Mạn đàm Trung y (19): Ngũ hành và ngũ tạng



Tác giả: Vu Dung Chi

[ChanhKien.org]

Thuyết ngũ hành cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều được hình thành bởi sự vận động và biến đổi của năm loại vật chất “mộc, hỏa, thổ, kim, thủy”. Trong “Quốc ngữ – Trịnh ngữ”, có câu rằng “Lấy thổ trộn với kim, mộc, thủy, hỏa, để tạo thành vạn vật”, và trong “Thượng Thư – Hồng Phạm” có ghi chép rằng “Ngũ hành: Một là nước, hai là lửa, ba là các thứ gỗ, bốn là các loại kim, năm là đất. Nói về tính thì nước thấm xuống dưới, lửa bốc lên trên, gỗ có cong có thẳng, đồ kim khí tùy tay người thợ mà đổi hình, đất để cấy lúa và gặt lúa. Nước thấm xuống dưới, mà mặn. Lửa bốc lên trên, mùi đắng. Gỗ cong hay thẳng, mùi chua. Đồ kim khí tùy tay người thợ đổi hình, mùi cay. Lúa cấy gặt, mùi ngọt”. Nó chỉ ra mối liên hệ nội tại tương hỗ giữa “ngũ hành” và “ngũ vị” (mặn, đắng, chua, cay, ngọt).

Trung y mô tả một số đặc tính sinh lý và chức năng tác dụng của ngũ tạng dựa trên đặc tính của ngũ hành. Ví như tính chất của mộc (cây) có thể cong hoặc thẳng, vì vậy cành cây cũng thuận theo như thế, can (gan) thuộc mộc, đặc điểm của nó là thích vui vẻ và ghét trầm cảm, đồng thời có chức năng khơi thông bài tiết; tính chất của hỏa là ấm nóng, dễ viêm, tâm (tim) thuộc hỏa, đặc điểm của nó là tâm dương có tác dụng sưởi ấm, lửa trong tâm thì dễ bị viêm; tính chất của thổ (đất) là ôn hòa, có đặc tính sinh hóa của vạn vật, tỳ (lá lách) thuộc thổ, đặc điểm của nó là có chức năng tiêu hóa các chất dinh dưỡng như nước và ngũ cốc của thức ăn, vận chuyển các chất vi tế, nuôi dưỡng các cơ quan nội tạng, tứ chi và xương, đồng thời là nguồn sinh hóa của khí huyết; tính chất của kim (kim loại) là thanh lọc hội tụ, phế (phổi) thuộc kim, đặc điểm của nó là có chức năng thanh lọc, tiêu tán thải trừ; tính chất của thủy (nước) là giữ ẩm, có đặc tính hạ xuống và ẩn náu, thận thuộc thủy, đặc điểm của nó là chịu trách nhiệm tiêu hóa và bài tiết chất dịch, đồng thời có chức năng tích trữ tinh chất.

Thuyết ngũ hành cho rằng trong ngũ hành có mối quan hệ: sinh, khắc, thừa, vũ. Tương sinh có nghĩa là hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường lẫn nhau. Thứ tự của tương sinh trong ngũ hành là: mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc. Tương khắc có nghĩa là chế ước và ràng buộc lẫn nhau. Thứ tự tương khắc của ngũ hành là: mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc.

Nếu sự tương sinh tương khắc của ngũ hành mà thái quá hoặc bất cập thì sẽ phá hoại mối quan hệ sinh khắc bình thường và sẽ sinh ra tình huống tương thừa hoặc tương vũ.

Tương thừa có nghĩa là một hành trong ngũ hành khắc chế yếu tố kia thái quá. Ví dụ, khi mộc quá thịnh mà kim lại không thể khắc chế được mộc một cách bình thường, thì mộc sẽ khắc chế thổ quá mức, làm cho thổ càng yếu đi, đây gọi là mộc thừa (lấn át) thổ.

Tương vũ, tức là một hành trong ngũ hành bản thân nó thái quá, khiến cho hành khắc chế nó không thể khắc chế được mà ngược lại bị nó khắc chế nên còn gọi là phản khắc hoặc phản vũ. Ví dụ, trong tình huống bình thường thì thủy khắc hỏa, nhưng khi thủy quá ít hoặc hỏa quá thịnh, thủy không những không thể khắc chế được hỏa mà ngược lại còn bị hỏa đốt khô, tức là hỏa sẽ phản khắc hoặc phản vũ thủy.

