“Nội huấn”: Cuốn sách quý, chứa đựng trí tuệ của người phụ nữ truyền thống



Tác giả: Hải Đào

[ChanhKien.org]

Hàng ngàn năm nay, phụ nữ trong xã hội truyền thống Trung Quốc luôn coi hiền dịu, thùy mị là cái đẹp. Nhưng từ khi Trung Cộng cướp quyền thì quan niệm này lại hoàn toàn bị đảo lộn, hình tượng người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ và thành đạt đã trở thành tiêu chí hoàn mỹ của thế hệ phụ nữ mới.

Chịu ảnh hưởng của loại quan niệm này, quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng. Căn cứ theo số liệu hiển thị được công bố của Bộ Dân chính Trung Hoa, năm 2022, số người đăng ký kết hôn là 6,833 triệu, số đăng ký ly hôn là 2,1 triệu, nói cách khác là cứ khoảng ba cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì sẽ có một cặp ly hôn.

Hơn thế nữa, con người vứt bỏ các giá trị quan truyền thống cùng sự truy cầu tự do tình dục dẫn đến rất nhiều vấn đề gây tổn hại nghiêm trọng tới phụ nữ như mang thai trước hôn nhân, các bệnh lây qua đường sinh dục, vô sinh do nạo phá thai v.v. Những cái gọi là “phụ nữ tiến bộ” của thời đại mới này kỳ thực đã mang đến những tổn thương càng lớn càng đáng sợ cho phái nữ, đã dần trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng.

Nhìn về năm 1407, Từ Hoàng hậu vì bệnh qua đời ở tuổi 46, khiến Vĩnh Lạc Đại đế vạn phần bi thương, vì thế mà ông đã cử hành lễ ăn chay cho người vợ quá cố ở hai ngôi chùa Linh Cốc và Thiên Tây, để tiếp nhận tế lễ của quần thần, còn phong tặng cho bà thụy hiệu là Nhân Hiếu Hoàng hậu. Điều khiến người ta kinh ngạc là Vĩnh Lạc Đại đế từ đó cũng không lập hoàng hậu nữa.

Tại sao Vĩnh Lạc Đại đế lại tình sâu nghĩa nặng như vậy đối với Nhân Hiếu Hoàng hậu? Theo ghi chép lịch sử, Từ thị là con gái của công thần khai quốc Từ Đạt, do thiên tư sáng suốt, đoan trang trinh thục, tài cao học rộng nên được Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đính hôn cho Chu Đệ (Vĩnh Lạc Đại đế). Bà đối nhân xử thế chu đáo thận trọng, được Minh Thái Tổ với Mã Hoàng hậu vô cùng ưu ái.

Khi xảy ra loạn Tĩnh Nan, Từ thị trợ giúp bảo vệ Bắc Bình (tên gọi cũ của Bắc Kinh), khích lệ tướng sĩ, khiến Chu Đệ xuất chinh mà không phải bận tâm ở phía trong. Sau khi Chu Đệ đăng cơ, bà còn thường khuyên can hoàng đế chỉ nên lo nghĩ cho kế sinh nhai của bách tính, mọi kiến nghị bà đưa ra hầu hết đều được Vĩnh Lạc Đại đế tiếp nhận, trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ chân chính.

Năm Vĩnh Lạc thứ hai, Từ Hoàng hậu vì chỉ bảo các phi tần trong cung và làm gương cho phụ nữ khắp thiên hạ, bà kết hợp các tác phẩm về quy tắc hành vi của nữ giới của các triều đại cùng với những điều dạy bảo của Mã Hoàng hậu để soạn ra cuốn “Nội huấn”. Người đời vừa có thể lãnh hội được tài văn chương của vị hoàng hậu hiền đức này, lại có cơ hội hiểu rõ về nội hàm tư tưởng đằng sau trí huệ cao thâm và nguyên tắc xử sự của bà. Đây chính là cuốn sách quý giúp phụ nữ ngày nay có thể bài trừ tư tưởng hiện đại biến dị, quay về với truyền thống và cuối cùng đạt được hạnh phúc.

