Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (6)



(Từ năm 618 đến năm 907)

Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Sự xuất hiện của dự ngôn «Thôi Bối Đồ»

Khi lịch sử nhà Đường vừa được vén màn, cũng vừa mới bước vào thời đại thịnh Đường trong thời Thái Tông, tưởng chừng còn chưa biết hướng đi tương lai, thì đã xuất hiện hai kỳ nhân, cùng biên soạn một cuốn sấm đồ dự ngôn về lịch sử của hậu thế – «Thôi Bối Đồ», họ chính là Tư thiên giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang trong những năm Trinh Quán Đường sơ. «Thôi Bối Đồ» tổng cộng có 60 bức đồ tượng (tranh vẽ), dưới mỗi bức đều có sấm ngữ và một bài thơ luật “tụng viết”, đó là những dự ngôn về những sự việc trọng đại qua các triều đại ở Trung Quốc từ triều đại nhà Đường đến ngày nay và cho đến cả tương lai.

Vì tính chính xác của «Thôi Bối Đồ», nên một số người đã hoài nghi rằng nó là sản phẩm bịa đặt của hậu nhân mà thôi.

Có rất nhiều giải thích về «Thôi Bối Đồ», nhưng có ảnh hưởng lớn nhất vẫn là chú giải của Kim Thánh Thán. Kim là người trong thời Minh mạt và Thanh sơ, đã chứng kiến sự thay đổi triều đại của nhà Minh và nhà Thanh. Ông đã nói về tượng thứ 33 trong «Thôi Bối Đồ» như sau: “Tượng này là điềm chỉ người Mãn Thanh vào quan ải, tráo khách thành chủ chỉ là khí số thành ra như vậy, không phải dựa vào sức người là có thể vãn hồi. Liêu Kim tiếp sau người Hồ làm chủ Trung Nguyên, tộc người Hán lỗi lạc chớ có vì thế mà hổ thẹn”.

Từ tượng 34 trở đi đã là những chuyện sau khi Kim qua đời, trong những năm Kim còn sống không thấy xảy ra những chuyện phù hợp với nội dung của dự ngôn, vậy nên khi giải tượng này ông đã nói: “Chứng thực những chuyện đã qua thì dễ, suy đoán những chuyện tương lai mới khó, nhưng mà chứng thực chuyện trước đây, có lẽ không thể không suy đoán đến tương lai. Ta chỉ mong từ nay về sau, những điều mà ta nói là thái bình may sao đều trúng, còn những điều mà ta nói không thái bình thì may sao không trúng, và ta có thể nói là vô tội. Tượng này e là gặp thủy tai hoặc là việc quân và thiên tai cùng lúc, bấy giờ rất loạn”.

Trên thực tế, những dự ngôn thông thường có một đặc điểm là chỉ sau khi sự việc xảy ra rồi thì mới xem hiểu. Còn trước đó thì các dự ngôn luôn khiến người ta cảm giác thấy mập mờ vừa đúng vừa sai, tựa như cố ý không để người ta biết được quá rõ ràng. Vậy nên các dự ngôn thường dùng các phép ẩn dụ, đồng âm, đoán chữ, thậm chí là cả thuật ngữ Ngũ hành và Bát quái, đối với người hiện đại từ nhỏ đã học lối văn bạch thoại mà nói thì càng khó khăn hơn. Ở một mức độ nhất định mà nói, thì tư tưởng của người Trung Quốc hiện đại đã bị cắt đứt khỏi văn hóa truyền thống chân chính. Truyền thống văn hóa của phương Tây càng không có sự bác đại tinh thâm như của Trung Quốc, tuy nhiên ở nhiều phương diện thì người phương Tây lại trân trọng lịch sử của họ hơn, và họ cố gắng để hấp thụ được trí huệ từ trong đó. Công bằng mà nói, có rất nhiều tư tưởng truyền thống mà chúng ta cho rằng không đáng nhắc đến thì phương Tây cũng chẳng có. Rất nhiều vấn đề mà người ta không lý giải được đều được lịch sử đưa ra đáp án, vấn đề là chúng ta có muốn đột phá giới hạn của tư tưởng, bình tĩnh suy xét hay không thôi.

