Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường – một trong ba đại thịnh thế thiên triều (1)
(Từ năm 618 đến năm 907)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Thế sự xoay vần, trong chớp mắt, bao nhiêu triều đại đã lần lượt bước qua vũ đài lịch sử Hoa Hạ. Khi lịch sử dừng lại trong đường hầm thời không vào hơn 1300 năm trước, một bức tranh cuộn dài về “thiên triều” từ từ hé mở, tái hiện vẻ rực rỡ say đắm lòng người của nó trước mặt hậu thế, đây chính là Đại Đường, một thời đại được mệnh danh là thiên triều thịnh thế.
Nhà Đường là thời kỳ toàn thịnh tiếp nối quá khứ và khai sáng tương lai, trăm hoa đua nở, có nhiều thành tựu xuất sắc trong lịch sử Trung Hoa. Sự ôn hòa lễ độ cùng văn hóa đỉnh cao và uy lực vang dội của nó đã hình thành sự tương phản rõ rệt với sự hủ bại, hỗn loạn và chia rẽ của thế giới phương Tây thời bấy giờ, thế nên nó vẫn luôn một mạch dẫn đầu trong lịch sử phát triển văn minh của nhân loại.
Đặc biệt là thời “Trinh Quán chi trị” (nền thái bình thịnh trị thời Trinh Quán) vào đầu thời nhà Đường giống như vầng trăng chiếu sáng cả bầu trời đêm của lịch sử nhân loại. Trên các phương diện về văn hóa, kinh tế, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông đều vô cùng siêu việt, bỏ xa hết thảy các thời đại trước đó. Sự phát triển phồn thịnh của thơ Đường, sự phục hưng của tản văn cùng sự trưởng thành của thể loại truyền kỳ đã đẩy lịch sử văn học nhân loại lên đỉnh cao rực rỡ huy hoàng. Theo cùng với đó là âm nhạc, vũ đạo, thư pháp, hội họa, tạc tượng, kiến trúc, luyện kim, chế tác đồ sứ, dệt may, in ấn, ủ rượu, rang trà… thể hiện ra sự đa dạng đặc sắc, rực rỡ chói lọi, quả thực đã đạt đến mức độ hưng thịnh chưa từng thấy. Lịch sử gọi là thời kỳ “từ Sơn Đông đến Thương Hải, từ Nam Kinh đến Ngũ Lĩnh, cửa nhà không cần đóng, khách đường xa không cần mang lương khô”. Vào thời điểm ấy xã hội nhân loại thực sự đã bước vào một thời kỳ thái bình phồn thịnh sung túc, an định, lịch thiệp, tường hòa, và hậu thế cũng đã mãi ghi nhớ tên người tạo nên “Thịnh Đường Khí Tượng” (khí chất nhà Đường thịnh thế) ấy: đó chính là Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Thịnh Đường Khí Tượng này cũng đã vượt xa khỏi biên giới lãnh thổ. Thời bấy giờ, không quốc gia nào dưới vòm trời này là không biết đến Đại Đường, vậy nên sau này chữ “Đường” đã dần trở thành từ đồng nghĩa với Trung Quốc. Cho đến ngày nay, người ngoại quốc vẫn còn gọi người Hoa là “Đường nhân”, và nơi sinh sống của người Hoa ở nước ngoài được gọi là “phố Đường nhân”, trang phục họ mang trên mình cũng được gọi là “Đường phục”.
Nhà Đường, cũng là thời đại Phật pháp được truyền bá rộng rãi. Sau khi trải qua nhiều lần hưng khởi và truyền bá trong thời kỳ Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều và nhà Tùy, đến nhà Đường thì Phật giáo bước vào thời kỳ toàn thịnh. Một lượng lớn kinh Phật được phiên dịch thành tiếng Trung, các tông phái Phật giáo chính thức được hình thành, và nghệ thuật hang động cũng ngày càng phát triển.
Dự ngôn nhà Đường hưng khởi
Về việc nhà Đường lật đổ nhà Tùy rồi hưng khởi, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc đã sớm có dự ngôn trong khóa thứ tư của Mã Tiền Khóa rằng: Thập bát nam nhi, Khởi vu Thái Nguyên; Động tắc đắc giải, Nhật nguyệt lệ thiên. (Tạm dịch: Mười tám nam nhi, Khởi từ Thái Nguyên; Động ắt được giải, Nhật nguyệt tươi đẹp).
