Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Vạn cổ thiên môn khai: Thời kỳ Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền và Chính Pháp (6)



(Từ năm 1992 đến nay)

Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Thời kỳ Giang nắm thực quyền và củng cố quyền lực

Sau Đại hội 14, Giang giữ được chức vụ của mình, tiếp đến Giang bắt đầu thời kỳ tranh giành thực quyền, củng cố quyền lực. Mà lúc này, Đặng và các nguyên lão khác của ĐCSTQ sức khỏe ngày càng kém, Đặng đã đuổi anh em họ Dương ra khỏi quân đội, tự phá hủy bức trường thành, tạo điều kiện cho Giang thừa cơ hội đưa tay chân của mình vào trong quân đội. Năm 1994, Phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 14 tuyên bố các nguyên lão chính trị sẽ chính thức rút lui khỏi chính trường, Giang nhân cơ hội này đã dần dần thoát khỏi sự kiểm soát của các nguyên lão ĐCSTQ.

Lật đổ thị trưởng Bắc Kinh là Trần Hy Đồng

Để củng cố quyền lực, trước tiên Giang nhắm vào trung tâm chính trị là Bắc Kinh. Dựa trên kinh nghiệm trước đây của ĐCSTQ, Bắc Kinh là nơi phải thắng trong cuộc tranh giành quyền lực. Nếu không thể nắm chắc quyền lực của Quân cảnh vệ Bắc Kinh, Thành ủy và Chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng như Quân đoàn Vệ binh Trung ương, thì lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ sẽ không có cảm giác an toàn. Trần Hy Đồng, khi đó là thị trưởng Bắc Kinh và bí thư Thành ủy, có mối quan hệ cá nhân tốt với Đặng Tiểu Bình và là một người theo phe cải cách. Nếu Giang muốn kiểm soát Bắc Kinh, vấn đề lớn nhất mà hắn cần giải quyết chính là Trần Hy Đồng. Giang vốn thích khoe mẽ, tâm đố kỵ mạnh mẽ, lòng dạ hẹp hòi, đối với những người coi thường hắn, hắn sẽ nhất định báo thù.

Đối với Trần Hy Đồng, có một số việc mà Giang đặc biệt cảm thấy không thể dung nhẫn. Thứ nhất là sau khi Giang lên nắm quyền, Trần Hy Đồng đã tổ chức tiệc chiêu đãi Hồ Khởi Lập, người nối gót Triệu Tử Dương; thứ hai, trong chuyến thăm miền Nam của Đặng Tiểu Bình vào mùa xuân năm 1992, Trần lúc đó đã không ngừng đưa các khẩu hiệu, biểu ngữ về cải cách sâu rộng phát xen kẽ giữa các chương trình của đài truyền hình Bắc Kinh, lợi dụng các trường hợp để phát biểu những ngôn luận về cải cách. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Trần, “Nhật báo Bắc Kinh” đã truyền tải toàn văn nội dung bài phát biểu trong chuyến thăm miền Nam của Đặng Tiểu Bình, sớm hơn một ngày so với “Nhật báo nhân dân”, khiến Giang hoàn toàn bị động. Thứ ba là sau chuyến thăm miền Nam của Đặng Tiểu Bình, Chu Quán Ngũ, khi đó là chủ tịch của Thủ Cương, cùng với Trần Hy Đồng và những người khác đã sắp xếp cho Đặng Tiểu Bình thị sát Thủ Cương, không có ai trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vào thời điểm đó có mặt. Đặng sau đó yêu cầu Trần Hy Đồng “gửi thông điệp tới chính quyền trung ương” rằng “ai phản đối đường lối của Đại hội 13 sẽ phải thoái vị”. Những lời này lúc đó Giang nghe được giống như bị ngũ lôi oanh đỉnh, như bị sét đánh vào đầu vậy.

