Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (7)



(Từ năm 618 đến năm 907)

Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Tranh giành ngôi vị sau khi Đại Đường phục quốc

Sau khi Võ Tắc Thiên mất, Đường Trung Tông lên ngôi. Trung Tông là một hoàng đế bất tài ngu muội, mà Hoàng hậu Vi Thị của ông lại tàn bạo, dâm loạn và đầy dã tâm. Vi Thị hy vọng có thể giống Võ Tắc Thiên bước lên ngôi vua, do đó bà đã cùng với An Lạc Công chúa, và tông tộc Võ Thị kết thành đồng đảng, cùng nhau nắm giữ triều chính. Năm 710, Vi Hoàng hậu hạ độc mưu sát Trung Tông Lý Hiển, đồng thời phong tỏa tin tức, mưu đồ đăng cơ noi theo Võ Tắc Thiên. Nhưng trên thực tế, bà đã làm cho triều chính hủ bại thậm tệ, “công tư câu phế” (công tư đều suy bại), “thập thất cửu không” (mười nhà thì trống không hết chín, chỉ quang cảnh tiêu điều). Lúc ấy thế lực của người con trai thứ tư của Võ Tắc Thiên là Đường Duệ Tông Lý Đán và người con gái của bà là Thái Bình Công chúa vẫn khá lớn, là chướng ngại cho việc Vi Hậu chuyên quyền, do đó họ đã trở thành đối tượng cần tiêu diệt của bè đảng Vi Hậu.

Con trai của Duệ Tông là Lý Long Cơ rất có tầm nhìn chính trị, ông liên kết với con gái của Võ Tắc Thiên là Thái Bình Công chúa dẫn cấm quân tấn công vào hậu cung, giết chết Vi Hậu, An Lạc Công chúa và tông tộc Võ Thị, dùng vũ lực đập tan giấc mộng nữ hoàng của họ. Đồng thời khôi phục ngôi vị của Duệ Tông Lý Đán, và Lý Long Cơ được lập làm thái tử. Tuy nhiên Duệ Tông lại nhu nhược vô năng, nên Thái Bình Công chúa trở thành người nắm giữ triều chính. Sự bành trướng thế lực của Thái Bình Công chúa đã xảy ra xung đột kịch liệt với Lý Long Cơ, bà muốn phế bỏ ngôi vị thái tử của Lý Long Cơ. Năm 712, Đường Duệ Tông nhường ngôi cho thái tử, Lý Long Cơ trở thành người kế vị hợp pháp, lịch sử gọi là Đường Minh Hoàng (tức Đường Huyền Tông), quốc hiệu Khai Nguyên. Năm sau, Thái Bình Công chúa phát động chính biến, nhưng thất bại và bị ban chết. Từ đó, cuộc tranh giành đế vị kéo dài gần 10 năm cuối cùng cũng kết thúc, cục diện chính trị cũng bắt đầu ngày càng ổn định.

Thân thế và dị tướng của Huyền Tông Lý Long Cơ

Huyền Tông Lý Long Cơ là con trai thứ ba của Duệ Tông. «Cựu Đường Thư» có nói về ông rằng “Tính anh đoạn đa nghệ, vưu tri âm luật, thiện bát phân thư. Nghi phạm vĩ lệ, hữu phi thường chi biểu”. (Tính anh minh quả đoán đa nghệ, hiểu biết âm luật, thành thạo chữ bát phân, phong thái vĩ lệ, dáng vẻ phi thường).

Năm Huyền Tông ba tuổi, được phong làm Sở vương, năm vừa bảy tuổi, được mở phủ đệ và bố trí quan thuộc. Sau khi trưởng thành, lại cải phong làm Lâm Tri vương. Năm Thần Long thứ nhất trong thời Võ Tắc Thiên, được đổi thành Vệ úy thiếu khanh, sau kiêm chức Lộ Châu biệt giá, rồi thăng làm Ngân Thanh Quang Lộc đại phu. Nghe nói, ở Lộ Châu có rồng vàng bạch nhật thăng thiên. Có lần, Lý Long Cơ đang đi trên đồng ruộng, trên đỉnh đầu xuất hiện vầng mây tím bao phủ, tùy tùng đều có thể nhìn thấy. Ngoài ra, bên ngoài nơi ở của ông có cái ao, nước đầy tràn ra ngoài, những thầy vọng khí (một học thuật phong thủy) cho rằng đó là long khí. Những điềm lành như vậy đã xảy ra hơn mười lần. Phỏng theo cách nói của người xưa, thì Lý Long Cơ có tướng đế vương.

