Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (15)



Tác giả: Lan Tâm

[ChanhKien.org]

Con gái của lão Vương

Một ngày nọ, chồng nói với tôi: “Có cô con gái của một người bạn cùng chung hoạn nạn với anh, học chuyên ngành tiếng Anh, đạt trình độ cấp 8, hiện đang ở nhà không làm gì, liệu có thể đến chỗ chúng ta dạy học không?” “Tốt quá, có gì không ổn đâu?”

Vài ngày sau, một cặp cha con từ bán đảo Giao Đông đến. Người cha đã trung niên, không cao lắm, nhưng đôi mắt như luôn mỉm cười, ấm áp và trong sáng như một tia nắng buổi sáng, khiến người ta vừa nhìn đã cảm thấy gần gũi.

Chỉ là cô con gái, sắc mặt tái nhợt, ánh mắt vô hồn, ngồi đó im lặng không nói cũng không động đậy, như một bức tượng đá. Ban đầu tôi không để ý lắm, tiếp tục trò chuyện vui vẻ. Đến giờ ăn, ba đĩa thức ăn và sáu bát, bàn ăn đầy những món ngon màu sắc tươi tắn. Nhà có khách phương xa, tất nhiên phải tiếp đãi long trọng. Cô gái đứng thẳng bên tường, không động đậy, như thể bị ai đó dùng thuật định thân định lại, khuôn mặt đầy vẻ hoảng sợ, ánh mắt mờ đục. Tôi cười mời cô ngồi xuống, nhưng cô vẫn như cây cối cắm chặt rễ, không chịu nhúc nhích dù chỉ nửa bước. Người cha nhìn con gái với ánh mắt đầy thương xót, tiến lên nắm tay cô, nói dịu dàng: “Không sao đâu, không sao đâu, mọi thứ ổn cả. Cô đây là người tốt, con đừng sợ, ngồi đi nhé”. Cô gái giống như một cái máy, ngồi xuống một cách cứng nhắc, hai tay rũ xuống, ánh mắt vẫn hoài nghi, như không biết phải làm gì. Lúc ấy, người cha lại ân cần cầm đũa, nhét vào tay cô.

Đêm đã khuya, khách đã ngủ, tôi mới khẽ hỏi chồng: “Cô bé này sao vậy?” Chồng tôi thở dài: “Con bé là một sinh viên đại học bình thường, nhưng đã bị giam trong trại lao động cải tạo mấy năm, ra ngoài thì trở thành như thế này”.

Kể về bán đảo Giao Đông, nơi đây từ xưa luôn là vùng đất lãng mạn và phồn vinh. Câu nói “Lâu đài thành phố biển” và “Bồng Lai tiên các” đều là chỉ nơi này. Nơi đây núi non hùng vĩ, non xanh nước biếc, dân tình chất phác, từ hai nghìn năm trước, đây là vùng đất của quốc gia cổ đại Tề Lỗ, cũng là quê hương của Khổng Tử và Mạnh Tử.

Lão ca họ Vương, sống ở một thị trấn nhỏ ở Yên Đài, gia đình có năm người, tất cả đều là người tu luyện. Gia đạo hưng vượng, nuôi dạy con cái rất tốt, ba người con đều là sinh viên đại học, trong làng truyền tụng khắp nơi.

Cô con gái lớn đã lấy chồng, có một cậu con trai đáng yêu, trắng trẻo mập mạp, nhìn giống như một đứa trẻ bằng bạc. Cả gia đình chăm sóc cậu bé như trân bảo, yêu thương vô cùng. Tuy nhiên, khi Pháp Luân Công bị đàn áp, người mẹ trẻ đã ôm con trai vượt ngàn dặm đến Bắc Kinh, chỉ vì muốn đòi lại công đạo cho Đại Pháp. Vào buổi sáng, họ bị bắt ở Quảng trường Thiên An Môn, buổi chiều, cả mẹ con cùng nhảy từ tầng 18 xuống. Người mẹ chết ngay lập tức, cổ gãy ngay tại chỗ, đứa trẻ mới tám tháng tuổi, trên cổ chân còn vết hằn sâu do bị buộc chặt. Mẹ con đoàn tụ, sinh tử cùng nhau. Trên con đường xuống hoàng tuyền, linh hồn nhỏ bé ấy sẽ mãi mãi vương vấn mẹ mình.

Trời đất như sụp đổ. Mặt trời rơi xuống, thiêu đốt tất cả. Mặt đất rộng mênh mông, linh hồn cháy khô, tàn tạ.

Thi thể cô con gái lớn còn chưa lạnh, cha và cô con gái nhỏ lần lượt bị đưa đi trại lao động cải tạo, còn cậu con trai thì nghe tin mà bỏ trốn, lang bạt khắp nơi.