Trần Hy Đồng biết rõ Giang nhất định là kẻ có thù tất báo, do vậy, xuất phát từ sự an toàn của bản thân, Trần Hy Đồng hy vọng nhân cơ hội Đặng Tiểu Bình còn sống khiến Giang hạ bệ. Vì vậy vào đầu năm 1995, Trần Hy Đồng đã liên hợp với bảy vị Tỉnh ủy, cùng nhau viết một bức thư báo cáo Giang Trạch Dân với Đặng Tiểu Bình. Nội dung của bức thư này thì người ngoài không hề hay biết, Đặng sau khi xem xong không hề phát biểu ý kiến, lại giao bức thư này cho Bạc Nhất Ba xử lý. Trước sự kiện “Lục Tứ”, khi tám đại nguyên lão thương lượng với nhau về vấn đề chọn người kế nhiệm Triệu Tử Dương, Đặng thì muốn Lý Thụy Hoàn hoặc Kiều Thạch lên thay, lúc đó Bạc Nhất Ba nhất quyết tiến cử Giang Trạch Dân. Bởi vì Đặng Tiểu Bình đã già, không còn sức lực để có thể lại thay tổng bí thư nữa, nhưng Đặng giao thư cho Bạc Nhất Ba, cũng là muốn để Bạc Nhất Ba xem xem người mà ông ta tiến cử là thứ đồ gì.

Bạc Nhất Ba cũng là kẻ có phẩm hạnh không tốt, sau khi nhìn thấy lá thư tố cáo của Trần Hy Đồng, không những không muốn tiếp tục truy cứu vấn đề của Giang mà ngược lại còn thầm mừng vì đã nắm được thóp của Giang, bởi vì việc này cũng đồng nghĩa với việc nắm chắc quyền lực của Giang, có thể dễ dàng lợi dụng và uy hiếp Giang, để khiến con trai là Bạc Hy Lai và thân tín có thể thăng quan tiến chức. Thế là Bạc Nhất Ba gọi Giang đến, không nói một câu nào và tự tay đưa thư cho Giang. Sau khi Giang xem qua nội dung bức thư, mặt tái xanh, toát mồ hôi hột, toàn thân run rẩy, ngay tại đó cầu xin Bạc Nhất Ba nói lời tốt đẹp trước mặt Đặng Tiểu Bình để giữ được chức vị tổng bí thư. Bạc Nhất Ba biểu thị sẽ cố gắng hết mức, và dặn dò Giang rằng nếu muốn sau này không có thêm rắc rối thì phải hạ bệ Trần Hy Đồng, về cách làm là có thể trước tiên bắt đầu hạ thủ đối với những người xung quanh Trần Hy Đồng. Giang gật đầu như giã tỏi, liên tục nói phải. Bạc Hy Lai sau này thăng quan như diều gặp gió, đều là dựa vào quan hệ đặc biệt lần này giữa cha hắn Bạc Nhất Ba và Giang.

Để hạ bệ Trần Hy Đồng, dưới sự tham mưu của Tăng Khánh Hồng, Giang đã nhắm đến Vương Bảo Sâm, phó thị trưởng Bắc Kinh.

Năm 1995, cựu Chủ tịch Thủ Cương là Chu Quán Ngũ bị hạ bệ vì vấn đề kinh tế, con trai ông ta là Chu Bắc Phương cũng bị bắt và bỏ tù. Vụ án nhận hối lộ của Tập đoàn Bí thư thành phố Bắc Kinh bị phanh phui, vào tháng 4 cùng năm, Phó Thị trưởng Vương Bảo Sâm chết trên ngọn núi tên là Khi Phong Trà ở huyện Hoài Nhu, ngoại ô Bắc Kinh, báo cáo của chính quyền cho biết Vương đã dùng súng tự sát. Mà trên thực tế, từ dấu chân, vết thương, thuốc súng, vỏ đạn và các manh mối khác tại hiện trường có thể nhìn ra rằng Vương là bị người ta giết hại chứ không phải là tự sát. Một chứng cứ rõ ràng là: Tại hiện trường chỉ tìm thấy đầu đạn, còn vỏ đạn thì được cảnh sát tìm thấy bằng máy dò mìn, vỏ đạn này đã bị dẫm xuống đất. Nơi Vương chết hoang vu hẻo lánh, không có người, hiện trường sau khi xảy ra vụ việc được bảo vệ, tình tiết vỏ đạn “bị dẫm trong đất” chỉ có thể nói rằng khi Vương chết thì xung quanh có người. Theo thông tin tiết lộ từ nội bộ Cục An ninh Quốc gia, người này chính là đặc công An ninh Quốc gia do Giang phái tới.