Trong khi giảng giải về lịch sử từ nay về sau, chúng ta sẽ kết hợp cùng với «Thôi Bối Đồ» để xem xét khả năng dự kiến phi thường của nó nhé.

Những dự ngôn liên quan đến khí số nhà Đường trong «Thôi Bối Đồ»

Dự ngôn về khí số nhà Đường trong tượng thứ 2 của «Thôi Bối Đồ».

Trong hình vẽ của tượng thứ 2 vẽ một chiếc đĩa, bên trên đặt 21 quả mận xếp chồng lên nhau, trong đó quả mận thứ 4 không có cuống. Phần chữ tụng viết: “Vạn vật thổ trung sinh, nhị cửu tiên thành thực, nhất thống định Trung Nguyên, âm thịnh dương tiên kiệt”. Thế thì 21 quả mận (tiếng Hán là Lý tử) trong hình vẽ thì biểu thị điều gì đây? Quá rõ ràng, nhà Đường mang họ Lý, trong lịch sử tổng cộng có 21 đời hoàng đế, 21 quả mận ám chỉ nhà Đường họ Lý sẽ có 21 đời, trong đó quả mận thứ tư không có cuống, là có ý gì? Vừa hay đời thứ tư nhà Đường là nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên, bà là con dâu họ Lý chứ không phải là con cháu họ Lý, nên không có cuống.

Trong câu đầu tiên của lời tụng “Vạn vật thổ trung sinh”, chữ “Thổ” có hàm ý sâu sắc, theo học thuyết Thiên Can Địa Chi của người xưa, Thổ thuộc Tuất Kỷ Thổ, lật lại lịch sử của nhà Đường, khi Lý Uyên xưng đế, chính là năm Mậu Dần, tức là năm Thổ. “Nhị cửu” trong câu thứ hai “Nhị cửu tiên thành thực”, báo trước nhà Đường sẽ có thiên hạ trong 290 năm (chữ thành “成” đồng âm chữ thừa “乘” và chữ thực “实”đồng âm chữ thập “十” có nghĩa là 290 năm). Trong lịch sử, thiên hạ của nhà Đường vừa tròn 290 năm. Câu thứ ba “Nhất thống định Trung Nguyên” thì không có ý tứ hàm súc nào khác, câu thứ tư “Âm thịnh dương tiên kiệt” cũng vừa hay chứng thực cho lịch sử nhà Đường sau này, vì nhà Đường từ sau khi Võ Tắc Thiên xưng đế, nữ nhân tham gia chính sự, trở thành phong khí, ví như Vi Hậu can thiệp triều chính, và Trung Tông bị Vi Hậu hạ độc chết, Thái Bình Công chúa liên kết với Lý Long Cơ giết Vi Hậu, cũng là can thiệp triều chính, Lý Long Cơ lại bị mê hoặc bởi Dương Quý Phi, bỏ bê triều chính gây ra họa biến.

Tiếp nối thời kỳ Trinh Quán chi trị – thời đại Đường Cao Tông

*Cao Tông nhân ái hiếu thuận nhưng mềm yếu

Cao Tông Lý Trị là người con trai thứ chín của Đường Thái Tông, mẹ là Trưởng Tôn Hoàng hậu hiền đức. Ông sinh vào tháng sáu năm Trinh Quán thứ 2, lúc năm tuổi được phong làm Tấn vương. Thuở nhỏ khoan dung nhân hậu hiếu thuận dễ mến. Sau khi học xong «Hiếu Kinh», Thái Tông hỏi ông: “Cuốn sách này lời nào là quan trọng?” Lý Trị trả lời: “Đạo hiếu, bắt đầu bằng việc phụng sự phụ mẫu, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân. Quân tử phụng sự minh quân, khi tiến triều phải nghĩ làm sao tận trung, lúc thoái triều lại nghĩ làm sao để sửa lỗi của vua, phụng hành thuận theo mỹ đức của vua, uốn nắn bổ cứu cái sai ác của vua”. Thái Tông nghe xong lấy làm cao hứng lắm, do vậy vô cùng yêu thương ông. Năm Trinh Quán thứ 17, Hoàng thái tử Thừa Càn bị phế, Ngụy vương Thái cũng bị truất chức vì có tội, Thái Tông bèn lập Lý Trị làm Hoàng thái tử.

