Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (19)
Tác giả: Lan Tâm
[ChanhKien.org]
Vương Kiến Trung định cư ở San Francisco
Sau khi ra khỏi nhà tù, Vương Kiến Trung gặp khó khăn trong việc kiếm sống và nhanh chóng tìm đến vùng núi. Lão T không chút do dự, hào phóng ra tay giúp đỡ. Các tác phẩm của Vương Kiến Trung trong thư pháp có cả tranh vẽ, hợp thành một thể, tôi cũng đã từng thấy hai bức. “Thái Sơn Nhật Xuất” (Mặt Trời mọc trên núi Thái Sơn) mô tả cảnh núi sông rộng lớn, cây lá xanh tươi. Còn “Hoàng Hà”, hai chữ này như triều dâng sóng cuộn, dữ dội đến mức tưởng chừng như ngay lập tức vọt ra khỏi mặt giấy, bắn tung bọt nước vào đầu vào thân người xem, thật sự có một khí thế mạnh mẽ.
Lão T luôn là người trượng nghĩa, giao thiệp rộng. Anh ấy đã giúp đỡ Vương Kiến Trung quảng bá tác phẩm của mình trong giới kinh doanh địa phương: “Người anh này của tôi ấy, không phải dạng vừa đâu, từng được đăng lên tờ ‘Nhân dân nhật báo’ và lên cả đài truyền hình trung ương, thực sự danh tiếng lẫy lừng, là nhân vật nổi bật trong giới nghệ thuật Trung Quốc năm 2007. Thư pháp của anh ấy chỉ có một từ thôi: ‘Ngầu!’”. Chẳng mấy chốc, các tác phẩm của Vương Kiến Trung trở nên cực kỳ nổi tiếng ở bán đảo Giao Đông, ngàn vàng khó cầu.
Ở trong núi một thời gian dài, lão T nhận thấy cô con gái của mình, Đường Đường, mặt mũi lanh lợi, rõ ràng là một tài năng hiếm có. Thư pháp gia đã đặc biệt nhận cô làm học trò. Từng nét ngang, từng nét dọc, từng nét móc, đều là do thầy giáo tay cầm tay dạy cô từ những bước cơ bản nhất.
Đường Đường lớn lên trong núi, trước giờ tâm thanh tịnh, mỗi ngày cô bé đều chăm chỉ luyện chữ, dần dần có những tiến bộ rõ rệt. Lão T mong muốn con sẽ thành tài, giấy Tuyên và mực Huy Châu mua về bày khắp nơi để con luyện tập. Đường Đường ngoài việc học Pháp Luân Công, thỉnh thoảng còn phụ giúp công việc trong gia đình, còn lại thời gian cô đều ở khuê phòng, mỗi ngày ở bên cạnh nghiên mực viết thư pháp.
Năm 2010, Vương Kiến Trung đi theo đoàn khoảng hơn 30 người của Bộ Văn hóa sang châu Âu, tham gia chuyến thăm bảy quốc gia. Những người tham gia quả thực đều là trí thức uyên bác, đến đây không có ai là người không có kiến thức. Tại Paris, bên sông Seine, trong Bảo tàng Louvre, hai tác phẩm “Hoàng Hà” và “Thái Sơn Nhật Xuất” đã giành giải thưởng lớn. Chỉ thấy máy quay xếp thành hàng dài, ánh đèn flash liên tục chớp, gần như làm chói mắt người nhìn. Người nghệ sỹ tuổi ngoài năm mươi, trong bộ đồ đỏ, như đóa hoa mới nở, rực rỡ và nổi bật như những pháo hoa đang bùng nổ. Ôi, đây chính là thời khắc đỉnh cao, cuộc đời này không còn gì đáng tiếc, đó là khoảnh khắc vĩnh hằng.
Cảm giác tự do, bay bổng như một con chim, khiến Vương Kiến Trung, một nghệ sỹ vừa trải qua bao kiếp nạn, cảm thấy vô cùng mãn nguyện, và khoảnh khắc ấy, sẽ mãi không thể nào quên. Tại châu Âu, Vương Kiến Trung đã từng thử liên lạc với các đồng tu, nhưng gặp phải không ít khó khăn. Sau khi trở về Trung Quốc, trong lòng ông chỉ có một mong muốn: mãi mãi rời xa mảnh đất tâm hồn khô cằn này.
Lần nữa, lão T lại không ngần ngại giúp đỡ, tìm đến trông cậy chồng tôi, và sau một loạt những kế hoạch tỉ mỉ, cuối cùng người nghệ thuật gia cũng có thể ra đi. Đôi cánh đại bàng dang rộng, tung bay vượt qua đại dương bao la.
Có con trai tôi đồng hành không rời, luôn ở bên sát cánh giúp đỡ, Vương huynh cuối cùng đã định cư ở vùng bờ biển San Francisco, từ đó bắt đầu một chương mới trong cuộc đời, tận hưởng những cơn gió mát và những cơn mưa nhẹ nhàng của nền văn hóa tự do phương Tây.
Trong khi đang trò chuyện vui vẻ, lão T cười mỉm lấy ra một bản “Thời báo Đại Kỷ Nguyên” và nói “Anh Vương tài giỏi thật, giờ lại tổ chức triển lãm thư pháp ở Mỹ rồi. Nhìn này! Cả báo cũng đăng rồi!”
