Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (8)



Tác giả: Lan Tâm

[ChanhKien.org]

Người nhà làm thuyết khách

Trại tạm giam cách thành phố không xa, chỉ là bị che khuất bởi một vài nhà hàng và bóng cây, bình thường khó mà thấy được. Đi qua một con đường vắng, khắp nơi là đất mặn loang lổ, cỏ dại mọc um tùm, quả thực có tường cao lưới điện, tháp canh lính gác giống như trong truyền thuyết. Vừa mới trải qua hồng trần vạn trượng, hào hoa rực rỡ, đột nhiên thấy cảnh tượng này, tim tôi bỗng đập loạn nhịp, như tiến vào giấc mộng.

Những ngày đầu tiên, người thân bạn bè có thể tùy ý ra vào, những học viên Pháp Luân Công lại được tạm giữ ở trong một dãy văn phòng riêng biệt. Hầu như ngày nào tôi cũng đến thăm, khi thấy tiên sinh nhà tôi, tôi cũng không nói nhiều, lòng tôi cứng hơn đá, nói có ích gì.

Các học viên trong thành phố đều là bạn cũ, một số phụ nữ trẻ đến từ các làng mạc và thị trấn, dáng người mềm mại, khí chất như hoa lan, sự trong sáng và kiền tịnh nội tại của họ khiến ai gặp cũng đều khó quên. Tôi ấn tượng sâu sắc nhất với một vị tên là Tú Diệp, luôn tươi cười và điềm tĩnh. “Tai nạn xe khiến tôi phải nằm tại giường ba năm liền, là Pháp Luân Công đã cứu tôi. Đại ân không có lời nào có thể báo đáp, bảo tôi nói xấu Sư phụ, có đánh chết tôi cũng không làm”. “Đừng cố chấp nữa, con trai cô có bệnh, lại sắp thi đại học, chỉ cần viết tờ cam kết không luyện công, chúng tôi ngay lập tức sẽ thả cô về nhà”. “Điều này không được? Có gì nói đó, tùy tiện nói lời dối trá, điều này tôi không làm được”. Tú Diệp nói chậm rãi, nhỏ nhẹ nhưng kiên quyết không thỏa hiệp. Cảnh sát sau nhiều lần nỗ lực, chỉ đành lắc đầu rời đi.

Hết đợt này lại đến đợt khác, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, bạn học, giống như thủy triều vỗ bờ, quan chức sử dụng hầu hết mọi mối quan hệ của các học viên Pháp Luân Công, giống như dòng xoáy nước ở những con sông lớn, ồn ào, bắn bọt sóng tung tóe. Lúc thì tận tình khuyên bảo, lúc lại giận dữ trách móc, có người thì giấu nước mắt rời đi, có người rời đi không thèm ngó ngàng. Những người tu luyện Pháp Luân Công kiên cường này, giống như những tảng đá trên bờ biển, bất chấp gió cao sóng dữ, thủy triều lên xuống, họ vẫn đứng sừng sững, mặc kệ những lời luận bàn của thế nhân.

Con trai lặng lẽ kéo tôi sang một bên, nhỏ giọng nói: “Mẹ ơi, chú cảnh sát cho con kẹo mút”. “Ồ?!” “Chú ấy còn hỏi con, ai đã cùng với bố thảo luận về việc thỉnh nguyện luyện công?” “Vậy con nói sao?” Tôi nắm vai con trai. “Mẹ!” Con trai tôi giãy nảy phản kháng: “Con đâu có ngốc. Con vừa ăn kẹo vừa nói với chú ấy, con không biết gì hết, không nghe gì hết”. “Tốt lắm”. Tôi cảm động véo má con trai, trong tâm cảm thấy tự hào, không hổ danh là con trai của mẹ, giỏi lắm!

Ngày ngày ra vào, những người nhà dần dần trở nên quen thuộc, thường xuyên trao đổi tin tức. Ai cũng tiều tụy lo lắng, tinh thần tổn hại rất nhiều. Không biết sẽ phải đối diện với nhau thế nào, kiên trì không lùi bước, sau này sẽ có kết cục gì.

