Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (18)
(Từ năm 618 đến năm 907)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Khoa học kỹ thuật
Thiên văn học
Hòa thượng Nhất Hạnh (683-727) là một nhà thiên văn học kiệt xuất thời nhà Đường, ông vốn họ Trương, tên Toại, người Xương Lạc, Ngụy Châu (Nam Lạc, Hà Nam ngày nay). Năm 724 (năm Khai Nguyên thứ 12), Hòa thượng Nhất Hạnh cùng một chuyên gia kỹ thuật công trình cùng thời là Lương Lệnh Toản và những người thợ thủ công đã chế tạo ra một dụng cụ là Hoàng Đạo du nghi, dùng để quan trắc vị trí và chuyển động của Mặt Trăng, Mặt Trời. Thông qua quan sát, Hòa thượng Nhất Hạnh đã phát hiện ra hiện tượng dịch chuyển vị trí của các hằng tinh. Điều này đã xảy ra sớm hơn gần cả nghìn năm so với quan điểm các hằng tinh tự dịch chuyển mà nhà thiên văn học người Anh Halley đưa ra vào năm 1718.
Năm 724, Hòa thượng Nhất Hạnh đề xuất việc đo độ cao Bắc Cực và độ dài bóng Mặt Trời trong các ngày Đông chí, Hạ chí và các ngày Xuân phân, Thu phân ở 24 vị trí trên toàn quốc, đồng thời thiết kế một loại khí cụ gọi là Phục Củ Đồ, để đo độ cao Bắc Cực. Trong lần đo này Hòa thượng Nhất Hạnh đã tính toán ra được sự chênh lệch giữa Bắc cực và Nam cực là 351 dặm 80 bộ (tương đương 129.22 km ngày nay), độ cao Bắc cực chênh lệch một độ, con số này chính là chiều dài của đường Tý Ngọ (đường kinh độ) một độ của Trái Đất. Mặc dù còn có sai số rất lớn so với chiều dài 111.2km của đường Tý Ngọ đo được hiện nay, nhưng việc dùng phương pháp khoa học như thế này để đo đường Tý Ngọ lại là lần đầu tiên trên thế giới.
Hòa thượng Nhất Hạnh bắt đầu chế tạo lịch pháp mới từ năm 725, đến năm 727 (năm Khai Nguyên thứ 15) thì hoàn thành, lấy tên là “Đại Diễn lịch”. Bộ hệ thống lịch pháp này tỉ mỉ chặt chẽ, kết cấu hợp lý, phù hợp hơn với thực tế thiên văn, và là bộ lịch pháp tiên tiến thời bấy giờ. Các nhà lịch pháp sau này hầu như đều biên soạn lịch pháp dựa theo kết cấu của nó, cho đến cuối thời nhà Minh mới có những thay đổi do việc tiếp thụ lịch pháp phương Tây.
Kỹ thuật in ấn khắc gỗ
Kỹ thuật in ấn là một trong bốn phát minh lớn thời cổ đại của Trung Quốc. Kỹ thuật in ấn sớm nhất là in khắc gỗ. Vào khoảng giữa thế kỷ VII, đã có những bức tượng Phật được in khắc gỗ. Đến những năm 80 của thế kỷ VIII, đã có sự xuất hiện của “giấy in” – chứng từ nộp thuế của thương nhân.
Năm 824 (năm Trường Khánh thứ tư), nhà thơ Nguyên Chẩn đã viết trong lời tựa cho “Trường Khánh tập” của Bạch Cư Dị rằng, có người đã đem bản viết tay và bản in các bài thơ của Bạch rao bán ngoài đường hoặc đổi lấy rượu trà. Đến những năm Đại Hòa thời Vua Văn Tông, người dân vùng Tứ Xuyên và Giang Hoài hàng năm đã “dùng gỗ in lịch” bán ngoài chợ, cho nên không đợi triều đình ban hành lịch mới, “lịch in đã có khắp mọi nơi” rồi. Có thể thấy rằng kỹ thuật in khắc gỗ đã khá phát triển vào cuối thời nhà Đường.