Thời kỳ Khai Nguyên chi trị của Đường Huyền Tông

*Sách lược củng cố cơ đồ khi mới lên ngôi

Huyền Tông lên ngôi hoàng đế ở tuổi 28, ông biết rõ khó có được cục diện chính trị an định và hòa bình nên ngay sau khi lên ngôi, đã lập tức tái bổ nhiệm Diêu Sùng là một vị quan tài năng làm tể tướng. Huyền Tông đã nói rằng: “Trẫm phó thác Diêu Sùng xử lý chính sự, các việc đại sự thì cùng bàn với trẫm, còn các việc nhỏ thì tự quyết lấy”. Các đại thần đều cho rằng Huyền Tông thấu hiểu quần thần, có phong thái của một đại tướng.

Năm Khai Nguyên thứ tư (năm 716) sau khi Diêu Sùng từ chức tể tướng, Huyền Tông lại trọng dụng tể tướng Tống Cảnh, đồng thời khuyến khích việc can gián và tiếp thụ can gián, loại trừ những chính sách tệ hại, khống chế xa hoa lãng phí. Diêu Sùng đề xuất chống quyền hạnh (chống những nịnh thần được sủng hạnh có quyền thế), thường xuyên ban thưởng tước lộc, tiếp nhận can gián, khước từ cống nạp, hậu đãi đại thần; Tống Cảnh thì khéo tuyển người tài, thưởng phạt vô tư, lại dám phạm thượng thẳng thắn can gián. Trong thời kỳ có Diêu, Tống chấp chính, thuế khóa lao dịch khoan dung công bằng, hình phạt giảm nhẹ, thiên hạ sung túc. Sau này những tể tướng mà Huyền Tông trọng dụng như Trương Gia Trinh, Trương Thuyết, Hàn Hưu cùng Trương Cửu Linh cũng có thể nói đều là những người có tài đức, đều có sở trường riêng. Với sự phò tá của những tể tướng tài giỏi này, Huyền Tông đã thực hiện một số cải cách đối với những chính sách tệ hại vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, về mặt chính trị mà nói, thời kỳ Khai Nguyên chi trị chẳng qua cũng chỉ là tiếp bước thời kỳ Trinh Quán chi trị mà thôi.

Những biện pháp cải cách cụ thể như sau:

Trước tiên, khôi phục nguyên tắc pháp trị “lấy khoan dung làm gốc” của thời kỳ Trinh Quán, bãi bỏ nền chính trị quan lại tàn bạo và hình pháp nghiêm khắc của thời kỳ Võ Tắc Thiên, cấm chỉ cực hình và lạm dụng hình phạt, lấy việc thực hành nhân nghĩa làm nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu trong việc trị lý thiên hạ. Ngoài ra, Huyền Tông còn ra lệnh biên soạn «Đường Lục Điển», đây là pháp điển hành chính sớm nhất còn tồn tại hiện nay của Trung Quốc. Pháp điển này tổng cộng có 35 quyển, thực hiện trong 16 năm, đến năm Khai Nguyên thứ 26 mới hoàn thành, đánh dấu hệ thống chính trị nhà Đường đang hướng đến hoàn thiện.

Tiếp theo, cắt giảm số quan lại dư thừa, chỉnh đốn tác phong và uy tín của quan lại. Thời Trung Tông, Vi Hậu và An Lạc Công chúa nắm quyền, trắng trợn buôn bán quan tước, khiến cho bộ máy quan liêu cồng kềnh, tạo thành gánh nặng cực lớn cho chi phí quốc gia. Sau khi Huyền Tông lên ngôi, bắt đầu cắt giảm cơ cấu và quan viên. Thí dụ, năm Khai Nguyên thứ 11, sửa đổi Trung thư tỉnh và Môn hạ tỉnh của Chính sự đường, bên trong thiết lập Lại phòng, Binh phòng, Hộ phòng, Hình Lễ phòng, tăng thêm Hàn Lâm học sĩ, lựa chọn quan viên tâm phúc đảm nhiệm, chuyên nắm “nội mệnh” (mệnh lệnh do Hoàng đế trực tiếp hạ chỉ).