Nguyên tắc xử sự của người vợ

Thời xưa sư tử Hà Đông là lời chê dùng để hình dung những người phụ nữ độc đoán, dữ dằn. Vậy mà hiện nay người ta sớm đã quen thuộc đối với những người phụ nữ như vậy, đã không còn thấy lạ gì nữa, còn có người lấy đó làm hãnh diện, tự thấy mình là kẻ mạnh.

Từ thị cho rằng, một người vợ nên cẩn trọng trong hành vi, “Tự thị giả kỳ hành chuyên, tự căng giả kỳ hành nguy, tự khi giả kỳ hành kiểu dĩ ô. Hành chuyên tắc cương thường phế, hành nguy tắc tật lệ hưng. Hành kiểu dĩ ô tắc nhân đạo tuyệt. Hữu nhất vu thử, tiên khắc chung dã” (Tạm dịch: Người tự cho mình là đúng thì hành vi sẽ chuyên chế ngang ngược, người tự cao khoe khoang thì tất hành vi sẽ nguy hiểm, người tự lừa người dối mình thì hành vi sẽ càn rỡ bẩn thỉu. Hành vi chuyên chế ngang ngược thì cương thường sẽ bị phế bỏ, hành vi nguy hiểm thì sẽ bị người chán ghét tai họa theo đó mà đến. Hành vi càn rỡ bẩn thỉu thì sẽ tuyệt đạo con người. Có bất kỳ điều nào trong các điều trên, thì rất khó đảm bảo cả đời không xảy ra lỗi lầm gì).

Trong gia đình, tự cho mình là chuẩn tắc thì hành vi tất ngang ngược, kẻ khoe khoang tự phụ tất sẽ mang đến nguy hại, quen thói lừa người thì việc làm ra sẽ xấc láo, ô uế. Chỉ cần nhiễm một trong những thói trên liền có thể phá hoại gia đình, tai vạ liên tiếp đến, thậm chí không có được kết cục tốt lành.

Bà cho rằng phụ nữ nên “Thể nhu thuận, suất trinh khiết, phục tam thung chi huấn, cẩn nội ngoại chi biệt, miễn chi kính chi, chung thuỷ duy nhất. Do thị khả dĩ tu gia chính, khả dĩ hoà thượng hạ, khả dĩ mục thân thích, nhi động vô bất hiệp hỹ” (Tạm dịch: Làm được dịu dàng hiếu kính, bảo trì trung trinh thuần khiết, tuân theo lời “tam tòng” của người xưa, nghiêm cẩn với sự khác biệt nam-nữ nội-ngoại, chăm chỉ kính trọng, thủy chung như nhất. Nếu làm được như thế có thể tu sửa nếp nhà, có thể hòa hợp mọi người trên dưới, có thể hòa thuận với họ hàng, từ đó gắn kết, phát huy sự hiệp lực của mọi người).

Đạo của người phụ nữ là nên biết săn sóc biết thuận theo, bảo trì tiết tháo trung trinh thuần khiết, tuân theo cổ huấn “tam tòng”, thận trọng với sự khác biệt giữa trong-ngoài nam-nữ, thường mang tâm cung kính. Do đó có thể sắp xếp hợp lý các sự vụ trong gia đình, điều hòa tình cảm giữa bề trên với bề dưới, khiến quan hệ thân quyến càng hòa thuận.

Người phụ nữ mang nặng quan niệm hiện đại sẽ cương cường tự đại, coi mình là lớn. Trong gia đình, luôn muốn người đàn ông phải thuận theo ý mình mà làm. Những người phụ nữ mạnh mẽ như vậy nhiều lúc thường bất hòa với chồng hoặc coi nhẹ người chồng, con trai của những người phụ nữ này cũng thường nhu nhược bất tài, mất đi chủ kiến, lớn lên trở thành “con trai cưng của mẹ”, hoàn toàn không có khả năng tự mình gánh vác gia đình. Là một người phụ nữ kiểu như vậy, một mặt thì luôn chèn ép chồng, mặt khác lại muốn chồng xuất sắc hơn người, có khí khái của nam nhân, điều đó thật quá mâu thuẫn vậy.

