Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (12)



(Từ năm 618 đến năm 907)

Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Hội họa và thư pháp

Nghệ thuật hội họa

Cùng với sự phong phú không ngừng về chủ đề hội họa và kỹ thuật biểu đạt, hội họa thời Đường đã có sự phân ngành rất rõ ràng. Lúc bấy giờ đã xuất hiện rất nhiều danh họa nổi tiếng, số người được sử sách lưu lại cũng hơn 200 người, đây là điều mà trước đây chưa từng có. Trên cơ sở không ngừng tiếp thụ những ảnh hưởng từ những vùng lân cận và nước ngoài, kỹ thuật biểu hiện nghệ thuật của các họa sĩ càng thêm phong phú, đề tài sáng tác cũng phổ biến hơn bao giờ hết. Tranh nhân vật, sơn thuỷ, chinh chiến, hoa điểu, và bích họa kinh biến Phật giáo đều dần dần phát triển thành các thể loại hội họa độc lập, phong cách hội họa với lối vẽ tỉ mỉ đầy màu sắc, rực rỡ, đa dạng đã đạt đến mức độ thuần thục vào thời kỳ này.

Tranh nhân vật càng ngày càng chú trọng phản ánh cuộc sống hiện thực và khắc họa khí chất tinh thần của nhân vật hơn; tranh sơn thuỷ phân thành hai thể hệ lớn là thanh lục và thuỷ mặc, đồng thời cũng xuất hiện những phong cách mang tính vùng miền nam bắc khác nhau; tranh hoa điểu sáng lập ra nhiều chủng phương thức thể hiện như lối vẽ tỉ mỉ phủ màu và thuỷ mặc màu nhạt, cùng lối vẽ không xương (kỹ thuật vẽ tranh hoa và lá trực tiếp bằng màu hay mực mà không có đường viền). Các bức họa tôn giáo cũng có màu sắc tươi sáng hơn. Ngoài ra, những bích họa thời Đường như các bức bích họa trong cung điện, đền chùa, lữ xá, hang đá, lăng mộ v.v. đều rất nguy nga tráng lệ, khiến người xem phải tán thán không thôi. Tranh cuộn cũng bắt đầu phát triển, và dần trở nên phổ biến vì dễ sáng tác, cất giữ và thưởng thức. Có thể nói, thành tựu hội họa thời nhà Đường đã vượt qua các triều đại trước, khí phách hào hùng của nó đã ảnh hưởng đến cả các nước phương Đông thời bấy giờ, và trở thành đỉnh cao trong lịch sử hội họa của Trung Quốc.

Tranh nhân vật

Đường Thái Tông dùng mỹ thuật để biểu dương công trạng, yêu cầu mỹ thuật phải có chức năng xã hội là “thúc đẩy giáo dục, trợ giúp nhân luân”, do vậy tranh nhân vật thời Đường phát triển rất nhanh chóng, với sự xuất hiện của nhiều họa sĩ nổi tiếng có nhiều thành tích nổi bật về tranh nhân vật như Diêm Lập Bổn, Trương Huyên, Ngô Đạo Tử… đã đưa tranh nhân vật bước vào thời kỳ hoàng kim trong thời đại nhà Đường.