Ngành dệt tơ
Sản xuất thủ công nghiệp ở Giang Nam cũng phát triển rất mạnh mẽ trong thời nhà Đường. Đối với nghề dệt tơ mà nói, thì phía Nam lúc bấy giờ đã vượt trội hơn phía Bắc. Ngô Việt là trung tâm dệt tơ của vùng Giang Nam, sau thời kỳ Trinh Nguyên (785-805), Việt Châu đã tiến cống lên triều đình hơn mười loại sản phẩm tơ dệt, nên lúc bấy giờ mới có câu rằng: “Y phục đến từ xe Việt”. Kinh Châu (Giang Lăng, Hồ Bắc ngày nay) và Tuyên Châu (Tuyên Thành, An Huy ngày nay) cũng trở thành những nơi sản xuất hàng tơ dệt chủ yếu, cống lĩnh của Kinh Châu, thảm chỉ đỏ của Tuyên Châu đều là những sản phẩm thượng hạng cả nước. Ngành công nghiệp dệt bông cũng phát triển ở phía Nam, nhưng có vẻ phổ biến hơn ở Linh Nam.
Các sản phẩm dệt thời kỳ sơ Đường là thời kỳ chuyển tiếp quan trọng của kỹ thuật dệt gấm lĩnh của Trung Quốc. Vào thời Đường, kỹ thuật dệt sợi ngang được thêm vào trong kỹ thuật dệt sợi dọc vốn có, đồng thời kỹ thuật dệt lĩnh có sự phân hóa, và có thể dệt được nhiều loại hoa văn. Dệt sợi ngang có thể sử dụng tám loại sợi màu cùng lúc, thay thế kỹ thuật sợi dọc chỉ hạn chế trong ba màu ban đầu. Ví như loại “gấm hoa văn” thịnh hành thời thịnh Đường có mức độ màu sắc rất phong phú.
Nhắc đến hoa văn, trong cuốn “Lịch đại danh họa ký” (Ghi chép về những danh họa qua các triều đại) do Trương Ngạn Viễn thời nhà Đường biên soạn, có nhắc đến một người thợ dệt tên là Đậu Sư Luân ở Ích Châu (Thành Đô ngày nay) thời sơ Đường. Ghi chép nói rằng trong kho cung đình lúc bấy giờ, có cất giữ những gấm lĩnh do Đậu Sư Luân dệt, hoa văn của chúng phong phú, có đôi trĩ, chọi cừu, phượng hoàng bay, kỳ lân ngao du và các thần thú khác, những gấm lĩnh này được gọi là “thụy gấm” và “cung lĩnh”. Đồng thời, vào năm Diên Tái thứ nhất (năm 694), hoàng đế nhà Đường ban thưởng y bào thêu cho các quan văn võ từ bậc tam phẩm trở lên, với họa tiết trên y bào khác nhau cho mỗi cấp bậc.
Một sản phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật dệt tơ thời thịnh Đường trong thế kỷ VIII là một đôi tất gấm được khai quật từ ngôi mộ thời năm Đại Lịch thứ ba (năm 773) ở Astana Tân Cương. Đây là loại gấm sợi ngang vân chéo được dệt từ tám sợi tơ màu là đỏ tươi, hồng, trắng, đen, xanh lá mạ, vàng, xanh ngọc, tím thẫm. Với họa tiết là nền đỏ và những bông hoa nhiều màu sắc, ở giữa là cụm hoa với những bông hoa lớn nhỏ khác nhau, xung quanh là các loại chim chóc, mây trôi và những bông hoa nhỏ rải rác. Bên ngoài thì có cành hoa khúc khuỷu lẫn với đá núi cây cối xa xa. Gần mép viền gấm còn dệt một viền ren dạng đăng ten với những bông hoa nhiều màu sắc trên nền xanh ngọc rộng chừng 2cm, kết cấu phức tạp, phối màu rực rỡ, kiểu sợi khăng khít.