Vì rằng “trinh thuận suất đạo, nãi khả dĩ tiến phụ đức” (tạm dịch: cứ theo đạo trung trinh, thuận theo đó thì có thể đạt đến cái đức của người phụ nữ), “thị cố phụ nhân giả, thung nhân giả dã, phu phụ chi đạo, cương nhu chi nghĩa dã ” (tạm dịch: là vì người phụ nữ là người thuận theo, đạo của vợ chồng như là nghĩa của cương nhu vậy). Từ thị Hoàng hậu ba lần nhấn mạnh rằng phụ nữ phải thuận theo chồng. Người chồng quý trọng che chở cho người vợ, người vợ ân cần chăm sóc người chồng, chồng và vợ có phương thức khác nhau để biểu đạt tình nghĩa. Điều này phù hợp với thiên đạo âm dương tương tế, cũng đối ứng với đạo chung sống dương cương âm nhu của vợ chồng.

Không ít người nhiễm trào lưu tư tưởng độc hại của chủ nghĩa cộng sản: “Phân chia xã hội thành hai nhóm: ‘kẻ bị áp bức’ và ‘kẻ áp bức’, từ đó cổ xúy ‘đấu tranh’, ‘giải phóng’, ‘bình đẳng’, đây chính là yếu lĩnh trọng tâm của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa Marx truyền thống dựa trên địa vị kinh tế để phân chia các nhóm người, còn chủ nghĩa nữ quyền mới lại phân chia nhóm người dựa trên giới tính”. (trích “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta”)

Ở Trung Quốc hiện nay, vợ chồng đối đầu lẫn nhau, đồng sàng dị mộng, lục đục đấu đá, đến gia đình cũng bị biến thành chiến trường. Trong các gia đình Trung Quốc truyền thống, giữa vợ chồng với nhau là sự tôn trọng, bao dung lẫn nhau, thời xưa dùng câu “nâng mâm ngang mặt, tương kính như tân” để nói lên rằng mối quan hệ vợ chồng vốn nên phải hòa hợp như vậy. Thực ra, sự khác biệt của nam nữ là thể hiện sự khác biệt về phương thức xử lý sự việc, quy phạm hành vi và trách nhiệm gia đình. Trung Cộng phóng túng mặt ác của nhân tính, phóng đại sự tự tư trong nhân tính, khiến những vấn đề vốn có thể giải quyết được trở thành những mâu thuẫn không thể điều hòa.

Có người nói rằng, phụ nữ độc lập, có công việc là chuyện tốt, là tiến bộ. Thực ra thời xưa, người đàn ông một mình làm nông còn có thể nuôi sống cả nhà, vậy mà xã hội Trung Quốc hiện nay hiệu quả sản xuất đã cao hơn so với thời cổ đại gấp trăm gấp nghìn lần, vậy mà cả vợ lẫn chồng đều đi làm mà vẫn phải nợ mấy chục năm liền tiền đi vay mua nhà, đây không phải là kế sách bóc lột người dân cực kỳ tinh vi của Trung Cộng hay sao? Những cái gọi là phụ nữ độc lập về kinh tế, giành lấy quyền lợi cho phụ nữ kia có đáng tin không?

Quan sát kỹ lưỡng thì không khó để phát hiện, nam nữ bình đẳng mà Trung Cộng tuyên truyền chỉ là hòng tước đoạt đi quyền lợi của nam giới trong gia đình, để người vợ trong gia đình lấn át chồng, khiến người phụ nữ trở thành nữ hán tử, bà chằn, người đàn ông thì phải mệt mỏi đối phó với gia đình và công việc. Đàn ông khi bị vướng bận với vô kể việc vặt trong nhà cùng với những mâu thuẫn kéo dài bất tận, sẽ không còn lực để chú ý tới xã hội, chính trị, từ đó vô hình trung đã tước đoạt đi quyền lợi và trách nhiệm xã hội “thiên hạ hưng vong, mọi người đều có trách nhiệm” của người đàn ông.

