Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (10)
Tác giả: Lan Tâm
[ChanhKien.org]
Tôi thu dọn sạch sẽ phòng ngủ lớn trong nhà, mượn thêm một số bàn, ghế dài từ trường mẫu giáo, tuy rằng khó khăn, vất vả trùng trùng, nhưng cuối cùng “Lớp dạy văn Búp Non” đã được khai trương trong khoảng sân nhỏ của nhà tôi. Những đứa trẻ trong hệ thống kinh doanh của chúng tôi, đã trở thành lô học sinh trân quý đầu tiên như thế.
Lại một lần nữa đến thăm chồng, tôi làm ra vẻ bí ẩn và lấy ra một bài văn mà con trai viết đưa cho chồng xem, tôi chỉ mỉm cười và không nói gì. Chồng tôi ngạc nhiên ngẩng đầu lên nói: “Đúng là con trai viết sao? Em không nói dối anh chứ? Nó mới học lớp hai tiểu học mà đã có thể viết 1.200 từ, mà lại sinh động như vậy!” “Trên tạp chí hàng tháng của Sở Giáo dục, còn đăng một bài viết khác của con trai. Anh xem!” Chồng tôi như bắt được vàng, vội vàng đọc từng câu từng chữ, xem xét tỉ mỉ. Sau đó anh gật đầu cảm thán: “Thật vất vả cho em quá, đã dạy được một học trò giỏi như vậy”.
Tôi gật đầu mỉm cười, trong tâm lại có chút chua xót.
Lần đầu tiên thực sự khao khát thế giới ngoài kia
Sinh nhật tám tuổi sắp đến gần, con trai đã suy nghĩ rất lâu, nghĩ xem nên bảo mẹ mua cho thứ gì. Ngày hôm đó, có thư đến, một tấm thiệp gửi từ trại lao động, mang theo lời chúc phúc từ cha và các cô bác học công từ phương xa. Vừa mở ra, tiếng nhạc vui tươi lập tức vang lên: “Chúc bạn sinh nhật vui vẻ! Chúc bạn sinh nhật vui vẻ!” Có hàng chục chữ ký và những lời chúc phúc, viết đầy hai trang lớn. Có nét chữ cẩn trọng dè dặt, có nét chữ lộn xộn ngổn ngang, có nét chữ phóng khoáng tự do, có nét thì bút lực cương mãnh, rất rõ ràng và có thể cảm nhận được, từng nét chữ đều có thể biểu lộ ra được tính cách tương ứng của mỗi người. Nghiền ngẫm kỹ, có thể phần nào đó nghe được những tiếng thở lúc khoan thai, lúc vội vàng gấp gáp của họ.
Khi hai vợ chồng gặp nhau, tôi lại nói về sự việc này, cảm ơn những người bạn chung phòng cùng gặp nạn, và gửi lời hỏi thăm đến họ. Chồng tôi ngại ngần lắc đầu: “Họ…, trong số những người ký tên có một người tên là Tiêu Bối Phong đến từ Tri Xuyên, anh ấy đã bị chuyển đến trại lao động Thu Cốc rồi, bởi vì anh ấy tuyệt thực kháng nghị, nên đã bị bức thực bằng phân. Tiêu Bối Phong vùng vẫy không chịu, cai ngục và công an đã dùng dây sắt xuyên môi trên và môi dưới của anh ta, vặn chặt mồm anh ta lại, máu và mủ sưng lên nhìn không ra hình dạng gì. Không lâu sau anh ấy đã chết, mới có hơn 40 tuổi thôi”. Chồng tôi vẻ mặt đờ đẫn, không có nước mắt, chỉ có một tiếng thở dài.
Một lúc sau, trên khuôn mặt khốn khổ của chồng tôi lại có một chút vui mừng: “Em có biết không? Trương Côn Luân đã được thả rồi”. “Trương Côn Luân?” “Anh ấy là giáo sư trường Đại học Mỹ thuật Sơn Đông, tác phẩm điêu khắc con ngựa phi nước đại trên cầu Thắng Lợi ở phía Bắc thành phố chúng ta chính là sáng tác của anh ấy. Trông rất chân thực, giống hệt như thật vậy”. “Anh ấy có lai lịch thế nào? Sao có thể ra nhanh như vậy nhỉ” “Ba tháng, ba tháng là được ra ngoài rồi. Anh ấy là công dân lâu năm của Canada. Chính phủ Canada đã cứu anh ấy ra”. “Ồ, thì ra cũng có những thứ mà chính phủ Trung Quốc không quản được”. Trong đôi mắt hốc hác như giếng khô của chồng tôi dường như có một tia sáng mới: “Canada! Canada!”.
