Mật mã phương Đông (Quyển 1 – Lời mở đầu)



[ChanhKien.org]

Lời dẫn:

Chữ Hán là mật mã của văn minh phương Đông, là cầu nối liên hệ giữa thiên thể, vũ trụ và nhân thể, là con đường tâm linh câu thông Thiên Địa Nhân Thần, là chiếc chìa khoá vàng mà Sáng Thế Chủ chuẩn bị cho chúng ta để giải khai ẩn đố lịch sử từ hàng nghìn năm cho đến những niên đại xa xôi hơn nữa, triển hiện cho chúng ta chân tướng vũ trụ và nhân sinh. Bộ sách đưa độc giả quay lại quá trình lịch sử diễn biến phát triển của chữ Hán, đồng thời triển hiện cho độc giả căn nguyên nội hàm mang Thần tính ở tầng thâm sâu hơn của chữ Hán. Sở dĩ chúng tôi không sử dụng phương pháp tượng hình đơn giản trước đây để tìm hiểu chữ Hán, là bởi vì tuy làm vậy cũng có thể liên kết chữ Hán với hình tượng cụ thể, nhưng cũng vì vậy mà hạn chế con người ở biểu tượng của sự vật, không thể trực tiếp đạt tới bản chất sản sinh ra chữ Hán – Nội hàm Thần tính ở tầng thâm sâu hơn mà Thần đã gửi gắm vào chữ Hán, mà đây mới chính là căn nguyên sự tinh túy và trường tồn của chữ Hán.Với sự an bài một cách có hệ thống của Thần, chữ Hán đã được truyền cho con người, mỗi nét bút trong chữ Hán đều thể hiện trí huệ vô lượng và lòng từ bi hồng đại của Sáng Thế Chủ.

Do tu vi của bản thân tác giả có hạn, những điều đề cập trong cuốn sách cũng chỉ thể hiện được một chút xíu nội hàm Thần tính bác đại tinh thâm của chữ Hán mà thôi, chỉ là một chút nhận thức nông cạn trong phạm vi vũ trụ cực nhỏ này, chỉ là một giọt nước trong biển cả bao la, hi vọng có thể là chút gợi ý để mọi người cùng có thêm nhiều ý kiến bàn luận. Tác giả trong quá trình nhận thức khó tránh khỏi những sơ hở và sai sót, kính mong quảng đại độc giả từ bi chỉ ra những thiếu sót, xin chân thành cảm ơn!

Quyển 1 – Mục lục:

Phần I. Bối cảnh sản sinh ra chữ Hán

1. Khai thiên tịch địa, vũ trụ quan trong văn hóa Thần truyền

2. Thần tạo ra con người, sinh mệnh quan trong văn hóa Thần truyền

3. Phản bổn quy chân, giác ngộ quan trong văn hóa Thần truyền

4. Thần tính quan thiên nhân cảm ứng, thiên nhân hợp nhất

5. Ma tính thời loạn thế là quan niệm bại hoại ăn mòn Thần tính

Phần II. Đối ứng của chữ Hán trong thế giới vũ trụ

1. “Vũ trụ như quả trứng”, càn khôn xem chính chuyển

2. Bàn về Lạc Thư

3. Góc nhìn chính diện về Hệ Mặt Trời trong Hệ Ngân Hà

4. Đối ứng của Hệ Mặt Trời và Lạc Thư

5. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

6. Nguy cơ âm dương phản bối và lối thoát bằng tu luyện thăng hoa

7. Chính kiến và tà kiến

8. Lịch sử nhân loại là thể hiện diễn hóa của quy luật thiên đạo

9. Chữ Hán trong tầng thứ vũ trụ và đối ứng với Lạc Thư

10. Kết cấu và hình thức thể hiện nội hàm của chữ Hán

11. 10 nét viết cơ bản của chữ Hán

12. Chính thể truyền thần, biến dị nhập ma (Chữ chính thể truyền thụ ý chỉ của Thần, chữ giản thể đưa con người theo ma quỷ)

Phần III. Chữ Hán và sự quy chính quan niệm

1. Quay lại Thần tính, giá trị quan vĩnh hằng của sinh mệnh

2. Trí huệ vũ trụ thông suốt

3. “Ngã” – nhận thức bản thân từ một góc độ khác

4. Tự dĩ truyền Thần, văn dĩ tải Đạo

5. Bàn về mật mã 8341

Tuyên bố về bản quyền của cuốn sách:

Phụ lục 1: Bảng đối chiếu một chữ giản thể với nhiều chữ chính thể

Phụ lục 2: Bảng tổng hợp chữ giản thể (bản năm 1986)

Dẫn nhập

Chữ Hán truyền tải lịch sử văn minh 5000 Trung Hoa, ghi chép lại nhận thức của người xưa về vũ trụ thiên đạo, thế giới và con người, thể hiện Thần tính vĩ đại. Nội hàm Thần tính bác đại tinh thâm trong chữ Hán chính là nguồn gốc của văn minh Trung Hoa. Trong thời đại thượng cổ, con người dùng phương thức truyền miệng để giao lưu, thắt nút dây để ghi nhớ sự việc. Sau này, Hoàng đế mới lệnh cho sử quan Thương Hiệt tạo ra chữ. Vì vậy, văn tự đã trở thành một trong những phát minh sớm nhất và quan trọng nhất của dân tộc Trung Hoa. Có thể nói rằng cho đến ngày nay, con người vẫn đang sử dụng những “văn vật” cổ xưa nhất ấy. Chữ Hán truyền tải văn minh và lịch sử, đem theo sự kỳ vọng, trí huệ và sự ký thác của tổ tiên, trở thành những viên ngọc sáng chói rực rỡ trong dòng sông lịch sử 5000 năm, giống như những vì sao dày đặc trong dải Ngân hà chiếu rọi lên vũ trụ, soi sáng từng ngọn núi từng con sông trên vùng đất Thần Châu, đem đến cho con người ánh sáng quang minh, đem đến những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết, đem đến sự thuần tịnh của vũ trụ, đem đến hy vọng và phúc âm của Thần, và những thánh cảnh vô cùng mỹ hảo nơi thế giới thiên quốc.

Sử quan Thương Hiệt tạo ra chữ viết là để ghi chép điều gì và nói với hậu nhân điều gì? Vào thời kỳ đầu của nền văn minh, mọi thứ đều đang trong trứng nước, trong trạng thái nguyên thuỷ, cuộc sống vô vàn khó khăn, văn tự còn chưa có mà đã có sử quan chuyên trách, con người thời đó đã rất có ý thức về lịch sử! Rốt cuộc sự việc gì lại quan trọng như vậy, cần phải gấp rút ghi lại để truyền cho các thế hệ hậu nhân vậy? Đây là sự việc mà tổ tiên xem là trọng đại nhất. Vậy tại sao phải lưu lại cho hậu nhân? Lịch sử chính là liên quan đến sự thật, kinh nghiệm hoặc những bài học quan trọng. Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử đó mà ngày nay chúng ta được học lại gần như chỉ là thần thoại. Vậy những câu chuyện thần thoại này có liên quan gì tới những sự thật, kinh nghiệm hay những bài học lịch sử quan trọng đây? Hiển nhiên rằng, hết thảy điều này đều ẩn chứa trong bản thân chữ viết, bởi vì văn tự vốn dĩ được sinh ra để ghi chép lại giai đoạn lịch sử ấy, mỗi chữ đều là sự biểu đạt trực tiếp nhất, chân thực nhất và cũng là nguyên bản nhất đối với lịch sử. Chữ viết vào thời kỳ sơ khai nhất đa phần đều trực tiếp miêu tả vũ trụ, thiên địa, vạn sự vạn vật, quy luật vận động, diễn hóa của nó và các sự kiện gắn với nó. Mặc dù gọi là chữ viết, nhưng kỳ thực chúng trông giống với những “bức tranh” tả thực hơn, ví dụ các loài chim, thú, côn trùng, cá chỉ cần nhìn hình tượng thể hiện qua chữ thì có thể biết các chữ này mang nội hàm gì. Loại chữ “được vẽ ra” này rất dễ nhận biết, rất thích hợp để lưu truyền và sử dụng. Tuy nhiên, không phải mọi điều đều có thể dùng hình tượng để vẽ ra, vậy nên xuất hiện những phương pháp tạo chữ khác dựa trên cơ sở tượng hình, đó là: phương pháp hội ý, chỉ sự, hình thanh, chuyển chú, giả tá, cũng gọi là “Lục thư”. Chữ giáp cốt là thể chữ được khắc trên mai rùa và xương thú, xuất hiện vào thời kỳ nhà Thương, đây được coi là chữ viết cổ của Trung Quốc mà về cơ bản đã hình thành một thể hệ hoàn chỉnh. Cùng với sự phát triển lịch sử, hệ thống chữ viết ngày càng trở nên hoàn thiện, nội hàm cũng ngày càng đa dạng và phong phú.