Hãy thoát khỏi những rập khuôn tư tưởng, đó là những hệ tư tưởng nữ quyền biến dị đã làm loạn mối quan hệ nam nữ như cái gọi là “nam nữ bình đẳng”, “phụ nữ có thể gánh nửa bầu trời”; đó là âm mưu chia rẽ quan hệ nam nữ, quan hệ vợ chồng và hủy hoại gia đình của Trung Cộng. Về căn bản hoàn toàn không đứng tại lập trường của phụ nữ, cũng không xuất phát từ kế sách lâu dài giáo hóa nhân văn.

Đối đãi cha mẹ ra sao

Hiếu là điều rất quan trọng trong duy trì sự vững chắc của gia đình, con người hiện tại dường như đã quên mất hàm nghĩa chân chính của chữ Hiếu.

“Hiếu kính giả, sự thân chi bản dã, dưỡng phi nan dã, kính vi nan” (tạm dịch: Người hiếu kính lấy việc phụng sự song thân làm gốc, nuôi không khó, kính mới khó). Lời của Từ thị đã sắc bén chỉ ra căn nguyên con cái bất hiếu là do không có tâm cung kính với cha mẹ.

Cần phải tự hỏi ngược lại rằng, mọi người có lòng hiếu thảo với cha mẹ bề trên thế nào. Rất nhiều người làm con ngày nay nói chuyện với cha mẹ không chút tôn kính, ngữ khí thái độ mạnh mẽ, nóng vội không thể nhẫn nại, còn có người thậm chí đối đáp rất hờ hững. Không chỉ thế, có không ít những người lớn tiếng mắng chửi, ra tay đánh đập cha mẹ, tất cả đều là do không có lòng tôn kính.

Thời cổ đại, bất kính với cha mẹ là chuyện lớn, Từ thị cho rằng “Nhược phu dĩ thanh âm tiếu mạo vi nhạc giả, bất thiện sự kỳ thân giả dã, thành hiếu ái kính, vô sở vi giả, tư thiện sự kỳ thân giả dã” (tạm dịch: Nếu chỉ là dùng nét mặt dễ chịu ngữ khí nhẹ nhàng để cha mẹ vui thì không phải là người giỏi phụng sự cha mẹ; thành tâm mà hiếu, yêu thương mà kính, không chút nào làm trái ý nguyện của cha mẹ, mới là giỏi phụng sự cha mẹ).

Nếu như chỉ nói lời khiến cha mẹ vui lòng thì vẫn chưa đủ, không nên trái ý cha mẹ, mới là đại hiếu giỏi phụng dưỡng cha mẹ. Thật ra cha mẹ không hề đòi hỏi gì nhiều ở con cái, hiếu thuận với cha mẹ một mặt là để báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, mặt khác cũng là một cách giáo dục làm thay đổi dần dần con cái của mình. Thử hỏi có ai muốn khi về già mà con cái lại bất hiếu? Sự truyền thừa của mỹ đức này vô cùng có lợi cho sự ổn định vững chắc của gia đình, làm cho gia đình có khả năng chống lại những đả kích và thay đổi đột ngột.

Từ thị cũng cho là không chỉ hiếu thuận với cha mẹ mình, mà với cha mẹ chồng cũng phải như thế: “Thôi sự phụ mẫu chi đạo vu cữu cô, vô dĩ phục gia tổn hỹ” (tạm dịch: Phụng sự cha mẹ chồng như đã từng phụng sự cha mẹ mình, không có mảy may đối đãi khác biệt”.

Nhưng trong giới trẻ xã hội Trung Quốc hiện nay, con dâu hiếu kính, nấu cơm cho cha mẹ chồng gần như không còn thấy nữa. Nếu như nói là vì con dâu cũng cần đi làm thì có thể lượng thứ được; nhưng có rất nhiều con dâu ghét bỏ cha mẹ chồng bởi lý do mà thật khiến người ta dở khóc dở cười. Có người chê bố mẹ chồng lôi thôi không sạch sẽ, không biết chăm sóc trẻ nhỏ, còn có người chê cơm bố mẹ chồng nấu không hợp khẩu vị, toàn những chuyện lông gà vỏ tỏi như vậy.

