Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (9)
Tác giả: Lan Tâm
[ChanhKien.org]
Lần đầu đến trại lao động cải tạo
Lần đầu tiên tôi dắt con đến trại lao động cải tạo, khi ấy gió thu se lạnh, từng đàn từng đàn nhạn đang bay về phương Nam.
Bước vào cánh cửa, chỉ thấy một cây cầu dài, một đình đài nhỏ, hoa súng ngủ dài trên sóng nước. Hai bên đường là hai hàng cây ngô đồng Pháp, lá đã ngả vàng, thân cây mảnh mai đu đưa trong gió, thi thoảng những quả cầu hoa xoay vòng trong gió rồi rơi xuống mặt đất, nhìn rất mới mẻ, thích mắt. Bước sâu vào trong, tới chỗ hai cánh cửa lớn, phong cách thay đổi hẳn, tường cao, lưới điện, tháp canh, lính gác, bầu không khí nghiêm ngặt đến “khét lẹt” và lặng im như tờ. Hễ ai đến đây, bất giác bước chân bỗng chững lại, thở cũng không dám thở mạnh.
Hai mẹ con chúng tôi được dẫn vào một gian phòng khách rộng rãi, có bàn trà, ghế sofa được sắp xếp ngăn nắp, có hoa quả, có trà, đồ điểm tâm đầy đủ màu sắc. Một người đàn ông trung niên phong thái ung dung vội vã bước vào, nhìn thấy bà cụ đang ngồi trên ghế sofa, lập tức vội quỳ xuống, cúi đầu nói: “Mẹ!” Bà cụ vội vàng đứng lên đỡ dậy, trong mắt dường như có giọt lệ long lanh. Một lúc sau, chồng của tôi cũng đã đến, sắc mặt vàng sạm, im lặng một lúc lâu, con trai dường như có chút xa lạ và rụt rè, lưỡng lự không dám bước tới, tôi đành đưa tay đẩy nhẹ nó một cái. Chưa nói đến việc hai gia đình vừa buồn vừa vui, đều đang hỏi thăm người thân của mình, lại thấy vài người loay hoay với chiếc máy ảnh lúc đứng lúc ngồi, hướng về phía chúng tôi bấm máy không ngừng, tuy rằng trong lòng có chút khó chịu, nhưng tôi cũng không có cách nào khác.
Chồng thì thầm với tôi rằng, tất cả các lá thư mà tôi gửi đến đều bị mở ra và đọc trước đám đông, bởi vì văn phong hay, tình cảm chân thành, nên trại lao động đã in ra một lượng lớn cho các đội chuyền tay nhau đọc, bỗng chốc, tôi trở nên nổi tiếng, không ai là không biết. Do đó, hôm nay họ mới tốn công tốn sức để ba người một nhà chúng tôi lên TV. Sau khi tôi nghe được điều này, trong tâm vô cùng tức giận và xấu hổ, như thể đang ngủ ngon giữa đêm, bị ai đó đột nhiên giật mạnh chiếc chăn ra khỏi giường. Những lời thì thầm khuê phòng giữa vợ chồng lại bị đem ra trước công chúng, việc làm vô liêm sỉ đáng xấu hổ như vậy, thực sự khiến người ta không thể chấp nhận được.
Trước giờ tôi vẫn biết rằng, công việc cai ngục trong nhà giam, trại lao động cải tạo là công việc béo bở nhiều người mơ ước. Bạn thân của bố tôi, chú Lý, có hai con gái và hai con rể đều làm việc trong trại giam Vi Sơn Hồ. Hàng năm, những đồ vật tặng cho bố mẹ thể hiện tấm lòng hiếu thảo chất đầy, cái nào cũng đáng giá, đều là những vật phẩm hiếm có trong mắt mọi người. Trại lao động cải tạo Vương Thôn đương nhiên cũng là nơi tính toán chi li, biết cách tạo ra thu nhập, chưa tính đến tặng lễ vật, người nhà nếu muốn mang thứ gì vào trong đó hầu hết đều bị tịch thu, nếu muốn ở lại ăn uống, thì phải theo tiêu chuẩn của hoàng cung ngự thiện, giá cao ngất trời. Những phạm nhân làm việc từ sáng đến đêm, các sản phẩm lao động do nhân công nô dịch làm ra nhiều như biển, trại lao động vì thế kiếm được rất nhiều tiền.
Vợ chồng gặp nhau, gọi dăm ba món ăn mặn, nửa đêm nói chuyện riêng, nói chung đều là chuyện gia đình. Đêm đó, chồng tôi ngồi ở đầu giường, nước mắt rơi lã chã: “Chết rồi. Trâu Tùng Đào là người ở đội của bọn anh đã chết rồi. Mới 28 tuổi thôi, anh ấy đang học thạc sĩ ở Đại học Hải Dương Trung Quốc. Anh ấy bị lôi ra đánh đập tàn bạo trong nhiều ngày đêm, tiếng kêu đau đớn khiến ai nghe thấy đều hoảng sợ, anh ấy đã chết rồi. Anh ấy ngã xuống dưới tầng lầu. Cũng không biết là do anh ấy nhảy lầu hay là bị người khác đánh rồi quăng xuống nữa”. Chồng tôi ngồi xuống đờ đẫn như một khúc gỗ, mặt đầy nước mắt: “Chết rồi, chết rồi, sao có thể chết được? Chết rồi, chết rồi, sao có thể chết được?”