Về dụng cụ viết chữ (như dao, bút cứng, bút lông) và vật liệu viết chữ (như mai rùa, xương thú, đồng, gốm, đốt tre, thân cây, lụa, giấy v.v..) tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến đường nét và hình dạng của chữ, cuối cùng đường nét được định hình lại thành các nét chấm, nét ngang, nét sổ, nét phảy, nét gập, nét hất, nét móc mà ngày nay chúng ta quen thuộc, mỗi chữ được viết trong một ô vuông. Trong thời kỳ này xuất hiện ba sự kiện quan trọng. Một là, Mông Điềm tạo ra bút lông, một công cụ viết chữ rất thuận tiện ra đời. Hai là, Thái Luân thời Đông Hán phát minh ra giấy, đã tạo thuận tiện cho việc ghi chép chữ. Ba là, kỹ thuật in ấn xuất hiện vào thời nhà Tống, giúp quy phạm thống nhất kiểu chữ và quy cách trình bày, khiến cho văn hóa được truyền bá ngày càng rộng rãi. Nhìn từ thể chữ mà nói, thì chữ viết đã trải qua một quá trình đại thể như sau: chữ giáp cốt, chữ kim, đại triện, tiểu triện, thảo thư, lệ thư, khải thư, hành thư. Mặc dù trên phương diện chữ viết có những thể chữ khác nhau, tuỳ từng địa phương lại có các cách đọc khác nhau đối với cùng một chữ, nhưng ý nghĩa của chữ viết vẫn tương đối ổn định, không thay đổi nhiều. Vì vậy đối với cùng một chữ thì con người đều có thể phân biệt và lý giải nó, nên không ảnh hưởng đến việc sử dụng chữ Hán ở các vùng khác nhau.

Nhìn từ bề mặt, thì chữ viết cũng dần dần tách khỏi hình tượng cụ thể ban đầu khi tạo chữ, bước vào quá trình phân loại hóa, trừu tượng hóa, nghĩa lý hóa. Đây là quá trình diễn hoá của chữ viết từ ngoài vào trong, từ hình tượng đến nghĩa lý. Nó liên quan chặt chẽ đến việc con người nhận thức đối với sự vật ngày càng phong phú và tư tưởng ngày càng phức tạp. Lâu nay, loại chữ viết này chủ yếu được sử dụng trong các dân tộc mà chủ thể là người Hán, nên được gọi là chữ Hán. Sự xuất hiện của khải thư là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của chữ Hán, lúc đó chữ Hán đã đạt được nội hàm phong phú, thần hình (nội dung và hình thức) đầy đủ, cách sử dụng chuẩn mực. Trong quá trình truyền thừa và dùng chữ Hán, người sử dụng từ quan lại đến bình dân, lại thêm yếu tố vùng miền khác nhau dẫn đến chữ Hán có những biến đổi khác nhau, từ đó xuất hiện các loại phương ngôn (ngôn ngữ địa phương), vì vậy chữ Hán cũng đã nhiều lần được chỉnh lý. Ví dụ, chữ đại triện được sử quan thời nhà Chu chỉnh lý hay chữ tiểu triện được Lý Tư chỉnh lý vào thời nhà Tần v.v.. Vào thời Đông Hán, Hứa Thận đã thu thập, chỉnh lý chữ Hán trên quy mô lớn và viết nên tác phẩm “Thuyết văn giải tự” để lưu truyền lại. Vào thời nhà Thanh, bộ “Khang Hy tự điển” được coi là tác phẩm kinh điển có quy mô rất lớn. Ảnh hưởng sâu rộng nhất là việc Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất thiên hạ đã quy định “Thư đồng văn” (lấy thể chữ tiểu triện của nhà Tần làm thể chữ thống nhất, bãi bỏ những thể chữ không hợp với văn tự nhà Tần), đưa ra chuẩn mực thống nhất cho việc sử dụng chữ Hán, quy định này có tác dụng thúc đẩy to lớn đối với việc phát triển và truyền bá văn hóa Trung Hoa. Triều Đường là thời kỳ phát triển đỉnh cao của văn minh Trung Hoa, cũng là thời đại phát triển rực rỡ của các nhà thư pháp như Trữ Toại Lương, Âu Dương Tuân, Nhan Dương Khanh, Liễu Công Quyền. Những tác phẩm thư pháp của họ đã trở thành hình mẫu cho hậu nhân, thông qua các hình thức như bia văn, thư tín, thư thiếp, v.v.. đã lưu lại một lượng lớn các tác phẩm thư pháp, thể hiện được những đặc điểm trong quy tắc viết chữ Hán: nghiêm ngặt, cẩn trọng, liên kết chặt chẽ, tính thẩm mỹ cao, khiến cho con người cảm thán không ngớt. Ngày nay, khi xem những tác phẩm thư pháp này, dường như chúng ta vẫn thấy được phong thái lễ nghi của thời đại văn minh vĩ đại xưa kia, thấy được tinh, khí, thần chứa đựng cả vũ trụ thiên địa mà thời đại đó hàm chứa, thấy được những con người của thời đại đó quang minh, chính đại, thuần tịnh đứng trên mảnh đất Thần Châu. Chữ Hán thể hiện tinh thần của văn minh Trung Hoa, thể hiện phong cách của con dân xứ Thần Châu, thể hiện phong tục cổ xưa của nền văn minh 5000 Trung Hoa.

