Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Vạn cổ thiên môn khai: Thời kỳ Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền và Chính Pháp (1)



(Từ năm 1992 đến hiện nay)

Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Mang mang thiên địa, muôn nghìn chúng sinh; du du vạn sự, thoáng qua như mây khói. Chỉ trong thoáng chốc, thời gian đã trải qua 5000 năm. Trong những năm tháng tưởng như dài đằng đẵng nhưng lại ngắn ngủi này, trên đại vũ đài ở vùng đất Hoa Hạ rộng lớn đã trải qua thời kỳ Tần Hoàng Hán Vũ (Tần Thuỷ Hoàng và Hán Vũ Đế), trải qua thời Đường Tông Tống Tổ (Đường Thái Tông và Tống Thái Tổ), trải qua hết triều đại này đến triều đại khác. Tuy rằng bức màn được vén mở tại những thời điểm khác nhau, nhưng mỗi một triều đại đều đã lưu lại cho người đời sau một nền văn hoá huy hoàng, lưu lại những vở kịch buồn vui giống nhau hoặc khác nhau, đã lưu lại vô số câu chuyện kinh tâm động phách. Cho dù rất nhiều sự thật lịch sử đã bị chôn vùi trong đường hầm thời gian, cho dù lịch sử triển hiện trước mắt chúng ta có rối ren phức tạp như thế nào đi nữa, nhưng trong tăm tối vẫn có một sợi dây vô hình từ lâu đã kết nối một cách chặt chẽ mỗi tình tiết của vở kịch lại, cho tới khi bước đến hôm nay, chính là màn diễn huy hoàng nhất, chúng ta mới có thể hiểu được: Tại sao lịch sử lại an bài như vậy, chúng sinh vì sao lại đến, và cánh cổng trời vĩ đại vạn cổ mới khai mở này vì sao đến giờ mới khai mở, vì sao Đại Pháp lại khai truyền trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy!

Đối với bước ngoặt của vở diễn trên đại vũ đài Hoa Hạ này, nhưng lại là tiết mục huy hoàng, sáng lạn nhất, tất cả dự ngôn trong lịch sử của Trung Quốc đều lưu lại lời tiên tri của mình. Có lẽ khi lịch sử hoàn toàn vén bức màn của vở diễn, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa thực sự trong lời dự ngôn của người xưa “Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai, kỷ nhân quy khứ kỷ nhân hồi” (Câu này trích trong bài thơ “Mai Hoa Thi” tạm dịch là “Dần từ vạn cổ cổng trời khai mở, Hỏi mấy người đến mấy người trở về” – Chú thích của người dịch).

Những dự ngôn liên quan đến sự cai trị của ĐCSTQ sau sự kiện Lục Tứ cùng với sự thống trị của nó

Dự ngôn “Mai Hoa Thi” thời nhà Tống đã tiên đoán trong tiết thứ tám như sau: “Như kỳ thế sự cục sơ tàn, Cộng tề hòa trung khước đại nạn. Báo tử do lưu bì nhất tập, Tối giai Thu sắc tại Trường An”.

“Như kỳ thế sự cục sơ tàn, Cộng tề hòa trung khước đại nạn” (Như ván cờ, thế sự đã chớm vào tàn cuộc, Đồng lòng cùng giúp nhau, nhưng gặp đại nạn), câu này đại ý là nói cục diện thế giới xưa nay giống như một bàn cờ, ở đây là chỉ cục diện thời kỳ chiến tranh lạnh giữa liên minh quốc tế cộng sản và hệ thống các quốc gia tự do dân chủ ở phương Tây. Sau những năm 1990, cùng với sự tan rã của Liên Xô, lần lượt rất nhiều các quốc gia cộng sản ở Đông Âu đã giải thể, điều này đối với toàn bộ phe chủ nghĩa cộng sản tà ác mà nói, thì là ván cờ đã đến tàn cục rồi. Liên minh các quốc gia cộng sản giải thể một cách triệt để, tuyệt đại đa số các nước đã từ bỏ chế độ cộng sản, điều này đối với quốc tế cộng sản của tà đảng cộng sản – cũng chính là “cộng tề hoà trung” trong bài thơ mà nói, có thể coi là một đại kiếp nạn.