Sau khi Thái Tông qua đời, Lý Trị lên ngôi hoàng đế, tức là Cao Tông, khi ấy 22 tuổi. Năm sau Tấn Châu xảy ra động đất, Cao Tông đã nói với quần thần là bản thân “chính giáo (chính trị và giáo hóa) bất minh” mà ra, do vậy bảo quần thần góp ý khuyên răn, chỉ ra cái được cái mất của chính trị. Cũng năm đó Ung Châu, Giáng Châu, Đồng Châu và chín châu khác xảy ra hạn hán và nạn châu chấu, Tề Châu, Định Châu và 16 châu khác xảy ra lũ lụt. Cao Tông hạ chiếu trách tội bản thân, đồng thời cử người cứu tế nạn dân. Có năm mùa thu mùa đông không có tuyết, Cao Tông bèn lánh xa chính điện, hạ chiếu cắt giảm thức ăn của mình, đồng thời đích thân kiểm tra danh sách tù nhân. Tuy nhiên, cho dù Cao Tông là người nhân từ, cũng mong muốn làm một vị hoàng đế nhân đức. Nhưng với tính cách mềm yếu và thân thể nhiều bệnh tật, ông dần mất đi quyền khống chế triều chính trước Võ Tắc Thiên là người có tâm kế và mưu trí đều hơn hẳn ông.

*Võ Tắc Thiên làm loạn triều chính

Võ tắc Thiên vốn là Tài nhân của Đường Thái Tông. Tên thường gọi là Mị Nương, cha của bà xuất thân trong gia đình vọng tộc ở vùng Thái Nguyên, từng làm nghề buôn gỗ, về sau làm Công bột thượng thư; mẹ bà là hậu duệ gia tộc Dương thị hoàng thất nhà Tùy. Lúc Đường Thái Tông tuyển phi, thứ sử Kinh Châu là Cái Văn Đạt đã tiến cử bà, thấy tên của bà không được hay lắm, bèn đổi tên bà thành Võ Chiếu rồi gửi vào cung.

Đường Thái Tông nhìn thấy thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, tức thì cảm mến, phong làm Tài nhân. Lúc này có Tư Thiên Giám, tức Lý Thuần Phong người biên soạn «Thôi Bối Đồ», biết được Đường thất có họa giết chóc thân vương, vận nữ chủ chuyên quyền đế vị, liền thẳng thắn khuyên can Thái Tông chuyện này, Thái Tông ban đầu không tin, nhưng nghĩ lại thì Lý Thuần Phong dự toán như thần, lời của ông ấy không thể coi nhẹ được, liền thử hỏi trạng nguyên kim khoa là ai, Lý Thuần Phong tức thì trả lời: “nếu hỏi trạng nguyên kim khoa, thì là hỏa khuyển nhị nhân chi kiệt”. Mấy ngày sau triều đình niêm yết bảng vàng, đầu bảng là Địch Nhân Kiệt, đã ứng với câu “hỏa khuyển nhị nhân chi kiệt” (chữ hỏa khuyển ‘火犬’ ứng với chữ Địch ‘狄’, nhị nhân ‘二人’ ứng với chữ Nhân ‘仁’), Thái Tông đến đây thì tin phục Lý Thuần Phong rồi, bèn miễn cưỡng cắt bỏ tình cảm. Sau khi Thái Tông mất, theo lệ Võ Chiếu phải xuất cung đến chùa Cảm Nghiệp xuống tóc làm ni cô.