Chồng tôi bị ném vào nhà lao

Cuối cùng, phía quan chức đã hết kiên nhẫn. Đưa tất cả các học viên Pháp Luân Công tống vào nhà giam. Giống như mỗi đàn ong đều có một con ong chúa, ngồi ở trên cao, không cần sản xuất, mỗi nhà giam đều có một trùm cai ngục, hô mưa gọi gió, hiệu lệnh trên dưới. Đa số là tội nhân xuất thân từ lục lâm giang hồ, hung thần ác sát. Khi một người lần đầu tiên bước vào phòng giam, chắc chắn sẽ có một nhóm người vây lấy anh ta, động tay động chân, cùng nhau đánh đập khiến anh ta nằm dưới đất không dậy được. Người thành phố thường là những người trói gà không chặt, người ta là dao thớt, mình là cá thịt, hễ tiến vào, tùy ý xử trí, huống hồ là những học viên Pháp Luân Công đả bất hoàn thủ mạ bất hoàn khẩu, quả đúng là cừu trước miệng hổ chịu đủ mọi chà đạp.

Mùa đông năm ấy, nước nhỏ giọt thành băng. Chồng tôi bị cạo trọc đầu, rụt cổ co lưng, sắc mặt như đất. Tôi nhìn thấy, trong tâm chấn động, không nói lên lời. Chỉ còn cách nhờ người quen mang vào vài lần màn thầu, vài túi bánh bao. Nghe nói, đồ ăn trong tù cực kỳ nghèo nàn, mỗi ngày chỉ được ăn hai cái bánh bao to bằng nắm tay của đứa trẻ.

Cho dù là vậy, bởi vì nhà ở trong thành phố, sớm tối có người chiếu cố, tình huống của chồng tôi không phải là tệ nhất. Tú Diệp do không có ai ở đây, gia cảnh lại khó khăn, nên phải chịu khổ nhiều hơn. Vào một ngày lạnh giá, gió rét thổi buốt giá, cảnh sát đổ đầy nước lạnh vào phòng giam của cô, không cung cấp quần áo và chăn đệm. Ban ngày mặt đất phủ đầy băng, ban đêm ngồi co ro trên nền bê tông lạnh lẽo. Bên ngoài cửa phòng giam, luôn có người theo dõi, hễ muốn đả tọa luyện công, liền bị đấm và đá. Một tháng qua đi, cuối cùng bệnh cũ tái phát, không thể đứng thẳng, chỉ đành dùng cả tay và chân bò ở trong nhà giam.

Khi thời hạn tạm giam của chồng tôi đã hết, sau một tháng quay về nhà. Xương sườn trái thường xuyên đau nhức, nếu vô tình chạm vào sẽ hít một hơi đau đớn. “Sao vậy?” Chồng tôi không muốn nói chi tiết, chỉ nói “Có lẽ đã đứt một cái xương, ở trong nhà giam bị người ta đánh. Đứng đầu trại giam tên là Lưu Cang, nổi tiếng lưu manh. Đại đội trưởng đội cảnh sát hình sự thường sắp đặt anh vào đó”. Tôi có thể nói gì đây? Chỉ đành thở dài mà thôi.

Mấy lần vào rồi lại ra, quản thúc, tạm giam đã trở thành thông lệ. Từ lâu tôi đã nghe những bậc trưởng lão nói qua, rằng sau năm 1949, phàm là những người tin Phật, tin Đạo, nói những gì là tích đức hành thiện, không chịu sửa đổi, thì bị bắt vào trong nhà giam, ai cũng đừng mong có thể quay về, tội danh là “những kẻ theo đạo phản cách mạng”. Lúc đó nghe xong cũng không để trong tâm, còn cười nói, người tranh nhau khẩu khí, Phật tranh hương khói, lẽ nào Marx bên phương Tây tranh vương đạo, nhất định phải dùng nắm đấm sắt đối với phong tục cổ Nho Thích Đạo?

Người chồng mới ngoài 30, thân hình gầy gò như khúc gỗ khô

Vào một đêm trăng sáng đầy sao, chồng tôi bị một nhóm cảnh sát trói và đưa đi khỏi nhà. Anh bị đưa đến Truy Bác, Vương Thôn, trại lao động số 2 tỉnh Sơn Đông.

Một tháng sau, bố chồng tôi qua đời, chồng tôi cũng không thể về nhà tiễn biệt lúc lâm chung. Đợi đến khi hai vợ chồng gặp nhau, mộ của người cha chồng tội nghiệp đã phủ đầy cỏ xanh, trời và người xa cách, quay đầu nhìn lại đã trăm năm rồi.

