Câu chuyện lịch sử: Ngô Khởi không được chết yên lành



Tác giả: Đồng tu Đại Lục

[ChanhKien.org]

Ngô Khởi là người nước Vệ thời đầu Chiến Quốc, ông là nhà quân sự, chính trị gia, nhà cải cách, và là nhân vật quân sự tiêu biểu có tiếng. Trong suốt cuộc đời của mình, ông làm quan cho ba nước Lỗ, Ngụy và Sở, ông thông hiểu tư tưởng của Binh gia, Pháp gia và Nho gia, đồng thời có rất nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực quân sự và chính trị. Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể tới “Ngô tử binh pháp”, ông và binh thánh Tôn Vũ được gọi là “Tôn Ngô”, có thể nói ông là một vị tướng lĩnh văn võ toàn tài. Thời Đường Túc Tông, ông được liệt vào Võ Thành Vương Miếu, trở thành một trong 10 triết gia trong Võ Miếu; thời Tống Huy Tông, ông được truy phong tước hiệu là Quảng Tông Bác, trở thành một trong 72 tướng của Võ Miếu.

Ngô Khởi trở thành tướng quân khi còn ở nước Lỗ, và đánh bại quân Tề khi nước Tề tấn công nước Lỗ. Mặc dù ông đã lập được đại công, nhưng sau lưng lại có người nói với Lỗ Hầu rằng: “Khi mẹ của Ngô Khởi chết, ông không về chịu tang, giờ lại giết vợ để cầu công danh, có thể thấy Ngô Khởi là một người tàn nhẫn mà đức hạnh nông cạn”. Ngô Khởi lo sợ vì công mà bị tội nên đã chạy sang nước Ngụy.

Lý Khắc nói với Ngụy Văn Hầu rằng, mặc dù Ngô Khởi tham lam mỹ sắc, nhưng lại là tướng tài có thể dẫn binh giết địch, nên Ngụy Văn Hầu phong Ngô Khởi làm đại tướng. Ngô Khởi không phụ sự ủy thác, một mạch chiếm được năm thành trì của nước Tần, chiếm lĩnh vùng Tây Hà, và đảm nhận chức thống đốc quận Tây Hà, giúp Ngụy Văn Hầu thành tựu bá nghiệp. Đến thời Ngụy Võ Hầu, tướng quốc mới vì tật đố và sợ Ngô Khởi, liền bày kế hãm hại ông, khiến Ngụy Võ Hầu không tín nhiệm Ngô Khởi nữa. Vì sợ bị giết nên ông đã chạy trốn đến nước Sở.

Sở Điếu Vương phong Ngô Khởi làm tướng quốc, trợ giúp Sở Điếu Vương thực hành cải cách. Ngô Khởi sửa đổi luật pháp, thẩm định lại các sắc lệnh, xóa bỏ các chức quan dư thừa, phế bỏ đi những quý tộc không thân với nhà vua, tiết kiệm kinh phí để cho việc huấn luyện quân đội, củng cố năng lực phòng ngự của nước Sở. Sức mạnh quốc gia được gia tăng lên mạnh mẽ, lại bình định được tộc Bách Việt ở phía nam, đánh bại nhà Tam Tấn ở phía bắc, chinh phạt nhà Tần hùng mạnh ở phía tây, trong một thời gian ngắn mà uy danh vang xa. Nhưng sau khi Sở Điếu Vương chết, đại thần Quý Thích Môn giành được quyền lực, thừa cơ truy sát Ngô Khởi, Ngô Khởi cuối cùng bị loạn tiễn bắn chết, hưởng thọ 59 tuổi.

Mặc dù Ngô Khởi tài năng xuất chúng, công trạng lớn lao, nhưng phẩm đức thấp kém. Ông ta thèm muốn công danh, tự cho mình có công lao mà kiêu ngạo, để đạt được thành công mà bất chấp thủ đoạn; mặc dù ông ta học qua Nho thuật nhưng bản thân lại không có lòng khoan dung và sự nhân ái, ngược lại, lại là một kẻ lạnh lùng vô tình, hà khắc tàn bạo, đam mê giết chóc.

Ngô Khởi sinh ra trong một gia đình giàu có, từ sớm có chí làm quan nhưng không thành, đã thế lại làm tiêu hao toàn bộ gia sản nên bị làng xóm chê cười, vì thế ông ta đã giết hơn 30 người chế nhạo mình. Khi từ biệt mẫu thân, ông ta cắn vào cánh tay mình mà nói: “Nếu Ngô Khởi con không làm được chức Khanh Tướng thì tuyệt sẽ không trở về nước Vệ”. Đến khi mẹ bị bệnh mà chết, ông ta cũng không về chịu tang. Ngô Khởi bái Tằng Thân con của Tằng Sâm làm Sư học Nho thuật, Tằng Thân nổi giận vì ông ta bất hiếu, nên đoạn tuyệt quan hệ thầy trò.

Ngô Khởi từng bảo vợ dệt một dây thắt lưng bằng lụa, nhưng vì dây lưng dệt xong không phù hợp với yêu cầu của mình, nên ông liền bỏ vợ. Khi làm quan ở nước Lỗ, nước Tề đem quân thảo phạt nước Lỗ, nước Lỗ muốn phong Ngô Khởi làm đại tướng, nhưng vì ông có vợ là người nước Tề, nên nước Lỗ không tin tưởng. Để được làm tướng quân, Ngô Khởi đã giết người vợ đó.

Ngụy Văn Hầu phong Điền Văn làm Tướng quốc, trong tâm Ngô Khởi bất bình, ở trước mặt Điền Văn so công trạng, cho rằng bản thân thống lĩnh ba quân, anh dũng giết địch, giúp Ngụy quốc xưng cường, sửa trị trăm quan, vỗ về bách tính, làm giàu cho ngân khố, trấn thủ Tây Hà, chấn nhiếp các nước láng giềng, chống lại quân địch xâm phạm bờ cõi v.v… phương diện nào cũng đều hơn hẳn Điền Văn, bất mãn vì chức quan của Điền Văn cao hơn bản thân mình. Mặc dù Ngô Khởi quý trọng binh lính, khuyên Ngụy Văn Hầu dùng đức trị quốc, nhưng mục đích chỉ vì để chiến tranh và cai trị, chứ không phải xuất phát từ thiện lương và nhân ái.

Chúng ta nhìn thấy được rằng, cho dù là anh hùng trong mắt con người thế gian, nhưng nếu như không biết trọng đạo đức, tùy tiện hành ác, bất luận là người đã lập được công lao to lớn đến đâu, thành tựu được tiếng tăm tới nhường nào, thì cuối cùng cũng không có phúc để hưởng thụ, chỉ có thể rơi vào kết cục bi thảm mà thôi. Công danh lợi lộc là vật ngoài thân, mộng ảo khói mây chẳng mấy chốc hóa thành không, chỉ lưu lại cho bản thân những làn sóng nghiệp lực đen cuồn cuộn, mà tự mình phải chịu thống khổ để tiêu giảm trong nhân quả báo ứng!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/291532



Ngày đăng: 17-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.