Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (20)



Tác giả: Lan Tâm

[ChanhKien.org]

Đây là một cuộc chia ly dài đằng đẵng

Khi sương mù bắt đầu dâng lên, mọi người xôn xao bàn tán, như thể tai họa sắp ập đến. Dần dần, ngày qua ngày, cứ mờ mịt, u ám, không có ánh sáng, rồi mọi người cũng dần quen với những ngày tối tăm ấy. Thỉnh thoảng, sau cơn mưa, bầu trời quang đãng, gió lớn thổi qua, mây trắng hiếm hoi trở lại, thanh thiên bạch nhật khiến mọi người bất ngờ và vui mừng: “Nhìn kìa, nhìn kìa, trời xanh đẹp quá, như vừa được giặt sạch vậy. Ôi, thật là hiếm có”.

Là một trong những trung tâm công nghiệp hóa dầu lớn của quốc gia, đất đai và nước ở đây thực sự khiến người ta lo ngại. Vào ban đêm, tôi thường bị đánh thức bởi mùi hôi thối từ các nhà máy lọc dầu. Làng quê tôi lớn lên từ thuở nhỏ giờ đã không còn là nơi thế ngoại đào viên nữa. Thanh niên đều đi làm thuê ở trong thành phố, chỉ còn lại những người già yếu và trẻ con. Các loại bệnh ung thư lan rộng khắp nơi, hàng loạt thanh niên trai tráng qua đời.

Một bên là những con đường tấp nập xe cộ, tòa nhà cao tầng chen chúc, còn một bên là tham nhũng, bạo lực, và mại dâm tràn lan. Cả xã hội như hồi quang phản chiếu, như ảo ảnh giữa biển khơi, mang một vẻ đẹp quái dị, nhức mắt.

Nếu như nói, khi Tập Vương bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng, sấm nổi giữa trời xuân, đánh bỏ thế lực xấu ác với khí thế mạnh mẽ, đem lại cho đất nước một hy vọng mới thì việc sửa đổi hiến pháp tại Đại hội XIX lại giống như việc Viên Thế Khải tự xưng đế, khiến các văn nhân học sĩ không muốn làm thần dân cho triều đình cảm thấy thất vọng, từ đó vĩnh viễn cắt đứt mối quan hệ.

Tôi từ trước đến nay luôn đóng cửa không ra ngoài, gần như tách biệt với thế giới, không giống như chồng tôi, bôn ba lăn lộn, thấm thía sự tàn khốc của chính trị. Tôi chỉ thích đọc sách, quan tâm đến sức khỏe, giáo dục, và thường xuyên theo dõi xu hướng kinh tế Trung – Mỹ. Từ những dấu hiệu nhỏ nhặt, tôi dần nhận ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đã đến điểm giới hạn, bắt đầu suy tàn, sự thịnh vượng không còn. Những gì người ta gọi là “thịnh thế ngàn năm chưa từng có” bất quá chỉ là giấc mộng Nam Kha (chỉ sự phú quý vinh hoa chẳng khác nào một giấc mộng, mơ mộng hão huyền không thực tế).

Vào đúng lúc này, người bạn thân nhiều năm của tôi, chủ một thẩm mỹ viện cao cấp, đã đi du lịch Tây Ban Nha rồi tới Hàn Quốc. Khi về, cô ấy suy sụp, vỡ mộng, quyết định ra nước ngoài. Cô ấy mời tôi ăn vài bữa, rồi rủ tôi cùng sang Mỹ.

Đi à? Đi sao? Tôi trong lòng ngập tràn do dự. Lúc này mới nhận ra, cuộc đời năm mươi năm, với mảnh đất này, đã gắn bó sâu sắc như xương cốt, sớm đã nhập thành một thể. Một khi chia cắt, sẽ là nỗi đau tột cùng, xé nát tim gan.

Đây là một cuộc chia ly dài đằng đẵng, kéo dài suốt hai năm. Tôi vốn tiết kiệm, ít khi ra ngoài du lịch. Nhân dịp sửa sang gia phả nhà họ Nhạc, chúng tôi đã đi du lịch khắp một nửa tỉnh Sơn Đông. Cảnh đẹp núi non, di tích văn hóa, đẹp đến mức khiến người ta không kìm được nước mắt.

Từ khi mẹ chồng qua đời, ngôi nhà cũ dần trở nên hoang vắng

Trong sân ở quê nhà, tường đổ nát, cỏ dại vẫn mọc hoang, cây cổ thụ tươi tốt.