Vào thời kỳ đầu nhà Đường, sản xuất thủ công nghiệp ở một số lĩnh vực như dệt may, luyện kim, nung sứ đều có sự phát triển rõ rệt. Đầu tiên là ngành dệt may. Phía Bắc giỏi dệt lụa, vùng Giang Nam giàu vải vóc, thời kỳ đầu nhà Đường nhìn chung là như vậy. Tơ lụa được sản xuất ở Tống Châu (Thương Khâu, Hà Nam ngày nay) và Bặc Châu (Bặc Huyện, An Huy ngày nay) có chất lượng cao nhất. Định Châu là nơi sản xuất tơ lụa nhiều nhất, hàng năm tiến cống cho hoàng đế hơn 1.500 xếp lụa. Nghề dệt tơ ở Giang Nam cũng rất phát triển. Các sản phẩm tơ dệt ở Đông đạo Giang Nam (vùng phía Nam Giang Tô và Chiết Giang nay) rất đa dạng, nhiều loại được liệt vào danh sách cống phẩm, sản lượng đứng thứ ba toàn quốc chỉ sau Hà Nam và Hà Bắc đạo. Thời bấy giờ, chủng loại và hoa văn các sản phẩm tơ dệt rất đa dạng, đẹp đẽ đặc sắc, vô cùng tinh mỹ. Lúc bấy giờ nghề dệt vải lanh cũng phát triển, vải lanh mịn của Hoàng Châu (Hoàng Cương, Hồ Bắc ngày nay) được xếp hạng nhất. Nghề dệt bông cũng phát triển đáng kể trong thời nhà Đường, thời bấy giờ các dân tộc ở Turfan vùng Tây Bắc và các nơi khác ở phía Nam như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến càng ngày càng phổ biến trồng bông và sản xuất vải bông. Thời điểm ấy, kỹ thuật in nhuộm cũng được cải thiện đáng kể.
Ngành gốm sứ
Vào thời nhà Đường, sản xuất đồ sứ cũng rất phát triển. Đồ sứ trắng được sản xuất với số lượng lớn vào thời kỳ đầu nhà Đường, đồ sứ trắng do lò Hình Châu (thuộc huyện Lâm Thành, Hà Bắc ngày nay) sản xuất “như bạc”, “như tuyết”, chất lượng rất cao. Trong “Quốc sử bổ” của Lý Triệu có viết: “Âu sứ trắng Nội Khâu, nghiên đá tím Đoan Khê, thiên hạ không kể sang hèn đều dùng”. Có thể thấy sản lượng sứ trắng của lò Hình Châu là rất lớn. Lò Đại Ấp ở Tứ Xuyên cũng nổi tiếng về sản xuất sứ trắng. Xương Nam trấn (Cảnh Đức trấn) ở Giang Tây nổi tiếng về sản xuất sứ từ thời kỳ đầu nhà Đường, thời bấy giờ đồ sứ trắng và đồ sứ men xanh được sản xuất ở đây được gọi là “ngọc giả”. Hầu hết các lò chuyên nung sứ men xanh thời Đường đều nằm ở phía Nam, trong đó sản phẩm của lò Việt Châu là tốt nhất. Sứ men xanh được sản xuất ở lò Việt Châu có thân mỏng, thanh thoát lộng lẫy và sáng bóng lóng lánh. Thơ Đường có câu “Cửu thu phong lộ Việt diêu khai, đoạt đắc thiên phong thúy sắc lai” (tạm dịch nghĩa: Lò Việt Châu mở giữa trời thu tháng chín gió sương, thu được sắc xanh của muôn vàn núi non), để miêu tả vẻ đẹp tinh xảo của sứ Việt.
Trong thời nhà Đường còn xuất hiện đồ gốm sứ tráng men màu vàng, xanh lá cây, trắng, đỏ thẫm, xanh lam, gọi là “Đường tam thải”. Đường tam thải là đồ gốm tiêu biểu của thời nhà Đường, đây là đồ gốm tráng men chì nung ở nhiệt độ thấp, dùng đất sét trắng làm thân vỏ, và các khoáng chất như đồng, sắt, man-gan, cô-ban làm chất tạo màu cho men, chì còn được thêm vào như một chất trợ dung cho men và lớp lót, và cuối cùng đem nung ở nhiệt độ thấp.