Cái chết của Vương Bảo Sâm khiến Trần Hy Đồng hoảng sợ. Theo quy định của giới quan chức ĐCSTQ, những gì được phép báo cáo và những gì không được báo cáo hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích của lãnh đạo tối cao. Tuy nhiên, khi cái chết của Vương Bảo Sâm được thông qua phát sóng rầm rộ trên Đài truyền hình Trung ương, điều này báo trước sự khởi đầu của cơn bão tranh giành quyền lực. Mà Chu Bắc Phương bị kết án, khiến Đặng Tiểu Bình không thể không lo liệu hậu sự cho chính mình, nếu như kết oán với Giang, con cháu nhà họ Đặng cũng có thể trở thành mục tiêu thanh trừng của Giang. Trần Hy Đồng thấy rằng vài tháng sau khi lá thư báo cáo của mình được gửi đi, Giang vẫn hiển nhiên không bị hạ đài, cho thấy Đặng không có ý định thay người. Khi đến lúc này, Trần cuối cùng cũng biết rằng bản thân không thoát khỏi kiếp nạn.

Giang đã tốn rất nhiều công sức, cuối cùng tìm ra được bằng chứng rốt cuộc cũng chỉ là Trần Hy Đồng “từ tháng 7 năm 1991 đến tháng 11 năm 1994, đã tiếp nhận 22 lễ vật có giá trị trong mối quan hệ với bên ngoài (trong đó có 8 vật phẩm bằng bạc, 6 chiếc đồng hồ quý, 4 chiếc bút đắt tiền, 3 chiếc máy ảnh và 1 máy quay phim), với tổng giá trị hơn 55,5 vạn nhân dân tệ (thông tin từ Tân Hoa Xã, Bắc Kinh, ngày 31/7/1998). Đối với một lãnh đạo cấp cao trong ủy viên Bộ Chính trị mà nói thì cái này chẳng đáng gì, thậm chí có thể nói là tương đối thanh liêm. Trần Hy Đồng vì điều này đã phải đeo gông vào tù, bị kết án 13 năm vì tội tham nhũng và 4 năm vì tội trốn tránh nhiệm vụ, tổng cộng hai tội danh là 16 năm tù.

Cuối năm 2003, Trần Hy Đồng được tại ngoại để điều trị vì bệnh ung thư bàng quang. Sau khi ra tù, Trần đã viết đơn khiếu nại dài 50.000 từ, cáo buộc Giang đàn áp chính trị chống lại ông, cho rằng ông là nạn nhân của một cuộc tranh giành quyền lực, còn báo cáo về tội ác kinh tế của cha con họ Giang. Trần cho biết ông từng hợp tác kinh doanh với Giang Trạch Dân và Giang Miên Hằng, con trai của Giang Trạch Dân, đã chuyển nhượng trái phép tài sản nhà nước trị giá 15 triệu nhân dân tệ. Đây có lẽ chỉ là những thứ Trần có thể tiết lộ với giới truyền thông, còn câu chuyện ẩn giấu bên trong chỉ có thể đợi đến khi Trần được tự do phát ngôn mới có thể tiết lộ nhiều hơn nữa.

Lợi dụng khủng hoảng eo biển Đài Loan để củng cố quyền lực trong quân đội

Ngay sau Tết Nguyên Đán 1996, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan nổ ra.

Ngày 23/3, Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Ngoài Lý Đăng Huy, các ứng cử viên tổng thống còn có các ứng cử viên độc lập Trần Lý An và Lâm Dương Cảng, cũng như ứng cử viên Đảng Dân Tiến là Bành Minh Mẫn.

Giang rất lo lắng đối với cuộc bầu cử ở Đài Loan, sợ rằng thanh âm của cuộc bầu cử dân chủ ở Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dân chủ của người dân trong nước. Để trì hoãn vô thời hạn các cuộc bầu cử dân chủ, ĐCSTQ do Giang đại biểu thường đưa ra luận điểm sai lầm rằng điều kiện quốc gia, tố chất và văn hóa truyền thống Trung Quốc không phù hợp với bầu cử. Đài Loan và Trung Quốc đại lục có chung nền văn hóa, chủng tộc và có huyết mạch tương đồng. Một khi cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan thành công, sẽ tương đương với việc phủ định luận điệu của ĐCSTQ rằng Đại Lục không thể thực hành dân chủ, điều này sao có thể không khiến cho một kẻ độc tài đã soán ngôi mà không qua bầu cử như Giang lo lắng, bất an?

