Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (2)



Tác giả: Lan Tâm

[ChanhKien.org]

Đi đường chỉ dám đưa mắt nhìn nhau
Trong mắt là nỗi buồn thương vô tận

Ngày 26/9/2000, màn đêm dày đặc, bầu trời như biển đen vô tận. Hai căn phòng nhỏ trong nhà tôi giống như một chiếc thuyền nhỏ. Khi những cơn sóng lớn như dâng lên từ đỉnh núi và chuẩn bị ập vào như bão tuyết, gia đình ba người chúng tôi đang ngồi quây quần trước ngọn đèn, người thì tay cầm một quyển sách người thì cúi đầu viết, trong căn phòng tĩnh lặng, chỉ đôi lúc nghe thấy tiếng lật giở trang giấy.

Cánh cửa bị đá mạnh “bình” một tiếng, bốn, năm người đàn ông thân hình cao lớn lao vào, mặt lạnh như sương, ánh mắt như ngọn đuốc, nói “Ông là XXX phải không?”

Chồng tôi ngập ngừng đứng lên nói “Phải, là tôi”. “Chúng tôi là công an huyện, ông đã bị bắt! Mau đi theo chúng tôi!”

Tôi và con trai sợ hãi nhìn nhau, chỉ thấy mỗi bên là một công an, xốc nách chồng tôi đưa đi. Tôi vội vàng lao theo, bước qua con đường ngắn nhỏ lát gạch xanh ở trong sân, đến gần cánh cổng sắt nhỏ, ở trong vòm cổng, tôi nghe thấy tiếng cạch cạch khe khẽ. Còng tay! Còng tay! Tôi thực sự đã nghe thấy tiếng còng tay! Tim tôi đột nhiên như nhảy ra khỏi lồng ngực, toàn thân cứng đờ, giống như bản thân tôi cũng đang bị còng tay vậy. Chồng tôi bị công an xốc nách đưa đi, lúc này đột nhiên quay đầu nói: “Hãy chăm sóc tốt cho con!” Trong giọng nói có chút thê lương. Đối diện với những bóng đen đó, tôi vẫn có thể nghe thấy câu trả lời bình tĩnh của mình, “Anh yên tâm!”

Đêm mộng kinh hoàng. Tôi ôm con trai mới bảy tuổi vào lòng, đứa trẻ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện thế sự, nên vẫn có một giấc ngủ ngon, hơi thở đều đặn lên xuống. Trầm tĩnh. Lặng thinh. Một sự im lặng như đá. Lần đầu tiên tôi biết được rằng lặng im cũng là thứ hữu hình, tiếng mũi thở gần như có thể nắm gọn nó trong lòng bàn tay. Tôi và con trai lặng im sống qua ngày, không cười cũng không khóc, chỉ là lặng thinh không nhắc đến người đang bị mất tích.

Ngày mà chồng tôi bị đưa đến trại lao động là ngày 1 tháng 10, thị trấn được trang trí bằng những ánh đèn rực rỡ và nhiều màu sắc. Hoa cúc nở vàng, vàng đến mức chói mắt, những chùm hoa nở đỏ rực, đỏ như đang chảy máu vậy.

Vài ngày sau, tôi bình tĩnh nhận thông báo của trại lao động từ nơi làm việc của chồng. Thời gian: ba năm. Địa điểm: Trại lao động số 2 tỉnh Sơn Đông (Vương Thôn, thành phố Truy Bác).

Tôi lập tức đến xin lời khuyên từ một người bạn cùng lớp cấp ba, anh ấy và chồng tôi cùng thi chứng chỉ hành nghề luật sư trong một năm. Tôi muốn triệt để làm rõ, đứng từ góc độ pháp luật thì rốt cuộc chồng tôi đã phạm vào điều luật nào, mức độ đến đâu,…

Chồng tôi là một trong những học viên Pháp Luân Công đầu tiên bị đưa đến trại lao động tỉnh. Nghe nói, bởi vì có người viết thư ra nước ngoài bằng tiếng Anh, trong đó tiết lộ rằng chồng tôi đang chịu đói chịu rét ở trong trại tạm giam, bị người ta đánh gãy gân cốt. Người ở trên tỉnh biết tin đã vô cùng tức giận, ra lệnh trừng phạt nghiêm khắc.