Theo nghĩa hẹp, Đường tam thải là chỉ đồ gốm tráng men ba màu được sản xuất vào thời nhà Đường: tức là đồ gốm với sắc thái chủ yếu là ba màu: trắng, xanh lá cây và vàng. Nhưng theo nghĩa rộng, vì đồ gốm tráng men màu bắt đầu bằng men đơn sắc, rồi dần phát triển thành men hai màu, sau đó lại diễn tiến lên mức men nhiều màu, vậy nên gốm tráng men qua các giai đoạn này đều được gọi chung thành “Đường tam thải”; cũng chính là nói, Đường tam thải có đơn sắc, song sắc, tam sắc và thậm chí là đa sắc, và phạm vi màu gồm có màu đỏ son, vàng, xanh lá cây, xanh lam, tím, nâu, trắng v.v., vào thời cổ đại ba là con số cực đại, cho nên người ta dùng tam thải (ba màu) để đại biểu cho các màu sắc.
Đường tam thải được tạo ra trên cơ sở kết hợp gốm tráng men xanh lá cây và men vàng từ thời Đông Hán, lại thêm vào kỹ thuật tráng men xanh lam của Ba Tư mà thành. Tương truyền vật liệu cô-ban màu xanh lam trong Đường tam thải cũng được nhập khẩu từ Ba Tư, cho nên người ta thường nói “Tam thải quý ở màu xanh lam”. Ngoài ra, chiếc bình đầu phượng hoàng trong số các Đường tam thải cũng chịu ảnh hưởng từ vật dụng bằng bạc của Ba Tư thời Sasan.
Đồ gốm Đường tam thải chủ yếu được dùng làm đồ tùy táng và tượng nhỏ, mô tả kiến trúc, đồ gia dụng, nhu yếu phẩm, gia súc, con người v.v., kiểu dáng đa dạng, có thể tái hiện cảnh tượng đời sống xã hội thời nhà Đường, nên được gọi là “Bách khoa toàn thư” của xã hội thời Đường. Thời kỳ phát triển rực rỡ của Đường tam thải là vào thời Khai Nguyên thịnh thế, sau thời Thiên Bảo thì dần suy tàn.
Vào thời thịnh Đường, tam thải có sản lượng rất lớn, chất lượng cao, các tượng nhỏ tam thải sống động như thật, màu men chảy tự nhiên, hòa quyện vào nhau, màu sắc rực rỡ, toát lên vẻ đẹp mơ hồ, trình độ nghệ thuật rất cao. Hầu hết các Đường tam thải khai quật được hiện nay đều tập trung ở hai kinh đô thời nhà Đường là Tây An và Lạc Dương, và một số cũng được khai quật ở Dương Châu. Cho đến nay, lò Đường tam thải duy nhất được phát hiện là lò Củng Huyện ở Hà Nam. Những Đường tam thải được khai quật ở lò Củng Huyện gồm có bình bát, tô chén, chai, lọ v.v. khuôn gốm dùng để dán hoa trang trí cũng được tìm thấy, nhưng không tìm thấy các tượng nhỏ. Đường tam thải có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đồ gốm sứ sau này, như ngoài nước thì có Ba Tư tam thải, Islam tam thải, Tân La tam thải, Nara tam thải v.v., ở Trung Quốc thì có Liêu tam thải, Tống tam thải, Minh tam thải, Thanh tam thải v.v., đều chịu ảnh hưởng của Đường tam thải.
Ngành làm giấy
Ngành làm giấy cũng có sự phát triển rộng rãi trong thời nhà Đường, các khu vực sản xuất chủ yếu phân bố ở phía Nam. Các châu như Tuyên, Hấp, Hàng, Vụ, Hoành, Việt, Quân, Ích, Thiều đều là những khu vực sản xuất giấy nổi tiếng thời bấy giờ. Giấy gai dầu sản xuất tại Ích Châu và giấy mây sản xuất tại miền Đông Chiết Giang, đều có độ bền cao và được lưu hành rộng rãi. Sau thời kỳ thịnh Đường, kỹ thuật làm giấy của Ích Châu được nâng cao hơn, màu sắc và chủng loại cũng đa dạng hơn, các nơi như Kinh, Dương, Giao, và Quảng Châu dùng vỏ cây dâu để làm giấy, gọi là cốc chỉ. Thiều Châu thì dùng tre làm giấy, mở ra lịch sử phát triển nhanh chóng của loại giấy tre sau này.