Đầu năm 1995, Giang từng đưa ra bài phát biểu có tựa đề “Tiếp tục phấn đấu thúc đẩy hoàn thành đại nghiệp thống nhất Tổ quốc”, được ngoại giới gọi là “Tám điểm của Giang”. Có thể nói, “Tám điểm của Giang” không có gì mới mẻ. Khi đó, quan hệ giữa hai bờ eo biển chưa căng thẳng, Hồng Kông sắp quay trở lại, Giang Trạch Dân đương nhiên hy vọng sẽ tạo ra sự khác biệt trong quan hệ hai bờ eo biển, việc này sẽ khiến đóng góp của hắn có thể được ghi vào sử sách. Tuy nhiên, Giang là kẻ tầm thường, kém cỏi về phương diện ngoại giao và trị quốc, không có năng lực đổi mới chế độ và suýt nữa đã gây chiến.

Kể từ khi Lý Đăng Huy lên nắm quyền tổng thống vào năm 1988, ông đã theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng, chẳng hạn như “chuyến đi nghỉ mát” tới Singapore năm 1989 và các chuyến thăm Philippines, Indonesia và Thái Lan năm 1994, khiến Giang rất đề phòng đối với Lý Đăng Huy. Điều khiến Giang cảm thấy không thể dung nhẫn được chính là, Lý Đăng Huy lấy tư cách cá nhân để thăm trường cũ của mình, Đại học Cornell vào tháng 5 năm 1995. Chính phủ Hoa Kỳ dưới áp lực của cả hai viện Quốc hội đã phê chuẩn chuyến đi của Lý Đăng Huy. Lý đã có bài diễn thuyết “Những gì người dân muốn, luôn ở trong trái tim tôi” tại Đại học Cornell để bày tỏ tư tưởng dân chủ của mình. Giờ đây, Lý Đăng Huy đã tiến thêm một bước nữa và đang chuẩn bị tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Đài Loan, dưới sự thúc giục của các lãnh đạo quân sự kỳ cựu, Giang quyết định trả đũa.

Về mặt chỉ huy quân sự, Giang hoàn toàn không có chuyên môn, “tư tưởng xây dựng quân đội” lớn nhất của Giang có lẽ là “giảng chính trị”, nghĩa là quân đội sẽ vĩnh viễn nghe theo mệnh lệnh của hắn. Trước áp lực của quân đội, Giang cần chỉ định một người làm toàn quyền chỉ huy, người này chắc chắn là người thân tín tâm phúc nhất của Giang nên Giang đã nghĩ đến Trương Vạn Niên, phó chủ tịch Quân ủy.

Trương Vạn Niên từng là Tư lệnh Quân khu Tế Nam. Khi Giang đi thị sát Quân khu Tế Nam vào năm 1992, Trương Vạn Niên đã không để mất thời cơ và bày tỏ lòng trung thành với Giang, hét lên rằng kiên quyết “ủng hộ Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương với Giang Trạch Dân làm nòng cốt”. Khẩu hiệu của Trương khiến Giang vui mừng khôn xiết. Sau khi về Bắc Kinh, Giang lập tức điều động Trương Vạn Niên về Quân ủy Trung ương làm Tổng tham mưu trưởng, năm 1993 lại phong cho Trương Vạn Niên hàm tướng quân. Trương Vạn Niên bắt đầu nỗ lực hết mình để trung thành với Giang. Vu Vĩnh Ba và Quách Bá Hùng cũng được thăng chức theo kiểu xu nịnh này. Vu được Giang bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào năm 1992. Năm sau được sắc phong làm thượng tướng. Còn Quách được thăng chức phó chủ tịch Quân ủy.

Vì để uy hiếp Đài Loan, ĐCSTQ đã tổ chức tổng cộng ba cuộc tập trận quân sự, trong đó có vụ phóng thử tên lửa ở biển Hoa Đông từ ngày 15 đến ngày 25 tháng 8 năm 1995, cách phía bắc Đài Loan 90 dặm. Vì để tác động đến cuộc bầu cử lập pháp của Đài Loan vào ngày 2 tháng 12 năm 1995, ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân và quân sự đổ bộ trên đảo Đông Sơn từ ngày 15 đến ngày 25 tháng 11. Vào đầu năm 1996, ĐCSTQ đã điều quân từ các vùng khác, di chuyển các điểm đóng quân đến các vùng ven biển đối diện với Đài Loan.