Diêm Lập Bổn và bức tranh sứ giả triều cống trong trang phục kỳ dị

Diêm Lập Bổn là một họa sĩ cung đình của Đường Thái Tông, và cũng là một nhà thư pháp tài ba. Ông có tài vẽ nhân vật, ngựa xe, đài các và đặc biệt giỏi vẽ tranh chân dung. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có “Lăng Yên các nhị thập tứ công thần đồ” (bức vẽ 24 công thần ở Lăng Yên các), “Tần phủ thập bát học sĩ” (18 học sĩ ở Tần phủ), và “Lịch đại đế vương đồ” (bức vẽ các vị vua qua các triều đại). Phong cách hội họa của ông học theo phương thức sử dụng nét vẽ khắc họa hình thể và nội hàm tinh thần của Cố Khải Chi; ông cũng áp dụng ý tưởng về sự đầy đặn và mỹ lệ trong tranh nhân vật của Trương Tăng Diêu, vậy nên nét bút của ông mạnh mẽ, bút pháp hùng hồn, lối vẽ tỉ mỉ phủ màu đậm trên nền lụa thô. Hai bức “Chức cống đồ” và “Bộ liễn đồ” là được thực hiện theo chỉ dụ của Thái Tông. “Chức cống đồ” đã ghi lại chính xác khung cảnh thú vị khi sứ giả của các dân tộc và các quốc gia nước ngoài đến Trường An triều kiến “Thiên Khả Hãn” lúc bấy giờ. Còn “Bộ liễn đồ” là miêu tả quang cảnh Đường Thái Tông hội kiến sứ giả do Tán phổ Tùng Tán Cán Bố của Thổ Phiên (nay là Tây Tạng) cử đến đón dâu vào năm Trinh Quán thứ 15.

Tranh mỹ nữ thanh nhã của Trương Huyên và Chu Phưởng

Trương Huyên là người tiên phong trong phong cách hội họa “mày cong má phúng” của phụ nữ nhà Đường, nhân vật ông vẽ có biểu cảm sinh động, phong thái đoan trang, trang phục tươi sáng, tâm thái ung dung. Hầu hết đề tài trong tranh của ông là bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực, và có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến thể loại tranh phong tục sau này. Các tác phẩm nổi tiếng được truyền đời của ông có các bức “Đảo luyện đồ”, “Quắc quốc phu nhân du xuân đồ” v.v..

Chu Phưởng giỏi vẽ nhân vật theo phong cách hoa mỹ, phong cách hội họa của ông ban đầu học theo Trương Huyên, sau có chút khác biệt, rồi dần dần hình thành nên đặc điểm “hình thể đầy đặn, đường nét y phục đơn giản khỏe khoắn, màu sắc mềm mại mỹ lệ”, người đời sau gọi là “Chu gia dạng” (phong cách Chu gia). Bố cục của tranh thường không có bối cảnh, mà lấy hoạt động của các nhân vật khác nhau tạo thành các phân đoạn nhưng lại liên quan đến nhau, nét vẽ cổ sơ mà cứng cỏi. Các tác phẩm của ông được truyền lại gồm có “Huy phiến sĩ nữ”, “Trâm hoa sĩ nữ”, “Đàn cầm sĩ nữ” và “Nội nhân song lục đồ” v.v.. Y phục và trang sức của các nhân vật đều tươi sáng sang trọng, gọn gàng tinh tế, thực sự đã tái hiện được vẻ đẹp dịu dàng thanh nhã của người phụ nữ thời đại nhà Đường.

Họa thánh – Ngô Đạo Tử

Ngô Đạo Tử là đại biểu kiệt xuất cho hội họa tôn giáo Đại Đường. Ông đã vẽ rất nhiều bức bích họa tôn giáo ở Trường An và Lạc Dương. Các thiên nữ ông vẽ “thiết mâu dục ngữ” (mắt liếc nhìn như muốn nói), Bồ Tát “chuyển mục thị nhân” (đưa mắt nhìn thế nhân), Lực sĩ “cầu tu vân mấn, sổ xích phi động, mao căn xuất nhục, lực kiện hữu dư” (râu quai nón tóc mây, bay bổng mấy thước, cơ bắp nổi rõ, lực lưỡng tráng kiện). Ông còn biến đổi lối vẽ “nét dây sắt” với các đường đậm mảnh như nhau trước nay của Cố Khải Chi thời Đông Tấn, và giỏi lối vẽ “nét lá lan” nhấn nhá đậm nhạt nặng nhẹ như có nhịp điệu; nếp áo như thể bồng bềnh, tạo nên xảo diệu “nét vẽ chưa tròn mà ý đã trọn”. Khi ông hạ bút thì gió nổi ào ào, thiên y phấp phới, nên có cách nói “Ngô đới đương phong” (ý là vạt áo Ngô Đạo Tử vẽ như đang bay trong gió); khi ông phủ màu chỉ hơi nhuộm nhẹ, chỉ hơn màu lụa trắng, được gọi là phong cách “Ngô trang”.