Ngày hôm sau, người cha vẫn mỉm cười, nụ cười ấm áp như gió xuân. Nhưng tôi thì lại cảm thấy buồn bã, tâm trạng nặng trĩu. “Con trai nhà anh đâu rồi? Nó có ổn không?” “Ổn! Ổn! Nó không còn là đứa trẻ nữa, đã thành gia lập nghiệp, là người lớn rồi. Những năm đó, nó tự mình ra ngoài làm xây dựng, khiêng gạch trát vữa. Không nhờ vả gì đến cha mẹ, một mình tự lo, giống như chim én xây tổ, lấy vợ, sinh con, truyền lại dòng máu của gia đình họ Vương. Thằng nhỏ thật không dễ dàng”. Đó là một người cha dịu dàng, nụ cười của ông đầy sự yêu thương và cưng chiều.

Những năm qua, tôi đã thấy quá nhiều thủ đoạn quái gở, những trận mưa máu gió tanh, ngay cả khi là một người phụ nữ yếu đuối, tôi cũng có cảm giác muốn cầm dao trong tay, xông ra ngoài đối đầu với kẻ thù. Mỗi khi đến những cơ quan chính phủ, đối diện với những quan chức quyền cao chức trọng, tôi không thể không nói những lời cay nghiệt, vung ra những câu tổn thương.

Nhưng sau khi trải qua tất cả những lần sống sống chết chết, những cuộc lang bạt đầu đường xó chợ, lão Vương vẫn giữ được sự thiện lương, vẫn như một cơn gió xuân ấm áp, nhẹ nhàng và thanh thản. Tôi không biết phải diễn tả thế nào, dường như tất cả ngôn ngữ của nhân loại đều quá mờ nhạt để có thể diễn tả hết cảm xúc này.

Người cha dịu dàng khuyên con gái ở lại. Cô gái nắm chặt tay áo cha, nước mắt lưng tròng, khuôn mặt đầy vẻ không nỡ. “Về nhà, về nhà. Không đi đâu hết, về nhà, về nhà, con muốn về nhà”.

Lúc đó, tôi và chồng vốn muốn giữ cô lại, nhưng nhìn thấy nỗi sợ hãi trên gương mặt cô, tôi không thể không cảm thấy thương xót. Không biết những năm tháng trong trại lao động cải tạo đã khiến cô sinh viên đại học này phải chịu đựng những gì. Vì vậy, tôi buồn bã, lựa chọn buông tay.

Con à, con, đứa con mà chúng ta luôn thương yêu, luôn lo lắng, con là tất cả những gì chúng ta gắn bó, là tình cảm mà chúng ta đặt trọn vẹn vào. Gió bão điên cuồng, trời đất thay đổi. Dù phải dùng máu, dù phải dùng nước mắt, dù phải dùng cả cuộc đời này, những bậc làm cha làm mẹ, sẵn sàng đốt hết ánh sáng cuối cùng của mình để soi đường cho các con trong cuộc đời này.

“Dù tay các người có dài đến đâu, cũng không thể quản được cả thế giới!”

Văn phòng 610 được đặt ngay tại Ủy ban Chính trị Pháp luật địa phương, một căn phòng nhỏ, chỉ có hai ba người ngồi, nhìn bề ngoài có vẻ là một cơ quan không đáng chú ý, nhưng lại là trung tâm thần kinh quan trọng. Các cơ quan nhà nước lớn như công an, kiểm sát, tòa án, và bộ máy hành chính khác, chỉ bất quá là những con rối bị điều khiển, chỉ biết tuân theo mệnh lệnh.

Chồng tôi chỉ chấp hành án ngoài trại giam, mỗi tháng phải đến trại lao động cải tạo báo cáo và nộp các tài liệu cho văn phòng 610 địa phương. Một ngày nọ, chồng tôi có việc không thể đến, đành để tôi thay anh đi. Người nhận tài liệu là một thanh niên khoảng ba mươi tuổi, đầu tóc cắt ngắn, gương mặt ngay thẳng, dáng vẻ nho nhã, lịch sự. Sau bao năm tháng chịu đựng nhục nhã, tôi đã trở thành một quả pháo, chỉ cần châm lửa là nổ, lời nói cũng mang một chút vị thuốc súng: “Người thì các anh đánh đã đánh đập, bắt đã bắt rồi, không cần phải nói về anh ta nữa. Việc quá quắt nhất là, phàm là gia đình ba thế hệ có liên quan đến sự kiện Lục Tứ, Pháp Luân Công đều không được tham gia quân đội, thăng chức. Cán bộ nhà nước, nhân viên nhà nước đều không được nhận. Bây giờ đâu phải thời kỳ của Tần Thủy Hoàng, các anh đang làm cái gì thế? Các anh đang muốn chu di cửu tộc sao? Lũ trẻ có tội gì chứ?” Thanh niên đó bỗng đỏ mặt, không dám nhìn thẳng vào tôi, cúi đầu nói: “Đó là quyết định từ cấp trên, chúng tôi không có cách nào khác, chỉ biết chấp hành thôi”. “Tôi chỉ có một đứa con, IQ 140. Dù có phải bán nhà bán cửa, tôi cũng phải đưa nó đi du học! Dù tay các người có dài đến đâu, cũng không quản được cả thế giới!”

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/19/12/21/n11736777.htm



Ngày đăng: 07-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.