Hồi đó, mẹ chồng tôi sống một mình ở quê, con cái nghèo khó, bà ngày càng già đi. Vào lúc hoàng hôn, bóng tối dần buông xuống, đẩy cửa bước ra, linh hồn của bố chồng tôi luôn ngồi chễm chệ trên chiếc ghế thái sư trong phòng khách: ‘Đi thôi, đi thôi, đi cùng tôi’. Sợ rằng mặt trời sẽ lặn, khó lòng thấy được bình minh, bà cụ suốt ngày lang thang bên ngoài, mãi không chịu về nhà. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ kể cho các con nghe vì sợ con cái lo lắng. Chỉ nói chuyện với chị hàng xóm phía Đông, nếu một ngày nào đó không gặp bà ra ngoài, thì nhất định phải đến nhà gõ cửa. Cuối cùng, một ngày nọ, mẹ chồng tôi mặc tấm vải liệm rực rỡ, nằm trên chiếu rơm và uống thuốc tự tử.

Hôm đó, đột nhiên có cuộc gọi từ quê lên báo tin mẹ chồng tôi ốm nặng. Khi chúng tôi vội vã quay về, mẹ chồng, người mà chúng tôi đã không gặp mấy ngày, đang lặng lẽ nằm trên linh sàng, trông như đang ngủ.

Trong đêm túc trực bên linh cữu, tôi mới biết bà cụ 79 tuổi đã tự sát một cách bi thảm. Tôi choáng váng một lúc, ước gì mình có thể chết đi. Thật bất cẩn và bất lực. Tôi học hành phấn đấu một đời, nhưng tôi không thể để mẹ chồng được sống yên ổn những năm tháng cuối đời. Con cái như vậy thì có tích sự gì? Nỗi hối hận này mãi mãi không bao giờ nguôi ngoai. Vết thương trong tâm hồn luôn rỉ máu.

Mẹ chồng và con dâu một đời sống hòa thuận. Khi mẹ chồng còn sống, bà thường kể với tôi rằng vì bố bà là một phú nông nên ông cụ luôn bị đấu tố tới phát điên, cuối cùng chết trong đám lau sậy cách nhà rất xa. Vào năm 1960, mẹ bà và anh trai bị chết đói. Bây giờ mẹ chồng lại uống thuốc tự tử, cả gia đình cũng không có kết cục tốt đẹp.

Tôi vốn tính mềm yếu, thường hay rối loạn do lo âu. Ngày hôm sau, tôi mặc áo tang, toàn thân đều là màu trắng. Nước mắt như thác chảy không ngừng, đầu óc mơ hồ như lạc vào mê cung. Dần dần, không hiểu vì sao, trong lòng tôi lại có một cảm giác vui vẻ kỳ lạ, khó tả, ánh mắt và khóe miệng tràn đầy nụ cười ấm áp. Niềm vui trong lòng, trong mắt tôi, tự nhiên tuôn ra, dù có cố kìm nén cũng không thể. Các bậc trưởng bối trong gia đình lần lượt tiến lại, nắm tay và hỏi tôi tâm trạng như thế nào. Tôi ngơ ngác, mỉm cười: “Cũng không có gì, không có gì đâu, tôi khỏe mà, trong lòng vui vẻ lắm”. Cả gia đình, mấy chục người, đều nhìn nhau với vẻ ngạc nhiên, thì thầm, nói rằng linh hồn của bà cụ đã nhập vào tôi.

Sau khi mẹ chồng qua đời, ngôi nhà cũ dần trở nên hoang tàn. Quê hương giờ đã trở thành nơi chứa đầy nỗi buồn, tôi không dám quay lại. Hoa táo vẫn nở đều mỗi năm, cỏ dại lại mọc lan tràn. Trong nhà, bức ảnh nửa người của ông bà treo trên tường, mờ ảo như đang nhìn về thế gian từ bên kia cõi âm. Trước đây, có nhiều người đến ngỏ ý mua lại ngôi nhà với giá cao, nhưng chồng tôi kiên quyết không đồng ý. Những người già trong làng vẫn nói, khi người qua đời, linh hồn vẫn ở lại ngôi nhà cũ trong ba năm không đi. Khi con trai tôi về nước, nhất định sẽ đến thăm mộ của ông bà. Nó sẽ tìm một cây tre, đánh vào quả táo đỏ cho chúng rơi xuống như mưa đá. Cảnh tượng ấy chính là ký ức tuổi thơ của nó.

Hoa Ưu đàm nở trong ngôi nhà cũ

Có một lần, khi tôi mở cửa nhà, chồng tôi đột nhiên kinh ngạc kêu lên. Chỉ thấy trên cánh cửa gỗ, nơi những chiếc móc sắt cũ kỹ, một cụm hoa ưu đàm nở ra. Những bông hoa nhỏ xíu, trắng tinh, hàng chục bông, mọc dày đặc trên mảng sắt rỉ sét. Ôi, trời ơi, hoa này là “hoa ưu đàm” – loài thánh hoa chỉ nở một lần trong hai nghìn năm! Trong không gian tĩnh lặng của ngôi nhà cũ hoang vắng, những bông hoa thầm lặng nở ra thật thanh tao và kỳ diệu! Cả ngôi nhà này, trước đây là điểm luyện công của những người trong thôn. Tôi nghĩ rằng linh hồn của ông bà chắc chắn đã sống an yên nơi đây, giữa mảnh đất may mắn này. Cơn đau đớn trong lòng vì mẹ chồng giờ đây ít nhiều cũng được vơi đi phần nào.