“Thập bát nam nhi” là chữ Lý “李” (thập bát hợp lại là chữ Mộc “木”, nam nhi chính là chữ Tử “子”, Mộc “木” và Tử “子” hợp lại thành chữ Lý “李”). Khởi vu Thái Nguyên là chỉ Lý Uyên trấn thủ ở Thái Nguyên, khởi binh bình thiên hạ cũng bắt đầu từ Thái Nguyên.
Lý Uyên vì có họ hàng với Dương Quảng nên không muốn khởi binh. Thời điểm ấy có tin đồn nói rằng tướng họ Lý “李” thay thế vua họ Dương lấy thiên hạ, nên Dương Quảng rất kỵ húy ông. Thái Nguyên lại là vùng giao tranh của nhà binh, Lý Uyên lúc bấy giờ nếu không khởi binh thì rất có thể bị các thế lực phản vương như Lý Mật, Đỗ Phục Uy tiêu diệt, khởi binh thì sống, không khởi binh thì chết, hình thế mà Lý Uyên lúc đó phải đối mặt có thể nói là “động tắc đắc giải” (tiến thoái lưỡng nan, kiểu gì cũng bị quở trách). Vậy nên Lý Uyên không thể không mạo hiểm khởi binh, trong đường tử tìm đường sống.
Lý Thế Dân là con thứ của Lý Uyên và là một đại anh hùng, đã đánh bại các thế lực phản vương Tiết Nhân Cảo, Lưu Vũ Chu, Đậu Kiến Đức, Vương Thế Sung, và lập nên giang sơn Đại Đường. Năm 626, Lý Thế Dân lên ngôi, đồng thời dựng nên thời kỳ mà các sử học gia trong và ngoài nước gọi là “Trinh Quán chi trị”, có thể nói là “Nhật nguyệt lệ thiên” (ý chỉ văn minh Đại Đường xán lạn như nhật nguyệt).
Sự hưng khởi và thành lập của nhà Đường
Thân thế và dị tướng của Cao tổ Lý Uyên
Cao tổ Lý Uyên sinh ra trong một gia đình quyền quý mang hai dòng máu Hồ và Hán ở Sơn Tây, tổ phụ của ông – Lý Hổ là một trong bát trụ quốc của Tây Ngụy, được phong tước Đường Quốc Công. Phụ thân của ông giữ chức vụ quan trọng thời Bắc Chu, nhà mẹ của ông là gia tộc Độc Cô. Vì gia tộc Độc Cô cũng là thông gia với Vũ Văn Thị và Dương gia, vậy nên Lý Uyên với Dương Kiên và Minh Đế của Bắc Chu có quan hệ thân thiết, mẹ ông Độc Cô Thị là em ruột của hoàng hậu Tùy Văn Đế.
Lý Uyên 7 tuổi đã kế thừa chức Đường Quốc Công của cha. Trong cuốn «Cựu Đường Thư» có nói, Lý Uyên khi trưởng thành, tính tình không những rộng rãi độ lượng, tự do phóng khoáng, mà còn thẳng thắn thật thà, khoan dung nhân hậu, do vậy bất kể là ai, không phân sang hèn đều rất quý mến ông.
Lúc bấy giờ có người biết xem tướng nói với Lý Uyên rằng: “Ông xương cốt phi phàm, ắt làm vương chủ, mong ông bảo trọng, chớ quên lời kẻ hèn mọn này”. Lý Uyên vì thế mà vô cùng tự phụ. Vào thời nhà Tùy, Lý Uyên giữ chức Thái thú, Thiếu giám trong nội điện và Vệ úy thiếu khanh.
Lý Uyên thường ngày hay nói chuyện ân đức với người khác, càng thích kết nạp hào kiệt, vậy nên rất nhiều người đến nương cậy ông. Điều này khiến Dạng Đế vốn hay hiềm nghi lo ngại. Có lần, Dạng Đế đã triệu kiến Lý Uyên, Lý Uyên vì đang bệnh nên không đến. Lúc ấy cháu ngoại của Lý Uyên là Vương Thị đang ở hậu cung, Dạng Đế bèn hỏi Vương Thị: “Cậu của ngươi tại sao chưa đến?” Vương Thị trả lời là bởi đang bệnh. Dạng Đế hỏi tiếp: “Thật là sắp chết không?” Lý Uyên sau khi nghe kể lại thì vô cùng lo sợ, từ đó chìm đắm trong tửu sắc, nhằm tránh khỏi Dạng Đế hoài nghi.