Đây cũng là lần đầu tiên bạn học cũ của tôi tiếp xúc với vụ án về Pháp Luân Công, anh ấy tỏ ra có chút bối rối. Vậy nên anh bắt đầu nghiên cứu từ “Hiến pháp”, “Luật hình sự”, “Luật tố tụng hình sự”, trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, điều luật. Đợi một lúc sau, bạn học cũ từ đống giấy tờ ngẩng mặt lên cau mày nói: “Thật kỳ lạ, từ các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay mà xét, Pháp Luân Công không hề có tội danh nào về mặt hình sự. Luyện công không có tội, tín ngưỡng không có tội, thỉnh nguyện lại càng là quyền lợi chính đáng của công dân Trung Quốc. Còn nữa, theo nghĩa chặt chẽ mà nói, bản thân chế độ lao động cải tạo ngược lại mới là vi phạm pháp luật”.

Nghe đến đây, tôi như chết lặng. Không có tội? Không có tội? Vậy thì những năm tháng bị giam giữ, quản thúc, giám sát, lao động cải tạo, cách chức, phạt tiền, những bài viết phê bình nhiều như tuyết rơi, những bình luận như những mũi tên sắc lạnh vô tình trên truyền hình, hết thảy của hết thảy những điều này thì tính sao đây? Một cỗ máy nhà nước uy nghiêm và khổng lồ, giống như những chiếc xe tăng trong vụ thảm sát Thiên An Môn, ầm ầm lăn bánh, để lại trên mặt đất toàn là máu và nước mắt.

Tôi nhớ đến chồng mình mà vò đầu một cách đau đớn, nhắm mắt lại rồi tự đập mạnh đầu vào tường. Mặt tôi lúc đỏ lúc trắng, cảm thấy tức ngực, không khỏi thở hổn hển như con thú bị mắc bẫy, bạn học cũ lo lắng nhìn tôi nói: “Nếu hai mẹ con gặp khó khăn có thể tới tìm tôi. Nhiều nhặn thì không có nhưng vài bữa ăn thì không thành vấn đề”.

Đêm hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ, nước mắt chảy ướt đẫm áo. Không muốn ảnh hưởng đến con trai, cứ để cho những giọt nước mắt lặng lẽ như máu chảy. Tôi khóc, tôi khóc cho chồng tôi, tôi khóc cho những học viên Pháp Luân Công bị hàm oan nhưng không hề phản kháng, tôi khóc cho bước đi gian truân từ lúc sự kiện Lục Tứ ở Thiên An Môn đến khi bị sa thải, càng khóc cho tổ quốc mà tôi luôn yêu dấu, khóc cho pháp luật mà tôi luôn coi trọng.

Tình hình càng lúc càng trở nên nghiêm trọng hơn, từng lô những người tu luyện Pháp Luân Công bị bắt, bị xét xử, bị đưa đến trại lao động ở các nơi. Thỉnh thoảng tôi gặp những người quen khi đi trên phố, chỉ dám đưa mắt nhìn nhau và gật đầu nhẹ mà thôi. Trong mắt của nhau là nỗi buồn thương vô tận.

Có rất nhiều báo cáo trên tất cả các kênh truyền hình lớn nói rằng các học viên Pháp Luân Công tự thiêu và giết người. Những cảnh tượng đẫm máu khiến người ta kinh hãi. Những học viên trước đây nhắm mắt thiền định dưới ánh nắng ban mai giờ đây được miêu tả là những hồn ma mặt xanh và có răng nanh. Ánh mắt ghê tởm và sợ hãi của công chúng đã khiến những con người lương thiện và ôn hòa này bị cả thế giới bỏ rơi, vạn kiếp bất phục.