Sự tương sinh và tương khắc gắn với nhau chặt chẽ không thể tách rời, không có sinh thì vạn vật không thể sinh sôi và phát triển được; nhưng không có khắc, thì mọi sự vật sẽ không có sự ràng buộc và không thể duy trì được mối quan hệ phối hợp bình thường. Chỉ có duy trì được chiều hướng cân bằng giữa tương sinh và tương khắc thì mới có thể khiến sự vật phát sinh và phát triển bình thường.

Mối quan hệ tương sinh tương khắc được sử dụng rộng rãi trong Trung y để giải thích mối quan hệ giữa ngũ tạng, ảnh hưởng bệnh lý giữa các tạng phủ và đưa ra chẩn đoán và điều trị tương ứng.

Mối quan hệ cùng phát triển giữa ngũ tạng có thể được nói rõ bằng sự tương sinh của ngũ hành.

Ví như thận (thủy) chứa tinh, gan (mộc) chứa huyết, thận tinh có thể chuyển hóa thành can huyết, tức là thận thủy dưỡng gan mộc, tức là thủy sinh mộc; gan (mộc) chứa huyết, còn tâm (hỏa) chủ huyết mạch máu, nếu chức năng bình thường của gan là tích trữ máu và điều hòa lượng máu thì sẽ giúp tim điều hòa được mạch máu, tức là can mộc bổ tâm hỏa, tức là mộc sinh hỏa; tâm (hỏa) chủ về huyết mạch, đồng thời cũng chủ về thần chí, tỳ (thổ) chủ về vận hóa (chi phối sự vận chuyển và chuyển hóa), là nguồn gốc sinh hóa của khí huyết, đồng thời chủ về thống huyết, nhiệt dương của tim có thể làm ấm và vận chuyển tỳ dương, tâm có chức năng điều khiển hoạt động bình thường của mạch máu, máu có thể làm hưng thịnh tỳ, nhờ đó tỳ có thể phát huy chức năng chủ về vận hóa, sinh huyết, điều huyết, điều này có nghĩa là tâm hỏa sưởi ấm tỳ thổ, tức là hỏa sinh thổ; tỳ (thổ) có thể vận chuyển tinh chất và bổ sung khí vào phế (kim), cho nên duy trì chức năng chủ về khí của phế, đây là tỳ khí sinh dưỡng phế khí, tức là thổ sinh kim; phế (kim) chủ về khí và chịu trách nhiệm thanh lọc, thận (thủy) chủ về tàng tinh nạp khí, khí ở phổi đi xuống thì sẽ giúp thận lưu trữ tinh chất và hấp thụ khí, khí ở phổi đi xuống, thì thủy đạo thông tiêu, và nó cũng có thể thúc đẩy chức năng chủ về nước của thận, ở đây có nghĩa là phế kim nuôi dưỡng thận thủy, tức là kim sinh thủy.

Tương tự như thế, mối quan hệ tương khắc giữa ngũ hành cũng được vận dụng vào quan hệ chế ước lẫn nhau giữa ngũ tạng. Ví dụ, khí của phế (kim) được thanh lọc và giảm bớt, khí cơ được thông suốt, có thể ức chế dương can (mộc) thăng lên, nghĩa là kim khắc mộc; can (mộc) thông suốt có thể giảm trừ sự ứ đọng của tỳ (thổ), tức là mộc khắc thổ; của tỳ (thổ) vận hóa có thể tiết chế sự dâng tràn của thận (thủy), tức là thổ khắc thủy; sự dịu nhuận của thận (thủy) có thể ngăn chặn tâm hỏa trở nên quá mạnh, tức là thủy khắc hỏa; nhiệt dương của tâm (hỏa) có thể hạn chế quá trình thanh lọc quá mức của phế (kim), nghĩa là hỏa khắc kim.