Tình hình thiên hạ thời mạt Tùy và Lý Uyên khởi binh
Những năm cuối nhà Tùy, do sự tàn bạo vô đạo của Dạng Đế Dương Quảng, cùng ba lần phát động chiến tranh với Cao Lệ khiến dân chúng sống khổ sở lầm than. Bắt đầu từ năm 611, thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi dậy, khắp nơi cường hào rầm rộ cầm binh đứng lên. Trong đó thế lực lớn mạnh nhất là quân Ngõa Cương ở Hà Nam, nghĩa quân Hà Bắc và nghĩa quân Giang Hoài.
Năm 617, Lý Uyên ra trấn thủ ở Thái Nguyên. Dương Quảng bản tính hiềm nghi cho rằng Lý Uyên chưa dốc toàn lực trấn áp nghĩa quân, bèn hạ chỉ áp giải Lý Uyên về Giang Đô trị tội, nhưng lại mau chóng đổi ý đặc xá cho Lý Uyên. Động thái này của Tùy Dạng Đế khiến Lý Uyên và Lý Thế Dân ý thức được sự đáng sợ của việc trước sau đều có địch, họ nếu không chết bởi sự hiềm nghi của triều đình, thì cũng chết bởi sự áp sát của phản quân.
Lúc ấy, phó thái thú Cao Quân Nha và phó tướng Vương Uy phụng mệnh của Dạng Đế giám sát Lý Uyên muốn nhân lúc đến Tấn từ đường tế tự cầu mưa hạ độc thủ với ông. Lý Uyên và Lý Thế Dân sau khi biết được, lập tức chém đầu hai người này, đồng thời tuyên cáo thoát ly khỏi Tùy thất, khởi binh tranh phong với quần hùng. Lý Uyên tự xưng là đại tướng quân, đồng thời chỉnh đốn lại đội ngũ, phân thành tả hữu quân: Lý Kiến Thành làm thống soái tả quân, phong làm Lũng Tây Công; Lý Thế Dân làm thống soái hữu quân, phong làm Đôn Hoàng Công; Lý Nguyên Cát làm Trấn Bắc tướng quân, tạm trấn thủ Thái Nguyên. Thời điểm ấy quân Ngõa Cương và đội quân nông dân Hà Bắc đang chiến đấu ở vùng Trung Nguyên, đã kìm hãm lượng lớn quân Tùy, mà lực lượng phòng thủ tại vùng Trường An kinh đô nước Tùy lại rất mỏng.
Tháng 06 năm 617, hai anh em Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân hợp lực mạnh mẽ tấn công Tây Hà, hai người tiên phong đi đầu, đội quân sĩ khí cao ngút. Đường hành quân xa nhưng không can nhiễu đến bách tính, chưa lấy được thiên hạ nhưng sớm đã thực thi chính sách nhân từ, nên rất được người dân ủng hộ. Đại quân thế như chẻ tre, thành Tây Hà mới chạm đã đổ. Sau khi vào trong thành chỉ giết Quận thừa Cao Đức Nho là kẻ bị người dân căm phẫn cực độ. Lý Thế Dân hạ lệnh vỗ về bách tính, thành Tây Hà tức khắc trở nên ngay ngắn trật tự, danh tiếng Lý Thị trong chốc lát lan rộng khắp nơi. Lý Uyên vì thế mà ngợi khen Lý Thế Dân năm ấy mới 18 tuổi rằng: “Con dẫn binh như thế, có thể tung hoành thiên hạ được đấy”.