Vốn bị vẻ đẹp của Võ Tắc Thiên hấp dẫn từ lâu nên sau khi lên ngôi, Đường Cao Tông đã lại đưa bà nhập cung, phong làm Chiêu Nghi. Võ Tắc Thiên hồi cung chưa đến một năm, đã tự tay giết chết đứa con gái ruột của mình, đồng thời giá họa cho Vương Hoàng hậu là người vợ đầu của Đường Cao Tông. Cao Tông lại cho là thật, vì thế muốn phế bỏ Vương Hoàng hậu rồi lập Võ Tắc Thiên lên thay, nhưng chuyện này lại gặp phải sự phản đối kịch liệt của một nhóm đại thần cố mệnh. Võ Tắc Thiên thấy Cao Tông chần chừ không quyết định được, bèn cùng Cao Tông lên điện nghe chính sự. Khi Chữ Toại Lương đứng ra phản đối, Võ Tắc Thiên quát lớn: “Tại sao không giết lão súc sinh này đi!” Văn võ bá quan khắp triều mồ hôi toát đẫm lưng, không ai dám lên tiếng, thế là Võ Tắc Thiên trở thành hoàng hậu.

Võ Tắc Thiên trở thành hoàng hậu thì bắt đầu trừ bỏ những ai từng phản đối việc bà trở thành hoàng hậu. Các trọng thần tiên triều như Chữ Toại Lương, Vu Chí Ninh, Lai Tế, Hàn Viện đều bị lưu đày, cùng toàn bộ con cháu thân thuộc bị tước quan thành dân. Cậu ruột của Cao Tông là Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng trở thành cái gai trong mắt vì không chịu phụng thừa Võ Tắc Thiên, bị bà hận thấu xương, nhưng Trưởng Tôn Vô Kỵ là nguyên lão tam triều khai quốc của Đại Đường cũng là hoàng thân quốc thích, rất được bách tính thiên hạ yêu mến, tiên đế có chiếu: “Cho dù có tội cũng không phải gia hình”, Võ Tắc Thiên liền ép ông treo cổ, sau đó mãn tộc diệt môn, bá tánh thiên hạ không ai không khóc thương cho nỗi oan của quốc cữu. Lúc này Cao Tông mới thấy rõ bản tính tàn nhẫn của bà, trong lúc bi phẫn đã lệnh cho Thượng Quan Nghi thảo chiếu thư phế bỏ hoàng hậu. Tuy nhiên có người đã tức tốc mật báo cho Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên giận dữ tìm đến, Cao Tông hoảng hốt đẩy sự việc lên thân Thượng Quan Nghi, kết quả Võ Tắc Thiên nhuốm máu cả cửu tộc của Thượng Quan Nghi, đến cả mộ tổ tông cũng bị đào lên giày xéo, các đại thần văn võ bị liên lụy cũng đến cả trăm người. Từ đó trong triều đều là tâm phúc của bà, nắm cả thiên hạ, Hoàng đế muốn phế bỏ bà đã là chuyện không tưởng.

Năm 660, do huyết áp cao ảnh hưởng đến thị lực Cao Tông đã giao toàn bộ triều chính cho Võ Tắc Thiên. Từ đó, “Thiên hạ đại quyền, tất cả quy về Trung cung (Hoàng hậu)”, Thiên tử chỉ chắp tay mà thôi, trong và ngoài nước gọi là nhị Thánh”.

Võ Tắc Thiên soán ngôi nhà Đường lập nhà Chu

*Dự ngôn về Võ Tắc Thiên xưng đế trong «Thôi Bối Đồ»

Trong tượng thứ 3 của «Thôi Bối Đồ» là hình một nữ tử tay cầm bảo đao đang đứng. Phần văn tự viết: “Nhật nguyệt đương không, chiếu lâm hạ thổ, phốc sóc mê li, bất văn diệc võ. Tham biến không vương sắc tướng không, nhất triều trùng nhập đế vương cung, di chi bạt tận căn do tại, ốc ốc thần kê thục thị hùng”.

Trong câu “Nhật nguyệt đương không, chiếu lâm hạ thổ” ám chỉ đến cái tên Võ Chiếu, còn có ý tứ là vua coi trị thiên hạ tức chiếu lâm hạ thổ.