Con báo trong câu “Báo tử do lưu bì nhất tập” (Con báo chết rồi vẫn còn lưu lại bộ da) chính là ám chỉ Liên Xô. Lãnh thổ Liên Xô có hình dáng giống như một con báo đang chạy. Con báo chết, cũng tức là sau khi Liên Xô giải thể, hệ thống ác đảng cộng sản thực tế đã giải thể rồi, chỉ lưu lại một chút hình thức được những người đương quyền ở Trung Quốc kế thừa, cũng giống như một con báo chết rồi, nhưng vẫn còn lưu lại một bộ da vậy. Trung Quốc vào lúc đó, đã không còn ai tin vào chủ nghĩa cộng sản tà ác rồi, bao gồm cả bản thân những người nắm quyền của Trung Cộng, họ cũng chỉ là lợi dụng hình thức của ác đảng cộng sản để duy trì sự thống trị của bản thân họ mà thôi.

“Tối giai Thu sắc tại Trường An” (Hương sắc mùa Thu đẹp nhất tại Trường An), ý là chỉ đối với người đương quyền của ĐCSTQ lúc đó, vì để tạo dựng tính hợp pháp cho hình thức chế độ này, họ đã cố hết sức để tô vẽ cái gọi là “hình thế tốt đẹp” giả tạo, chỉ trong hơn 10 năm ngắn ngủi, họ đã thu về hàng trăm tỷ USD đầu tư nước ngoài, tập trung phần lớn nguồn lực tài chính để xây dựng lại các công trình, trang trí thủ đô và các thành phố lớn. Vào lúc đó, sự phồn vinh bề ngoài của Đại Lục là tới từ nhiều khoản đầu tư lớn của nước ngoài, nhờ đó đã che đậy sự mục nát trong nội bộ cũng như nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Thêm vào đó là sự kiểm soát và trấn áp một cách hà khắc của ĐCSTQ đối với các phương tiện truyền thông, những người bất đồng chính kiến và bất mãn đối với xã hội, khiến cho cục diện tứ bề nguy cơ của nó tạm thời được duy trì. “Trường An” cũng là ám chỉ kinh thành của Trung Quốc, ở đây cũng chỉ Trung Quốc. Nhưng dù sắc thu có đẹp đến mấy thì cũng là mùa thu rồi, hết thảy cảnh đẹp đều không thể trường cửu được nữa.

Hai câu đầu trong tiết thứ 9 của dự ngôn “Mai Hoa Thi” còn dự đoán rằng: “Hỏa long chiết khởi Yến Môn thu, Nguyên bích ưng nạn Triệu Thị thu” (Rồng lửa khởi ra từ đau buồn cửa Yến Môn, Ngọc bích nguyên sơ chịu nạn, nhà Triệu thu về). Con rồng lửa trong câu “Hỏa long chiết khởi Yến Môn thu”, tức là con ác long màu đỏ, chỗ này ám chỉ màu đỏ của Trung Cộng. “Chiết khởi” có nghĩa là bị đánh thức sau giấc ngủ đông. “Yến môn” là chỉ Thiên An Môn ở Bắc Kinh. “Thu” có nghĩa là mùa thu chết chóc. Câu này ẩn dụ về sự kiện Lục Tứ. Như đã đề cập trước đó, vào năm 1989, sinh viên và người dân Trung Quốc đã tới Thiên An Môn để thỉnh nguyện về vấn đề dân chủ và bất mãn đối với quan chức tham nhũng cùng chính quyền tàn bạo của ĐCSTQ, họ đã bị thảm sát tàn bạo. ĐCSTQ giống như một con ác long bị thức tỉnh sau giấc ngủ đông, thể hiện ra bản tính của nó, đại khai sát giới, đã gây ra thảm kịch “Lục Tứ” gây chấn động Trung Quốc cũng như toàn thế giới.

“Nguyên bích” trong câu “Nguyên bích ứng nạn Triệu Thị thu” (Ngọc bích nguyên sơ chịu nạn, nhà Triệu thu về) là chỉ Trung Quốc, đất nước có lịch sử kéo dài liên tục trong 5000 năm. “Ứng nạn” là nói việc phải chịu kiếp nạn này. “Triệu Thị Thu” là chỉ bí thư đương thời của ĐCSTQ Triệu Tử Dương, vì sự kiện Lục Tứ nên đã bị đàn áp.