Khi chúng tôi gặp nhau cách một cửa sổ, người chồng mới ngoài ba mươi tuổi giờ đã gầy gò như gỗ khô, như thể một cái cây cao bị đốt cháy, mắt nhìn quanh đều là khói lửa. Chồng tôi càng trầm mặc hơn, thì thầm không nói lên lời, hai mắt đờ đẫn, như giếng khô không có một gợn sóng nước. Toàn thân anh khom xuống, gầy đến mức mất hết cả vóc dáng.

Khi nhìn thấy chồng tôi giống như một bức tượng đất, trong tâm tôi nặng trĩu như bị tảng đá đè, không biết anh ở trong ngục đã phải chịu đựng những gì, mới có mấy tháng đã trở thành bộ dạng như vậy. Gặp nhau đã khó, ly biệt càng khó hơn, cái quay đầu trước khi sắp rời đi sao mà khó đến thế. Tiếc cho chồng tôi vốn là con một trong nhà, tính cách thanh cao, giờ đây ngọc bị phủ bụi, bị người ta chà đạp.

Hiện giờ, khắp trời là mưa gió, tôi chỉ có thể trở thành cái cây lớn, đứng vững không đổ, cố hết sức vươn cành lá, bảo vệ từng tấc đất trong nhà. Nghĩ lại 900 năm trước, Nhạc mẫu mang theo con nhỏ ngồi trong cái thúng trôi nổi trên dòng nước lớn ở giữa đất trời, chẳng phải cũng là bốn phía mênh mang, sinh tử không biết được hay sao? Hậu nhân của trung thần, tự có rồng trời chiếu cố. Tin rằng hết thảy đều sẽ qua, cuối cùng rồi sẽ phải trả lại cho tôi trời đất sáng tỏ, thanh thiên bạch nhật.

Một tháng thăm thân nhân một lần, mỗi lần một bức thư, người ở trong lao ngục, thư từ nhà quý giá ngàn vàng, mỗi lần đều viết một chập dày. Đêm khuya cô độc cùng ánh đèn, đứa trẻ đã ngủ sâu giấc, vài lần rơi lệ, bức thư ướt đẫm nước mắt, lại không dám khóc thành tiếng nức nở.

Đây có còn là tổ quốc của chúng tôi không?

Tôi nghe được tin đồn rằng nữ chủ hiệu sách ở Tế Nam đã bị đưa đến trại lao động. Người thanh niên cao lớn vác bao tải cho tôi, Lưu Kiện, bị nhốt vào một chiếc lồng sắt nhỏ và bị tra tấn đến chết trong vài tháng.

Chết rồi sao! Lưu Kiện? Chàng trai trung hậu và cường tráng đó? Hình bóng của cậu ấy khi vác bao tải, và dáng người vững chắc như một ngọn núi ấy, dường như đang ở ngay trước mặt tôi. Tôi không thể tưởng tượng được rằng một đại hán to lớn đến từ Sơn Đông lại bị nhốt vào chuồng chó.

Tin tức khủng khiếp này như một bóng ma bóp nghẹt cổ họng tôi, khiến lồng ngực tôi nghẹn cứng không thở được.

Tôi không tin điều đó! Tôi không tin điều đó! Tôi thực sự không dám tin! Tại sao? Tại sao vậy?

Tâm trạng của tôi ngày càng trở nên tồi tệ, sự tức giận và tuyệt vọng chồng chất như một ngọn núi, cuối cùng khiến chân tay của tôi trở nên nặng trĩu và tôi gặp khó khăn khi đi lại, phải dùng cả hai tay để bám lấy bàn mới có thể đứng thẳng lên.

Tôi không đi ra ngoài nữa. Trên thế giới này đã không còn đường có thể đi nữa. Không có vương pháp, không có đúng sai, chỉ có quyền lực vô lý. Nếu bạn thỉnh nguyện lên cấp trên, bạn tranh cãi, bạn sẽ bị xiềng xích và tống vào tù. Bạn chết rồi, xương cốt gãy vụn, trái tim bạn chảy máu, bạn gào thét với trời đất. Đêm dài như chết, tấm màn sắt nặng nề ngăn cản không cho bạn phát ra một âm thanh nào.

Thân người như cây nhỏ, mạng sống mong manh như con kiến nhỏ.

Tổ quốc ơi, quê hương ơi! Đây có phải là tổ quốc mà chúng ta trân trọng và phấn đấu?

Tôi thề rằng, từ nay về sau tôi sẽ không bao giờ ca ngợi mảnh đất này nữa!

(Còn tiếp)

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/292229

https://www.epochtimes.com/gb/19/11/2/n11629034.htm



Ngày đăng: 08-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.