Tháng 07 cùng năm, Lý Uyên hợp nhất hai đạo quân tả hữu, tổng cộng có ba vạn binh sĩ tây tiến Quan Trung, vượt quần hùng các nơi công chiếm đô thành Trường An nhà Tùy trước. Lúc ấy đang là tiết thu mùa mưa, đường sá lầy lội, tiến trình đội quân gặp trở ngại; lại truyền đến tin Đột Quyết liên hợp với Lưu Vũ Chu đang ở cát cứ Mã Ấp để đột kích Thái Nguyên. Lý Uyên lo lắng Lý Nguyên Cát không giữ được, nên nghĩ đến việc lui binh, trù tính xong xuôi. Nhưng Lý Thế Dân đã đứng ra phản đối thu quân, cho rằng: thứ nhất một khi lui binh, quân Tùy sẽ đánh úp phía sau, lòng quân rối loạn, ắt sẽ thất bại thảm hại; hai là việc Đột Quyết và Lưu Vũ Chu tập kích chưa chắc là thật, có lẽ chỉ là quân Tùy cố tình loan tin đồn; ba là sĩ khí quân đội đang dồi dào, một lần đánh lớn có thể phá Tùy, ngày sau chưa chắc lại có cơ hội tốt này; bốn là nếu Trường An bị những quần hùng cát cứ khác công chiếm trước, một nửa giang sơn sẽ rơi ngay vào tay kẻ khác.
Để khiến Lý Uyên bỏ quyết định lui binh, Lý Thế Dân suốt đêm khóc lớn trước trướng của Lý Uyên. Lý Uyên cho gọi vào trong trướng hỏi vì sao mà khóc? Lý Thế Dân trả lời: “Nghĩa quân tiến ắt thắng, lùi ắt tan. Quân địch lại thừa cơ đánh phía sau, bỏ mạng chỉ trong khoảnh khắc, sao không đau buồn cho được?” Lý Uyên sau nhiều lần suy tính, cuối cùng đã tiếp nhận kiến nghị của Lý Thế Dân, quyết định dốc toàn lực tấn công thẳng đến Trường An. Từ đó có thể thấy Lý Thế Dân nhìn xa trông rộng, mưu lược sâu xa và táo bạo siêu phàm thế nào.
Trải qua một phen chinh chiến, vào tháng 10 đội quân của Lý Uyên đã đánh hạ được Trường Lạc Quan, tháng 11 công phá được Trường An. Lý Uyên lập Vương Dương Hựu nhà Tùy làm hoàng đế bù nhìn, tôn Tùy Dạng Đế làm Thái Thượng Hoàng. Lý Uyên từ khi tuyên bố khởi nghĩa đến lúc tấn công vào Trường An chỉ mất hơn 120 ngày, quả là đi sau về trước, nhanh như tia chớp vậy. Trên đường tiến đánh Trường An có vô số lực lượng phản Tùy quy mô nhỏ quy thuận, nên đội quân của Lý Uyên cũng đã tăng lên đến chín vạn người.
Nhà Đường chính thức được thành lập
Tháng 03 năm 618, Tùy Dạng Đế bị thuộc hạ sát hại ở Giang Đô. Tháng 05, Lý Uyên phế truất Dương Hựu, tự mình lên ngôi, đổi quốc hiệu thành Đường, niên hiệu Vũ Đức, lịch sử gọi là Đường Cao Tổ. Nhà Đường- một vương triều khiến hậu thế thán phục trong lịch sử Trung Hoa chính thức bắt đầu.
Bởi vì Lý Uyên kiến lập nhà Đường trước, rồi thôn tính các thế lực cát cứ sau, hơn nữa lại là sau khi Dạng Đế bị sát hại, do đó trên thực tế thì nhà Đường là kế tục nhà Tùy mà xuất hiện vậy.
Sau khi Cao Tổ đăng cơ, đã hạ lệnh đổi quận thành châu, đổi Thái thú thành Thứ sử; phế bỏ «Đại Nghiệp Luật Lệnh» của nhà Tùy, lệnh cho Tướng quốc Trưởng sử Bùi Tịch sửa đổi luật lệnh. Đồng thời, lập Thế tử Kiến Thành làm Thái tử, phong Lý Thế Dân làm Tần vương, Tề quốc công Nguyên Cát làm Tề vương.