“Người nhà của anh ấy đâu? Không ai quan tâm sao?” “Quản sao được? Có thể quản được sao? Nghe nói bố anh ấy là phó viện trưởng của tòa án trung cấp thành phố Yên Đài, khi đến hiện trường cũng chỉ có thể nhìn nhìn một lát, lắc lắc đầu rồi rời đi, nước mắt cũng không được chảy ra”.
Chồng tôi nghẹn ngào không nói thành lời, nước mắt cứ từng giọt từng giọt, không ngừng rơi xuống: “Hôm nay có một người bạn luyện công vừa bị bắt ở Yên Đài lại nói về việc này. Vợ của Trâu Tùng Đào cũng là một người luyện công, lưu lạc không nhà không cửa, cũng không biết tung tích cô ấy đang ở đâu. Họ còn có một đứa con gái nhỏ, tên là Dung Dung, cũng mới có bốn, năm tuổi thôi. Khi đứa nhỏ nhớ bố, nó trèo lên một cái ghế đẩu, lấy cái bình tro cốt của bố nó ở trong tủ, áp má vào rồi nói: “Ba ơi, ba ơi, Dung Dung nhớ ba lắm”. Dung Dung à Dung Dung, một đứa trẻ đáng thương, khiến người ta, khiến trong tâm của người ta quả thực không thể, không thể chịu nổi.
Tôi ngơ ngẩn, không thể nói được gì. Tôi chỉ biết nắm chặt tay chồng mà cảm nhận những giọt nước mắt nóng hổi lần lượt rơi xuống tay và như đang đập mạnh vào trái tim của mình.
Góp vốn mua nhà
Khu nhà chúng tôi ở dự kiến sẽ bị phá bỏ và đơn vị của chồng tôi đang gây quỹ để xây nhà. Phải làm gì đây? Trong chốc lát, tôi không biết phải làm thế nào. Hiệu sách đã chuyển nhượng, chồng tôi đã bị cắt lương từ lâu. Chi phí sinh hoạt hàng tháng chỉ 260 nhân dân tệ, đủ nuôi ba người. Bảy mươi nghìn nhân dân tệ, cao lớn nguy nga, trong mắt tôi giống như dãy Himalaya. Liệu chúng tôi có bị đuổi ra ngoài và sống lang bạt không?
Với vẻ mặt rầu rĩ, tôi không còn cách nào khác chỉ đành đến nhà mẹ đẻ để kể khổ. May mắn thay, mẹ tôi luôn là người có cách giải quyết: “Là con người thì phải có tổ ấm. Con chỉ việc đăng ký mua nhà, mọi chuyện đã có mẹ lo!”
Vốn dĩ trong tay tôi không có đủ một vạn tệ, chỉ với số tiền ít ỏi này thì không thể mong đợi mua được một căn nhà. May mắn thay, có mẹ tôi và dì Hai giúp đỡ rất nhiều, đồng thời huy động sự hỗ trợ của nhiều người trong họ hàng, gom cả lại cuối cùng được đầy một túi da lớn đựng đầy tiền mặt. Em trai tôi đi xe máy chở tôi đến phòng tài chính của đơn vị chồng tôi. Một đống tiền mới, bốn góc vuông vắn tạo thành một ngọn đồi nhỏ. Chỉ thấy đám đông đang chờ đợi với vẻ mặt đầy ngạc nhiên. Với nụ cười trên môi, tôi ung dung thanh toán toàn bộ số tiền mua nhà chỉ trong chốc lát. Sau khi nói chuyện vài câu lịch sự, tôi và em trai hai người lập tức rời đi nhanh như chớp, bỗng chốc không thấy chúng tôi đâu nữa. Mái tóc đen dài óng ả của tôi giống như thác nước chảy xuống, ánh mắt của mọi người cùng nhìn vào tôi như những mũi tên lao từ phía sau đến, bị mái tóc đen dày chặn lại và rơi phủ đầy trên mặt đất. Vào lúc đó, tôi cảm thấy cuộc sống sảng khoái không gì bằng.
Tiền đã trả và nhà đã được mua. Món nợ khổng lồ đè nặng lên vai tôi như một tảng đá lớn ấy đã được gỡ xuống. Nhiều người thân, bạn bè thân thiết nhất của tôi đều tránh mặt tôi như tránh bệnh dịch, nhưng lúc này mẹ và dì đã vay cho tôi một số tiền lớn. Chưa nói đến tình cảm gia đình bền chặt, chỉ với sự tin tưởng thầm lặng này, tôi cũng cảm thấy vui lên rất nhiều, cùng chăm chút lại cho vết thương, chải mượt bộ lông vũ, rời khỏi căn phòng nhỏ ấm áp khi xưa và sải đôi cánh lớn bay ra bầu trời xanh bao la.
Tôi cần bắt đầu lại từ đầu. Nói thì rất dễ. Tôi không một xu dính túi, nợ nần chồng chất, vì phải chăm lo cho con, cũng không thể rời xa nhà. Có loại hình kinh doanh nào có thể vẹn toàn cả đôi bên, chu đáo mọi mặt đây?
Hiểu con gái không ai bằng mẹ. Cuối cùng, lão thái quân ở nhà tôi đã ra mặt quyết định: “Mở lớp dạy văn! Chính là dạy văn! Văn chương vốn là sở trường của con, con viết rất tốt, điều này ai mà không biết chứ?”
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/19/11/9/n11643648.htm
Ngày đăng: 11-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.