Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (1)



Tác giả: Lan Tâm

[ChanhKien.org]

Kể ra thì chồng tôi cũng được tính là có chút thân thế, anh ấy là cháu đời thứ 30 của Vũ Mục Vương Nhạc Phi triều Tống, là hậu duệ của người con trai thứ năm – Nhạc Đình, sống ở Nhạc Gia Trang tỉnh Sơn Đông.

Chồng tôi có đôi mắt sâu, mũi cao, thân hình cao ráo, mái tóc xoăn tự nhiên giống người phương Tây.

Năm đó, tôi kết hôn vì tình yêu, nhưng những ngày tháng trong cuộc sống hôn nhân lại đầy rẫy khó khăn, trắc trở, mong manh như bước đi trên băng mỏng. Lúc đó, tôi cùng lúc làm nhiều công việc khác nhau ở cục thương nghiệp, quay cuồng bận rộn đến nỗi như sắp bay lên khỏi mặt đất, thêm vào đó là con cái và việc nhà, cả ngày tất bật xoay như chong chóng vậy. Dù vậy, điều khiến tôi chán chường nhất mỗi ngày là trở về ngôi nhà lạnh lẽo như băng và đối diện với người chồng lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu ấy.

Vào thời điểm đó, cuộc sống hôn nhân của chúng tôi như đã va phải đá ngầm, sắp sửa tới giai đoạn đường ai nấy đi.

Vừng ơi hãy mở ra, tảng đá ngoan cố đã gật đầu

Người bạn tốt Phượng Quân của tôi là một bác sỹ, cậu ấy từng tận mắt chứng kiến cơn thịnh nộ như sấm sét của chồng tôi nên rất lo lắng cho hoàn cảnh của tôi. “Hay là bạn khuyên anh ấy luyện Pháp Luân Công đi, tu luyện Chân Thiện Nhẫn, tính khí của anh ấy sẽ dần dần được cải thiện”, “Thật không? Nghe nói luyện công có thể trị bệnh, chứ công pháp nào có thể khiến cho người ta thay đổi tâm tính?” Phượng Quân cẩn thận đi rửa tay sau đó cung kính đưa cho tôi một cuốn sách màu xanh, in chữ màu vàng kim và nói với tôi rằng: “Bạn hãy cho anh ấy xem cuốn sách Đại Pháp này, nếu như anh ấy có duyên, chuyện gì của hai người rồi cũng sẽ ổn thỏa cả thôi”.

Tuy rằng vẫn có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, nhưng nhỡ trên thế giới này quả thực có kỳ tích phát sinh thì sao? Tôi bèn mang cuốn sách mà Phượng Quân cực kỳ trân quý này về nhà, chỉ hy vọng rằng nó sẽ giống như câu thần chú “Vừng ơi hãy mở ra” và rồi tảng đá ngoan cố sẽ gật đầu.

“Không có thời gian! Không thấy tôi đang bận ôn thi luật sao? Công việc chính còn chưa lo xong, tâm trạng đâu mà xem mấy cuốn sách giải trí đó?” Chồng tôi chẳng thèm nhìn lấy một lần, còn thuận tay quăng cuốn sách lên nóc tủ lớn, nghe “vù” một tiếng, vậy là cuốn sách nằm lại luôn trên đó cho bụi bặm từ từ bám vào.

Hai năm vụt trôi qua. Đợi đến khi chồng tôi lấy được chứng chỉ luật sư, lại có một sự việc khiến anh ấy canh cánh mãi trong lòng, từ đó anh bắt đầu hoài nghi về hệ thống pháp luật của Trung Quốc. Mặc dù chán nản, nhưng tại thời khắc tâm linh thúc giục, anh ấy đã nhớ đến cuốn Chuyển Pháp Luân đã phủ bụi lâu ngày trên nóc tủ kia.