Điều này khiến rất nhiều người đàn ông trong gia đình thấy khó chịu, thường vì mâu thuẫn mẹ chồng con dâu mà chịu sự phàn nàn của cả hai bên. Nếu làm trái ý cha mẹ thì sợ sẽ mang tiếng bất hiếu; khuyên giải an ủi vợ, nhưng vợ lại nhất quyết không nhún nhường. Cứ thế tiếp diễn, mâu thuẫn vợ chồng hết sức căng thẳng, ân nghĩa vợ chồng bất cứ khi nào cũng có thể đoạn tuyệt.

“Phu bất đắc vu cữu cô, tắc bất khả dĩ sự quân tử, nhi huống vu động thiên địa thông thần minh, tập gia trinh hồ? Cố tự hậu phi dĩ hạ, chí khanh đại phu cập sĩ thứ nhân chi thê, nhất thị giai dĩ hiếu sự cữu cô vi trùng” (tạm dịch: Nếu không được sự thừa nhận và yêu mến của cha mẹ chồng, thì sẽ không thể phụng sự được cho quân vương, sao có thể cảm động thiên địa, thông với Thần linh, thu hút vượng khí cho gia đình được đây? Vì thế từ hậu phi trở xuống, cho đến con gái nhà công hầu khanh tướng và thứ dân, đều cần nên lấy việc hiếu với cha mẹ chồng làm trọng). Cổ nhân cho rằng, Thần đang nhìn từng tư từng niệm của con người, phụng dưỡng cha mẹ chồng là trách nhiệm cư xử mà người vợ cần tận lực, nếu không làm được, thì Thần làm sao ban phước cho đây?

Từ thị cho rằng không chỉ là êm ấm của gia đình mà sự hưng thịnh của quốc gia cũng có quan hệ rất lớn với đạo hiếu thuận với cha mẹ chồng: “Tích Thái Nhậm tư mị, Chu cơ ích long; Trưởng Tôn tận hiếu, Đường tộ dĩ cố. Thậm tai! Hiếu sự cữu cô chi đại dã” (tạm dịch: Chuyện xưa bà Thái Nhậm khéo phụng sự bà Thái Khương, vì thế mà tạo nên nền tảng hưng vượng cho nhà Chu; bà Trưởng Tôn tận hiếu đạo, đặt để căn cơ vững bền cho nhà Đường. Tốt đẹp thay! Đạo hiếu phụng sự cha mẹ chồng to lớn thay). Câu nói đó đủ để chứng minh mức độ quan trọng của đạo hiếu thuận với bề trên.

Dù thời đại đã đổi thay, nhưng tấm lòng đối đãi với cha mẹ chồng lại không thể thay đổi, chỉ cần có tấm lòng cung kính thì tự nhiên sẽ biết đối đãi với cha mẹ chồng ra sao, mà gia đình cũng tất nhiên hòa thuận vững chắc.

Phương pháp giáo dục con cái đúng đắn

“Trong văn hóa truyền thống phương Đông, nam giới là dương, tượng trưng cho trời và mặt trời, không ngừng vươn lên, gánh vác trách nhiệm, dầm mưa dãi nắng, bảo vệ gia đình vượt qua khó khăn; nữ giới là âm, tượng trưng cho đất, lấy đức dày mà chở vạn vật, phải mềm mỏng, biết chăm lo cho mọi người, có nghĩa vụ trợ giúp chồng, dạy dỗ con cái. Nam nữ mỗi người làm tốt vai trò của mình mới có thể đạt được âm dương hòa hợp, con cái mới có thể trưởng thành một cách lành mạnh”. (trích “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta”)

