“Di Kiên Ất Chí”: Hủy hoại thi cốt, bị diệt tộc diệt quốc



Tác giả: Tử Kim

[ChanhKien.org]

Dưới thời Hoàng đế Huy Tông triều Bắc Tống, triều đình đã cho đại tu các hành cung. Trong đó, việc xây dựng và duy tu cung điện do Ty chuyển vận Kinh Tây phụ trách, Đô chuyển vận sứ họ Tống chủ trì công việc. Tống mỗ cảm thấy làm việc cho hoàng thượng nên một mực yêu cầu tiến độ nhanh chóng. Tuy nhiên, một trong những thủ hạ của ông là Tôn Huống, Phán quan chuyển vận, phản đối việc đẩy nhanh tiến độ. Vì vậy, mối quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng. Tôn Huống cảm thấy chán nản nên đã từ chức và rời đi.

Lúc đó, do khối lượng công việc sửa chữa cung điện quá lớn nên nhất thời rất khó để chuẩn bị đầy đủ các vật liệu cần thiết. Thời gian thi công ngắn, nhiệm vụ nặng nề, đặc biệt là thiếu xương bò trộn vữa, phải làm thế nào đây? (Cung thành rộng 16 dặm, xây dựng 440 phòng ngự dụng. Cung điện có rất nhiều đồ trang trí bằng sơn mài màu đỏ nên rất dễ làm, nhưng cần xương bò và tro, thiếu nó thì không thể làm được). Một quan viên họ Hàn là thuộc hạ của Đô chuyển vận sứ đã nảy ra một ý tưởng. Ông ta nói rằng: “Bên ngoài thành Lạc Dương hai mươi dặm có hàng chục ngôi mộ hoang lớn (mộ cổ) chứa những thi thể vô chủ. Nếu đào chúng ra và đem thiêu, dùng xương người thay thế xương bò, thì sẽ đủ để sử dụng. Người tiền nhiệm của ngài [Tống mỗ] là Vương mỗ đã làm như thế, rất thuận tiện”. Một số quan viên có mặt tại cuộc thảo luận lúc đó bao gồm “Quản cán quan Thành Châu Thứ sử Quách Liên Dung, Tả sứ thần Bành Dĩ hơn mười người”, đều không phản đối và nhất trí thông qua, nên việc này đã được thực hiện theo cách như thế.

Vài năm sau, đến thời Tuyên Hòa, Tôn Huống, người đã từ chức từ lâu, qua đời vì bệnh tật. Ông ta bị áp giải đến Minh phủ Thái Sơn để thẩm vấn. Cai ngục lạnh lùng trách mắng: “Ngươi phạm tội diệt tộc, hãy mau nhận tội”. Tôn Huống không hiểu điều gì, vì sao lại có chuyện này. Phán quan trên công đường nói: “Khai quật mộ cổ ở Lạc Dương để nhận thưởng, chính là ngươi làm, còn chối cãi ư?” Tôn Huống nói: “Khi chuyện này xảy ra thì tôi đã từ chức. Hơn nữa, trước đó tôi đã khuyên chủ sự Tống mỗ. Tôi có thể đối chất”. Thế là âm sai đưa hai Chuyển vận sứ đã qua đời là Tống mỗ và Vương mỗ tới. Tôn Huống nhìn từ xa thì thấy cả hai đều đeo hình cụ, mỗi người đều có một cai ngục cầm một chiếc quạt sắt và liên tục quạt vào mặt họ, trên quạt toàn là đinh sắt, “khắp thân chảy máu thành dòng”. Hai bên đối chất. Hai người Tống và Vương tất nhiên không thể biện giải, và họ bị dẫn xuống. Còn Tôn Huống sau khi xuống âm phủ hầu tòa, thì được hoàn dương sống lại.

Vài ngày sau, người đưa ra chủ ý là Hàn mỗ cũng bị đưa đến Minh phủ để xét xử. Ông ta thuật lại rằng, sau khi bản thân nhận tội ở Minh phủ, ông ta đã thỉnh cầu phán quan, nói rằng tôi xác thực mang tội đáng chết, nhưng tổ tiên của tôi là Hàn Kỳ, từng có công với triều đình, gia tộc Hàn thị không nên bị tru sát toàn bộ. Phán quan suy nghĩ một lúc rồi nói, “thế thì giết hết những người trong gia đình của ngươi”. Tất cả các thành viên trong gia đình Hàn mỗ đều chết vì bệnh trong vòng một năm. Còn lại những người tham gia vào quá trình ra quyết định việc này cũng chịu chung số phận.