Ngoài ra, giấy Tuyên được sản xuất ở Kính Huyện của Tuyên Châu, có kết cấu mịn màng đồng đều, mềm mại thuần khiết, bền màu, và là loại giấy mà các nhà thư họa rất ưa dùng.
Ngành luyện kim
Ngành luyện kim cũng có những tiến bộ rất lớn vào thời nhà Đường. Nhà Đường quy định rằng, ngoại trừ các châu ở phía Tây và phía Bắc cấm luyện sắt và khai thác quặng ra, thì các nơi khai thác đồng và sắt của các châu khác, được phép khai thác tư nhân, và do quan thu thuế. Theo ghi chép, có 168 lò luyện bạc đồng sắt thiếc vào thời kỳ đầu nhà Đường, có 58 lò luyện bạc, 96 lò luyện đồng, 5 mỏ sắt, 2 mỏ thiếc, 4 mỏ chì ở các châu Thiểm (Thiểm Huyện, Hà Nam), Tuyên (Tuyên Thành, An Huy), Nhuận (Trấn Giang, Giang Tô), Nhiêu (Ba Dương, Giang Tây), Cù (Cù Huyện, Chiết Giang), Tín (Thượng Nhiêu, Giang Tây). Đây là những thống kê rất sơ bộ, và thấp hơn nhiều so với con số thực tế. Vào thời Đường Tuyên Tông, số lượng mỏ sắt đã tăng lên tới 71 mỏ, điều này cho thấy toàn quốc có rất nhiều vùng sản xuất sắt.
Vào thời điểm này, kỹ thuật đúc kim loại đã đạt tới một trình độ mới. Trong những năm gần đây, người ta đã khai quật được một hầm chứa các văn vật thời thịnh Đường tại thôn Hà Gia vùng ngoại ô phía Nam của Tây An, trong đó có 270 đồ dùng bằng vàng và bạc như tô chén, mâm đĩa, chai, lọ v.v. có hình dáng đẹp và hoa văn tinh xảo lộng lẫy. Xét về công nghệ cắt gọt của chúng, có thể người ta đã dùng máy tiện quay tay hay bàn đạp chân đơn giản, điều này đã cho thấy sự tiến bộ của kỹ thuật chế tạo thời bấy giờ.
Năm 621 (năm Vũ Đức thứ tư), nhà Đường bắt đầu đúc một loại tiền mới, gọi là “Khai Nguyên Thông Bảo”, có đường kính tám phân, mười đồng tiền nặng một lượng. Từ thời nhà Đường trở đi loại tiền mười đồng tiền nặng một lượng bắt đầu được lưu hành, và cơ bản được giữ nguyên không đổi cho đến thời nhà Thanh. Vào cuối thời Nguyên Bảo, có 99 lò đúc tiền rải rác khắp toàn quốc, và đúc được khoảng 327.000 quan tiền (một nghìn đồng tiền xâu thành một chuỗi) mỗi năm.
Y học
Trong thời nhà Đường, y học không những được phân thành những khoa nhỏ mà còn xuất hiện vô số danh y nổi tiếng, kiệt xuất nhất là Tôn Tư Mạc (581~682) người Kinh Triệu, Hoa Nguyên (nay là Diệu Huyện, Thiểm Tây).
Tôn Tư Mạc là y học gia kiệt xuất thời nhà Đường, và được tôn là “dược Vương”. Ông thông minh hiếu học, bảy tuổi đã có thể thông đọc nghìn chữ mỗi ngày, người đương thời gọi ông là “Thánh đồng”; 20 tuổi ông đã tinh thông học thuyết Bách gia chư tử và lịch pháp thiên văn, giỏi đàm luận về Lão Tử và Trang Tử, đồng thời cũng ham thích Phật học. Ông sống hơn trăm tuổi, nhưng tai thính mắt tinh, đầu óc minh mẫn sáng suốt, quả là người học vấn uyên thâm trường sinh bất lão. Tể tướng Ngụy Trưng khi biên soạn sử ký Ngũ Đại (Tề, Lương, Trần, Chu, Tùy) e rằng có thiếu sót, nên thường lui tới hỏi ông, ông đã kể lại từng việc từng việc không sai không thiếu, như thể chính ông tận mắt chứng kiến vậy.