Thứ ba, chú trọng sản xuất nông nghiệp, tiếp tục thực hiện chế độ Quân điền, chế độ Tô dung điệu (tô là thuế ruộng, dung là thuế đinh, điệu là thuế hộ) và chính sách giảm nhẹ lao dịch thuế khóa cũng như các chính sách liên quan kiểm soát hộ tịch của thời kỳ Trinh Quán.

Vào thời Huyền Tông, chế độ Quân điền trước đây “nam từ 16 đến 20 tuổi là trung, từ 21 đến 59 tuổi là đinh, trên 60 tuổi là lão” được đổi thành “từ 18 đến 22 tuổi là trung, 23 tuổi là đinh”. Quốc gia hàng năm tính toán sổ sách một lần, hộ tịch ba năm tra xét một lần. Sổ sách hộ khẩu là căn cứ để thúc đẩy chế độ Quân điền và Tô điệu của quốc gia.

Vào thời Võ Tắc Thiên, chế độ Quân điền bắt đầu dần dần bị phá hủy, hiện tượng thôn tính đất đai và nông dân lưu vong ngày càng nghiêm trọng, năm 721 (năm Khai Nguyên thứ 9), Huyền Tông phái Vũ Văn Dung làm Khuyến nông sứ đến các nơi kiểm soát các hộ lưu vong và ruộng ngoại tịch, trải qua mấy năm cố gắng, đã tra soát ra tổng cộng hơn 80 vạn hộ tá túc, và số ruộng cũng tương xứng. Đối với những hộ tá túc này chính phủ nhà Đường đánh thuế 1.500 tiền mỗi đinh, miễn tô điệu lao dịch sáu năm, rồi được các châu huyện phân bổ đất đai quân điền. Biện pháp này đã đặt định ra cơ sở cho thời kỳ Khai Nguyên thịnh thế.

Huyền Tông quy định hoàng thất thân tộc cùng các công thần không được đòi tô điệu của các phong hộ (hộ được cấp phong cho phong chủ), mà phải do chính phủ thống nhất trưng thu, còn phong chủ (người được ban cấp đất đai) sẽ nhận từ chính phủ.

Ngoài đó ra, Huyền Tông còn hạ lệnh xây dựng đồn điền ở các nơi như Hà Đông đạo, Quân Nội đạo, Hà Nam đạo, Hà Tây đạo, Lũng Hữu đạo, Hà Bắc đạo, Kiếm Nam đạo, thời điểm đó toàn quốc có tổng cộng 992 quân đồn, diện tích ruộng khai khẩn vào khoảng năm triệu mẫu, do đó các quân khu ở biên ải đều có thể tự cung tự cấp.

Ở địa khu Tam Phụ của Quan Trung, “nhà của các vương công quyền quý, đều bị tháo dỡ do việc xây dựng các kênh (Trịnh, Bạch), gây hại thủy điền”, Huyền Tông hạ lệnh tháo dỡ toàn bộ, khiến cho “dân chúng được hưởng lợi lớn”.

Thứ tư, đề xướng tiết kiệm. Huyền Tông hạ lệnh từ vương công cho đến dân chúng toàn quốc nhất loạt không được xa hoa hoang phí, hoàng thân sủng thần phạm pháp với thứ dân đều có tội như nhau.

Nền chính trị thời kỳ Khai Nguyên trong sạch và an định, khiến nền kinh tế lại lần nữa đạt đến phát triển, quốc lực tăng trưởng không ngừng, trở nên lớn mạnh chưa từng có, trong lịch sử lại xuất hiện một thời kỳ thịnh thế: Khai Nguyên thịnh thế.

Có điều, thời kỳ Huyền Tông lại bắt đầu áp chế Phật giáo. Thời kỳ Võ Tắc Thiên thống trị đã cho tu sửa rất nhiều chùa chiền, có rất nhiều người xuất gia làm tăng. Thời Trung Tông và Duệ Tông, Phật giáo tiếp tục phát triển, số tăng ni toàn quốc đạt đến mấy chục vạn người. Tuy nhiên Huyền Tông lại theo ý của Diêu Sùng, hạ lệnh trục xuất tăng ni trong thiên hạ, bức ép phải hoàn tục hơn 12.000 người. Ông còn hạ lệnh các nơi không được dựng chùa, đồng thời cấm chỉ việc đúc tượng Phật và sao chép kinh Phật trong dân gian. Những biện pháp này đều ức chế sự phát triển của Phật giáo.