Sử sách ghi chép rằng có rất nhiều đồ tể sau khi xem xong bức “Địa ngục kinh biến” của ông thì sinh tâm sợ hãi, rần rần bỏ nghề sang làm nghề khác, khiến phố phường một dạo xuất hiện hiện tượng kỳ lạ thiếu cá thiếu thịt. Cho nên danh tiếng của Ngô Đạo Tử càng thêm nổi tiếng, người tìm đến nhờ vẽ tranh ngày càng đông, vậy nên Đường Huyền Tông không thể không “niêm phong” tay của ông lại, nếu không có chiếu chỉ thì không được vẽ nữa. Chúng ta có thể lĩnh hội phong cách “nét vẽ như thần” của ông qua các bức tranh “Bồ Tát đồ”, “Bát thập thất thần tiên đồ quyển” và “Thực tích tân tứ la tượng trục”.

Tranh vẽ của ông cùng với Thảo thư của Trương Húc, kiếm thuật của Bùi Mẫn được người đương thời gọi là “tam tuyệt”, hơn nữa còn ảnh hưởng đến tận những vùng xa xôi như Nhật Bản, Hàn Quốc. Bức “Tống tử thiên vương đồ” của ông đến nay vẫn còn được lưu giữ tại Nhật Bản.

Trong “Thái Bình Quảng Ký” còn có một truyền thuyết thú vị về Ngô Đạo Tử như sau: có một lần Ngô Đạo Tử đi thăm một tăng nhân, muốn xin chén trà uống, nhưng vị tăng nhân đối với ông có phần thiếu tôn kính, ông liền lấy bút mực vẽ lên chén trà một con lừa, xong rồi bỏ đi. Đêm đến con lừa bước xuống dẫm nát hết đồ đạc của vị tăng nhân, khiến cả phòng lộn xộn lung tung hết cả. Vị tăng nhân biết đó là Ngô Đạo Tử đang bỡn cợt mình, nên đành nhận lỗi và thỉnh mời ông đến giúp, Ngô Đạo Tử liền đem con lừa xoá đi.

Tranh sơn thuỷ và tranh hoa điểu đa dạng đặc sắc

Tranh sơn thuỷ thời nhà Đường kế tục thời nhà Tùy, càng thêm phát triển mạnh mẽ, hình thành hai trường phái chính với phong cách khác nhau. Một là thanh lục sơn thuỷ với đại diện là hai cha con võ tướng Lý Tư Huấn và Lý Chiêu Đạo (thường gọi là tiểu đại Lý Tướng quân); một nữa là thuỷ mặc sơn thuỷ với đại diện là quan văn Vương Duy (thường gọi là Vương Hữu Thừa).

Lý Tư Huấn thời sơ Đường được mệnh danh là “quốc triều sơn thuỷ đệ nhất”. Ông đã xác lập nên trường phái “thanh lục vi chất, kim bích vi văn” (màu xanh làm chất, vàng kim làm hoa văn) trong lịch sử tranh sơn thuỷ của Trung Quốc, với kết cấu tỉ mỉ tinh tế, phủ màu nồng đậm, đường nét đẹp đẽ đàng hoàng, được gọi là trường phái “Bắc tông”. Thanh lục sơn thuỷ sử dụng lối phác thảo, bút pháp tỉ mỉ phức tạp, lấy sắc màu phẩm xanh và phẩm lục làm chủ đạo; đôi khi để tạo điểm nhấn, sẽ được rắc thêm bột phấn vàng hay kim tuyến, nhằm tạo hiệu ứng lấp lánh ánh vàng, tươi sáng tráng lệ, tinh tế đẹp mắt. Như bức “Giang phàm lâu các đồ” của Lý Tư Huấn, và “Minh Hoàng hạnh thục đồ” của Lý Chiêu Đạo, sắc màu phong phú diễm lệ, đầy biểu cảm, rất có sức hút.