Thế nhưng vào thế kỷ trước, dưới sự tràn lan của tư tưởng vô thần, chữ Hán đã nhiều lần bị giản lược trên diện rộng mà trở nên biến dị. Quá trình truyền thừa nội hàm Thần tính, truyền thừa văn hóa truyền thống và quy phạm đạo đức truyền thống của văn minh Trung Hoa đã bị đứt đoạn. Đây là sự tàn phá mang tính hủy diệt đối với văn minh Trung Hoa. Một khi phủ định sự tồn tại của Thần, con người sẽ mất đi tín ngưỡng truyền thống, nền tảng đạo đức và sự ước thúc của lương tri. Chỉ qua mấy chục năm ngắn ngủi, đạo đức xã hội đã bước đến bờ vực của sự phá hủy toàn diện, một đất nước Trung Hoa lễ nghi chi bang được người đời kính trọng đã không còn, đã gần như biến mất khỏi ký ức của con cháu Viêm Hoàng. Chữ Hán bị mất đi Thần tính, văn hóa dân tộc cũng mất đi cội nguồn gắn với Thần, mất đi cốt cách nội hàm và thần thái đỉnh thiên lập địa, còn đâu ánh sáng huy hoàng rực rỡ. Khi văn tự của một dân tộc trở nên bại hoại, thì nền văn minh tương ứng chắc chắn cũng theo đó trở nên u ám và biến mất. Văn minh Trung Hoa đã bị “cắt đứt sinh mệnh” như vậy!