“Phốc sóc mê li” là một thành ngữ, bắt nguồn từ điển cố Hoa Mộc Lan tòng quân, chuyện kể rằng Mộc Lan là nữ cải nam trang sống 13 năm trong quân đội, trong quân không ai biết được nàng là nữ nhân, cũng chính là nói nam là nữ, là thư (nữ) là hùng (nam), ai cũng không phân rõ được. Lý Thuần Phong mượn điều này để nói việc Võ Tắc Thiên ban đầu là tài nữ, ai cũng không biết bà về sau sẽ tráo đổi vận mệnh nữ thành nam trở thành nữ hoàng đế.

“Tham biến không vương sắc tướng không”, Thái Tông lấy giang sơn làm trọng tin vào dự ngôn của Lý Thuần Phong về nữ tử làm loạn triều chính, miễn cưỡng cắt bỏ tình cảm, và tránh xa Võ Tắc Thiên. Nhưng sau khi Đường Thái Tông băng hà, Cao Tông Lý Trị lên ngôi vốn từng ngưỡng mộ vẻ đẹp của Võ Chiếu nên lại cho đón bà vào trong cung, phong làm Chiêu Nghi, điều này đã ứng với câu “Nhất triều trùng nhập đế vương cung”. Sau khi Võ Tắc Thiên vào cung, trước tiên dùng âm mưu thủ đoạn phế đi Vương Hoàng hậu, tự mình giành lấy ngôi vị hoàng hậu; sau đó buông rèm chấp chính, cùng với Cao Tông xưng là Thiên đế Thiên hậu; sau khi Cao Tông mất, bà phế Trung Tông, và chính thức xưng đế, đổi quốc hiệu thành Chu, đồng thời giết chóc và lưu đày lượng lớn các tông thất và đại thần Lý Đường, thời điểm ấy Thái tử Lý Đán con của Vương Hoàng hậu, tức Duệ Tông sau này, chỉ mới mấy tuổi, được thái giám Đỗ Hồi lặng lẽ đưa đến chỗ của Giang Hạ Vương Lý Khai Phương nên may mắn thoát nạn, điều này ứng với câu “Di chi bạt tận căn do tại”.

“Ốc ốc thần kê thục thị hùng” đương nhiên là chỉ việc Võ Tắc Thiên xưng đế, có ý chỉ việc tráo nữ thành nam, mà kê trong thần kê chính là chỉ sự việc trong năm con gà, năm Võ Thị xưng đế chính là năm Kỷ Dậu, tức năm con gà.

*Võ Tắc Thiên soán ngôi nhà Đường xưng đế

Sau khi Cao Tông lên ngôi, thân thể luôn không được tốt, liền muốn nhường ngôi cho Thái tử Lý Hoằng. Võ Tắc Thiên bất chấp tình mẫu tử, dùng rượu độc sát hại thái tử, đổi lập con thứ Lý Hiền làm thái tử. Lý Hiền vừa có tài cán vừa có văn chương, rất có tiếng tăm trong các nhân sĩ, nên Võ Tắc Thiên lại phế ông làm thứ dân, rồi lập con trai thứ ba là Lý Hiển làm thái tử.

Năm 683 Cao Tông băng hà, truyền ngôi cho Lý Hiển, tức là Trung Tông, Võ Tắc Thiên bèn dùng danh nghĩa hoàng thái hậu giám triều xưng chế. Sang năm thứ hai thì phế Lý Hiển làm Lư Lăng vương, rồi lập người con trai thứ tư là Lý Đán, tức Duệ Tông, nhưng Võ Tắc Thiên vẫn độc tài triều chính.

Năm 684, Tư Mã Từ Kính Nghiệp của Liễu Châu hiệu triệu cứu vãn Đường thất, ủng hộ Lư Lăng vương, tiến hành khởi binh ở Dương Châu, số người từng lên đến hơn 10 vạn. Năm 688, tông thất Lý Xung ở Bác Châu (Liêu Thành Sơn Đông), Lý Trinh ở Dự Châu (Nhữ Nam Hà Nam) lại khởi binh chống lại Võ Tắc Thiên. Hai lần khởi binh này rất mau chóng bị Võ Tắc Thiên phái binh đánh tan. Những tông thất nhà Đường và các đại thần có liên đới trong hai lần khởi binh này đều bị Võ Tắc Thiên trấn áp tàn khốc. Từ đó trong hoàng tộc không còn nghe thấy tiếng phản đối nữa.