Có lần Lư Chiếu Lân hỏi Tôn Tư Mạc: “Vì sao danh y lại có thể trị được bệnh?” Tôn Tư Mạc trả lời: “Ta nghe nói thân thể con người nhất định phải lấy quy luật vận hành của đất trời làm tham chiếu căn bản. Trời có bốn mùa xuân hạ thu đông và sự biến hóa của ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, Mặt Trăng, Mặt Trời chuyển động tới trước, nóng lạnh luân phiên nhau, tuần hoàn không ngừng. Khi khí của đất trời điều hòa thì thành mưa rơi xuống, khi nộ khí bừng bừng thì khua trống thành gió, lơ lửng rớt xuống thành sương, đông kết lại thành giá tuyết, khi tỏa ra dày đặc thì thành cầu vồng, đây chính là quy luật thông thường của tự nhiên. Con người có tứ chi và ngũ tạng, ngủ và thức, hít vào và thở ra, tinh khí tuần hoàn qua lại, thứ lưu thông là khí huyết, thứ biểu hiện ra là khí sắc, thứ phát ra là âm thanh, đây cũng là quy luật thông thường của thân thể người. Dương thì dựa vào tinh khí, âm thì dựa vào thể chất, trời và người đều là tương thông. Một khi âm dương mất cân bằng, dương khí bốc hơi thì sẽ phát ra chứng nóng, âm khí ứ trệ thì sinh ra chứng lạnh, tinh khí đông kết thì sẽ thành khối u, khí hư lắng lại sẽ thành u nhọt, khí chạy loạn thì tim đập nhanh khó thở, khí huyết suy kiệt thì tiều tụy hốc hác, triệu chứng biểu hiện trên khuôn mặt, biến đổi biểu hiện trên hình thể, quan sát trời đất cũng là như thế. Do đó sự biến hóa co giãn của năm đại hành tinh Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, các ngôi sao trên trời lệch khỏi quỹ đạo, Mặt Trời Mặt Trăng bị che khuất (Nhật thực, Nguyệt thực), Sao Chổi xuất hiện trên bầu trời, đây là những dấu hiệu nguy hiểm của trời đất. Nóng lạnh thất thường không theo mùa, đây chính là bệnh nóng lạnh của trời đất; khối đá dựng đứng, mặt đất lồi lên, đây chính là khối u của đất trời; núi sập đất lún, đây chính là u nhọt của trời đất; cuồng phong bạo vũ đây là trời đất khó thở mệt mỏi; trời không xuống mưa, sông ngòi khô khốc, đây chính là trời đất cạn khô. Lương y dùng thuốc để khai thông, dùng châm cứu để trị liệu, Thánh nhân dùng chí đức khiến thiên hạ hòa thuận, lại thêm sự nỗ lực của con người, cho nên thân thể người có những căn bệnh có thể chữa trị, thì trời đất cũng có những tai họa có thể được tiêu trừ, quy luật của người và trời đất là tương thông”. Đoạn văn này đã được giới y học và người đời ca tụng rộng rãi.
Cả Thái Tông và Cao Tông đều từng triệu kiến và trao cho ông chức quan, nhưng ông đều không nhận. Năm 682 Tôn Tư Mạc qua đời, nhưng hơn một tháng sau sắc mặt của ông vẫn không hề thay đổi, khi nhập quan thân thể không có trọng lượng, sau đó khi mở quan tài của ông ra thì chỉ thấy mỗi áo quần mà thôi. Trong “Nhị thập lục sử” và “Thái Bình quảng ký” đều có ghi chép.
Năm 652 (năm Vĩnh Huy thứ ba), Tôn Tư Mạc viết xong bộ sách y học đầu tiên “Bị cấp thiên kim yếu phương” gồm 30 cuốn. 30 năm sau, ông lại hoàn thành bộ “Thiên kim dực phương” gồm 30 cuốn, để bổ sung phần còn thiếu của tác phẩm trước. Hai tác phẩm này thường được gọi tắt là “Thiên kim phương”, đây là thành quả cả đời miệt mài tìm tòi vất vả của Tôn Tư Mạc.