Cảnh tượng Khai Nguyên thịnh thế

Đỗ Phủ, đại thi nhân nổi tiếng nhà Đường đã miêu tả cảnh tượng Khai Nguyên thịnh thế trong tác phẩm «Ức Tích» như sau:

Ức tích Khai Nguyên toàn thịnh nhật,
Tiểu ấp do tàng vạn gia thất.
Đạo mễ lưu chỉ túc mễ bạch,
Công tư thương lẫm câu phong thực.
Cửu châu đạo lộ vô sài hổ,
Viễn hành bất láo cát nhật xuất.
Tề hoàn lỗ cảo xa ban ban,
Nam canh nữ tang bất tương thất.

Tạm dịch:

Nhớ thuở xưa Khai Nguyên toàn thịnh,
Ấp nhỏ vẫn chứa cả vạn căn.
Thóc lúa căng tròn gạo trắng bóng,
Kho lẫm công tư thảy tràn đầy.
Cửu châu đường lộ không kẻ ngáng,
Đường xa chẳng nhọc chọn ngày lành.
Lụa Tề tơ Lỗ xe nườm nượp,
Trai cày gái dệt chẳng ngơi tay.

Bài thơ đã gợi lên cảnh tượng an định và sung túc của thời kỳ Khai Nguyên. Sử sách có ghi chép, năm Khai Nguyên thứ 28, tức năm 740, số hộ nhập tịch toàn quốc thời kỳ Trinh Quán ba triệu hộ đã tăng đến 4 triệu 410 nghìn hộ, với 48 triệu 140 nghìn nhân khẩu; đến năm 754, đã tăng đến 9 triệu 69 nghìn hộ, với 52 triệu 880 nghìn nhân khẩu. Diện tích đất canh tác cũng đạt đến khoảng 800 triệu mẫu. Năm 749, kho lương trung ương tổng trữ lương thực 12 triệu 450 nghìn thạch. Theo đó lượng lương thực trữ trong dân vô cũng nhiều, “nhà nào cũng tích trữ lương thực đến hàng vạn”. Điều này cho thấy nền nông nghiệp nhiều năm liên tiếp bội thu nên mới có cảnh tượng sung túc như vậy. Theo cuốn «Thông Điển» của Đỗ Hựu, lúc bấy giờ thiên hạ không có gì đắt giá, giá gạo ở Trường An và Lạc Dương mỗi đấu chưa đến 20 đồng, bột mì mỗi đấu 30 đồng, lụa mỗi xếp 210 đồng. Có thể nói “trong nước giàu có và an định, người đi xa cả vạn dặm, không cần mang theo binh khí phòng thân”.

Sự phát triển của nông nghiệp, cũng thúc đẩy sự phát triển của thương nghiệp. Không chỉ xuất hiện hình thức “cử phường” tương tự như ngân hàng tư nhân của hậu thế sau này, mà còn xuất hiện phiếu chuyển tiền – phi tiền. Đô thành Trường An không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm thương nghiệp. Rất nhiều thương nhân nước ngoài đến Trường An, Lạc Dương và các nơi ở phương Nam như Dương Châu, Thành Đô, Quảng Châu để làm ăn mua bán. Qua đó có thể thấy được mức độ phồn thịnh của thương nghiệp thời kỳ này.

Lịch sử có ghi chép, năm Khai Nguyên thứ 25 (năm 737) số người bị kết án tử hình toàn quốc chỉ có 59 người, quang cảnh nhà ngục của Đại Lý Tự hoàn toàn vắng vẻ, quạ và chim sẻ làm tổ trên cây. Có thể thấy, lấy việc thực hành nhân nghĩa làm nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu trong việc trị lý thiên hạ đã đạt được hiệu quả tương tự như thời kỳ Trinh Quán chi trị.