Nhưng người Trung Quốc hiện nay, dưới ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, đã quên mất phương thức giáo dục truyền thống. Cái gọi là các chuyên gia giáo dục “bách gia tranh minh” (trăm nhà lên tiếng) ngoài xã hội, nói ra đều là những lý niệm giáo dục phản truyền thống. Tước đoạt quyền lợi quản lý giáo dục con cái từ các bậc phụ huynh, lấy lý do ngăn chặn bạo lực gia đình để cổ vũ trẻ nhỏ không tuân theo sự quản lý giáo dục của cha mẹ. Rất nhiều cha mẹ cũng theo đó đi vào đường rẽ của giáo dục. Những cái gọi là “giáo dục yêu thương”, thực chất là nuông chiều con trẻ; những đứa trẻ là sản phẩm của phương pháp giáo dục đó thì phần lớn sẽ không biết cảm ơn, không có lòng đồng cảm, hoàn toàn cho mình là trung tâm. Có thể nói, giáo dục trẻ nhỏ đã trở thành vấn đề nhức đầu và khó giải quyết nhất của các bậc cha mẹ Trung Quốc.

Từ thị cho rằng “Giáo chi giả, đạo chi dĩ đức nghĩa, dưỡng chi dĩ khiêm tốn, suất chi dĩ cần kiệm, bản chi dĩ từ ái, lâm chi dĩ nghiêm khác. Dĩ lập kỳ thân, dĩ thành kỳ đức” (tạm dịch: Giáo dục con, cần dẫn dắt theo nghĩa, bồi dưỡng phẩm chất khiêm tốn, noi theo đức tính cần kiệm, đặt gốc ở từ ái, thời khắc đều yêu cầu nghiêm ngặt. Dùng đó để lập thân, thành tựu đức). Chỉ một câu đã khái quát được đạo giáo dục chính thống của Trung Hoa.

Bản chất của giáo dục là quy chính lời nói hành vi của trẻ em, từ đó khiến trẻ nhỏ hiểu rõ lẽ phải. Các nhà giáo dục vì để tạo dựng uy tín thì việc quản lý giáo dục là tất yếu, đó là con đường thẳng có hiệu quả nhanh nhất để uốn nắn khi trẻ nhỏ có hành động xấu, không nghe lời, nổi loạn.

Một lần khi tác giả và bạn bè liên hoan, con của một người bạn hờn dỗi, quậy phá trong bữa ăn. Người bạn ấy bế đứa trẻ ra khỏi bàn, ở ngoài cửa giảng giải cho bé, tận tình khuyên bảo, khéo dẫn dắt từng bước, nhưng đứa nhỏ vẫn khóc nhiễu, cứ muốn theo ý mình, đến cuối cùng khi chúng tôi ăn xong, người bạn đó vẫn chưa quay lại bàn. Chính là chịu ảnh hưởng của loại “giáo dục tình thương” này.

Ngược lại, có cha mẹ thường xuyên đánh mắng, không có chút nhẫn nại nào, càng là từ cực đoan này chạy sang cực đoan khác, đều không thích hợp.

Vậy nên Từ thị Hoàng hậu nói “Từ ái bất chí vu cô tức, nghiêm khác bất chí vu thương ân, thương ân tắc ly, cô tức tắc tung, nhi giáo bất hành hỹ” (Tạm dịch: Nhân từ yêu thương không được sa vào nuông chiều, nghiêm khắc không được sa vào mất ân, mất ân tất sẽ xa cách, nuông chiều tất sẽ dung túng, mà mất đi lễ giáo). Rất nhiều người lẫn lộn định nghĩa về yêu thương, không hiểu rõ nghiêm khắc và yêu thương không hề mâu thuẫn, quan trọng nhất là nắm vững tiêu chuẩn của cách giáo dục tốt, tiêu chuẩn này mới là chỗ khó của giáo dục. Chính là nói, yêu thương xuất phát từ nội tâm, là kế sách lâu dài dạy trẻ hành xử và gây dựng nên đức tính tốt, mà không phải là khoan dung một cách vô nguyên tắc. Thái độ nghiêm khắc, nghiêm túc cùng phạt lỗi phù hợp là phương pháp khiến trẻ bình tĩnh lúc quấy nhiễu, khi đã bình tĩnh, lúc đó lại lấy đạo lý để dẫn dắt từng bước. Như vậy làm sao còn đứa trẻ nào khó bảo?

