Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (14)



Tác giả: Lan Tâm

[ChanhKien.org]

Con trai của Thanh

Ngày hôm đó, khi nghe tin Thanh bị bắt đi lao động cải tạo, tôi hoàn toàn không cảm thấy bất ngờ, là một người tu luyện Pháp Luân Công kiên định mà không bị bỏ tù, đó là điều hiếm hoi. Giống như cả gia đình ông Chu, hiện giờ đã vào tù ba lần, lần này thậm chí đến con trai ông, một cậu bé đang học trung học, cũng bị đưa đi cải tạo lao động, chỉ còn lại cô con gái mười lăm, mười sáu tuổi tự lo liệu kế sinh nhai.

Thanh có một cậu con trai duy nhất, mặt mày khôi ngô, học hành giỏi giang, vừa mới lên lớp một. Tuy nhiên, tính cậu bé ít nói, luôn cúi đầu mỗi khi gặp người khác, thậm chí còn nhút nhát hơn cả các cô gái nhỏ.

Vợ của Thanh, Tiểu Lâm, là một phụ nữ nhút nhát và hiền lành, rất sợ gây chuyện thị phi. Những năm qua, cô ấy đã lạnh nhạt với tất cả các học viên Pháp Luân Công, không bao giờ tiếp đón họ.

Một lần tình cờ gặp Tiểu Lâm ở siêu thị, tôi thấy khuôn mặt cô ấy tái nhợt, gầy gò như quả óc chó héo. “Nghe nói con trai chị, Tiểu Vĩ, không đi học nữa sao?” Tôi hỏi. Tiểu Lâm cười khổ: “À, thằng bé này! Có khuyên thế nào cũng không nghe, nó sợ gặp thầy cô và bạn bè quá”. “Ở trường bị bắt nạt à?” “Đúng vậy”. “Thôi, xin nghỉ vài ngày đi, ở nhà với con nhiều hơn”. “Chẳng dám đâu. Hiện giờ, chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của tôi thôi. Hơn nữa, thằng bé từ trước giờ là anh Thanh lo cho, giờ cha nó không có nhà, trong nhà hỗn loạn như trời sập vậy, tôi cũng không quản nổi nữa. Tôi trốn đi làm cho yên tĩnh, không nhìn thấy nó khuất mắt trông coi”.

Dù sống qua ngày như thế, nhưng thời gian vẫn cứ trôi qua. Ba năm sau, Thanh cuối cùng cũng mãn hạn tù trở về. Nhưng con trai anh đã không còn là đứa trẻ ngoan ngoãn, mà trở thành một tảng đá lạnh lẽo, im lặng trầm mặc, như thể đã bị cuộc đời này bào mòn. Không làm việc, không ra đồng, không đi học, chỉ mải chơi điện tử trong phòng ngủ ngày này qua ngày khác.

Thanh là khách thường xuyên của nhà tôi, anh đã hơn bốn mươi tuổi nhưng trông vẫn trẻ như người mới ngoài hai mươi. Tôi luôn lo lắng về việc Tiểu Vĩ mê trò chơi điện tử. Mỗi lần gặp, tôi lại hỏi, và mỗi lần lại phải trách mắng Thanh một trận, anh không thể không nhận lỗi. Anh chỉ biết ngao ngán: “Chị nghĩ tôi không lo sao? Có hôm không nhẫn được, tôi đã đánh nó hai cái. Nó không nói gì, chỉ ôm đầu mặc cho tôi đánh, nước mắt rơi lã chã. Dù gì tôi vẫn là một người cha, tay chỉ đánh được đến thế thôi. Ôi, phải làm sao bây giờ? Chỉ biết kéo dài thêm ngày nào hay ngày đó, dù sao con vẫn còn nhỏ”.

Một hôm, khi nói về chuyện này, một người bạn nhiệt tình nghe xong đã vội vã nói: “Cái gì? Năm năm không đi học, nghiện internet nặng như thế, chẳng phải đã bị hủy hoại rồi sao? Hôm nào chúng ta đến thăm nó xem”. Người bạn này cũng có một câu chuyện riêng. Trước kia, cô ấy là chủ tịch công đoàn của Sở Giáo dục ở Tân Cương, công việc thuận lợi, tương lai rộng mở. Nhưng vì sinh con thứ hai trái phép, cô ấy bị sa thải khỏi chức vụ công chức, rồi chuyển về nhà chồng ở nội địa và mở một cửa hàng quần áo trẻ em nhỏ, nhưng không mấy thành công. Cô ấy suốt ngày chăm lo cho mấy đứa con, lúc nào cũng tỏ ra là một người mẹ hết lòng yêu thương con cái. Câu nói “có con là đủ” đúng là chẳng sai, ba đứa con chính là kho báu của cô.