Ngoài ra, vì Huyền Tông vốn là người đa tài đa nghệ, nên ủng hộ mạnh mẽ về mặt văn hóa nghệ thuật. Các thi nhân nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên và Vương Duy đều hoạt động sôi nổi trong thời kỳ này, có thể nói là: “kỳ nhân nhã sĩ, đều ở kinh thành cả”. Văn hóa nghệ thuật của nhà Đường bao gồm thơ ca, vũ đạo, thư pháp đều đã đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ này.

Đường Huyền Tông từ “minh quân” chuyển sang “hôn quân” – nhà Đường từ hưng thịnh chuyển sang bắt đầu suy yếu

Sau khi trải qua thời kỳ Khai Nguyên thịnh thế, Đường Huyền Tông bắt đầu “dần ham mê xa hoa dục vọng, bỏ bê việc triều chính”. Thời kỳ Khai Nguyên chi trị là dựa trên “lề lối cũ của thời Trinh Quán”, tuy nhiên Huyền Tông không bì được Thái Tông ở chỗ ông không biết “giữ gìn sự nghiệp đã thành tựu”, không biết “thận trọng từ đầu đến cuối”, một khi có được thành tựu thịnh thế, thì liền say sưa trong tự mãn. Thêm vào việc xua đuổi hiền thần mà thân cận bọn a dua nịnh hót, vị minh quân hồi nào đã dần dần biến thành hôn quân.

*Tin tưởng gian thần

Bước ngoặt đánh dấu việc Huyền Tông từ “minh quân” chuyển sang “hôn quân” là vào năm Khai Nguyên thứ 22 ông tin dùng gian tướng Lý Lâm Phủ.

Lý Lâm Phủ thời trẻ phẩm hạnh không tốt, nhưng vì biết luồn cúi, đã lần lượt làm đến các chức Ngự sử trung thừa, Hình bộ thị lang, và cả Thừa tướng. Lúc bấy giờ ai ai cũng biết Lý Lâm Phủ là người miệng mật lòng gươm, nham hiểm gian xảo, nhưng lại “xảo ngôn tỏ ra trung thành”. Thế nhưng Huyền Tông lại không phân biệt được hắn là trung hay gian, khiến hắn ta có thể chuyên quyền đến những 19 năm, chế độ hợp nghị Tam tỉnh từng khiến triều chính trở nên trong sạch thì nay chỉ lập nên cho có vậy thôi.

Huyền Tông đã làm hoàng đế hai mấy năm giờ đây chỉ còn muốn phóng túng hưởng lạc, phần lớn thời gian đắm say vui đùa cùng tuyệt thế giai nhân Quý phi Dương Ngọc Hoàn. Lý Lâm Phủ thì chỉ một mực đón ý hùa theo, bài trừ những ai đối lập, khiến Huyền Tông từ ngạo nghễ đến ngu muội. Có hoàng đế như thế, có tể tướng như thế, thử hỏi nhà Đường làm sao có thể không đi đến chỗ suy bại đây?

*Mê đắm ca sắc hưởng lạc

Huyền Tông tại vị đã lâu, nên dần coi ca sắc như thú vui, sau năm Thiên Bảo thứ 2 từ sau khi sủng hạnh Dương Quý phi, thì càng bỏ bê việc triều chính. Dương Quý phi còn gọi là Dương Ngọc Hoàn, tổ tiên là danh thần nhà Tùy. Bà vốn là phi tử của Thọ vương Lý Mạo con trai của Huyền Tông, Huyền Tông vừa gặp bà đã phải lòng. Vì để có được Dương Ngọc Hoàn, Huyền Tông trước hết để bà làm đạo sỹ, lấy hiệu là Thái Chân. Một năm sau, thì được Huyền Tông nạp làm Thái Chân phi tử, rồi lại được sắc phong làm Quý phi. Thi nhân nhà Đường, Bạch Cư Dị đã miêu tả vẻ đẹp của Dương Quý phi và tình cảm của Huyền Tông dành cho bà trong tác phẩm «Trường Hận Ca» như sau: “Hồi mâu nhất tiếu bách mi sinh, lục quan phấn đại vô nhan sắc” (dịch nghĩa: quay đầu hé cười trăm duyên dáng, lục cung mỹ nữ nhòa phấn son); “xuân tiêu khổ đoạn nhật cao khởi, tòng thử quân vương bất tảo triều” (khổ nỗi đêm xuân ngắn ngày nắng đã lên cao, từ ấy quân vương chẳng tảo triều); “hậu cung giai lệ tam thiên nhân, tam thiên sủng ái tại nhất thân” (hậu cung giai nhân những ba ngàn, ba ngàn chỉ yêu có một người).