Trên thực tế, nhiều phụ nữ trong quá trình giáo dục trẻ nhỏ, thường sẽ lớn giọng giải tỏa cảm xúc, có người còn pha lẫn lời lẽ gièm pha làm tổn thương lòng tự tôn của trẻ, như: “Sao con ngu vậy?!”, “Nói mấy lần rồi mà con vẫn không hiểu? Đến lợn còn biết!”, “Còn như thế này nữa thì cút luôn ra ngoài cho ta!” Cứ như thế, đứa trẻ lúc đó mặc dù chẳng nói gì, nhưng trong lòng lại trăm điều không phục, thời gian càng lâu, trẻ nhỏ cũng chỉ biết phát cáu mà thôi. Đến khi tuổi đứa bé ngày một lớn, đủ lông đủ cánh rồi, chúng ta sẽ phát hiện tâm lý nổi loạn của nó rất mạnh, có đứa hoàn toàn đã không thể dạy bảo được nữa rồi.

Từ thị nêu rõ nội hàm đằng sau của giáo dục, rằng “Phu giáo chi hữu đạo hỹ, nhi tại kỷ giả, diệc bất khả bất thận” (Tạm dịch: Việc giáo dục con cái đều có Đạo, đều ở tự bản thân mình, không thể không cẩn trọng). Đạo lý giáo dục con cái nói thẳng ra chính là đề cao, không biết mệt mỏi tu luyện phẩm hạnh và đức hạnh của bản thân, thì mới có thể làm gương cho con. Người xưa truyền thừa lại cho nhau những lý niệm thân giáo từ đời này qua đời khác, cha mẹ làm người thầy đầu tiên của con cái, nhất cử nhất động đều đang ảnh hưởng thói quen hành vi của trẻ. Rất nhiều đứa trẻ mang trên mình phẩm chất ưu tú như khiêm nhường, vô tư, tiết kiệm, vui vẻ giúp đỡ người khác,… chúng ta cũng có thể thấy điều đó từ cha mẹ chúng. Mà có một vài đứa trẻ mang trong mình những phẩm chất bất hảo như ích kỷ, gắt gỏng, nghiện trò chơi điện tử, v.v., chúng ta cũng có thể tìm thấy được bóng dáng ở trên cha mẹ chúng.

Có cha mẹ mà mắt chẳng rời nổi màn hình điện thoại nhưng lại yêu cầu con trẻ phải đứng đầu trong lớp, chẳng khác nào nói chuyện viển vông. Điều này buộc cha mẹ trong dạy dỗ con cái phải đề cao phẩm cách cá nhân, quy chính ngôn hành của bản thân, tạo nên một hoàn cảnh cùng đạt được thành tựu và đề cao.

Lời kết

Gia đình không chỉ là nơi lánh tạm của con người ở chốn biển lớn hồng trần này, mà còn là trường tu luyện ma nạn trùng trùng, yêu cầu đối với nam nữ là khác nhau. Mà duy trì gia đình, dạy dỗ con cái chính là đề thi mà Thần đưa ra cho con người. Từ thị Hoàng hậu từ lời nói việc làm đều mẫu mực, tự mình thực hiện đạo làm vợ làm mẹ của người phụ nữ, giúp ích vô cùng lớn cho sự nghiệp của Vĩnh Lạc Đại đế và sự thịnh vượng của triều đại nhà Minh, quả là tấm gương hoàn mỹ để dẫn dắt phụ nữ hiện đại. Hồi quy truyền thống, là một người phụ nữ hiền huệ, ôn hòa, biết chăm sóc, có lẽ đó mới là phương thức nhanh nhất có được hạnh phúc thật sự.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/287294



Ngày đăng: 09-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.