Hãy khóc đi, khóc đi
Khóc ra rồi sẽ ổn thôi

Gió bắc lạnh thấu xương, cái giá buốt của mùa đông như muốn giết chết vạn vật.

Chồng tôi bị bắt lao động cải tạo, giống như một trận bão đi qua, trong sân nhỏ chỉ còn lại là một vùng lộn xộn. Hoa rơi không quét, lá vàng phiêu linh, một ngày dài như một năm, mười mấy ngày qua đi, mọi thứ như đã trải qua trong mấy kiếp người.

Trung Thu rồi. Sau một hồi dò dẫm, tôi đã tới Vương Thôn, Truy Bác. Một người già chỉ đường cho tôi nói rằng trại lao động ở đây có quá nhiều người, sợ rằng phải xây thêm phòng mới, lần trước là các sinh viên trong sự kiện Lục Tứ, lần này là Pháp Luân Công.

Cửa lớn đóng chặt, sân ở sâu bên trong. Tôi ở ngoài cửa đợi rất lâu, cuối cùng có người nói với tôi, chồng tôi không có ở đây, trại lao động không có người này. Tôi lập tức mặt nặng như chì nói: “Không được! Trại lao động đã thông báo viết như vậy. Một người còn sống sờ sờ, làm gì có chuyện nói không có là không có? Tôi đợi ở đây, sống phải thấy người, chết phải thấy xác”.

Trời dần dần tối, dáng người mờ ảo như những cái bóng. Gió thu se lạnh, tôi đưa hai tay ôm chặt lấy vai mình. Có một người phụ nữ trung niên ôm cánh cửa sắt đang khóc. Nghe nói bà ấy đã đứng ở đấy một ngày một đêm rồi, dáng người lao đao như sắp ngã. Bảo vệ ở cổng cuối cùng cũng đến: “Có một người như vậy. Không chịu chuyển hóa. Theo quy định không cho gặp người nhà”.

Người còn là tốt rồi. Mắt nhìn về phía trời tây, mặt trăng dần nhô lên, những ngọn núi nhỏ của thôn Truy Bác trang nghiêm thinh lặng.

Về đến nhà, đêm đã khuya, trăng sáng như ban ngày, mặt đất một màu thanh bạch. “Con trai, con ở đâu đấy, mẹ mua bánh trung thu về đây”. Hơn mười ngày sau, bố chồng tôi mắc bệnh qua đời. Khi tin dữ truyền đến, tâm trí tôi hỗn loạn. Về quê, thấy những người trong xóm không tuyệt tình, trong lòng có chút yên tâm. Trên đường đi, tôi vẫn lo lắng không có ai đến mặc niệm. Nước mắt chảy thành sông, lại khóc thành tiếng, người thân bạn bè mỗi người một bên đỡ tôi nói: “Khóc đi, khóc đi, khóc ra rồi sẽ ổn thôi”.

Con trai bảy tuổi của tôi rất hiếu thảo, đảm nhận trách nhiệm của cha, đeo khăn tang đi trước đoàn tang lễ chỉ đường cho ông nội về với tổ tiên. Đứa bé thấp quá, chỉ đành đứng trên một chiếc ghế gỗ và nói “Ông ơi, hãy đi về Tây phương nhé. Ông ơi, hãy đi về phía Tây phương nhé!”. Người lớn kéo thằng bé, lúc đứng lúc quỳ, hành lễ theo nghi thức. Khi viên ngói bị ném mạnh xuống đất, hiếu tử quỳ xuống, tiếng tang thương vang khắp nơi. Khu phố đông đúc người xem, ai nhìn thấy cảnh này cũng bật khóc.

Thế giới trong nước mắt, vừa tươi sáng vừa mờ ảo. Có con trai lại không thể đưa cha ra đồng vào lúc cuối cùng, đây là tội lớn ở nhân gian. Chỉ thấy rằng trong lòng trống rỗng, đầu óc cũng trống rỗng. Không biết mình đang ở đâu và giờ là năm nào, tháng nào.