Lịch sử chân thực cũng giống hệt với những dự đoán trong dự ngôn được nêu ở trên.

Sau phong trào sinh viên năm 1989 và sự kiện “Lục Tứ”, đặc biệt là sự sụp đổ liên tiếp của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, khiến cho chính quyền ĐCSTQ lại càng gia tăng lập trường cứng rắn bảo thủ, không chỉ làm chậm lại tiến độ cải cách thành thị, mà còn bắt đầu khống chế tư tưởng, kinh tế ở trong nước. Do sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, khiến cho số lượng các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới giảm mạnh, ĐCSTQ lo lắng sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, dẫn đến sự sụp đổ của bản thân. Triệu Tử Dương, tổng bí thư ĐCSTQ cũng bị cách chức. Trên bình diện quốc tế, trước những tội ác của ĐCSTQ gây ra, rất nhiều quốc gia dân chủ phương Tây không chỉ lên án về mặt đạo đức mà còn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ về mọi mặt, bao gồm kinh tế. Hình ảnh mới mà ĐCSTQ đã tạo dựng trong thời gian ngắn bị sụp đổ. Hình tượng ĐCSTQ như một kẻ phản diện nhân quyền đã bắt đầu được tạo dựng trước mặt các nước trên thế giới. ĐCSTQ đã gặp phải những khó khăn cực lớn trong hoạt động đối ngoại của nó.

Năm 1992, Đặng Tiểu Bình, kẻ đồ tể trong phong trào sinh viên Lục Tứ, lại xuất hiện và đến thăm một số tỉnh đã thành lập các đặc khu kinh tế ở phía Nam Trung Quốc, ông ta có bài phát biểu mà sau này gọi là “Bài phát biểu trong chuyến thăm miền Nam”, đề xuất rằng “phát triển mới là con đường đúng đắn”. Đặng dùng uy tín cá nhân để thiết lập lại chính sách cải cách mở cửa. Kể từ đó, mặc dù ĐCSTQ tiếp tục ủng hộ việc mở cửa kinh tế, nhưng nó cũng tăng cường nỗ lực giám sát và kiểm duyệt chặt chẽ lời nói của dân chúng (bao gồm cả Internet) và các sản phẩm văn hóa (như phim ảnh, sách, tạp chí định kỳ, chương trình truyền hình,….). Đồng thời, ĐCSTQ vì để nâng cao hình ảnh quốc tế của mình, nó không chỉ mở rộng hơn nữa các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài mà còn sử dụng vốn nước ngoài để xây dựng các dự án quy mô lớn tại Bắc Kinh cũng như các thành phố lớn khác nhằm trang trí cảnh tượng thái bình. Sau khi các nước phương Tây lên án và trừng phạt chống lại ĐCSTQ, do lợi ích kinh tế thúc đẩy, họ đã mềm mỏng hơn trong chính sách đối với Trung Quốc. Một lượng lớn đầu tư nước ngoài đã quay trở lại Trung Quốc, điều này đã truyền máu cho nền kinh tế của ĐCSTQ và khiến cho Trung Quốc xuất hiện cảnh tượng phồn vinh ở bề ngoài. Những mâu thuẫn căn bản kia tạm thời đã được che đậy.

Tuy nhiên, dưới hoàn cảnh khắc nghiệt này, một pháp môn tu luyện Đại Pháp thượng thừa có ảnh hưởng đến toàn Trung Quốc cũng như cả thế giới đã bắt đầu hồng truyền.

Những lời tiên tri về thánh nhân xuất hiện và cảnh tượng thịnh thế sau thời kỳ cứu rỗi thảm hoạ

Nhiều lời dự ngôn trong lịch sử đã đề cập ở phần cuối nói rằng vào một giai đoạn nào đó của lịch sử, sẽ có thánh nhân xuất hiện, nhân loại sau khi trải qua một loạt những thảm hoạ sẽ bước vào kỷ nguyên hoà bình và thịnh vượng của thế giới đại đồng.

Khoá thứ 12 trong dự ngôn “Mã tiền khóa” của Gia Cát Lượng thời kỳ Tam Quốc đã dự ngôn rằng: “Chửng hoạn cứu nạn, Thị duy Thánh nhân. Dương phục nhi trị, Hối cực sinh minh” (Cứu họa cứu nạn, Duy có Thánh nhân. Dương phục mà trị, Đêm hết ngày rạng), đại ý là chỉ có thánh nhân mới có thể cứu được người khỏi tai hoạ. Mọi sự ở trên đời đều là vật cực tất phản, sau khi trải qua bóng tối u ám nhất định sẽ xuất hiện ánh sáng.