“Thiên Sách Thượng Tướng” Lý Thế Dân hoàn thành thống nhất đại nghiệp
Sau khi nhà Đường được thành lập, quân phiệt nổi dậy khắp nơi và vẫn còn khống chế nhiều khu vực trong nước, như hùng cứ Tây Bắc, Tiết Cử tự xưng Tần đế; Bá chủ Đại Bắc Lưu Vũ Chu; Bá chủ Lạc Dương Vương Thế Sung tự xưng Trịnh đế; Bá chủ Hà Bắc Lưu Hắc Thát. Việc cấp bách trước mắt chính là thanh trừ những thế lực này, thống nhất toàn quốc. Lý Uyên vừa mới đăng cơ Hoàng đế, không tiện thân chinh, Thái tử Lý Kiến Thành thân là Hoằng trừ (người được xác định sẽ thừa kế ngôi vua), nên phải ở bên phụ hoàng xử lý việc triều chính. Do đó, trọng trách thảo phạt đã gánh lên vai Tần vương Lý Thế Dân.
Mục tiêu đầu tiên của cuộc chiến thống nhất là Tần đế Tiết Cử ở Tây Bắc. Tiết Cử có 30 vạn binh lính, vị trí ngay sau quân Đường, nên thanh trừ thế lực này trước có thể tránh được nỗi lo về sau.
Tháng 08 năm 618, Tiết Cử đột nhiên chết bất đắc kỳ tử, con của ông là Tiết Nhân Cảo kế vị. Lý Thế Dân nhân cơ hội này lập tức tiến quân, đại tướng của quân Tiết là Tông La Hầu ứng chiến. Do đường tiếp viện quân Tiết dài, Lý Thế Dân quyết định áp dụng chiến thuật trì hoãn, khiến quân địch mệt mỏi. Quân Tiết nhiều lần khiêu chiến bất thành, lại không có phương châm chiến lược có tính đột phá làm cho sĩ khí giảm sút, lại thêm quân lương không đủ, từng nhóm tướng lĩnh dần dần đầu hàng quân Đường. Đợi khi quân Tiết sắp sửa không đánh cũng tự vỡ, Lý Thế Dân mới tấn công. Sau đại quân đánh úp, Lý Thế Dân dẫn 2.000 kỵ binh tinh nhuệ thừa thắng truy kích, đây được gọi là “hiểm trung cầu thắng” (tìm thắng lợi trong nguy hiểm), kết quả đại thắng trở về. Tiết Nhân Cảo thấy tình thế không thể cứu vãn được nữa, nên đành quy hàng Đại Đường.
Sau khi chinh phục được thế lực Tiết Cử, nhằm tiến thêm một bước nữa trong việc an định phương Bắc, quân Đường đã nhắm mục tiêu đến vương chủ Đại Bắc Lưu Vũ Chu. Nhưng Lưu Vũ Chu đã xuất binh đánh chiếm Thái Nguyên trước, Lý Nguyên Cát bỏ thành tháo chạy về Trường An. Lý Uyên hoang mang chuẩn bị bỏ Hà Đông, nhưng Lý Thế Dân cực lực phản đối, và đích thân dẫn binh vượt Hoàng Hà xuất trận, chặn đánh quân đội của Lưu Vũ Chu.
Quân lính của Lưu Vũ Chu dũng mãnh sắc bén, sĩ khí dâng cao, nhưng trong quân thiếu thốn lương thảo, nên chỉ muốn gấp rút tốc chiến. Lý Thế Dân quyết định đợi quân địch mệt mỏi rồi tấn công, không vội giành chiến thắng, đại quân án binh bất động, chỉ thi thoảng phái một tiểu đội đi công kích quấy nhiễu. Sau năm tháng giằng co, khí thế đội quân của Lưu Vũ Chu đã suy yếu, quân Đường mới tìm cơ hội vượt sông Phần, chặt đứt đường lương thực của Lưu Vũ Chu, đội quân của Lưu Vũ Chu bị buộc rút chạy về Bắc. Lý Thế Dân dẫn binh ngày đêm hành quân đuổi theo. Hai ngày không ăn, ba ngày không cởi giáp, liên tục truy sát, một ngày tám trận, liên tiếp thắng lợi. Cuối cùng, trong một trận ở thành Giới Hưu, các đại tướng Lý Thế Tích, Trình Giảo Kim, Tần Thúc Bảo lập nên đại công, đánh tan hơn hai vạn quân địch. Lưu Vũ Chu bỏ Thái Nguyên sang nương nhờ ngoại bang Đột Quyết, sau lại bị Đột Quyết giết chết. Còn Lý Thế Dân trong trận đại chiến này đã thu phục được danh tướng Uất Trì Kính Đức.