Năm 690 Võ Tắc Thiên xưng đế, đổi nhà Đường thành nhà Chu, lấy Lạc Dương làm đô thành, giáng Đường Duệ Tông làm hoàng tự. Hết thảy những gì đã xảy ra đều chính xác như dự ngôn trong «Thôi Bối Đồ».

Thời kỳ Võ Tắc Thiên đương quyền

Ngay khi Võ Tắc Thiên bắt đầu nắm giữ triều chính, bà đã bổ nhiệm người của gia tộc Võ Thị lên nắm giữ chính sự, và bắt đầu sử dụng những người tố giác và những quan lại tàn bạo để thi hành nền thống trị hà khắc. Do đó những người như Võ Tam Tư, Võ Thừa Tự, Lai Tuấn Thần, Chu Hưng, Khưu Thần Tích lần lượt nắm giữ trọng quyền triều chính. Họ ăn hối lộ làm trái luật pháp, lạm sát người vô tội, đấu đá lẫn nhau, tàn hại trung lương. Từ đó trong ngoài triều đình trên dưới ai nấy tự thấy nguy hiểm, rón rén run sợ qua ngày. Tuy rằng Võ Tắc Thiên cũng đã cất nhắc một số đại thần thanh liêm tài năng như Địch Nhân Kiệt, Lý Kiểu nhưng trong chốn triều cương tàn sát thành tính hủ bại thành lệ này thì chẳng qua cũng chỉ là hạt gạo trên sông mà thôi.

Trong 20 năm tại vị Võ Tắc Thiên còn từng sửa đổi niên hiệu 17 lần, nhiều nhất trong các triều đại đế vương. Mỗi lần thay đổi niên hiệu đều đại xá tử tù trong thiên hạ, còn lệnh cho dân chúng toàn quốc tụ tập ẩm tửu, nhưng điều này không thể tô vẽ nên cảnh thái bình được. Tàn sát đẫm máu, triều đình phân tranh, cục diện chính trị rối ren, trấn áp tàn khốc, mang đến cho người dân vô số tai họa bi thương, đến cả trời đất cũng phẫn nộ. Thiên tai nhân họa xảy ra liên tiếp, mưa đá hồng thủy bao phủ khắp nơi, toàn quốc người và súc vật chết đói chết rét nhiều vô số kể, đến cả kinh sư Lạc Dương cũng không thoát khỏi, nhiều lần xảy ra ngập lụt chôn vùi hàng vạn hộ gia đình.

Có điều, trong thời gian Võ Tắc Thiên tại vị, về cơ bản có thể kế thừa những chế độ và chính sách của thời kỳ Trinh Quán, do đó nền kinh tế vẫn không bị đình trệ, hơn nữa còn đạt được sự phát triển nhất định. Bà cũng hết sức coi trọng khoa cử, khuyến khích bậc nhân sĩ phổ thông thông qua thi cử ra làm quan dốc sức vì quốc gia. Tuy nhiên việc Võ Tắc Thiên gây loạn nhà Đường rồi xưng đế đã đưa đến ảnh hưởng không tốt cho hậu thế. Từ đó về sau, trong lịch sử Trung Quốc lại xuất hiện mấy lần nữ nhân làm loạn triều chính nữa.

Đại Đường phục quốc

Năm 705 Võ Tắc Thiên lâm bệnh nặng, Tể bá Trương Giản Chi và những người khác đã liên lạc với Hữu vũ lâm vệ Đại tướng quân Lý Đa Tộ phát động chính biến, ép Võ Tắc Thiên truyền ngôi cho Đường Trung Tông Lý Hiển, khôi phục quốc hiệu Đại Đường. Cũng trong năm Võ Tắc Thiên mất ở Thượng Dương cung, thọ 83 tuổi. Trước khi mất bà có di chế “Bỏ đế hiệu, xưng Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng Hậu”, đồng thời chỉ lệnh hợp táng với Cao Tông ở Càn Lăng. Võ Tắc Thiên tổng cộng đã làm hoàng đế được 15 năm.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29155



Ngày đăng: 07-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.