đều đã được an bài trong đó, chỉ chờ con người đi nhận thức, đồng hóa, con người là đồng tâm và đồng hành với Thiên địa. Sao Chổi cũng gọi là sao phướn, sao tua (trong tiếng hán, sao chổi được gọi là tuệ tinh-彗星, bội tinh-孛星, tảo tảo tinh-扫掃星), các tên gọi này đuợc đặt tên dựa theo hình dạng cái đuôi dài của nó. Trong chữ tuệ (彗) gồm bộ kí (彐, nghĩa là đầu con nhím) có nội hàm là quét sạch, 2 chữ phong “丰” ở đây có nghĩa là dồi dào, sinh sôi, vì vậy người xưa cho rằng, sự xuất hiện của sao Chổi biểu thị cho thiên tượng phá bỏ cái cũ thành lập cái mới, là điềm báo trước sự hủy diệt những sự vật cũ đã bại hoại, cũng là điềm báo sự xuất hiện của những sự vật mới, là điềm báo cát tường đối với người tốt, cũng là điềm hung đối với những người xấu. Còn sao Băng là những mảnh vụn tàn tích các tinh thể khác bị giải thể rơi xuống bầu khí quyển, sao Băng hoặc thiên thạch đều có nghĩa là những sinh mệnh cũ bại hoại bị giải thể hủy diệt mà rơi vào khí quyển.

Quỹ đạo của sao Chổi không song song với các hành tinh khác, mà từ bên ngoài chuyển động ngang qua quỹ đạo của 9 đại hành tinh, đi thẳng đến điểm gần mặt trời, sau đó lại quay ngược lại chuyển động ra ngoài biên của 9 đại hành tinh, tựa như ngôi sao từ bên ngoài được phái đến tuần tra hệ Mặt trời, nó thường làm nhân loại rất lo sợ, nghĩa là nói nó vận động xuyên qua toàn bộ hệ Mặt Trời, tương đương với việc nó vận hành trên đường chéo 2-5-8 hoặc 4-5-6 của Lạc Thư, cũng chính là có hướng như nét mác và nét phết của Hán tự, quỹ đạo của nó rất hẹp và dài. Vậy thì, cuộc đại thanh lý mà nó thông báo trước không chỉ là sự việc cục bộ, mà có thể là đại biến hóa nội trong phạm vi toàn bộ hệ Mặt Trời, do đó tai nạn mà nó báo trước thường cũng là trong phạm vi rất lớn. Chu kỳ vận hành của nó dài hàng chục năm, hàng trăm năm thậm chí còn lâu hơn nữa.

Căn nguyên của những tai nạn thảm họa này là gì? Chúng ta biết chữ tuệ “彗”trong chữ sao chổi thiếu mất bộ tâm “心” của chữ tuệ “慧: trí tuệ”, tức là sự bại hoại của đạo đức lương tâm là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến giải thể cuối cùng của hình thể vật chất, có thể đó chính là ý nghĩa chân chính mà chữ tuệ “彗” trong từ sao chổi muốn biểu đạt cho con người. Phải có tâm thì mới thành trí tuệ “慧” được, sau khi quét sạch bụi trần trong tâm, thì những gì xuất phát từ nơi tâm này mới chính là trí huệ, là ánh quang tiên thiên xuất phát từ trái tim thuần tịnh, như thế mới có thể thấu triệt các tầng thứ Thiên – địa- nhân, thấu hiểu sự biến hóa của âm dương ngũ hành, điều này là thứ không thể chạm tới nếu chỉ vào sự thông minh của con người. Chữ phong 丰 (do chữ tam và nét xổ thẳng xuyên qua chữ tam) biểu thị là xuyên suốt 3 tầng thứ Thiên- địa- nhân, ngoài ra phong còn có nghĩa là dồi dào, sinh sôi; 2 chữ phong ở 2 bên phải trái là đại biểu cho 2 phương diện âm dương.

Trong lịch sử đã có rất nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến sao Chổi, trong đó có rất nhiều ghi chép đã ứng nghiệm trong thực tế, do giới hạn của cuốn sách này nên chúng tôi sẽ không đề cập chi tiết. Bạn đọc quan tâm có thể tự mình tra cứu.

Giới thiên văn nói phải loại trừ sao Diêm Vương ra khỏi 9 đại hành tinh, chỉ công nhận 8 đại hành tinh, đây là cách nghĩ của họ. Nhưng từ Lạc Thư mà xét, cách nghĩ này có thể là ấu trĩ, vũ trụ là một thể hệ hoàn chỉnh, các Thiên thể đều tự có đạo lý tồn tại của nó, chứ không phải là dựa theo tiêu chuẩn của con người mà có thể tùy ý lựa chọn hay loại bỏ, điều này hoàn toàn không có chút liên quan nào đến việc con người nhận định ngôi sao nào đó có phải là hành tinh hay không, độc giả có thể tự mình phán đoán đưa ra kết luận.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/267516



Ngày đăng: 22-03-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.