Vương Duy, thi nhân nổi tiếng thời thịnh Đường, đã sáng tạo ra phương pháp vẽ tranh sơn thuỷ “phá mặc thiền cảnh”. Những dòng sông ngọn núi, dòng sông tuyết mà ông vẽ thường mang một loại cảm xúc vắng lặng, thanh đạm mà sâu sắc, thực sự đã đạt đến ý cảnh: trong thơ có tranh, trong tranh có thơ, gọi là phái “Nam tông”. Tranh thuỷ mặc sơn thuỷ dùng phương pháp phủ màu, nét vẽ rõ ràng và phóng khoáng, làm tăng thêm hiệu ứng của màu mực, từ đó thể hiện được bản chất và diện mạo của cảnh vật. Cho dù phủ màu cũng chú trọng tính tự nhiên và thanh đạm, theo đuổi cảnh giới súc tích, xa xăm mà thuần tịnh, đạt đến “trong tranh có thơ, trong thơ có tranh”. Như bức “Tuyết khê đồ” của Vương Duy vừa giản dị chân thật, cảm xúc uyển chuyển, lại vừa ý vị sâu xa.

Cũng như tranh nhân vật và tranh sơn thuỷ, tranh thú và hoa điểu đời Đường cũng tiến vào giai đoạn phát triển một cách độc lập, được cung đình lẫn dân gian đón nhận một cách rộng rãi, đồng thời cũng xuất hiện rất nhiều những họa sĩ tài ba chuyên vẽ hoa điểu hay chuyên vẽ trâu ngựa. Ví dụ Tiết Tắc giỏi vẽ tiên hạc, Đỗ Phủ có thơ khen hạc ông vẽ là “đê ngang các hữu ý, lỗi lạc như Trường nhân” (tạm dịch nghĩa: cúi đầu ngẩng đầu đều hữu ý, lỗi lạc như thể là Trường nhân). Còn có Khương Giảo giỏi vẽ chim ưng, hình ảnh uy nghiêm, đầy sát khí.

Lại như Tào Bá, rất giỏi vẽ ngựa, ngựa ông vẽ hừng hực sức sống, siêu phàm thoát tục. Đệ tử của ông là Hàn Cán, thậm chí còn giỏi hơn cả ông, bức “Chiếu dạ bạch đồ” được vẽ bằng cách dùng sợi dây sắt điêu luyện mềm dẻo phác họa rồi phủ lên chút màu sắc, và thế là một chú ngựa với thần thái mạnh mẽ sung sức được khắc họa một cách sống động với bốn vó khinh khoát, ngẩng đầu hí vang, tư thế như thể giật dây cương mà chạy, thật không hổ là một danh tác. Ông đã nói với Đường Huyền Tông rằng những con ngựa tốt trong vườn cấm uyển của hoàng cung đều là những hình mẫu thực cho ông vẽ. Ngựa mà Hàn Cán vẽ đều chân ngắn, thân hình đầy đặn, dũng mãnh, tướng chạy ngàn dặm, gọi là “Đường mã”, có ảnh hưởng sâu sắc đến những thế hệ sau.

Hơn một nửa số hang động hiện có trong hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng là được xây dựng trong thời Tuỳ Đường. Trong những hang động này đến nay vẫn lưu giữ một lượng lớn những bức bích họa chủ yếu về “Kinh biến” và người được cung dưỡng, hoặc kể về những câu chuyện trong kinh Phật, hoặc mô tả nhân vật được cung dưỡng, khác với những bức tranh thiên về thuyết pháp và bổn sinh của Đức Phật trong các thời đại trước, rực rỡ đặc sắc, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Sự âm u bi thương được thay thế bằng bầu không khí vui tươi sáng sủa; cảnh cực lạc của thái bình mừng vui, vẽ ra thế giới Phật quốc trong tư tưởng con người. Xoay quanh việc mô tả nội dung của Kinh biến, đan xen với cảnh tượng cuộc sống như yến ẩm, diễu binh, hành nghề y, lữ hành thương nghiệp, trồng trọt v.v. một cách rõ ràng chân thực mà thú vị.