Từ trong lời thơ có thể thấy, Đường Huyền Tông đắm say tình cảm đã chẳng bận tâm gì đến quốc gia đại sự, bị gian thần bưng bít là điều tất nhiên khó tránh khỏi.

Dương Quý phi tuy rằng không can thiệp triều chính, nhưng người anh em bà con xa Dương Quốc Trung của bà lại trở thành đại thần chuyên quyền sau khi Lý Lâm Phủ chết. Sau khi ông ta lên làm tể tướng, một mình kiêm giữ hơn 40 chức vụ. Dương Quốc Trung là người hay tranh cãi lại bốc đồng, chuyên quyền triều chính, “công khanh trở xuống, vênh váo sai khiến, ai cũng kinh khiếp”. Ông ta một mặt thì đón ý hùa theo Huyền Tông, một mặt bạt mạng vơ vét dân chúng, khiến cho triều chính trở nên bại hoại còn hơn cả thời Lý Lâm Phủ tại chức nữa. «Quốc Sử Khái Yếu» nói rằng, Lý Lâm Phủ là “dưỡng thành cái loạn của thiên hạ”, còn Dương Quốc Trung thì là “kết thành cái loạn ấy”. Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung liên tiếp chuyên quyền cùng với việc bóc lột dân chúng và vơ vét tài sản của thiên hạ, đã đặt tiền đề cho “Loạn An Sử” sau này.

*Mở rộng biên giới vô độ

Ngoài ra, Huyền Tông tự cho rằng có quốc lực hùng hậu, quân đội hùng mạnh, do đó vô cùng ham thích mở rộng biên giới, và liên tục phát động các cuộc chiến tranh với Thổ Phồn, Nam Chiếu, Khiết Đan. Điều này không những làm cho quan hệ dân tộc trở nên xấu đi, mà còn khiến tài chính cũng trở nên thiếu hụt, nên lại tăng cường bóc lột dân chúng; đồng thời tăng thêm lượng lớn lính biên phòng và quân bị, dẫn đến bố cục quân sự trở nên trọng ngoại khinh nội (coi trọng biên ngoại mà xem nhẹ biên nội). Do sự sụp đổ của chế độ binh phủ, nên năm Khai Nguyên thứ 11 đã tiến hành chế độ mộ binh. Những lính đánh thuê này sẽ do chính phủ cung cấp lương hướng, vậy nên chi phí quân sự lại trở thành một gánh nặng lớn. Đầu Khai Nguyên chi phí quân sự là 2 triệu quan, đến cuối Khai Nguyên chi phí quân sự đã tăng đến 10 triệu quan, cuối năm Thiên Bảo chi phí quân sự tăng đến 15 triệu quan. “Thịnh thế” một thời làm sao chịu nổi những thăng trầm liên tục như vậy?

Trong những năm Khai Nguyên, vùng biên giới đã thiết lập 10 Tiết độ sứ, họ không những “đã có đất đai, lại có dân chúng, lại có binh giáp, lại có tài phú”, chính quyền, quân quyền, tài quyền tập trung trong tay, hình thành những thế lực bán cắt cứ. Trong thời kỳ Huyền Tông lượng quân đóng ở biên giới chiếm trên 85% tổng binh lực toàn quốc.

Thuận theo sự hủ bại của triều chính nhà Đường, uy tín của nhà Đường ở Tây Vực sa sút nghiêm trọng, những nguy cơ vùng biên giới ngày càng tăng. Để đối phó với nguy cơ vùng biên giới, triều đình càng thêm dựa vào các Tiết độ sứ. Tình trạng ấy khiến các Tiết độ sứ càng ngao ngược, nên sự xa cách đối với chính phủ trung ương ngày càng lớn. “Loạn An Sử” trong những năm Thiên Bảo chính là do Tiết độ sứ biên giới làm loạn, nhà Đường từ đó bắt đầu chuyển từ hưng thịnh sang suy yếu.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29156



Ngày đăng: 17-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.