Khi Ty chuyển vận đang còn thực thi công việc, một tiểu lại phụ trách quản lý hồ sơ lo lắng về những điều có thể xảy ra trong tương lai nên đã giữ một bản có lời phê viết tay của Tống mỗ và dán vào tập hồ sơ. Sau vài năm, trong giấc mộng, tiểu lại mơ thấy mình bị đưa vào âm gian để đối chất với Tống mỗ. Cậu ta nói rất rõ ràng, chuyện này đều do Tống mỗ quyết định, tài liệu vẫn còn ở đó. Thế nên Diêm vương phái âm sai đến lấy. Khi Tống mỗ nhìn thấy lời phê viết tay của chính mình thì không còn gì để nói nữa, phải tiếp tục chịu cực hình trong âm gian. Sau khi tiểu lại thức dậy, cậu ta lập tức đến phòng tài liệu kiểm tra và phát hiện hồ sơ đều ở đó, chỉ thiếu những lời phê của Tống mỗ. Thật sự là nó đã bị Minh phủ lấy đi rồi. Quả nhiên Minh phủ báo oán không có gì có thể bỏ sót, kể cả người đã từ chức hồi gia và thành tâm tín Phật cũng bị xét xử.

Từ xưa đến nay, việc làm tổn hại đến thi cốt luôn là một tội ác nghiêm trọng. Điều đáng phẫn nộ hơn nữa là, lần này lại là tổ chức chính thức với quy mô lớn phá hoại hàng ngàn ngôi mộ. Do vậy, hình phạt của Minh phủ rất nghiêm khắc, trong đó có hình phạt diệt tộc.

Việc phá hủy hàng nghìn ngôi mộ để xây dựng cung điện quy mô lớn cũng đã trở thành một trong những ác nhân dẫn đến sự diệt vong của nhà Bắc Tống.

Năm 1127 (năm Tĩnh Khang thứ hai), quân Kim công phá Đông Kinh, bắt được cha con Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, cùng với hoàng tộc, phi tần, triều thần v.v., hơn 3.000 người. Sử gọi đây là ‘Nỗi ô nhục của Tĩnh Khang’. Nhà Bắc Tống từ đó bị diệt vong.

Hai tiên đế bị giam ở Hàn Châu (nay là huyện Xương Đồ, tỉnh Liêu Ninh), sau đó bị chuyển đến cầm tù ở Ngũ Quốc thành (nay là huyện Y Lan, tỉnh Hắc Long Giang). Ngôi nhà nơi hai vị hoàng đế từng ở được gọi là “Phòng tỉnh”, có nghĩa là nơi này chật hẹp chỉ có thể ngồi trong giếng nhìn trời.

Vào tháng 4 năm 1135, Tống Huy Tông không thể chịu đựng được sự sỉ nhục nên đã đem y phục của mình cắt thành từng dải, buộc thành sợi dây thừng rồi treo cổ tự vẫn, may mắn thay được Tống Khâm Tông kịp thời phát hiện và giải cứu, hai cha con ôm nhau khóc. Sau đó, Tống Huy Tông lâm bệnh và không được chữa trị. Không lâu sau, ông qua đời trên chiếc giường đất. Khi Khâm Tông phát hiện ra thì thi thể đã cứng đờ.

Người Kim đem thi thể của Tống Huy Tông đặt vào một hố đá để thiêu hủy, khi thiêu cháy được một nửa, họ đổ nước để dập lửa. Người ta nói rằng nước đó có thể dùng làm dầu thắp đèn. Tống Khâm Tông vô cùng đau khổ và muốn nhảy xuống hố, nhưng bị người ta kéo lại, vì nếu có người sống nhảy xuống hố thì nước trong hố không thể dùng làm dầu thắp đèn được nữa. Đây chẳng phải là báo ứng của việc đốt xương người trong mồ hoang hay sao?

Vào tháng 6 năm Thiệu Hưng thứ 26 (năm 1156), Hoàng đế nước Kim ra lệnh cho Hải Tân Hầu Diên Hy và Tống Khâm Tông cùng nhau cưỡi ngựa và chơi bóng. Khi đó, tay chân của Tống Khâm Tông run rẩy và không thể đánh bóng. Lính Kim đã giám sát ông ta và yêu cầu ông học để làm trò giải trí cho mọi người. Tống Khâm Tông thân thể gầy yếu và không giỏi cưỡi ngựa, nên ông nhanh chóng bị ngã và bị vó ngựa chạy loạn giẫm chết.

Khi hai Hoàng đế Huy Tông và Khâm Tông đang chịu khổ tại thành Ngũ Quốc ở phía Bắc, họ có biết rằng cung điện xa hoa mà họ từng ở được xây dựng bằng tro cốt của con người hay không? Họ có nghĩ đến sự báo ứng đang chịu đựng ở đây không?

Ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc tà ác không chỉ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống mà còn khống chế các lò hỏa táng để trộm xác người Trung Quốc chế tác thành sản phẩm để bán. Một chính đảng tà ác đến cực điểm như vậy, liệu có thể còn cách xa kết cục diệt tộc, diệt đảng, diệt vong và chịu ác báo chăng? Một đảng tà ác như vậy còn không nên thoái xuất khỏi nó hay sao?

Nguồn tài liệu: “Di Kiên Ất Chí”, quyển 7, Tây nội cốt hôi ngục.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292204



Ngày đăng: 25-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.