Ngày hôm đó, chúng tôi hẹn đến nhà Thanh chơi. Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau khá lâu, uống tới ba tuần trà, nhưng Tiểu Vĩ cứ đóng cửa không ra. Một giờ, lại thêm một giờ. Kim đồng hồ “cạch cạch” kêu, như thể thời gian đã ngừng trôi, làm người ta cảm thấy già đi. Ngồi chờ cả một đêm, chúng tôi chỉ biết thất vọng ra về.

Vài năm sau, tôi mới gặp lại Tiểu Vĩ ở nhà Thanh, giờ đã ngoài hai mươi. Cậu ấy mặt mày tái nhợt, như một cái xác không hồn. Vốn là một cậu bé cao ráo, nhưng giờ lại cong queo như tôm hùm. Quần áo cũ mèm, người đầy mùi lạ, không nói không cười, giống như một bóng ma lang thang. Trái tim tôi như vỡ vụn trong tích tắc. Vốn là một đứa trẻ tài năng, trước đây còn nổi tiếng là vua cờ tướng trẻ trong vùng, các giải thưởng chất đầy trong nhà. Dù là cao thủ nổi tiếng đến đâu, gặp cậu ấy cũng chỉ có thể chịu thua, không thể đọ lại được. Vậy mà giờ đây, hai mươi tuổi, đang ở đỉnh cao của tuổi trẻ, lại không còn sức sống, như một tia nắng cuối chiều tắt dần.

Tôi ủng hộ mạnh mẽ phong trào đọc sách kinh điển

Tại cuộc họp phụ huynh lớp viết văn, tôi đã mạnh mẽ ủng hộ phong trào đọc các sách kinh điển. Trước tiên, hãy đọc những tiểu thuyết cổ điển, rồi đọc “Liêu Trai Chí Dị”, tiếp theo là tứ thư ngũ kinh, đương nhiên đó là lựa chọn tốt nhất. Đọc qua một lượt là đủ, không cần hiểu quá sâu. Trẻ em đọc cổ văn, dùng từ ngữ thanh thoát, văn phong tinh tế. Nhìn vào các bài văn đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, tất cả đều theo kiểu viết như vậy. Các sách giáo dục truyền thống cách mạng do trường học giới thiệu, đọc nhiều cũng chẳng có ích gì. Xem nhiều văn xuôi hiện đại, giống như vải bó chân của các bà lão, bài văn chỉ dài và nặng mùi.

“Tam Tự Kinh”, “Thiên Tự Văn”, chúng tôi đã mạnh dạn thử nghiệm trong các lớp nhận diện chữ nhanh. Dù có phần thiếu tính thú vị, nhưng cuối cùng vẫn kiên trì theo đuổi. “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên…” Nghe những đứa trẻ bốn, năm tuổi đọc từng câu, giọng điệu đều đặn, âm thanh vang vọng, tôi cảm thấy rất mãn nguyện.

Giáo viên công lập mỗi người đều có một cuốn sách hướng dẫn giảng dạy, mười năm không thay đổi, bên trong đều là lý luận Mao Đặng và chủ nghĩa Mác-Lênin. Dù tôi có một ngôi trường, nhưng lại bị một lớp kính dày bao phủ, muốn giảng giải về văn hóa cổ điển Trung Hoa, chỉ cảm thấy tâm có thừa nhưng sức không đủ.

Tôi nhớ lại những ngày ở Khúc Phụ, tôi ở trong một nhà trọ. Chủ nhà họ Khổng, là hậu duệ của Thánh nhân, người rất nhiệt tình và tốt bụng. Khi nói về thời kỳ Cách mạng Văn hóa, bà kể lại rằng đội quân hồng vệ binh đã phá hủy tất cả di vật của Tam Khổng, xương cốt của vợ chồng các vị Thánh vương đời trước cũng bị đào lên từ mộ và nghiền nát thành tro. Đó là một mối hận thấu xương, khiến người ta rùng mình. Cho đến nay, khi nói về thơ Đường, Tống từ, những câu chuyện về phong hoa tuyết nguyệt, có thể bàn luận thoải mái, nhưng khi đề cập đến cốt lõi tinh thần của Nho Phật Đạo, mọi người đều có một sự đồng cảm thầm lặng, đa số đều im lặng.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/19/12/14/n11722814.htm



Ngày đăng: 02-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.