Tuyết rơi tháng sáu, cây sắt nở hoa, không biết là đã điểm trúng huyền cơ thần bí gì, đột nhiên nhật nguyệt đảo ngược, thời không biến đổi, chồng tôi trước giờ luôn ủ rũ và cáu kỉnh, đột nhiên như nắng xuân tháng ba, ấm áp lạ thường, hoa nở khắp nơi, ngày nào anh ấy cũng vui cười, ngân nga tiếng hát.

Tôi và con trai ngơ ngác nhìn nhau, trong tâm bất giác vui mừng quá đỗi. Ông trời ơi! Ông trời có mắt, đã cứu rỗi hai mẹ con chúng con, cho chúng con một cuộc sống mới.

Đó thực sự là những năm tháng hoàng kim của đời người, chồng tôi sau khi lấy chứng chỉ luật sư, từ trường trung học được điều đến làm việc tại Ủy ban Lập pháp của Quốc hội. Công việc hanh thông, tinh thần thoải mái. Con trai tôi không cần phải ngày ngày giờ giờ đối mặt với tiếng hổ gầm của bố, tôi cũng được rảnh tay làm việc, không bị phân tâm nữa.

Mặc dù trước giờ tôi là một người vô thần hoàn toàn, những trong tâm cũng âm thầm hợp thập cảm tạ đại sư Lý Hồng Chí.

Pháp tượng, kinh thư, lư đồng, đàn hương, chồng tôi ngồi đả tọa trong nền nhạc, hai mắt nhắm khẽ, hơi thở sâu, thời gian như đang dần dần chìm vào giấc ngủ trong làn hương khói mờ ảo.

Tôi bước nhẹ chân, lắc tay ra hiệu, thì thầm với con trai một tiếng “suỵt”.

Hoa nở rồi hoa lại tàn. Con trai giống như hoa màu trổ bông, trong đêm có thể phảng phất nghe thấy âm thanh của sự phát triển, con mỗi ngày một cao lên, cũng bắt đầu thay răng. Mỗi lần nhoẻn miệng cười, hai hàm răng sún nhe ra, thằng bé liền cố gắng mím chặt môi lại, sợ bị người khác trêu cười.

Những năm đó, nhà nước tiến hành cải cách cơ cấu hành chính, toàn bộ cục thương nghiệp của chúng tôi chuyển thành xí nghiệp. Chỉ sau một đêm, tôi và đồng nghiệp đang từ các cán bộ cơ quan đáng kính trở thành tầng lớp bình dân. Sân tập thể của cơ quan trước vốn yên tĩnh, giờ đây tiếng xe cộ tấp nập, ngày đêm không nghỉ, nhộn nhịp và náo động giống như khu chợ vậy.

Tôi mở nhà sách, làm một bà chủ nhỏ cũng không đến nỗi tệ. Tôi tự cho rằng những ngày tháng êm đềm, bình yên sẽ kéo dài mãi.

Mây đen như mực kéo đến, che phủ cả bầu trời

Lúc mới đầu, nó bất quá chỉ là một đám mây nhỏ ở một vùng trời, không ai để ý tới, nhưng dần dần nó lan nhanh như mực đen, làm tối đen cả một vùng.

Ban đầu, cơ quan công an ở các nơi lập hồ sơ đăng kí danh sách những người luyện Pháp Luân Công, bất kể chi tiết lớn nhỏ nào cũng không bỏ qua, tra xét đến ba đời. Mọi người không chút mảy may nghi ngờ, nên chẳng che giấu điều gì, có sao khai nấy. Tiếp đến, các điểm học Pháp ở các phòng họp tại các đơn vị lần lượt bị đóng cửa.

Cuối cùng, điểm luyện công lớn nhất trong huyện tại quảng trường phía trước tòa nhà Ngũ Giao Hoa bắt đầu chật kín công an dân cảnh, ở giữa là những người tu luyện đang nhắm mắt ngồi đả tọa, xung quanh bốn phía là những ánh mắt nhìn chằm chằm như hổ đói.