Là người Trung Quốc, trong thời đại được coi là thịnh thế hiếm có trong năm nghìn năm này, phải thật thà, lương thiện và ngoan ngoãn nghe lời. Ăn no là được rồi, nếu còn muốn này khác, sẽ được tính là đại nghịch bất đạo. Nếu để cho các quan chức không vui, tính mạng sẽ gặp nguy hiểm, ở trong đêm tối hắc ám này, lần đầu tiên tôi cảm thấy thực sự khao khát thế giới ngoài kia.
Cha của Trâu Tùng Đào là chánh án tòa án, vậy mà còn cứu không nổi con trai của mình, nhìn thấy vũng máu trên mặt đất, chỉ có thể nuốt nước mắt rời đi, huống chi chúng ta chỉ là bách tính thảo dân bình thường. Tôi chợt nhớ đến một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng ở lối vào một trường luật nào đó, vẽ hiến pháp đang nâng đỡ quả cầu. Còn đối với chế độ quốc gia ngụy thiện, hiến pháp chỉ là vật trang trí, dối mình lừa người. Trung Quốc ơi Trung Quốc, cánh cửa đất nước trải dài vạn dặm đó, giống như tường cao lưới điện của trại lao động đang bỏ tù mỗi người dân có ý kiến bất đồng vậy.
Đêm ấy tôi có một giấc mơ. Mơ thấy mình có đôi cánh sau lưng và trở thành một chú chim, bay vút lên chín tầng trời, bay qua dãy núi, bay qua hải dương, bay đến một đất nước tự do cho phép người dân có quyền không phục tùng.
Một đêm dài, dường như vĩnh viễn không còn thấy trời sáng nữa
Một hôm, con trai tôi đang leo trèo trên bức tường ngoài sân, ống quần của nó bị xé rách thành váy, lên lên xuống xuống như không có chuyện gì. Đồng nghiệp của tôi cảm thấy không chịu nổi, lắc đầu thở dài: “Đứa trẻ vốn là đứa trẻ ngoan nhưng được mẹ chiều chuộng sinh hư rồi”. Tôi mỉm cười, chẳng để trong tâm, nó là bé trai, quản nó làm gì.
Vào thời điểm đó, có rất nhiều những đứa trẻ nghịch ngợm ở vùng nông thôn cướp giật tiền, đánh người và bắt nạt học sinh trong trường học. Có rất nhiều đứa trẻ trong thành phố im lặng, phải nghe lời chúng, nếu không sẽ bị chúng cho ăn đòn. Chỉ có con trai tôi không sợ, dùng hết sức mình đối đầu đánh lại. Tục ngữ nói, người nghèo sợ kẻ ngang ngược, kẻ ngang ngược sợ kẻ bất cần mạng sống. Gặp phải con bạc mắt đỏ này, bọn tiểu côn đồ cũng không có cách nào, chỉ còn cách rút lui mà thôi.
Người ta là dao thớt, mình là thịt cá. Phong ba hiểm ác, vốn đã không còn đường lui. Chỉ còn cách dũng cảm bước tới, thể hiện quyền cước của bản thân. Nhẫn nhục chịu đựng, tôi không làm được, văn võ song toàn, mới là môn phong ngàn năm của Nhạc gia chúng tôi.
Tôi đếm từng ngày từng ngày, mong chồng có thể sớm ngày về nhà. Những con người gầy guộc kia ơi, tôi không biết họ ở đó, mỗi ngày phải chịu khổ như thế nào, tôi không hỏi, chồng tôi cũng không nói.
Trại lao động thực sự không phải là nơi dành cho con người. Trước khi rời đi tôi thường nhìn lại, cảm thấy thực sự lo lắng cho chồng sẽ phải trở lại phòng giam một mình sau song sắt. Sinh ly tử biệt khiến lòng tôi cảm thấy thê lương khôn cùng, tôi cảm thấy mình như một khóm bèo trong sóng, số phận không do mình tự chủ. Con ơi, con à, bây giờ mẹ rất muốn trở về căn phòng nhỏ hai buồng của mình, ngồi trước ánh đèn với bốn bức tường xung quanh là sách. Hai mẹ con ôm nhau đọc một cuốn sách hay. Khoảng sân tuy nhỏ nhưng luôn là thế giới của riêng chúng ta. Bên ngoài bức tường là hồng trần vạn trượng, tiếng còi xe, tiếng gà gáy chó sủa, phần lớn là khói lửa nhân gian.
Hay là quay trở về.
Hay là quay trở về…
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/19/11/17/n11660526.htm
Ngày đăng: 16-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.