Việc khôi phục Thần tính của chữ Hán đã trở thành nhu cầu bức thiết để tìm về văn minh Trung Hoa truyền thống, thức tỉnh sinh cơ của dân tộc, tái hiện văn minh huy hoàng. Các dân tộc trên toàn thế giới hầu hết đều bắt đầu từ thần thoại, trong truyền thuyết của các dân tộc đều bảo lưu cùng một ký ức về trận đại hồng thủy trong thời kỳ thượng cổ: chính là nói rằng đại hồng thủy đã hủy diệt nhân loại đạo đức bại hoại của thời kỳ trước, sau khi trận đại hồng thuỷ huỷ diệt thế giới, nền văn minh mới lại được phát triển dưới sự trợ giúp của Thần, trở thành ký ức chung của các dân tộc. Trung Quốc có chuyện Bàn Cổ khai thiên tịch địa, Công Công húc đầu vào núi Bất Chu làm gãy trụ chống trời, Nữ Oa tạo ra con người, luyện đá vá trời, Hoàng Đế đại chiến với Xi Vưu, Đại Vũ trị thủy, và những câu chuyện thần thoại vô cùng phong phú khác. Phương Tây có truyền thuyết về Thượng đế tạo ra con người, con thuyền Noah, truyền thuyết tiên tri của Mosheh. Ở châu Mỹ lại có truyền thuyết của người Maya: “Thần đi rồi, Thần sẽ trở lại”. Quả thực là quá nhiều không đếm xuể. Các dân tộc trên thế giới ngẫu nhiên lại có cùng chung những truyền thuyết về trận đại hồng thủy vào thời thượng cổ, điều đó nói lên một số sự thật rằng: con người là do Thần tạo ra, Thần vì con người mà đặt ra những tiêu chuẩn làm người, nếu như con người sa đọa thì sẽ bị Trời diệt, văn minh của xã hội nhân loại luân hồi theo chu kỳ như vậy. Đồng thời điều này cũng chứng tỏ rằng: các dân tộc trên thế giới vào thời kỳ thượng cổ là thời đại nhân Thần cùng tồn tại. Trong mấy nghìn năm ngắn ngủi, nhân loại thời kỳ đầu chưa có khoa học như ngày nay, nhưng rất nhiều tri thức văn minh thượng cổ vượt xa nhận thức của con người hiện đại chính là Thần trực tiếp truyền thụ cho con người, ví như học thuyết về kinh mạch của Trung y, châm cứu, Thái cực, Hà đồ, Lạc thư, Chu dịch, Bát quái, tu luyện v.v… đều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn minh Trung Hoa. Các dân tộc trên thế giới ngay từ thời đầu đều đã có tín ngưỡng vào Thần, tại những thời kỳ khác nhau ở phương Đông xuất hiện những tín ngưỡng đối với Thần và Đạo, ở Ấn Độ xuất hiện tín ngưỡng đối với Phật Thích Ca Mâu Ni, ở phương Tây xuất hiện tín ngưỡng đối với Thượng đế. Những chính tín vào Thần Phật chính thống này đã giúp cho đạo đức của xã hội nhân loại được duy trì trong suốt mấy nghìn năm, khiến con người không vì đạo đức suy đồi quá nhanh mà bị Thần đào thải. Thần tạo ra con người ở giữa trời và đất, con người được cấu thành từ những vật chất trong vũ trụ, vì vậy con người chính là một bộ phận của vũ trụ thiên địa. Từ xưa đến nay, vật đổi sao rời, chúng ta muốn biết được mối liên hệ giữa con người và Thần, giữa con người và vũ trụ thiên địa thế nào? Con người như thế nào mới được coi là người? Nếu con người chỉ đơn giản là sinh ra và chết đi, vậy thì con người làm sao thể nghiệm được ý nghĩa cuối cùng sự tồn tại của chính mình? Con người vẫn luôn đi tìm đáp án cho câu hỏi: Tôi từ đâu đến, sẽ đi về đâu? Và làm sao để đi về nơi đó?

Trong lịch sử từ xưa đến nay, rất nhiều người muốn thông qua giải mã chữ Hán, nghiên cứu những bí mật ở bên trong đó, hy vọng có thể có được đáp áp cho câu hỏi mà cả đời vất vả tìm kiếm. Ví như việc nghiên cứu quá trình lịch sử phát triển của chữ Hán, nghiên cứu đặc điểm âm, hình, ý của chữ Hán, nghiên cứu từ vựng phong phú của chữ Hán, nghiên cứu từ các mặt kinh tế, văn hoá v.v.. người ta đã triển khai rất nhiều công trình nghiên cứu từ các góc độ, phương diện khác nhau. Gần đây, còn xuất hiện phương thức nghiên cứu khảo cổ trong các ngôi mộ cổ và văn vật cổ. Mặc dù vậy, những nghi vấn từ trước vẫn không hoàn toàn có được câu trả lời hoàn hảo, ngược lại còn phát hiện ra càng nhiều những ẩn đố của lịch sử hơn nữa. Ví dụ như những văn vật khai quật được từ di chỉ Tam Tinh Đôi, những văn vật thể hiện cho đặc điểm của một nền văn minh độc đáo tìm thấy trong di chỉ này hoàn toàn không có mối liên hệ gì với các nền văn minh mà con người biết được trong thời điểm hiện tại. Nó dường như xuất hiện từ trên không trung vậy, nó ở nơi đó mà quan sát bộ mặt đầy vẻ ngỡ ngàng của con người hiện đại. Phương thức nhận thức theo chủ nghĩa thực chứng biểu tượng hóa của con người hiện đại dường như không có tác dụng trước di chỉ Tam Tinh Đôi. Nhưng khi thay đổi một góc nhìn khác chúng ta phát hiện rằng, Thần đã thông qua quá trình diễn hóa lịch sử mấy nghìn năm đem nội hàm Thần tính dung nhập vào trong chữ Hán, đồng thời truyền cấp chữ Hán cho con người để câu thông với thiên địa, nhân thần, vũ trụ và vạn sự vạn vật, rất có thể trong chữ Hán, Thần đã sớm ban cho con người tất cả các đáp án.