Sau lần ấy, vào tháng 07 năm 620 Lý Thế Dân lại lần nữa xuất quân thảo phạt Trịnh đế Lạc Dương Vương Thế Sung và Hạ vương Đậu Kiến Đức. Lý Thế Dân dẫn đại quân đánh bại từng cứ điểm của quân Trịnh ở vòng ngoài Lạc Dương, hình thành thế bao vây quanh Lạc Dương. Khiến Lạc Dương trở thành một tòa thành bị cô lập.
Đang trong giờ phút nguy cấp, ở Hà Bắc Đậu Kiến Đức dẫn 10 vạn quân cứu viện Vương Thế Sung. Lý Thế Dân trầm tĩnh ứng chiến, để Lý Nguyên Cát thống lĩnh quân đội vây khốn Lạc Dương, còn mình dẫn ba vạn kỵ binh tinh nhuệ lao như bay huyết chiến cùng đoàn quân của Đậu Kiến Đức. Lý Thế Dân dẫn đầu mấy danh tướng xông vào trận địa quân địch, anh dũng chém giết, cứ thế đánh cho quân Đậu thây nằm ngổn ngang, máu chảy thành sông. Đậu Kiến Đức bị thương và bị bắt, toàn quân bị tiêu diệt. Lý Thế Dân đã giành được thắng lợi ở “trận Võ Lao” nổi tiếng trong lịch sử.
Vương Thế Sung nghe nói Đậu Kiến Đức bại trận, bèn mang đồ trắng ra khỏi thành đầu hàng quân Đường. Lý Thế Dân lấy được Lạc Dương.
Lúc đó, phần lớn lãnh thổ thiên hạ đã vào tay Đường thất, chỉ sót lại một đội quân có thế lực khá mạnh là Lưu Hắc Thát thuộc hạ của Đậu Kiến Đức. Tháng 12 năm 622 Lý Thế Dân đã dẫn quân đánh tan đội quân này. Lưu Hắc Thát trốn đến Đột Quyết.
Đến lúc này, đại nghiệp thống nhất của nhà Đường cơ bản đã hoàn thành, trong chuyện này Lý Thế Dân có vai trò hết sức quan trọng. Cũng có thể nói thế này, giang sơn nhà Đường có được đều nhờ vào Lý Thế Dân. Lý Uyên phong Lý Thế Dân là “Thiên Sách Thượng Tướng”, biểu thị Hoàng đế cũng không dám tự ý chuyên quyền, duy chỉ có Trời mới có thể sách phong được, nhằm thể hiện sự tôn vinh.
Đường Cao Tổ Lý Uyên hiền minh trị quốc
Cho dù thời gian tại vị của Đường Cao Tổ Lý Uyên không được lâu dài, nhưng về cơ bản có thể nói ông là một vị hoàng đế hiền minh. Lý Uyên dựa trên cơ sở chế độ của nhà Tùy tiến hành những điều chỉnh thích hợp. Năm 625 ông phế bỏ thượng thư tỉnh lục ti thị lang, tăng lại bộ lang trung bậc tứ phẩm, nắm giữ việc thi tuyển, còn đại xá thiên hạ, ban hành luật lệnh mới, giảm nhẹ hình phạt, giảm nhẹ các gánh nặng cho bách tính.
Tuy nhiên, Lý Uyên tin theo lời gièm pha của Thái tử Kiến Thành và Tề vương Nguyên Cát, suýt chút nữa là chém chết Lý Thế Dân. Sau sự biến Huyền Vũ môn, Lý Uyên hạ chiếu lập Lý Thế Dân làm Hoàng thái tử, kế thừa cơ đồ. Không lâu sau, lại hạ chiếu truyền ngôi cho Lý Thế Dân. Lý Uyên lên làm Thái Thượng Hoàng, tám năm sau thì tạ thế, thọ 70 tuổi. Thụy hiệu Đại Vũ Hoàng đế, miếu hiệu Cao Tổ.
Sau khi Lý Uyên qua đời, Thái Tông Lý Thế Dân người kế thừa đại nghiệp thống nhất của ông đã viết nên trang sử chói lọi nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29146
Ngày đăng: 10-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.