Khóa thứ 13 trong bài “Mã tiền khóa” tiếp tục khóa trước và dự đoán về một thời kỳ thái bình thịnh thế sẽ xuất hiện sau khi thánh nhân cứu người khỏi hoạn nạn. Dự ngôn nói rằng: “Hiền bất di dã, Thiên hạ nhất gia. Vô danh vô đức, Quang diệu Trung Hoa” (Hiền không rơi mất, Thiên hạ một nhà. Không danh không đức, Chói lọi Trung Hoa). Đại ý là sau khi Trung Quốc và thế giới trải qua thời kỳ hắc ám, thiên hạ sẽ giống như một nhà, tất cả hiền tài đều sẽ được trọng dụng. Những người hiền tài này đều không nghĩ đến danh lợi, được mất, họ chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để làm rạng rỡ Trung Hoa.

Phần cuối cùng của “Bộ Hư Đại Sư dự ngôn” triều Tuỳ có nói như sau: “Hồng hà úy, bạch vân chưng, Lạc hoa lưu thủy lưỡng vô tình. Tứ hải thủy trung giai xích sắc, Bạch cốt như khâu mãn cương lăng, Tương tương Ngọc Thỏ tiệm Đông thăng. Cái quan định, Công tội phân, Mang mang hải vũ kiến thừa bình, Bách niên đại sự hỗn như mộng, Nam Triều kim phấn thái bình xuân, Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh. Thế vũ tam phân, hữu Thánh nhân xuất, Huyền sắc kỳ quan, long trương kỳ phục. Thiên địa phục minh, xứ trị vạn vật, Tứ hải âu ca, âm thụ kỳ phúc”.

Hồng hà (ráng đỏ) trong câu “Hồng hà úy, bạch vân chưng, Lạc hoa lưu thủy lưỡng vô tình. Tứ hải thủy trung giai xích sắc, Bạch cốt như khâu mãn cương lăng” (Ráng đỏ rực sáng, mây trắng bốc hơi, Nước chảy hoa trôi sao vô tình. Bốn biển trong nước đều sắc đỏ, Xương trắng như gò khắp mộ đồi) tượng trưng cho ĐCSTQ. Uý, là sắc lam, màu xanh lam ở đây là chỉ chủ nghĩa tư bản, ví dụ trong thị trường cổ phiếu dùng màu lam để chỉ những công ty lớn, được gọi là “cổ phiếu Blue chip”. “Hồng hà uý” kết hợp lại là chỉ ĐCSTQ đã đổi màu, thực hành chủ nghĩa tư bản. Bạch vân (mây trắng), tượng trưng cho Quốc Dân đảng. “Chưng” là bốc hơi. Bạch vân chưng, kết hợp lại chỉ Quốc Dân đảng sụp đổ, giống như mây trắng tản hết, nó chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Hiện tại Quốc Dân đảng ở Đài Loan đã trở thành đảng đối lập, tình cảnh không còn được như trước. “Lạc hoa lưu thuỷ lưỡng vô tình, Tứ hải thủy trung giai xích sắc, Bạch cốt như khâu mãn cương lăng”, ý là chỉ bởi vì ĐCSTQ và chủ nghĩa cộng sản tà ác, nên đã gây ra cái chết của vô số người trên toàn thế giới.

“Tương tương” trong câu “Tương tương ngọc thỏ tiệm đông thăng”, tức là có vẻ như. “Ngọc thỏ”, tức thánh nhân sinh năm thỏ. Ý là chỉ thánh nhân sinh năm thỏ sẽ xuất hiện ở phương Đông.

“Cái quan định, Công tội phân, Mang mang hải vũ kiến thừa bình, Bách niên đại sự hỗn như mộng, Nam triều kim phấn thái bình xuân, Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh”.