Trong bộ sách, Tôn Tư Mạc đã tổng kết những lý luận về y học và kinh nghiệm trị liệu của các y học gia trong các triều đại trước nhà Đường, và thu thập được hơn 5.300 phương thuốc. Ông đặc biệt coi trọng phụ khoa và nhi khoa, liệt kê chúng ở phần đầu cuốn sách, chủ trương lập thành khoa mục riêng. Ông chú ý đến việc phối hợp dược liệu và biện chứng chẩn trị, tạo ra các phương thuốc kép, đề xuất phương pháp một phương thuốc trị nhiều bệnh hoặc nhiều phương thuốc trị một bệnh. Về phương diện thu thập và ứng dụng thuốc, Tôn Tư Mạc cũng có những thành tích nổi bật.
“Thiên kim phương” ghi chép tổng cộng hơn 800 loại thuốc, trong đó còn đặc biệt ghi chép lại quá trình thu thập và bào chế của hơn 200 loại thuốc. Do những đóng góp to lớn đối với dược học và y học của mình, Tôn Tư Mạc được người đời sau tôn là “dược Vương”.
Một thành tựu nổi bật khác của y học nhà Đường là “Đường tân bản thảo”, do Tô Kính và những người khác biên soạn, chuyên về dược học vừa có tranh minh họa đẹp lại có lời văn hay. Bộ sách gồm có 53 cuốn, thu thập 844 loại thuốc, đây là dược điển đầu tiên trên thế giới do một quốc gia ban hành.
Chân Quyền, nhà châm cứu lỗi lạc
Chân Quyền là một nhà châm cứu lỗi lạc, ông không những thuần thục y thuật, mà còn tinh thông cả đạo dưỡng sinh, ông chủ trương ăn uống thanh đạm để điều hòa khí vị và tăng cường tinh khí. Thứ sử Lỗ Châu lúc bấy giờ là Khố Địch Ải bị trúng gió, tay không thể kéo cung, không thầy thuốc nào chữa khỏi được. Chân Quyền nói rằng: “Giữ nguyên tư thế bắn cung, châm một mũi kim vào là có thể bắn cung được rồi”. Thế là Chân Quyền châm một kim vào huyệt gần vai của ông, quả nhiên kim châm xuống một cái Thứ sử lập tức có thể bắn cung được. Thứ sử Thâm Châu cổ họng mắc nghẹn đã ba ngày không ăn uống được, Chân Quyền dùng loại kim châm ba góc châm vào ngón tay của ông, khí tức liền thông, ngày thứ hai đã ăn uống bình thường. Chân Quyền trị bệnh phần lớn đều như vậy cả.
Năm Trinh Quán thứ 17, Đường Thái Tông đích thân đến thăm nhà ông, hỏi ông về việc ăn uống sinh hoạt thường ngày, và hỏi ý kiến về phương pháp dùng thuốc, đồng thời trao cho ông chức Triều tán đại phu, ban cho ông thọ trượng và y áo. Cùng năm ấy Chân Quyền qua đời, hưởng thọ 103 tuổi. Ông đã viết nhiều tác phẩm trong đời mình, hội họa có “Minh đường nhân hình đồ”, soạn viết có “Châm kinh sao”, “Mạch kinh”, “Châm phương”, “Mạch quyết phú”, “Dược tính luận” v.v., đáng tiếc là đến nay đã thất truyền. Một số nội dung của chúng có thể thấy trong các tác phẩm như “Bị cấp thiên kim yếu phương”, “Thiên kim dực phương”, “Ngoại đài bí yếu” có ảnh hưởng nhất định đến các thế hệ sau. Đặc biệt là tác phẩm “Minh đường nhân hình đồ” của họ Chân được lưu truyền rộng rãi vào thời bấy giờ, danh y thời Đường Tôn Tư Mạc đã dựa vào những hình vẽ trong đó mà vẽ lại và chỉnh lý thành “Nhân thể kinh lạc du huyệt thái đồ” (hiện đã thất lạc).
(Hết)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29372
Ngày đăng: 24-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.