Các cuộc tập trận và huy động quân sự thường xuyên của ĐCSTQ đã khiến Hoa Kỳ cho rằng tình hình đang nghiêm trọng. Vào cuối tháng 2, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) là John Deutch nhắc lại mối lo ngại rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc có thể dẫn đến “những tính toán sai lầm hoặc những tai nạn ngoài ý muốn”.

Việc triển khai ban đầu của quân đội Trung Quốc là bắn đạn thật, vượt qua đường trung tâm eo biển, sử dụng tàu ngầm và chiếm giữ các đảo bên ngoài. Theo dự toán của toàn bộ cuộc diễn tập, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã chi hơn 4 tỷ nhân dân tệ với quy mô đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, chính quyền Clinton đã truyền đạt quan điểm “vô cùng minh xác và rõ ràng” tới ĐCSTQ, gọi cuộc tập trận tên lửa là một quyết định vội vàng và liều lĩnh, đồng thời cảnh báo ĐCSTQ rằng “nếu cuộc tập trận xuất hiện vấn đề, sẽ tạo thành hậu quả khôn lường”. Đồng thời, Hoa Kỳ phái hai nhóm tác chiến tàu sân bay là USS Independence và USS Nimitz đi tuần gần eo biển Đài Loan.

Giang biết rằng những người theo đường lối cứng rắn trong quân đội sẽ tuyệt đối không cam tâm từ bỏ kế hoạch tập trận, nhưng bản thân Giang cũng không dám thực sự tiến vào thế bế tắc với Mỹ. Giang càng sợ xung đột xảy ra, phía quân đội sẽ thừa cơ phát triển, còn bản thân với chức Chủ tịch Quân ủy này đến lúc đó sẽ thành chủ tịch hữu danh vô thực.

Sau đó, Giang nhắc lại lời dạy của Đặng Tiểu Bình là “giấu sức chờ thời” và đưa ra ba chủ trương: tên lửa không được bay qua đảo chính của Đài Loan, máy bay chiến đấu và tàu chiến không được vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan và không chiếm các đảo bên ngoài.

Quyết định mở rộng cuộc họp Bộ Chính trị đã được Thiếu tướng Lưu Liên Côn của Quân đội Giải phóng Nhân dân, cũng là đặc vụ ngầm của Đài Loan vào thời điểm đó, báo cáo cho Lý Đăng Huy. Để ổn định lòng người dân trên đảo, Lý Đăng Huy đã công khai tuyên bố “quân cộng sản chỉ bắn những quả bom rỗng, trời mưa sẽ không nổ”. Sau này, vào năm 1998, hai quan chức Tình báo Quân đội Đài Loan đã đào thoát sang Bắc Kinh, và thông tin họ tiết lộ đã dẫn đến việc bắt giữ và hành quyết Lưu Liên Côn vào năm 1999.

Kiểm soát tư tưởng – “Tam giảng” được phát hành

Để tăng cường kiểm soát về mặt tư tưởng, Giang đã đề xuất “Tam giảng” trong chuyến thị sát Bắc Kinh vào cuối năm 1995. Đây được xem là phát minh “lý luận” đầu tiên của Giang. Trong “Tam giảng”, Giang nói đến nhiều nhất chính là “giảng chính trị”. Bản thân Giang giải thích là “giảng chính trị, bao gồm đường lối chính trị, lập trường chính trị, kỷ luật chính trị, sự sáng suốt về chính trị và sự nhạy bén về chính trị”.

“Tam giảng” thực chất là một cách để Giang thiết lập quyền lực cá nhân, cái gọi là “giảng chính trị” chẳng qua là “kiên trì theo sự lãnh đạo của ĐCSTQ”, tức là tuân thủ sự lãnh đạo của “nòng cốt của Đảng” là Giang Trạch Dân. Lúc đó Đặng Tiểu Bình vẫn chưa chết. Vị thế của Giang còn lâu mới đạt đến độ thành đồng vách sắt, do đó, sau khi đề xuất “Tam giảng”, chỉ có lác đác vài người hưởng ứng.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/34326



Ngày đăng: 15-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.