“Cái quan định, Công tội phân” (Nắp hòm đậy, công tội phân), ý của câu này cũng giống như “Ngày phán xét” mà con người cuối cùng sẽ trải qua trong “Kinh Thánh” của phương Tây. Mang mang hải vũ kiến thừa bình (Biển nhà mênh mông thấy thái bình) là nói về sau cuộc đại thẩm phán của thế kỷ trước giờ chưa từng có này, thế giới sẽ bước vào thời kỳ thái bình thịnh thế, được gọi là “kiến thừa bình”. Điểm này hoàn toàn tương đồng với các dự ngôn khác. “Bách niên đại sự hỗn như mộng” (đại sự trăm năm như giấc mộng) là nói đợi sau khi hết thảy những phiền phức, khó khăn, bụi trần qua đi, quay đầu nhìn lại, tuy rằng trăm năm này đã trải qua rất nhiều việc lớn, nhưng đều giống như một giấc mộng vậy. “Nam triều kim phấn thái bình xuân, Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh” là nói Trung Quốc có thể sẽ lấy phía Nam làm trung tâm của thời kỳ thái bình thịnh thế, núi sông vạn dặm sau khi trải qua kiếp nạn này, cảnh tượng hòa bình sẽ được khôi phục lại.

“Thế vũ tam phân, hữu Thánh nhân xuất, Huyền sắc kỳ quan, long trương kỳ phục, Thiên địa phục minh, xứ trị vạn vật, Tứ hải âu ca, âm thụ kỳ phúc”. “Thế vũ tam phân, hữu Thánh nhân xuất” (Thế giới chia ba, có Thánh nhân xuất) là nói rằng có thánh nhân sẽ đến thế gian, giáo hóa chúng sinh. Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn luôn có thánh hiền. Những người được gọi là thánh nhân, tức là những người siêu phàm thoát tục, có năng lực và trí huệ vượt qua nhân loại, như Lão Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Giê Su,… “Huyền sắc kỳ quan, long trương kỳ phục” là chỉ thánh nhân có tóc đen, được thiên long hộ vệ. Lời này nói rằng sẽ có thánh nhân xuất hiện ở Trung Hoa. “Thiên địa phục minh, xứ trị vạn vật, tứ hải âu ca, âm thụ kỳ phúc” (trời đất sáng trở lại, xử trị vạn vật, bốn biển vui mừng ca hát, nhận được phước lành) nghĩa là vào lúc này, trời đất sẽ chuyển từ âm ám sang thanh minh, sáng tỏ, thánh nhân sẽ xử trị và giáo hoá lại vạn vật.

Sấm văn trong tượng thứ 59 của dự ngôn “Thôi Bối Đồ” thời Đường có ghi: “Vô thành vô phủ, Vô nhĩ vô ngã, Thiên hạ nhất gia, Trị trăn đại hóa” (Không thành không phủ, Không bạn không tôi, Thiên hạ một nhà, Trị tới đại hóa). Điều này báo trước về một thế giới tốt đẹp trong tương lai.

Mà tụng văn lại dự ngôn về sự xuất hiện của thánh nhân sẽ mang đến cho nhân loại phúc phận. Tụng văn viết như sau: “Nhất nhân vi đại thế giới phúc, Thủ chấp thiêm đồng bạt khứ trúc, Hồng hoàng hắc bạch bất phân minh, Đông Nam Tây Bắc tận hòa mục” (Một người là lớn thế giới phúc, Tay cầm ống thẻ nhổ bạt trúc, Đỏ vàng đen trắng không phân biệt, Đông Nam Tây Bắc cùng hòa thuận).

Hai khổ thơ cuối trong dự ngôn “Mai Hoa Thi” thời nhà Tống đã trực tiếp chỉ ra ai là nhân vật chính, ai là vai phụ trên sân khấu lịch sử, đã chỉ ra thánh nhân sẽ lấy phương thức gì để cứu độ thế nhân. Tiết thứ 9 của dự ngôn nói rằng: “…Nhất viện kỳ hoa Xuân hữu chủ, Liên tiêu phong vũ bất tu sầu” (Một vườn hoa kỳ diệu, mùa xuân có chủ, Mưa gió suốt đêm không phải ưu sầu). Khi chúng ta nhìn lại giai đoạn lịch sử này sẽ phát hiện rằng trước ngày 20/7/1999, khắp Trung Quốc đều là đệ tử tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đem theo huy hiệu Pháp Luân Công có đồ hình Pháp Luân, hình giống như một bông hoa kỳ diệu. “Xuân hữu chủ” là chỉ mùa xuân năm nào đó, những đệ tử Đại Pháp chịu bức hại sẽ đường đường chính chính gặp mặt Sư phụ (vị thánh nhân truyền Pháp). “Mưa gió suốt đêm không phải ưu sầu” ý là chỉ đệ tử Đại Pháp bị bức hại, dùng nhãn quang của lịch sử mà nhìn, cho dù tà ác có điên cuồng đến đâu, cũng giống như mưa gió suốt đêm không phải lo sầu. Mưa gió hễ qua đi trời sẽ sáng trở lại.