Như bức “Tây phương tịnh thổ biến đồ”, ngoài Đức Phật và các đệ tử ra, bức tranh còn cho thấy lầu quỳnh gác ngọc, núi non hư ảo, đội nhạc cao tấu, vũ điệu rộn ràng, bầu không khí sáng lạn, sắc màu rực rỡ.

Tạo hình nhân vật trong các bức họa ở Đôn Hoàng tiến triển từ thô sơ đến tinh tế, vóc dáng chuẩn xác và sống động, nam nhân áo rộng thắt lưng lớn, phong thái ung dung; nữ nhân hình thể đầy đặn, diễm lệ đa sắc thái. Đặc biệt là hình tượng Bồ Tát, càng toát lên vẻ đẹp nữ tính trong đời sống hiện thực, đoan trang nhã nhặn, duyên dáng đáng yêu, dịu dàng thân thiết.

Ngoài những bức bích họa ở Đôn Hoàng, nhà Đường còn có những bích họa lăng mộ đầy màu sắc. Thuận theo sự phát triển của phong tục an táng trọng thể của các hoàng đế, quy mô và trình độ nghệ thuật của các bích họa lăng mộ thời Đường cũng vượt xa hẳn các triều đại trước. Đặc biệt là những bích họa trong mộ của Chương Hoài Thái tử Lý Hiền, mộ của Vĩnh Thái công chúa Lý Tiên Huệ, mộ của Ý Đức Thái tử Lý Trọng Nhuận ở khu vực Càn Lăng đều có kích thước rất lớn, bố cục chặt chẽ, nội dung phong phú, từng phần cuộc sống xa hoa trong cung đình như thuần hoá báo, khách sứ, cung điện, cung nữ, ca đờn v.v. đều lần lượt triển hiện trên từng bức vẽ.

Một bức khác là “Lễ tân đồ”, mô tả ba vị khách nước ngoài với thần thái tôn kính và nghiêm trang cùng các quan viên người Hán, đang đợi để tiếp kiến Thái tử. Tướng mạo, trang phục đặc trưng khác nhau của họ được khắc họa tỉ mỉ chi tiết, giúp chúng ta có thể có cái nhìn thoáng qua về sự giao lưu sôi nổi giữa các dân tộc trong và ngoài nhà Đường.

Những bức bích họa trong lăng mộ của Vĩnh Thái công chúa dài hơn trăm mét, mô tả các võ sĩ và nam nữ tuỳ tùng xếp thành hàng đan xen lẫn nhau, các nhân vật người thì ngoái lại thì thầm, người thì cúi đầu trầm tư, người thì nghiêm túc trầm tĩnh, người thì nhàn nhã ôn hoà, hết thảy đều có tư thái đẹp đẽ, cảm xúc phong phú; đường nét y phục bồng bềnh uyển chuyển như nước chảy mây trôi, trầm bổng có nhịp. Các bích họa trong mộ thất của Ý Đức Thái tử thì thể hiện sự tráng lệ của những lầu các cao vút, sự hùng vĩ của nghi trượng cung đình, lộng lẫy huy hoàng, khí thế hào hùng, lộ vẻ tinh tế đặc sắc. Các họa sĩ vô danh đời Đường có lối vẽ lưu loát, màu sắc thanh thoát, và giỏi tận dụng không gian đan xen với nhau, tạo thành hình ảnh biến hóa phong phú mà lại không làm mất đi phong cách nghệ thuật tinh xảo đồng nhất hài hoà, điều này đã thể hiện rõ sự phát triển ở mức độ tổng thể của hội họa thời Đường.