Để thực hiện nguyện vọng của mình, chúng tôi thuê những người thợ xây ở trong làng sửa chữa lại toàn bộ ngôi nhà cũ. Ngôi nhà đã được tân trang lại, sân vườn trở nên tươi mới và sáng sủa. Cây cối mọc cao ngút trời, lá rơi xuống rồi lại trở về với đất mẹ. Đây là ngôi nhà cũ của chúng tôi, không xa là khu mộ của gia tộc. Cha mẹ chồng và nhiều người thân khác đang yên nghỉ ở đó, họ đang ở trong giấc ngủ say vĩnh hằng. Sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, và rồi cũng sẽ chết ở đây. Quê hương, mảnh đất này của chúng tôi, lẽ ra phải là nơi con cháu đời đời nối tiếp, ai ngờ, hơn năm mươi tuổi rồi, tôi lại phải rời bỏ quê hương, vượt biển, tìm một chỗ nương náu nơi đất khách quê người.

Tôi dùng máu và nước mắt để cáo biệt
Quê hương tôi, ngôi nhà thân yêu của tôi

“Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, Tây xuất Dương Quan vô cố nhân” (“Khuyên anh hãy cạn chén mời, Dương quan ra khỏi ai người cố tri”, trích từ bài thơ Vị Thành Khúc của Vương Duy – Bản dịch của Nam Trân). Sông nước đan xen, chén rượu qua lại, tiệc chia tay dù kéo dài đến đâu, cuối cùng cũng đến lúc kết thúc. Khi mọi người đã ra về hết, bóng đêm buông xuống, tôi quay lại lần cuối nhìn ngôi nhà của mình. Bức tranh sơn dầu lớn trên tường là tôi đã mang từ tỉnh thành về hồi mới tốt nghiệp đại học, giờ đã phai màu đi ít nhiều; cây hoa giấy trên ban công đã phủ kín một bức tường, không thể di chuyển, đành để nó từ từ héo tàn.

Nhà tôi nằm trong khuôn viên trường học, khu vườn rộng lớn và đẹp đẽ đó là nơi chúng tôi thường dừng lại nghỉ ngơi. Dưới màn đêm, những bông hoa đã mờ nhạt thành hai sắc trắng đen, nhưng mùi hương của hoa cỏ thì vẫn thoang thoảng, dễ chịu, ngấm vào tâm hồn.

Chúng tôi không dám đi xe buýt, càng không dám thuê khách sạn. Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang được tổ chức ở Thanh Đảo, cả tỉnh đang trong tình trạng báo động nghiêm ngặt, như thể mọi cây cối cũng có thể là lính canh. Vì chồng tôi có hai thân phận nhạy cảm, thủ tục di cư của chúng tôi đã gặp phải vô số khó khăn. Để tránh xảy ra chuyện không hay, một người bạn đã thuê xe riêng đưa chúng tôi tới sân bay Giao Tường ở Tế Nam. Tôi ôm chặt cô em họ đến tiễn, nước mắt ướt đẫm mặt. Tạm biệt! Tạm biệt! Cô ấy nghẹn ngào vẫy tay chào chúng tôi, chiếc xe dần khuất xa, cuối cùng không còn thấy bóng dáng.

Chúng tôi ngồi suốt một đêm tại sân bay Tế Nam, lòng lo lắng không yên. Tuy nhiên, kiểm tra an ninh ở Bắc Kinh mọi việc lại diễn ra suôn sẻ, hữu kinh vô hiểm. Khi chiếc máy bay cất cánh, từ từ bay lên trời cao, bay xa, xa mãi, những tòa nhà cao tầng chỉ còn như những hạt gạo nhỏ, còn cảnh vật mênh mông quanh tôi thu nhỏ lại thành một bức tranh nhỏ xíu. Tạm biệt! Tạm biệt! Mảnh đất này, với bao máu và nước mắt, với bao đau đớn và yêu thương, từ nay sẽ không còn giông tố, không còn sấm sét làm tôi giật mình trong giấc ngủ. Trung Nguyên, từ nay chỉ còn là tổ quốc!

Tôi dùng máu và nước mắt để cáo biệt, quê hương của tôi, mảnh đất thân yêu của tôi, bạn bè, đồng nghiệp và những người thân yêu, còn có cả mẹ già tám mươi tuổi, anh chị em ruột thịt. Tạm biệt! Tạm biệt! Từ nay, chúng ta xa cách, như cách biệt giữa trời và đất, không biết ngày nào gặp lại!

Một kiếp nhân sinh là bao? Chỉ biết lấy tiếng ca dài mà khóc than, dùng thơ văn để giải khuây nỗi buồn!

(Hết toàn văn)

Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/20/1/25/n11821127.htm



Ngày đăng: 30-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.