Chồng tôi vốn tính siêng năng, rạng sáng mỗi ngày đều mang theo máy thu âm đến quảng trường để bật nhạc luyện công, tiện thể quét dọn vệ sinh xung quanh, ngày nào cũng vậy, trước giờ không vắng buổi nào.

“Mấy ngày nay tin tức có vẻ căng, cấp trên nói không cho luyện Pháp Luân Công nữa? Có chuyện gì đang xảy ra vậy?” Tôi hỏi chồng.

“Trong việc này chắc chắn có hiểu lầm nào đó. Văn phòng Trung ương Chính phủ đã phát đi một bức thư công khai, các tờ báo lớn đều đăng. Nói rằng luyện công hay không, tin hay không tin đều là tự do cá nhân. Chỉ trách công an địa phương mới nghe thấy gió cứ tưởng là mưa, không làm việc theo tinh thần của cấp trên”.

Tôi lo lắng nói: “Nghe nói khu vực Duy Phường bắt đầu có người bị bắt rồi”.

Chồng tôi nói: “Chỗ chúng ta cũng sắp rồi, mỗi ngày đến điểm luyện công vào buổi sáng, công an vây quanh trong ngoài ba lớp, chật kín!”.

Tôi khuyên chồng: “Hay anh về nhà luyện công cũng được”.

Đồng tu lớn tuổi nói, “ai về nhà chứ anh không thể về”. Chồng tôi cười gượng.

Tôi vẫn nhớ buổi sáng hôm ấy, sương sớm chưa tan và mặt trời mới mọc. Tôi vẫn bận rộn với công việc nhà và con cái như thường lệ, tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch. Cánh cửa sắt nhỏ ngoài sân kêu “cọt kẹt” rồi mở ra, tôi ngẩng đầu nhìn thấy cấp trên của chồng bước vào với vẻ mặt nặng trịch như treo một bình nước lớn dưới cằm, tôi vội vàng mỉm cười chào hỏi. Nhưng điều tôi nghe được lại là một câu nói lạnh lùng: “Thông báo cho gia đình biết, chồng của cô sáng nay đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, muốn kêu oan cho Pháp Luân Công, anh ấy bị bắt ở trên cầu Hoàng Hà, hiện đang bị giam trong trại tạm giam”.

“Sao? Sao cơ?” Tôi như bị sét đánh, nói không thành tiếng, vội vàng ôm chặt tim, lại thấy ánh mắt ngạc nhiên, nghi ngờ của con trai, liền vội vàng nắm chặt bàn tay nhỏ bé của con lại.

Mây đen ngập tràn áp xuống, không thấy ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, những ngày tháng vẫn êm đềm trước đó đột nhiên trở lên dữ dằn.

Từ ngày đó trở đi, thế giới không còn giống như trước đây nữa…

Hễ là người thân, bạn bè của chồng tôi đều bị mời đến, thay phiên nhau hết sức khuyên bảo, ngăn trở. Bà cô trong họ thậm chí còn quỳ xuống trước mặt chồng tôi và nói: “Hãy nghe lời khuyên của người khác, đừng luyện cái gọi là Pháp Luân Công nữa. Cha mẹ già của chúng ta cũng đều ở tuổi thất thập cổ lai hy rồi, không còn sống được lâu nữa. Ngàn mẫu đất chỉ có một cây giống, trong nhà chỉ có mình cháu là con trai độc đinh nối dõi, nếu cháu để cho chính phủ kết tội mấy năm tù, thì chẳng khác nào muốn lấy đi mạng sống của hai người già ở nhà đấy!”

Bố chồng tôi râu tóc bạc trắng, run rẩy chầm chậm nắm chặt lấy tay của chồng tôi, đáy mắt có chút vẩn đỏ, bàn tay run rẩy, giống như cười, lại như khóc, lẩm bẩm: “Nhìn thấy con, bố yên tâm rồi. Nhìn thấy con, bố yên tâm rồi”.