Nghệ thuật thư pháp

Đường Thái Tông trong “Chỉ Ý” đã nói rằng: Phù tự dĩ thần vi tinh phách, thần nhược bất hoà, tắc tự vô thái độ dã; dĩ tâm hào vi cân cốt, tâm nhược bất kiên, tắc tự vô kình kiện dã. (Ý là, linh hồn của chữ nằm ở phần thần của người cầm bút, thần nếu không hoà hợp, thì chữ sẽ không có thần; tâm là gân cốt của chữ, tâm nếu không kiên định, chữ viết ra sẽ không khoẻ khoắn có lực). Ông tôn sùng thư pháp của nhà thư pháp nổi tiếng Vương Hi Chi thời nhà Tần, và gọi đó là “tận thiện tận mỹ”. Do vậy thư pháp thời Đường coi Vương Hi Chi là tổ tôn, kết hợp cùng chữ khắc trên bia và chữ Triện chữ Lệ. Phong cách chữ Khải khí phách, cùng sự xuất hiện lớp lớp các thư pháp gia như Âu, Ngu, Chử cho đến Nhan, Liễu. Còn Thảo thư thì có sự xuất hiện của “điên Trương cuồng Tố”. Số lượng bút tích của các thư pháp gia thời Đường được lưu truyền đến nay nhiều hơn cả so với những triều đại trước đó, và một lượng lớn bia đá cũng đã lưu lại những tác phẩm thư pháp có giá trị.

  • Sơ Đường tam đại gia – Âu, Ngu, Chử

Ba nhà thư pháp nổi tiếng thời sơ Đường là Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam và Chử Toại Lương. Có thể nói là “Thư pháp đến sơ Đường đã đạt đến cực thịnh”.

Phong cách thể chữ của Âu Dương Tuân thông thường cao và hiểm, phong cách Khải thư của ông dù là nét bút hay là kết cấu nét chữ thì đều có thể thức vô cùng nghiêm ngặt. Nét bút của ông nổi tiếng là thanh mảnh, kết cấu gọn gàng, chữ viết đoan trang, khoẻ khoắn có lực; nét trước nét sau liền mạch nối tiếp lẫn nhau, và được sắp xếp khéo léo ngay cả trong từng chi tiết nhỏ. Vì Khải thư của ông rất chặt chẽ lại dễ học nên thường được dùng làm khuôn mẫu cho những người mới bắt đầu luyện chữ.

Thư pháp của Ngu Thế Nam trầm hậu mà an tường, sâu sắc rộng lớn. Đường Thái Tông từng khen Ngu Thế Nam có ngũ tuyệt, tức là đức hạnh, trung trực, uyên bác, văn từ, và thư hàn. Thái Tông nói: nếu có một trong số đó, cũng đủ trở thành một danh thần. Mà một mình Thế Nam, tài năng xuất thế, ngũ tuyệt đủ cả. Trong “Thư Đoạn” có bình như sau: Âu (Dương Tuân) ví như mãnh tướng thâm nhập, có lúc bất lợi; Ngu (Thế Nam) ví như hành nhân khôn khéo, hiếm khi lỡ lời. Ngu thì nội hàm cương nhu, Âu thì lộ cả gân cốt, quân tử đức độ, Ngu có phần hơn. Đương thời danh tiếng của Ngu trên cả Âu. Từ đó có thể thấy người Trung Quốc từ xưa đến nay luôn coi trọng nhân phẩm, xem nhẹ vật chất. Khi Thế Nam qua đời, Thái Tông thường than rằng: “Ngu Thế Nam mất rồi, không còn ai luận bàn thư sách nữa”.

Về sau Nguỵ Trưng tiến cử Chử Toại Lương với Thái Tông, Thái Tông đã phong ông làm Thị thư. Chữ viết của ông dung hợp phong cách của nhị Vương (cha con Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi), Âu và Ngu, nét chữ rõ ràng hoa mỹ, vững chãi mà bay bổng. Người đời gọi thư pháp của ông là: “trong chữ nảy vàng, giữa hàng sinh ngọc, bút pháp nhã nhặn, đẹp đẽ đa phương”, thiên hạ vang dội một thời.