Tiếp đó, trong tiết thứ 10 của “Mai Hoa Thi” đã dự ngôn rằng: “Số điểm Mai Hoa thiên địa Xuân, Dục tướng Bác Phục vấn tiền nhân. Hoàn trung tự hữu thừa bình nhật, Tứ hải vi gia thục chủ tân”. Trong đó “Số điểm Mai Hoa Thiên địa xuân” (Hoa Mai điểm nở cả trời đất đều là Xuân) ý nghĩa là đệ tử Đại Pháp ở khắp nơi trên thế giới, khắp nơi Trung Quốc đại lục trải qua khảo nghiệm khắt khe, giống như hoa mai kiêu hãnh trong sương tuyết báo hiệu mùa xuân sắp đến. Đó chính là thời khắc Pháp Chính Nhân Gian. Ý của câu “Dục tướng Bác Phục vấn tiền nhân” (Muốn biết Bác Phục hãy hỏi nguyên nhân xưa) là vật cực tất phản. Lịch sử như chuyển luân, có tiền nhân tất có hậu quả.

“Hoàn trung tự hữu thừa bình nhật” (Ở khắp nơi tự nó thừa hưởng ngày thái bình) ý là chỉ đệ tử Đại Pháp trải qua hết thảy khảo nghiệm tà ác, trong sự diệt vong của tà ác mà đi về phía tương lai tốt đẹp.

“Tứ hải vi gia thục chủ tân” (Bốn biển là nhà, hỏi ai là chủ ai là khách) ý là chỉ Sư phụ truyền Đại Pháp (tức thánh nhân), từ năm 1992 bắt đầu bước ra truyền Pháp, về cơ bản lấy bốn biển làm nhà. “Thục chủ tân”, ẩn dụ ai là chủ, ai là khách, trên vũ đài lịch sử ai là vai chính, ai là vai phụ. Nền văn minh của nhân loại lần này đều là vì Đại Pháp mà tạo thành, vì Đại Pháp mà khai sáng.

Điểm chung của những lời tiên tri trong các thời kỳ lịch sử khác nhau ở trên là đều dự đoán rằng sẽ có một vị thánh đến thế gian, vào lúc nhân loại gặp nguy nan sẽ đến cứu nhân loại. Sau đó sẽ xuất hiện một thời kỳ thái bình thịnh thế. Có điều thánh nhân trong dự ngôn dùng phương thức nào để độ nhân, thái bình thịnh thế sẽ xuất hiện cụ thể vào thời gian nào trong tương lai, hầu hết các dự ngôn đều không nói rõ ràng. Nhưng dựa theo dự ngôn kể ở trên, chúng ta có thể suy đoán rằng: Vị thánh nhân này nhất định là cứu rỗi nhân loại bằng cách giáo hoá về mặt tinh thần, hơn nữa, có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Đồng thời, những tín đồ tin theo Pháp mà vị thánh nhân này truyền sẽ phải chịu đựng bức hại tàn khốc, nhưng cuối cùng họ sẽ đón nhận một tương lai tươi sáng.

Khi bước vào những năm 90 của thế kỷ XX, chúng ta sẽ phát hiện chỉ có sự truyền xuất của Pháp Luân Đại Pháp cùng với người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, ngài Lý Hồng Chí mới có thể tương hợp với những dự ngôn ở trên. Có lẽ sau khi chúng ta miêu tả cụ thể đoạn lịch sử này, mọi người mới có thể hiểu được vì sao thánh nhân hạ thế được nói đến chính là chỉ ngài Lý Hồng Chí, mới có thể hiểu được tại sao Pháp Luân Đại Pháp chính là chiếc thang lên trời, là con đường quay trở về duy nhất mà thánh nhân dùng để cứu độ nhân loại.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/33776



Ngày đăng: 17-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.