Nỗi đau của ngày hôm nay, đã đau đớn lắm rồi. Ruột gan như bị cắt. Ông trời ơi! Hãy giết con đi.

Thời gian dường như đột ngột trôi qua, những góc tường bằng gạch đỏ của sân nhỏ bị rêu phong bao phủ. Hai chân tôi ngày càng nặng trĩu, tôi thường xuyên bị cảm lạnh và đột nhiên trở nên yếu ớt như một bà lão ở tuổi tám mươi.

Tôi không còn đi ra ngoài, chỉ dành cả ngày chăm sóc con trai. Tôi mua một vài con họa mi và còn mua một cặp thỏ xanh xám. Đợi con trai tôi đi học về, mấy miếng khoai lang vàng đã sôi lăn tăn trên bếp, ngồi trên ghế đẩu nhỏ, hai tay hơ trên bếp để xua đi khí lạnh khắp người. Tôi đã từng cho rằng, thế giới rất lớn nhưng giờ đây hai mẹ con tôi chỉ có hai gian nhà, một cái bếp lửa mà thôi.

Rất nhanh, trong thành phố truyền tin rằng khu nhà của chúng tôi ở khu vực trung tâm thành phố nhộn nhịp đã được lên kế hoạch phá bỏ. Mà đơn vị của chồng tôi đang góp vốn để xây nhà, sắp tới sẽ thi công.

Phải làm sao đây? Không có tiền, hai mẹ con chúng tôi sắp tay trắng và phải sống run rẩy dưới gió và sương lạnh giá khắp trời.

Nhìn vào bếp lửa, tôi trầm mặc ngày qua ngày.

Từ ngày chồng bị còng tay cho đến nay, vỏn vẹn chỉ vài tháng, tôi đã tan cửa nát nhà, không thấy hi vọng.

Nếu có thể, xin hãy để chúng tôi yên. Hãy để tôi liếm lên đôi cánh đẫm máu của mình, gió và mưa dữ dội, trời đất đảo lộn, lông vũ của tôi tan nát, và mặt đất là một mớ hỗn độn.

Nhưng hôm nay, tôi cảm thấy mình như một con thú đang ngủ đông bị người ta túm cổ lôi ra khỏi hang tối.

Tâm hồn phụ nữ mong manh bị buộc phải đối mặt với thế gian ác nghiệt này.

Đúng, ta có thể rút lui, ta có thể nhượng bộ, nhưng cho dù ngươi lấy danh nghĩa quốc gia thần thánh để phá hoại tổ ấm của ta và làm tổn thương đứa trẻ non nớt đó, vậy thì ta sẽ dùng sự tôn nghiêm và cả mạng sống của ta để nói với ngươi rằng: KHÔNG! KHÔNG THỂ ĐƯỢC!

Đêm đó, cảm thấy như có lửa đốt trong mắt, tôi hạ bút thành văn viết dưới ánh đèn: Muốn nộp đơn khiếu nại hành chính, tố cáo Cục thuế Quốc gia đã phạt tôi một khoản tiền lớn, bắt tôi phải đóng cửa tiệm. Những cuốn sách Pháp Luân Công bán trong cửa hàng đều là phát hành hợp pháp, được kinh doanh theo quy định của pháp luật, nếu đã ra tay tàn độc như vậy, chặn đứng đường sống của người khác, được thôi, chúng ta sẽ công khai gặp nhau ở tòa!

Ngày mai, tôi sẽ không chần chừ nữa, mang theo Hiến pháp, bộ luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, đến thẳng đội cảnh sát hình sự bộ công an, trả lại cho tôi tiền bảo lãnh chờ xét xử! Nói xem Pháp Luân Công có chỗ nào không đúng luật, tôi muốn hỏi xem, các người là công an hay là thổ phỉ?

Cho dù đêm có dài nhưng tôi tin ngày mai mặt trời vẫn sẽ mọc.

(Còn tiếp)

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/291523

https://www.epochtimes.com/gb/19/9/21/n11536711.htm



Ngày đăng: 14-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.