Những điều mà Thần truyền cấp cho con người là thể hiện của Thần tính, vô cùng thần thánh và mỹ hảo. Nếu con người rời xa Thần tính thì sẽ như người mù sờ voi, khó có thể nhìn thấy được bản chất chân chính đó. Chúng ta cần phải khiêm tốn, bắt đầu giải mã nội hàm Thần tính của chữ Hán từ trong bối cảnh lớn của lịch sử khi Thần khai sáng ra vũ trụ, từ đó mới có thể tìm ra nguồn gốc căn nguyên của ẩn đố chữ Hán, hiểu được căn nguyên vì sao con người lại làm người. Mỗi nét bút cấu thành nên chữ Hán chắc chắn sẽ là chìa khóa căn bản nhất và trực tiếp nhất để giải khai bí ẩn nghìn năm này. Khi giải mã Thần tính trong chữ Hán, chúng tôi phát hiện ra rằng chữ Hán đúng là thứ văn tự nồng hậu, hấp dẫn nhất thế giới, tràn đầy trí huệ vô lượng của Thần, tràn đầy sự từ bi và bảo hộ vô lượng của Thần đối với con người, tràn đầy sự che chở ấm áp của Thần đối với con người. Vào thời kỳ đầu sáng thế, Thần không chỉ dự liệu được trùng trùng khó khăn và nguy hiểm mà sinh mệnh có thể phải đối mặt, mà Thần còn chỉ cho con người phương thức thoát khỏi những nguy hiểm đó trong từng nét bút. Thần đã tận lực tất cả để khải ngộ con người, phúc âm của Thần truyền qua thời- không lịch sử lâu dài, từ thời viễn cổ đã không ngừng thức tỉnh con người trở về với Thần. Trầm luân trong hồng trần thế gian, con người đã trở nên hờ hững đến nỗi không còn nghe thấy, không còn nhìn thấy sự từ bi của Thần nữa. Vậy mà, Thần vẫn không từ bỏ hy vọng vào con người, vẫn không ngừng từ bi điểm ngộ giúp con người giải khai những mật mã lịch sử mà Thần từ lâu đã ẩn giấu bên trong chữ Hán, trải qua tất cả những khó khăn trong tu luyện để tìm thấy chìa khóa có thể khởi ngộ nhân tâm, từ đó con người một lần nữa lại có được cơ duyên giác ngộ…

Chỉ khi nhìn về thương khung thì những bí ẩn trong lịch sử nhân loại mới được giải khai; chỉ khi kính ngưỡng đối với Thần Phật thì những nguy nan của nhân loại mới được Thần từ bi hóa giải; Thương Hiệt tạo chữ, dùng từng nét chữ ghi chép một cách chân thực về văn minh nhân loại lần này từ thời ban sơ, giai đoạn lịch sử của dân tộc Trung Hoa thời thượng cổ. Năm tháng trôi qua, rất nhiều điều chân thật vào thời ban sơ đã biến mất trong ký ức của con người, tuy nhiên, chỉ cần chữ Hán vẫn còn tồn tại, chúng ta vẫn còn cơ hội thông qua từng nét mà tìm lại vũ trụ thiên địa, con người và sự việc trong giai đoạn lịch sử đó, trong chính kiến tái hiện quang minh. Chữ Hán là mật mã của văn minh phương Đông, giải mã chữ Hán sẽ lý giải được thiên cơ của vũ trụ, hiển lộ được căn nguyên của Thần tính trong văn minh phương Đông, phục hưng truyền thống và văn hóa Thần truyền, vùng đất Thần Châu đại địa sẽ chào đón một kỷ nguyên mới sinh cơ bừng bừng. Chúng ta hãy bắt đầu bàn từ vũ trụ, thiên địa và con người!

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/267516



Ngày đăng: 10-03-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.