Mọi người đều khen ngợi tình bạn tri kỷ cao sơn lưu thủy của hai người. Đồng thời, cũng không khỏi ngưỡng mộ cảnh ngộ ly kỳ của thư pháp gia, khi ông có thể vượt đại dương tìm kiếm một mảnh đất tự do để sống.
Lần này, Thanh mang theo con trai đến đây, để bái sư học nghệ. Chồng tôi là một luật sư nhân quyền, thường xuyên lâm vào hiểm địa. Lần trước đến, anh ấy đã được lão T chỉ dạy vài chiêu võ cơ bản. Trên máy tính nhà tôi, vẫn lưu lại video lão T trực tiếp biểu diễn bộ võ nhỏ của Bát Cực Quyền. Bát Cực, gồm đầu, vai, khuỷu tay, tay, mông, hông, gối, chân, mạnh mẽ và quyết liệt, tấn công từ tám hướng, khí thế như gió bão cuồng phong. Một tiếng quát lớn, uy phong lẫm liệt, như Trương Phi dũng mãnh trên cầu Đương Dương, quát tan trăm vạn hùng binh. Khi thấy lão T mặc trang phục thời Đường, ngồi vững vàng trên chiếc ghế đại sư, mọi người đều hào hứng yêu cầu biểu diễn võ công. Lão T vẫy tay nói: “Học Pháp luyện công, trước tiên phải loại bỏ tâm tranh đấu. Đã qua nhiều năm, công phu đã sớm bị mai một. Tôi chỉ dạy vài chiêu cho đại ca, chỉ để phòng thân”.
Con trai về thăm nhà
Thời gian thấm thoát trôi, mây trời xa vạn dặm. Bức ảnh của con trai tôi luôn được đặt ở trên kệ trang trí trong phòng khách. Nụ cười của con rạng rỡ như ánh mặt trời, đủ để làm tan chảy băng tuyết, nước chảy róc rách.
Đêm hè, ánh trăng sáng tỏ, sao trời lấp lánh, tiếng ve kêu râm ran. Cả gia đình tụ tập trong phòng khách, chờ đợi con trai trở về. Con đi du học, rồi nhập cư, từng là phóng viên của một tờ báo, hiện nay là hạ sĩ trong hải quân. Cuối cùng, con đã thành công, đỗ vào Đại học Berkeley, California. Bốn năm ở xứ người, một mình bôn ba, đạt được thành tích như vậy, quả thực cũng coi như công đức viên mãn.
Tại sân bay địa phương, con trai cao lớn và vạm vỡ, khí thế hiên ngang, bước đi vững vàng về phía chúng tôi. Con cao hơn, lớn hơn rồi, tôi phải ngẩng đầu lên mới ôm được con. Cả người con đầy cơ bắp, căng cứng như đá. Là một quân nhân Mỹ được huấn luyện bài bản, ánh mắt con bình tĩnh, động tác nhanh nhẹn, đã bỏ đi vẻ non nớt, trong mắt thoáng hiện một khí chất quyết đoán, mạnh mẽ.
Khoảnh khắc tôi nắm tay con bước vào nhà, tôi chỉ cảm thấy cả người mình đầy ánh sáng, lòng tràn ngập tự hào. Dường như người trở về chiến thắng không phải là con trai, mà chính là tôi, người mẹ này! Cả gia đình đều ùa đến, nói cười, nắm tay, kéo áo, vỗ vai, xoa đầu, tiếng cười nói huyên náo, vô cùng náo nhiệt. Con trai lướt qua đám đông, như một vì sao, rực rỡ lấp lánh.
Nhiều năm xa cách, tình cha con dạt dào, người cha trở thành fan hâm mộ cuồng nhiệt của con trai. Chỉ cần ở nhà là anh không rời con nửa bước, quấn quýt như bánh nếp dẻo quánh.
Khi tiếng cười nói dần lắng xuống, ba người chúng tôi cuối cùng có thể yên tĩnh lại. Con trai nói: “Giờ con đã là công dân Mỹ, có thể giúp bố mẹ làm thủ tục bảo lãnh, khoảng một năm nữa là xong”.
Tôi và chồng nhìn nhau, im lặng một lúc. Đi à? Bây giờ sao? Tôi nhẹ nhàng lắc đầu: “Ông ngoại con mới qua đời, bà ngoại lại đang yếu, mẹ là con cả, phải làm tròn chữ hiếu, không thể bỏ mặc như vậy được”. Chồng tôi trầm ngâm nói: “Thôi nghe mẹ con đi. Các vụ nhân quyền nhiều lắm, bố cũng không thể rời đi ngay được”.
Xuân hoa, thu nguyệt, năm tháng đổi thay, con trai đã bay đi bay lại mấy vòng qua lại trên Thái Bình Dương. Mặc dù Mỹ tốt thật, nhưng đất mẹ cuối cùng vẫn khó lòng rời xa. Cứ kéo dài mãi như vậy. Một năm, hai năm, ba năm đã qua rồi.
(Còn nữa)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/20/1/18/n11803177.htm
Ngày đăng: 27-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.