Chồng tôi nắm lấy tay bố, vẫn không chịu viết tờ cam kết từ bỏ tu luyện. Nhóm người thân bạn bè nhìn thấy chồng tôi vẫn ngoan cố như đá tảng, cuối cùng biết khó khuyên ngăn nên lui, rồi họ lần lượt ra về.

Một ngày, chồng tôi trở về từ chỗ làm, sắc mặt khác thường: “Lãnh đạo ép anh phải lên tivi nhận tội, anh thà chết không chịu”. Ngừng một lát, anh lại nói: “Sau này việc đối nội đối ngoại ở nhà đều dựa vào em cả, người già, trẻ nhỏ, tất cả đều giao phó cho em”. Anh cúi đầu thở dài, giữa hai lông mày chất chứa bao sự cay đắng khổ sở.

Thu đã về trong khoảng sân nhỏ trước nhà, lá vàng rơi rụng, chồng tôi gầy gò giống như người giấy vậy, anh loạng choạng rảo bước dường như không chống nổi lực gió thổi.

Tình cảnh này khiến tôi nhớ đến người anh hùng Nhạc Phi mấy trăm năm trước, một dũng sĩ trung trinh, nhưng lại bị chết thảm ở Phong Ba Đình.

Ban đầu, đơn vị có ý đề bạt anh làm phó chánh án tòa án. Giờ đây, sự nghiệp của bản thân anh như đang chìm trong biển lửa, tương lai của con trai chúng tôi cũng tối đen như mực.

Chỉ thấy chồng tôi ủ rũ, đầu gục xuống, dường như có một tảng đá lớn đè lên khiến anh không sao cất đầu dậy được. Bất giác lòng tôi bi thương tột độ, chồng tôi vốn thanh cao ngạo nghễ, chẳng bao giờ cúi đầu trước người khác. Vậy mà giờ đây, dưới gầm trời cao lồng lộng này liệu có chốn nào để dung thân?

Tôi bất giác đứng dậy, đứng trước mặt chồng ngăn lại: “Lên tivi nhận tội? Để em đến tìm gặp lãnh đạo của các anh, họ vẫn muốn bức người đến chết sao?”

Tôi ra mặt đến gây rối ở đơn vị của chồng nên anh không cần phải lên tivi nhận tội nữa. Nhưng anh cũng bị giáng chức từ Ủy ban Lập pháp của Quốc hội trở về trường trung học, làm công việc bưng bê vận chuyển nước lên xuống lầu.

Sóng đen như cơn thủy triều ngày rằm của sông Tiền Đường lại ập đến. Biển và trời một màu u ám, âm thanh như sấm sét đánh bên tai, gia đình nhỏ bé ba người của chúng tôi dường như sắp bị nhấn chìm trong tích tắc.

Trong một năm anh bị bắt bớ tới bốn lần. Má anh hóp lại, mắt lồi hẳn ra ngoài, tóc tai bạc màu, râu ria lởm chởm, thân mặc áo tù, đầu cạo trọc, người càng ngày càng gầy chẳng khác một tờ giấy mỏng gió thổi là bay vậy.

Khi đi trên đường, người ta nhìn mẹ con tôi bằng ánh mắt vừa kinh ngạc, vừa sợ hãi, ba phần thương hại, hai phần hiếu kỳ, tôi cười khổ sờ lên mũi, tự nghi ngờ không biết có phải mình mắc bệnh phong ở trên mặt không.

Chồng tôi có lúc bị quản thúc tại gia, có lúc bị bắt giam, cứ dăm bữa nửa tháng tôi lại mang theo con trai đến nhà lao để đưa cơm, dưa hấu, màn thầu, chiếu, cứ như thế không biết là bao nhiêu lần.

Bản thân cho rằng, đây đã là đáy vực sâu. Cho đến một đêm muộn ngày hôm đó…

(Còn tiếp)

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/291456

https://www.epochtimes.com/gb/19/9/14/n11520727.htm



Ngày đăng: 12-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.