  • Đỉnh cao thư pháp nhà Đường – Nhan cân Liễu cốt

Nhà thư pháp nổi tiếng Nhan Chân Khanh thời trung Đường đã cải biến phong cách thư pháp thanh mảnh thành hùng cường, thể chữ của ông dày đậm mà mạnh mẽ đẹp đẽ, kết cấu rộng mở, khí thế hào hùng. Cuộc đời đầy ắp trung nghĩa và bi thương khiến cho nét bút thư pháp của Nhan trong những năm cuối đời như rừng già khô khốc, nhưng bên trong lại ẩn chứa hoa thơm và nhụy non, một khi bừng sống, vạn cành đâm trổ, sức sống tràn trề. Chẳng trách Tô Đông Pha có câu rằng: Thi chí vu Đỗ Tử Mỹ (Phủ), văn chí vu Hàn Thối Chi (Dũ), thư chí vu Nhan Lỗ Công (Chân Khanh), hoạ chí vu Ngô Đạo Tử, nhi cổ kim chi biến, thiên hạ chi năng sự tất hỉ. (Nghĩa là nhất thi ca là Đỗ Tử Mỹ (Đỗ Phủ), nhất văn chương là Hàn Thối Chi (Hàn Dũ), nhất thư pháp là Nhan Lỗ Công (Nhan Chân Khanh), nhất hoạ là Ngô Đạo Tử, mặc dù từ xưa đến nay đã qua nhiều biến đổi, nhưng tài năng trong thiên hạ gần như không ai vượt qua).

Hành thư và Thảo thư của thư pháp gia Liễu Công Quyền thời cuối nhà Đường cực giống những binh nhì ở Viên môn, canh gác nghiêm ngặt, thể chữ chú trọng cốt pháp, trầm bổng tươi sáng. Chữ của ông thanh gầy cứng cỏi hơn chữ của Nhan, và hùng hậu hơn chữ của Âu. Đường Mục Tông từng hỏi về phương pháp viết chữ của ông, Liễu Công Khanh trả lời rằng: “Dụng bút tại tâm, tâm chính tắc bút chính”. Điển cố này đã được lưu truyền trở thành “bút gián giai thoại”. “Mông Chiếu Thiếp” là tác phẩm tiêu biểu cho Hành thư của ông, danh tiếng lẫy lừng, khí thế áp đảo, hoàng đế Càn Long đã đề thơ khen ngợi ông là “hiểm trung sinh thái, lực độ Hựu Quân (Vương Hi Chi)”. Vậy nên người đời sau gọi “Nhan cân Liễu cốt” là vậy.

Ngoài ra, còn có Trương Húc nổi tiếng là “Thảo thánh”, và giỏi cả Khải thư. Khải thư của ông “cực nghiêm ngặt” còn Thảo thư thì “cực phóng túng”, khiến người thời ấy cảm thấy thật khó tin. Tô Đông Pha đã lý giải đạo lý bên trong điều này như sau: Chân sinh Hành, Hành sinh Thảo. Chân như lập, Hành như hành, Thảo như tẩu, vị hữu vị năng trữ lập như năng tẩu giả dã. (Nghĩa là Chân thư (cũng gọi là Khải thư) sinh Hành thư, Hành thư sinh Thảo thư. Chân thư ví như đứng, Hành thư ví như đi, Thảo thư ví như chạy, chưa có ai là chưa thể đứng vững mà có thể chạy cả). Vậy nên mỗi nhà thư pháp danh tiếng trong các triều đại đều phải thành thạo Khải thư trước rồi mới có thể học các chữ khác. Trương Húc là người đặt nền móng cho “cuồng thảo”.

Hoài Tố là người kế thừa và phát triển bút pháp Thảo thư của Trương Húc, ông cũng nổi danh nhờ lối viết “cuồng thảo” ấy. Chữ tiểu thảo của ông giống như hoa xuân chớm nở, tươi đẹp thanh tú; chữ đại thảo của ông thì như kiếm múa của Công Tôn Đại Nương, vun vút mà phóng khoáng, rất nhiều các học giả đời sau đều bắt chước theo phong cách của ông.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29329



Ngày đăng: 03-02-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.