Ngũ hành tương khắc còn được dùng để giải thích tác động của bệnh lý giữa các tạng phủ. Ví như bệnh ở gan có thể truyền vào tỳ, đó là do mộc thừa thổ (tức là mộc quá mạnh, vốn nên do hành kim khắc chế giảm bớt mộc lại, nhưng kim lại không khắc chế được mộc, thành ra mộc quá vượng nên mộc dư lực, khắc chế thổ quá mạnh); bệnh ở tỳ cũng có thể ảnh hưởng đến can, đó là do thổ vũ mộc (tức là thổ quá mạnh, theo lẽ mộc phải khắc chế thổ, nhưng do thổ quá mạnh khiến mộc bị khắc chế ngược); cùng một căn bệnh can và tỳ ảnh hưởng lẫn nhau, tức là mộc tươi tốt thổ hư hoặc thổ tắc nghẽn và mộc tươi tốt; bệnh ở can còn có thể ảnh hưởng đến tâm, đó là mẹ bệnh dẫn sang con; bệnh ở can ảnh hưởng đến phế, đó là do mộc vũ kim; bệnh ở can ảnh hưởng đến thận, đó là do con bệnh dẫn sang mẹ. Các bệnh của các cơ quan nội tạng khác cũng tương tự như thế, đều có thể sử dụng mối quan hệ “sinh khắc thừa vũ” của ngũ hành để giải thích rõ các ảnh hưởng lẫn nhau về bệnh lý.

Trung y dựa trên lý thuyết ngũ hành để hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lâm sàng. Ví dụ như mộc khắc thổ, liên quan đến ngũ tạng, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ, như thế can có thể ức chế tỳ, khi điều trị tỳ thông thường điều trị cả can và tỳ cùng nhau, nên có nguyên tắc “phù thổ ức mộc”. Một ví dụ khác, màu của can là xanh, vị chua, nếu có các triệu chứng thấy như nước da xanh xao và thích ăn đồ chua thì thường có thể chẩn đoán là can đã bị bệnh. Ví dụ như vậy rất nhiều, không kể hết được. Nói chung Trung y bất luận thế nào cũng không thể tách rời thuyết ngũ hành với các phương diện như chẩn bệnh, biện chứng luận trị, trị liệu, dùng thuốc.

Mối quan hệ sinh khắc của ngũ hành cũng được áp dụng cho ảnh hưởng của tinh thần đối với chức năng của ngũ tạng. “Tố Vấn” giải thích: “Giận hại gan, buồn thắng giận”; “vui hại tim, sợ thắng vui”; “suy tư hại tỳ, giận thắng suy tư”; “lo lắng hại phế, vui thắng lo lắng”; “sợ hại thận, suy tư thắng sợ” v.v, tức là dùng mối quan hệ tương khắc của ngũ hành để điều chỉnh cảm xúc từ đó chữa trị chứng bệnh tinh thần.

Cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, năm cơ quan nội tạng bổ sung và chế ước lẫn nhau, đồng thời cùng duy trì trạng thái ổn định của môi trường tổng thể bên trong, thuyết ngũ hành lấy sự tương sinh và tương khắc để bàn về mối liên hệ và quan hệ hài hòa cân bằng với nhau giữa ngũ tạng. Khi sự điều hòa bình thường tương sinh tương khắc của ngũ tạng bị phá vỡ thì sẽ xuất hiện hiện tượng tương thừa tương vũ, đó chính là trạng thái bệnh lý. Trong lâm sàng dùng quy luật thừa vũ ngũ hành sinh khắc không những có thể giải thích sự lây lan của bệnh, đoán trước được bệnh tình mà còn có thể điều chỉnh chức năng của các phủ tạng và đưa ra chẩn đoán và điều trị tương ứng.

Trung y truyền thống không chỉ tin rằng bản thân cơ thể con người là một chỉnh thể, là một tiểu vũ trụ, mà còn cho rằng lục phủ ngũ tạng, ngũ thể và ngũ quan của cơ thể con người đều có mối quan hệ tương ứng với ngũ phương, tứ quý và ngũ vị của tự nhiên, điều này hợp nhất cơ thể con người với môi trường tự nhiên, phản ánh mối quan hệ tiếp nhận và giao tiếp lẫn nhau giữa cơ thể con người và vũ trụ, đồng thời thể hiện được quan niệm “thiên nhân hợp nhất”. Ví như mùa xuân thích ứng với phương đông, bầu không khí tốt lành là chính cho nên khí hậu ôn hòa, dương khí phát triển, vạn vật sinh sôi, can khí của cơ thể con người tương ứng với điều này cho nên can khí vượng vào mùa xuân.

Ngoài ra, còn có những mối liên quan giữa cơ thể con người và môi trường bên ngoài như bốn mùa, ngũ khí, và ngũ vị của ẩm thực, Trung y cũng sử dụng quy luật ngũ hành để giải thích thêm nên tôi sẽ không liệt kê từng cái một ở đây.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778



Ngày đăng: 10-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.